Thời sự _ cặp vợ chồng cực kỳ gian ác

Có một cặp vợ chồng cực kỳ gian ác
Khi được học hành đến nơi đến chốn, các em sẽ hết dốt. Khi đã hết dốt, các em sẽ biết phải làm gì để thôi nghèo.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
Sapa 22.12.2013
Mình tạm biệt Sơn Tây vào lúc 9 giờ 30 tối hôm qua. Sáng nay mình tới bến xe Lào Cai vào lúc 5 giờ 30. Vừa ra khỏi xe thì có người chào.
-  Chào cha cố
-  Tại sao anh biết tôi?
-  Con gặp cha nhiều lần ở Tòa Giám Mục rồi. Cha Bình bảo con đi đón cha đây. Cha muốn ghé thăm Cha Thành hay đi thẳng về Sapa?
-  Đi Sapa luôn. Giờ này vào nhà xứ nào cũng bị hố. Một là cha xứ đang đi "ấy". Hai là bố đang sửa soạn đi dâng lễ...
Mình tới Sapa vào lúc 6 giờ 30. Bắt tay chào Cha Bình. Nghỉ một tí. Ăn một tí. Đọc kinh hai tí, rồi đi thăm người và đi xem phong cảnh hết một buổi sáng. Từ trên sân nhà thờ nhìn xuống phố: chỉ thấy khách du lịch đi đứng lố nhố. Chẳng biết ai gầy, ai béo. Chẳng biết ai đẹp, ai xấu. Chỉ thấy những bộ quần áo dày cộm và những cặp mắt hấp háy. Nhưng hình ảnh gây ấn tượng nhất vẫn là những người phụ nữ Hơ-mông: lùn lùn, tròn tròn, bùm kín bằng vài thổ cẩm, địu con sau lưng, đi tới đi lui như dòng chảy của con suối.
Họ cố tình gây chú ý để tiếp cận khách du lịch, may ra bán được một cái mũ thổ cẩm, một đôi xuyến bằng bạc. Thu nhập chẳng là bao, nhưng vẫn hơn là làm ruộng. Có ai đó đã hãnh diện tuyên bố: "Phú quý nhà quê, không bằng ngồi lê ngoài chợ".
Cũng từ sân nhà thờ, mình nhìn lên dãy núi Hàm Rồng vừa hùng vĩ vừa duyên dáng với màu xanh lam nấp sau màu xanh lục, vừa xanh biêng biếc, vừa xanh thăm thẳm. Đẹp quá! Thế nhưng tại sao lại có những mảng trắng nằm rải rác trên nền xanh một cách thiếu nghệ thuật đến thế? Người ta đua nhau trả lời: “Tuyết đấy”. Người Hà Nội đua nhau lên Sapa để xem tuyết: “Đẹp như tuyết ”, “Trắng như tuyết”. Thế nhưng…ở Sapa có những người nghèo khóc nấc lên vì tuyết. Tại sao? Để đấy.
Sapa 23.12.2013
Sáng nay mình đi dâng lễ ở Hầu Thào, cách Sapa 7 km. Khi xe gần tới nhà thờ, thì bỗng dừng lại ở đầu con dốc. Bác tài xế kiêm chủ xe khiêm tốn thanh minh với hành khách:
-  Phải đi bộ thôi. Ngọn tre gãy ngang thân thò xuống, mui xe cao không chui qua được.
-  Tại sao kỳ cục vậy?
-  Tại tuyết. Tuyết rơi trên ngọn tre, nhẹ như bông gòn. Nhưng tuyết chồng lên tuyết, biến thành băng giá, nặng như nước đá, đè lên thân cây. Cây tre đực dày và cứng thì đứng vững. Cây luồng vừa to vừa mỏng không đủ sức chống đỡ, đành gãy ngang thân, xé toạc ra thành nhiều mảnh. Một cây tre thẳng tắp cao vút trị giá từ bốn đến năm chục nghìn, bây giờ bị tuyết bẻ gãy, bán chạy, bán tháo chả ai mua. Cho không cũng chả ai lấy. Đau xót vô vàn! Sau khi bẻ gãy hàng ngàn cây tre, tuyết còn bẻ gãy cành đào, cành mận; tuyết còn đạp nát những vườn rau và vườn hoa. Dân đang nghèo bây giờ lại nghèo hơn. Tất cả chỉ vì tuyết. Tuyết làm vui mắt người giàu. Tuyết làm ứa lệ người nghèo. Tuyết là người đẹp tàn nhẫn.
Sapa 27.12.2013
Cha Bình dành trọn hai ngày rưỡi để đưa mình đi thăm các cụm giáo dân thuộc tỉnh Lai Châu. Đó là San Thàng, Mường So, Nậm Tăm, Huổi Bắc, Nậm Pắt, Bình Lư, Nậm Sỏ và Mường Tè. Đi mãi, đi mãi mà vẫn phải bỏ qua ba điểm cuối cùng. Từ San Thàng đến Mường So chỉ có 30 cây số. Nhưng từ Nậm Tăm đến Huổi Bắc thì phải đi 210 cây số. Đường nào cũng là đèo. Đèo nào cũng ngoằn ngoèo và cheo leo.
Tỉnh Lai Châu chưa có một cụm giáo dân nào được nâng cấp thành giáo họ; chưa có một nơi thờ tự nào được công nhận là nhà thờ.
Các cụm giáo dân Hơ-mông đều ở sâu trong vùng núi hiểm trở và heo hút. Nhà sàn rải rắc bám lấy sườn đồi. Từ nhà này qua nhà kia phải xuống một con dốc và lên một con dốc. Nội thất thì tuềnh toàng. Trâu bò thì “ấy” một cách vô tư và rải đều trên đường mòn. Đến với cộng đoàn nào Cha Bình cũng hỏi các em thiếu nhi: “Chúng con có đi học không?” “Chúng con có trốn học không?” Khi hỏi “Có bao nhiêu em học lớp một”, thì gần như em nào cũng giơ tay. Nhưng khi hỏi “Có bao nhiêu em học lớp phổ thông?”, thì mọi người nhìn nhau, ngơ ngác. Cứ mỗi lần giã từ một cộng đoàn, Cha Bình lại nhắc nhở: “Không được bỏ học nhé”.
Sơn Tây 29.12.2013
Mình về tới Sơn Tây vào lúc 21 giờ tối hôm qua, mang theo một nỗi buồn man mác về cái nghèo của đồng bào miền Tây Bắc. Vừa buồn vừa tức. Tức vì người nghèo vẫn cứ mãi mãi chiếm ba phần tư dân số thế giới và chỉ được hưởng mười tám phần trăm tài nguyên của trái đất. Nói một cách cụ thể, thì cứ một trăm người sẽ có:
-  75 người nghèo chia nhau ăn 18 bát cơm. Ăn hết cơm mà bụng vẫn còn xót xa, mà nước miếng vẫn còn nhểu tồm tộp.
-  25 người giàu được ăn tới 82 bát cơm. Vừa ăn vừa đổ bỏ. Ăn no kềnh bụng mà cơm vẫn còn thừa mứa một đống.
Tại sao người nghèo lại đông đảo và cực khổ đến thế? Giáo hội đã cùng với ngàn vạn người thiện chí quyết tâm chấm dứt tình trạng nghèo trên thế giới, vì nghèo xúc phạm đến nhân phẩm. Nhưng tình trạng nghèo vẫn còn đó. Mẹ Têrêsa Calcutta đã dốc toàn lực của cả một đời để cứu vớt người nghèo. Nhưng bà đã phải than thở rằng: “Muối bỏ biển”.
Buồn quá, mình ngồi nghĩ miên man. Nghĩ mãi thì bất ngờ, mình nhớ đến văn hào Victor Hugo, một nhà văn đã từng cay cú với cái nghèo, nhưng cuối cùng vẫn phải giơ tay đầu hàng nó. Thông cảm với nỗi lòng của Victor Hugo, mình bèn viết một lá thư ngỏ gửi ông, dù rằng lá thư này chẳng bao giờ tới tay ông.
Kính thưa cụ Victor Hugo.
Năm 1862 cụ cho ra đời một tác phẩm vĩ đại. Đó là cuốn Les Misérables (Những kẻ khốn cùng). Tôi đọc tác phẩm này một cách say mê. Tôi có cảm tưởng là cụ đã đập bàn, khi tuyên bố câu này: “NGHÈO  DỐT là một cặp vợ chồng đẻ ra quái thai”. Thấy cụ giận dữ, tôi cũng giận dữ theo. Tôi giận như cụ và còn giận hơn cụ nữa. Tôi hằn học, chỉ mặt chúng nó và la lên rằng: “NGHÈO DỐT là một cặp vợ chồng cực kỳ gian ác”.
Cụ Victor Hugo kính mến.
Năm 1862 cụ khiển trách nặng lời với cặp vợ chồng NGHÈO DỐT. Chúng nó làm bộ điếc không thèm nghe, còn ra vẻ vênh váo. Năm 1885 cụ nhắm mắt lìa đời, còn chúng nó thì cứ sống phây phây. NGHÈO –DỐT vẫn khống chế ba phần tư dân số thế giới. Kể từ ngày cụ về bên kia thế giới, tính đến nay đã được 129 năm rồi, NGHÈO –DỐT vẫn còn  đó, vẫn cứ phây phây và vênh váo.
Bậc tiền bối Việt Nam của chúng tôi cũng bị day dứt trước cảnh NGHÈO –DỐT của nhân sinh. Các cụ đã ra tay tế độ cứu vớt người nghèo. Chiến thuật của các cụ là “Có thực mới vực được đạo”. Sau khi đem hết tâm huyết ra để đẩy lui NGHÈO –DỐT, các cụ đành buông xuôi tay và thở dài: “No thân ấm cật, dâm dật khắp nơi”. Bó tay!
Cụ Victor Hugo kính mến.
Tôi bất mãn vô cùng khi thấy cụ và các vị tiền bối Việt Nam của tôi bị cặp vợ chồng NGHÈO –DỐT quật ngã nằm la liệt trên vệ đường lịch sử của hơn một thế kỷ. Chưa hết. Hằng trăm, hằng ngàn, hằng vạn những tâm hồn đầy nhiệt huyết cũng đang bị vợ chồng chúng nó quật ngã, nằm lả tả trên mọi nẻo đường của năm châu lục. Thất vọng quá, tôi muốn tìm một nơi thanh vắng để tránh mặt chúng nó và để ngẫm nghĩ, mong tìm được một chiến thuật mới.
Và…. Thưa Cụ, chiến thuật mới ấy là “Diệt DỐT, để DỐT diệt NGHÈO”.
Tôi vận động các nhà hảo tâm tặng học bổng cho các em học sinh nghèo. Mỗi học bổng là một “phao cứu dốt”. Mỗi “phao cứu dốt” là một niềm phấn khởi cho cha mẹ nghèo. Cha mẹ nghèo đang oằn vai gánh vác, bỗng cảm thấy nhẹ nhõm đứng nhìn con cắp sách đến trường.
Khi được học hành đến nơi đến chốn, các em sẽ hết dốt. Khi đã hết dốt, các em sẽ biết phải làm gì để thôi nghèo.
Để khuyến khích các em ham học, tôi tặng các em một phương trình bậc một như sau:
Giỏi + ngoan = tuyệt vời
Giỏi – ngoan = lưu manh
Ngoan – giỏi = khù khờ
Cụ Victor Hugo kính mến ơi!
Vừa mới áp dụng chiến thuật “Diệt DỐT để DỐT diệt NGHÈO” tôi thấy cặp vợ chồng NGHÈO – DỐT bắt đầu chia rẽ nhau. Chúng nó vẫn đẻ ra quái thai, nhưng bắt đầu đẻ thưa dần. Hy vọng trong tương lai vợ chồng NGHÈO – DỐT sẽ thôi nhau. Mong thay!
Kính mến chào Cụ.