Suy niệm hạnh thánh _ 04/1


Thánh ELIZABETH ANN SETON
(1774-1821)  
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Mẹ Xêtông là một trong những rường cột của Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ. Ngài sáng lập tu hội đầu tiên dành cho phụ nữ Hoa Kỳ, Dòng Nữ Tu Bác Ái, mở trường học đầu tiên trong giáo xứ Hoa Kỳ và thiết lập cô nhi viện đầu tiên ở Hoa Kỳ. Tất cả những điều trên ngài thực hiện trong vòng 46 năm đồng thời vừa nuôi dưỡng năm người con.
Êlidabét An Bêlê Xêtông quả thực là người của thế hệ Cách Mạng Hoa Kỳ, ngài sinh ngày 28 tháng Tám 1774, chỉ hai năm trước khi có bản Tuyên Ngôn Độc Lập. Bởi dòng dõi và hôn nhân, ngài có liên hệ đến các thế hệ đầu tiên sống ở Nữu Ước và vui hưởng kết quả của một xã hội tiến bộ. Được nuôi nấng trong một gia đình nề nếp Anh Giáo, ngài biết được giá trị của sự cầu nguyện, Kinh Thánh và sự kiểm điểm lương tâm hàng đêm trước khi đi ngủ. Cha của ngài, Bác Sĩ Risa Bêlê, không đóng góp nhiều cho nhà thờ nhưng ông là người rất nhân đạo, đã dạy được cho cô con gái bài học yêu thương và phục vụ tha nhân. 
Sự chết sớm của người mẹ năm 1777 và của bà vú nuôi năm 1778 đã đem lại cho ngài 1 cảm nhận về sự tạm bợ của trần gian và thúc giục ngài hướng về vĩnh cửu. Thay vì ủ rũ chán chường, ngài đối diện với các biến cố mà ngài coi là sự "hủy hoại khủng khiếp" với một hy vọng đầy phấn khởi.
Vào năm 19 tuổi, Êlidabét là hoa khôi của Nữu Ước và kết hôn với một thương gia đẹp trai, giầu có là ông Viliam Magi Xêtông. Họ được năm người con trước khi doanh nghiệp lụn bại và ông chết vì bệnh lao. Vào năm 30 tuổi, bà Elidabét đã là một góa phụ, không một đồng xu và phải nuôi nấng năm đứa con.
Trong khi sống ở Ý, bà được chứng kiến phong trào Tông Đồ Giáo Dân qua gia đình của những người bạn. Ba điểm căn bản sau đã đưa bà trở về đạo Công Giáo: tin tưởng sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể, sùng kính Đức Mẹ và tin rằng Giáo Hội Công Giáo là một giáo hội tông truyền do Đức Kitô thành lập. Nhiều người trong chính gia đình bà cũng như bạn hữu bà đã tẩy chay bà khi bà trở lại Công Giáo vào tháng Ba 1805.
Để nuôi con, bà mở trường học ở Bantimo. Ngay từ ban đầu, nhóm giáo chức của bà đã theo khuôn khổ của một tu hội, mà sau đó được chính thức thành lập vào năm 1809.  
Hàng ngàn lá thư của Mẹ Xêtông để lại cho thấy sự phát triển đời sống tâm linh của ngài, từ những việc tốt lành bình thường cho đến sự thánh thiện cách anh hùng. Ngài chịu đau khổ vì những thử thách như đau ốm, hiểu lầm, cái chết của những người thân yêu (chồng và hai con gái), cũng như sự lo lắng đến đứa con trai hoang đàng. Ngài từ trần ngày 4 tháng Giêng 1821, và vào ngày 17-3-1963, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã tuyên xưng ngài là vị chân phước đầu tiên người Hoa Kỳ. Ngài được phong thánh ngày 24-9-1975.
Suy niệm 1: Rường cột
Thánh Êlidabét Xêtông quả là rường cột của Giáo Hội Hoa Kỳ, khi ngài xây dựng ngôi nhà bản thân ngài bằng Thiên Ý như là rường cột, đúng như lời ngài ngỏ với các nữ tu: "Tôi thiết nghĩ mục đích trước nhất trong công việc hàng ngày của chúng ta là thi hành thánh ý Thiên Chúa; thứ đến, thi hành điều ấy trong phương cách mà Ngài muốn; và thứ ba, thi hành điều ấy vì đó là ý Chúa".
Hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô cũng được Giáo Hội biểu dương là rường cột, khi thánh Phêrô là người đầu tiên tuyên xưng đức tin, thánh Phaolô là người làm sáng tỏ đức tin, thánh Phêrô thiết lập Hội Thánh tiên khởi cho người Ítraen, thánh Phaolô là thầy giảng dạy muôn dân (Kinh Tiền Tụng của ngày lễ).
Còn Đức Giêsu thì được tôn vinh như Đá Tảng góc tường (1Cr 10,4) mà Kinh Thánh đề cập tới (Mt 21,42) trong ngôi nhà của Thiên Chúa với nền móng là các tông đồ và ngôn sứ (Ep 2,20), theo cách cấu trúc của người Ítraen xưa kia.
* Lạy Chúa Giêsu, cảm tạ Chúa đã ban cho chúng con được vinh dự làm một viên đá trong tòa nhà Hội Thánh. Xin giúp chúng con đừng coi thường vai trò của mỗi chúng con, để không bao giờ biến thành một con sâu có thể làm rầu cả nồi canh. 
Suy niệm 2: Tiên khởi
Thánh Êlidabét Xêtông dầu là giới nữ nhưng đã được Thiên Chúa kén chọn để thực hiện những công trình đầu tiên cho Giáo Hội Hoa Kỳ: Ngài sáng lập tu hội đầu tiên dành cho phụ nữ Hoa Kỳ, Dòng Nữ Tu Bác Ái, mở trường học đầu tiên trong giáo xứ Hoa Kỳ và thiết lập cô nhi viện đầu tiên ở Hoa Kỳ.
Đức Giêsu cũng đã sáng lập Hội Thánh, khi thành lập Nhóm Mười Hai (Mc 3,14) và cải tên Simôn là Phêrô nghĩa là Tảng Đá, với lời công bố: “Trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16,18). 
Trên bước đường rao giảng Tin Mừng, các tông đồ đặc biệt thánh Phaolô đã thiết lập nhiều cộng đoàn tiên khởi. Thánh Têphanô là vị tử đạo tiên khởi (Cv 7,60). Bài giảng ngay sau Ngày lễ Ngũ Tuần của Phêrô đã giúp khoảng ba ngàn người đầu tiên theo đạo (Cv 2,41). Gia đình Têphana là những người đầu tiên trở lại đạo tại xứ Akhaia và đã dấn thân phục vụ dân thánh (1Cr 16,15).   
* Lạy Chúa Giêsu, đối với Chúa, đứng đầu hay đứng chót, đạo cũ hay đạo mới không quan trọng bằng việc bền chí đến cùng (Mt 10,22). Xin Chúa giúp chúng con hiểu và sống để được cứu thoát. 
Suy niệm 3: Tín ngưỡng
Được nuôi nấng trong một gia đình nề nếp Anh Giáo, thánh Êlidabét Xêtông biết được giá trị của sự cầu nguyện, Kinh Thánh và sự kiểm điểm lương tâm hàng đêm trước khi đi ngủ. Hành trang quý báu này được ngài mang theo và giúp ngài rất nhiều trong chuỗi ngày làm một tín hữu và một nữ tu công giáo. 
Đức Giêsu khai mở thời Tân Ước, nhưng Ngài vẫn quý trọng thời Cựu Ước. Ngài vẫn đến hội đường Dothái để tham dự Phụng Vụ hằng tuần vào ngày Sabát (Lc 4,16). Ngài cũng sai các môn đệ đi dọn chỗ để cả cộng đoàn cùng ăn lễ Vượt Qua (Mt 14,12-17). Ngài từng tuyên bố Ngài đến không để bãi bỏ Luật Môsê nhưng để kiện toàn (Mt 5,17).
Tín ngưỡng của mỗi người cần được tôn trọng, cách riêng các điểm hay và tốt cho dầu có dị biệt. Đó là một lý do để có phong trào đại kết giữa các Giáo Hội Kitô và giữa Giáo Hội Kitô với các tôn giáo khác. Đó là một nét độc đáo trong sắc lệnh về Hiệp Nhất của thánh công đồng chung Vaticanô II, sắc lệnh đã được các nghị phụ biểu quyết ngày 21/11/1964 với 2137 phiếu thuận, 11 phiếu chống và đã được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI phê chuẩn và công bố trong ngày.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con mặc lấy tâm tình của Giáo Hội, để biết sống tinh thần đối thoại hơn là đối chọi, khi có cơ hội gặp gỡ các anh chị em không đồng tín ngưỡng.
Suy niệm 4: Bài học yêu thương  
Một di sản quý giá mà thánh Êlidabét Xêtông thừa hưởng từ bác sĩ Risa Bêlê, thân phụ của ngài, không phải là của cải vật chất, nhưng đó là bài học yêu thương và phục vụ tha nhân. Số vốn tinh thần này đã được ngài làm sinh lời gấp bội, qua các công việc dành cho giới phụ nữ, giới giáo chức và học sinh cũng như  giới cô nhi.   
Bài học yêu thương và phục vụ tha nhân của Đức Giêsu đã in đậm vào tâm trí các tông đồ qua việc chính Ngài rửa chân cho họ trong bữa Tiệc Ly (Ga 13,14). Bài học thoạt đầu thật khó nuốt trôi, khiến Phêrô phải ngỡ ngàng lên tiếng phản ứng, để rồi sau đó lại hăm hở đón nhận (Ga 13,8-9).
Yêu thương những người yêu thương mình. Phục vụ cho các ân nhân của mình, để càng phục vụ càng nhận được nhiều lợi ích tối đa. Điều này không đáng nói, vì quá dễ thực hiện, vì ai cũng làm được. Nhưng yêu thương và phục vụ kẻ thù ở bất cứ tình huống và dạng thức nào, đó mới là điều đáng kể.
* Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con quả tim bằng thịt, để chúng con có thể yêu thương phục vụ như chính Chúa đã nêu gương yêu thương phục vụ và đã dạy.  
Suy niệm 5: Thế sự phù vân
Sự chết sớm của người mẹ năm 1777 và của bà vú nuôi năm 1778 lúc ngài còn tuổi ấu thơ, cũng như cái chết của những người thân yêu (chồng vào năm 1804 và hai con gái), đã đem lại cho Êlidabét một cảm nhận về sự tạm bợ của trần gian và thúc giục ngài hướng về vĩnh cửu.   
Ngay từ thế kỷ III, ông Côhelét đã khắc khoải về ý nghĩa cuộc sống ở trần gian. Ông đã nhận định: “Sau khi nhìn thấy mọi công việc thực hiện dưới ánh mặt trời, tôi nhận ra: tất cả chỉ là phù vân, chỉ là công dã tràng xe cát” (Gv 1,14), và cuối cùng đi đến kết luận: "Phù vân, quả là phù vân, mọi sự đều là phù vân cả!" (Gv 12,8). 
Nỗi khắc khoải này đã được Đức Giêsu trả lời dứt khoát với lời răn dạy: "Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu" (Lc 12,15), vì “Kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì là đồ ngốc!" (Lc 12,20-21). Vậy "Hãy bán tài sản của mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm không bén mảng, mối mọt không đục phá” (Lc 12,33).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đừng đặt hy vọng vào của cải phù vân, nhưng vào Thiên Chúa, Đấng cung cấp dồi dào mọi sự cho chúng con hưởng dùng, để rồi phải làm việc thiện và trở nên giàu có về các việc tốt lành, phải ăn ở rộng rãi, sẵn sàng chia sẻ. Như vậy chúng con đã tích trữ cho mình một vốn liếng vững chắc cho tương lai, để được sự sống thật (1Tm 6,17-19).
Suy niệm 6: Cái nhìn lạc quan
Thánh Êlidabét Xêtông chịu đau khổ vì những thử thách như đau ốm, hiểu lầm, cũng như sự lo lắng đến đứa con trai hoang đàng. Thay vì ủ rũ và chán chường, ngài đối diện với các biến cố mà ngài coi là sự "hủy hoại khủng khiếp" với một hy vọng đầy phấn khởi.
Với cái nhìn lạc quan, Đức Giêsu không xử sự với người tội lỗi như nhóm người Biệt Phái. Ngài không xa lánh nhưng gần gũi (Lc 15,1), thậm chí còn đồng bàn (Mt 9,10) và đến trọ (Lc 19,5), hầu biến các tội nhân thành thánh nhân. Một người ngoại tình đáng tội bị ném đá chết vẫn được Chúa cứu sống cả phần xác lẫn phần hồn (Ga 8,1-11).
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ. Như thế, mỗi sự kiện, mỗi biến cố, mỗi môi trường sống đều được mỗi người đọc, hiểu, nhìn theo những cách và ý nghĩa khác nhau. Thế tại sao chúng ta không biết lạc quan nhìn đời, nhìn người và nhìn mình để vui sống và vươn lên.    
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết nhìn mọi sự dưới khía cạnh tốt, để cuộc đời chúng con không bao giờ bị bóng đêm bi quan phủ lấy, nhưng luôn tươi nở như đóa hoa trong ánh hừng đông lạc quan, để rồi dần dần biến khuyết điểm thành ưu điểm và thất bại thành thành công.