Lời Chúa Mồng Hai Tết _ sống thảo hiếu


SỐNG THẢO HIẾU
Con cháu sống ngoan hiền, đạo đức, biết chu toàn bổn phận và được nhiều người quí trọng mến yêu, là họ dùng chính cuộc sống để báo đền công ơn các bậc sinh thành, vì “Con khôn nở mặt mẹ cha.”
Lm. Mt
Huyền thoại về loài hoa cúc trắng kể rằng: Đứa bé gái chín tuổi mồ côi cha, nên rất được mẹ yêu thương và chăm sóc. Ngày kia bà mẹ ngã bệnh, người con tìm thầy chạy thuốc khắp nơi, nhưng ngay đến các lương y tài giỏi cũng lắc đầu. Sự sống của mẹ giờ đây như chuông treo sợi chỉ. Bé gái buồn, nỗi buồn không chi tả xiết. Đứng bên cụm cúc trắng trước sân nhà với tâm trạng thẫn thờ, em thầm khấn cho mẹ được khỏi bệnh để sống lâu dài. Bỗng như có tiếng nói bên tai: “Hãy đếm hoa cúc, hoa có bao nhiêu cánh, mẹ con sẽ sống bấy nhiêu ngày.” Một, hai, ba…chỉ có năm. Trời ơi! Mẹ chỉ còn sống được năm ngày nữa thôi sao! Nhìn trước nhìn sau như sợ ai thấy, nó cúi xuống vội xé nát từng cánh hoa, với hy vọng hoa thêm cánh, mẹ sẽ được sống dài ngày hơn. Trời Phật thấy tấm lòng hiếu thảo của người con, nên đã cho mẹ em lành bệnh.
Lòng thảo hiếu vừa là bổn phận vừa như lời kinh và của lễ dâng lên Trời Cao. Từ thời dân Do Thái còn lang thang trong hoang địa, Thiên Chúa đã ban cho họ mười giới luật, một trong những điều ấy là: “Hãy trọng kính cha mẹ ngươi, ngõ hầu ngày đời ngươi được kéo dài trên thưở đất Giavê Thiên Chúa của ngươi sắp ban cho ngươi.” (Xh 20, 12) Sau này, tác giả sách Huấn Ca còn quảng diễn thêm: “Ai yêu mến cha mình, thì đền bù tội lỗi, ai thảo kính mẹ mình, thì như người thu được một kho tàng.” (Hc 3, 5) Còn thánh Phaolô thì khuyên dạy các tín hữu: “Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa, để ngươi được hạnh phúc và trường thọ trên mặt đất này.” (Ep 6, 2)
Là con trong gia đình,  Đức Giêsu đã vâng phục, yêu mến và thảo kính mẹ cha, nên Người cũng dạy chúng ta: Của lễ dâng lên Thiên Chúa, không miễn cho con cháu bổn phận thảo kính và những việc phải làm để bày tỏ lòng biết ơn với tổ tiên, ông bà cha mẹ. (Mt 15, 4-6).
Các bậc tiền nhân luôn dạy con cháu sống thảo hiếu, vì ơn sinh thành dưỡng dục của ông bà cha mẹ chẳng bút mực nào tả xiết: “Công cha như núi thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn đạo hiếu mới là phận con.” Qua lời Kinh Tiền Tụng của thánh lễ hôm nay, Giáo Hội nhắc nhở chúng ta: “Chim có tổ, nước có nguồn, con người sinh ra có mẹ cha.”
Chẳng những dày công sinh dưỡng và vun đắp để chúng ta có được như hôm nay, sự sống của tổ tiên ông bà cha mẹ còn được lưu chuyển và tiếp nối qua con cháu. Thế hệ cháu con chính là gia tài quí giá các ngài để lại sau khi đã nhắm mắt xuôi tay: “Các ngài sống mãi trong dòng dõi các ngài. Gia tài quí báu các ngài để lại là lũ cháu đàn con.” (Hc 44, 11)
Lòng hiếu thảo không bao giờ là khẩu hiệu, nhưng cần được thể hiện bằng tâm tình và việc làm thiết thực: yêu mến, trọng kính, vâng lời, giúp đỡ cha mẹ khi mạnh khỏe cũng như lúc yếu đau; vui vẻ chăm sóc khi các ngài tỉnh táo và chịu đựng lúc tinh thần ông bà cha mẹ sa sút; cầu nguyện cho các ngài khi còn sống hay lúc qua đời.
Lòng thảo hiếu còn được thể hiện cách rõ nét khi các thành viên trong gia đình và dòng tộc thương mến, cảm thông và luôn hiệp nhất với nhau. Đây chính là món quà vô giá cháu con dâng lên cho các bậc tiền nhân, vì không có gì làm cho các bậc sinh thành vui và hạnh phúc hơn là thấy con cháu hòa thuận và yêu thương nhau.
Khi con cháu sống ngoan hiền, đạo đức, biết chu toàn bổn phận và được nhiều người quí trọng mến yêu, là họ dùng chính cuộc sống để báo đền công ơn các bậc sinh thành, vì “Con khôn nở mặt mẹ cha.” Thật vậy, cha mẹ nào mà chẳng hân hoan, hãnh diện vì con cháu thành danh thành đạt! 
Nhìn vào thực trạng các gia đình trong xã hội và nhiều gia đình Kitô hữu hôm nay, lắm lúc chúng ta phải buồn lòng, vì thấy con cháu thiếu lòng thảo hiếu với ông bà tổ tiên và các bậc sinh thành. Đã vậy, lại ham thích những hình thức bên ngoài, khi các ngài còn sống thì bất kính và chẳng quan tâm chăm sóc, nhưng khi qua đời thì rầm rộ với kèn trống, quay phim, chụp ảnh, lo xây mồ mả với những vật liệu đắt tiền và giỗ chạp linh đình. Đau lòng hơn nữa, có những trường hợp cha mẹ vừa nằm xuống, anh em đã tranh giành của cải, và cũng chẳng mấy khi nhớ để xin lễ hoặc cầu kinh cho các bậc tiền nhân.
Ngày đầu của năm mới, chúng ta xin Chúa ban bình an và gởi tới nhau những lời chúc tốt lành. Giờ đây, cùng hiệp nhau trong thánh lễ, chúng ta dâng lời cầu nguyện cho tổ tiên và ông bà cha mẹ, các vị còn sống hay đã qua đời. Đây là dịp thể hiện lòng thảo hiếu, là thực thi giới luật của Chúa và đón nhận phúc lành của Người. Đây cũng là cơ hội làm gương cho con cháu. Và cũng là dịp để tự hỏi: chúng ta đã sống lòng hiếu thảo theo lời dạy của Chúa và đền đáp ơn sinh thành dưỡng dục ra sao?
Xin lễ cầu cho tiên nhân và ông bà cha mẹ, thắp nén nhang nơi phần mộ các ngài, dâng biếu quà tết cho ông bà cha mẹ, những điều ấy thật tốt. Nhưng ngay khi các ngài còn sống, chúng ta cần thể hiện sự kính trọng và lòng mến yêu, cố gắng xây dựng tình thương yêu, sự thuận hòa với các thành viên trong gia đình và trở nên anh em của mọi người.
Xin Chúa giúp chúng ta khi sống tình con thảo với Cha trên trời, mỗi người cũng biết thực thi đức thảo hiếu với tổ tiên, ông bà và cha mẹ.
Lm. Mt