Suy niệm hạnh thánh _ 21/12

THÁNH PHÊRÔ CANISIUS
(1521-1597)
Lược sử
Cuộc đời đầy năng lực của Thánh Phêrô Canisius phải đánh đổ bất cứ ấn tượng nào cho rằng cuộc đời của các thánh thì nhàm chán.
Ngài là một trong những khuôn mặt quan trọng trong giai đoạn cải cách của Giáo Hội Công Giáo ở nước Đức.
Mặc dù thánh nhân thường cho mình là lười biếng khi còn trẻ, nhưng sự biếng nhác đó không được lâu, vì khi 19 tuổi ngài đã lấy bằng cử nhân của một đại học ở Cologne. Sau đó không lâu, ngài gặp Cha Peter Faber, người môn đệ đầu tiên của Thánh Ignatius Loyola (Y Nhã), và cha đã ảnh hưởng ngài nhiều đến nỗi ngài đã gia nhập Dòng Tên khi vừa mới được thành lập.
Trong giai đoạn này ngài đã tập luyện được một thói quen mà sau này trở thành nếp sống của cuộc đời ngài -- không ngừng học hỏi, suy niệm, cầu nguyện và sáng tác. Ngoài khuynh hướng suy tư về văn chương, thánh nhân còn hăng say trong việc tông đồ.
Nổi tiếng là vị rao giảng, thánh nhân thường lôi cuốn giáo dân đến chật cả nhà thờ qua tài hùng biện của ngài về Phúc Âm.
Năm 70 tuổi, thánh nhân bị liệt, nhưng ngài vẫn tiếp tục rao giảng và viết lách với sự trợ giúp của một thư ký cho đến khi ngài từ trần vào sáu năm sau đó, ngày 21-12-1597.
Suy niệm 1: Năng lực
Cuộc đời đầy năng lực của Thánh Phêrô Canisius phải đánh đổ bất cứ ấn tượng nào cho rằng cuộc đời của các thánh thì nhàm chán.
Thánh nhân đã sống 76 năm với một nhịp độ không thể nói gì khác hơn là phi thường, ngay cả trong thời đại thay đổi mau chóng của chúng ta. Là một người được Thiên Chúa ban cho nhiều tài năng, thánh nhân là gương mẫu tuyệt hảo của một người sống cho phúc âm đã phát triển tài năng vì Thiên Chúa. Khi được hỏi là ngài có làm việc quá sức hay không, Thánh Phêrô Canisius trả lời, "Nếu bạn có nhiều việc phải làm thì với sự trợ giúp của Thiên Chúa bạn sẽ có thì giờ để thi hành tất cả những điều ấy.
Nỗ lực không mệt mỏi của Thánh Phêrô Canisius là một gương mẫu thích hợp cho những ai muốn góp phần canh tân Giáo Hội hay cho sự thăng tiến ý thức luân lý trong chính phủ hay trong thương trường. Ngài được coi là một trong các vị sáng lập ngành báo chí Công Giáo, và rất có thể là gương mẫu cho các ký giả hay thông tín viên Công Giáo. Các người trong lãnh vực sư phạm có thể nhìn thấy ngài như một đam mê muốn truyền lại chân lý cho thế hệ mai sau. Dù chúng ta có nhiều khả năng để cho đi, như Thánh Phêrô Canisius đã từng làm, hoặc không có tài cán gì để đóng góp, như bà góa trong Phúc Âm (x. Lc 21,1-4), điều quan trọng là cho đi tất cả những gì chúng ta có. Chính trong phương cách ấy mà thánh nhân đã trở nên gương mẫu cho mọi Kitô Hữu trong thời đại thay đổi nhanh chóng này mà chúng ta được kêu gọi đến trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian.       
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết cho đi tất cả những gì chúng con có.
Suy niệm 2: Cải cách
Ngài là một trong những khuôn mặt quan trọng trong giai đoạn cải cách của Giáo Hội Công Giáo ở nước Đức.
Cái gai lớn nhất đối với cả Anh giáo lẫn Luthêrô-giáo và Calvinô-giáo là hai thánh: Rôbertô Bellarminô và Phêrô Canisius, cả hai đều được phong thánh sư (doctor ecclesiae). Thánh Canisius có mặt khắp nơi trong các quốc gia nói tiếng Đức đang chao đảo trước cơn bão Luther và Calvin. Ngài lập 20 học viện để huấn luyện giới trẻ và tung ra những cuốn giáo lý (sách bổn, catéchismes): giáo lý nhỏ bằng tiếng Đức cho trẻ nhỏ và giới bình dân, giáo lý lớn, rất dài và chi tiết bằng La-ngữ cho thầy dạy và những người có học. Nhờ các sách giáo lý bán chạy như tôm tươi này, cũng như nhờ mấy chục học viện và biết bao hoạt động khác, thánh Canisius đã giữ vững các vùng Công giáo còn lại của Đức, và kéo rất nhiều vùng Tin lành hóa (ở Đức, Áo, Rhénanie, Ba lan…) trở về với đức tin truyền thống. Do đó mà, cùng với thánh Bôniphaxiô, ngài được coi là tông đồ Đức quốc dù chính ngài là người Hà lan.
Nếu sách giáo lý của Canisius nhắm bình dân, thì bộ Tranh luận (Controverses) của Rôbertô Bellarminô lại nhắm giới học giả Tin lành. Bộ sách này, gồm nhiều tập rất đồ sộ, ghi lại giáo trình mấy mươi năm của giáo sư Bellarminô tại Học viện La mã (Collegio Romano, sau này sẽ trở thành Università Gregoriana, đại học viện giáo hoàng duy nhất suốt cho đến gần Vatican II). Sách in nhanh đến đâu cũng không kịp để bán. Chẳng những bán chạy trong vùng Công giáo, mà trong vùng Tin lành cũng vậy. Đến nỗi sách vừa in xong, đã có mặt ngay bên Anh, và vừa tới Anh đã hết sạch rồi. Chính Bách khoa từ điển của Anh (Encyclopaedia Britannica) cũng phải nhìn nhận: “(Bellarmin) được những người bênh vực Tin lành coi là nhà vô địch của phe Giáo hoàng, và báo thù cho Tin lành luôn đồng nghĩa với việc trả đũa ông ta”. Quả thế, sự thành công vang dội của bộ Controverses khiến Tin lành người thì sửng sốt, không tin nổi đó là công trình của một người; kẻ lại mím môi tức tối muốn văng tục. Trong đám người trước, khá nhiều tên tuổi đã hạ vũ khí, như Antony Carier kinh sỹ Canterbery và tuyên úy chính thức của vua Anh Jacques I: ông đã trốn sang Đức để trở lại Công giáo, bất chấp sự dọa nạt của đức vua (Hoành sơn SJ).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết dùng khả năng của mình để nếu không bút chiến thì chứng nhân để giúp người người trở về với Chúa.
Suy niệm 3: Văn hóa
Thánh nhân thường cho mình là lười biếng khi còn trẻ
Nhưng sự biếng nhác đó không được lâu, vì khi 19 tuổi ngài đã lấy bằng cử nhân của một đại học ở Cologne. Ngài có óc thông minh, tài phán đoán, nhờ học hành giỏi giang, thánh nhân mau nổi tiếng là người uyên bác. Năm 1543, ngài xin vào dòng Tên tại Cologne và mau chóng trở nên uyên bác trong nhiều lãnh vực. Ngài rất nổi tiếng về đàng học vấn và được nhiều người kính phục, nể vì. Ngài đã nắm giữ rất nhiều trọng trách quan trọng như làm giáo sư, thuyết giảng, dạy giáo lý, sứ gỉả của Ðức Giáo hoàng, Bề trên nhà dòng, Giám tỉnh tại Ðức và Áo. Năm 1547, thánh nhân được tham dự vài khóa họp của Công Đồng Triđentinô, mà sau này các sắc lênh của công đồng ấy được giao cho ngài hiện thực hóa. Sau một thời gian được bài sai việc giảng dạy ở trường Messina của Dòng Tên, ngài được giao cho sứ vụ truyền giáo ở Đức -- cho đến mãn đời. Ngài dạy tại một vài trường đại học và góp phần chính yếu trong việc thiết lập nhiều trường học, chủng viện và học viện.
Thánh nhân dù thuyết giảng, viết hay trò chuyện, tiếp xúc, hoặc qua những hoạt động chỉ nhắm một mục đích duy nhất là "Phục vụ Giáo Hội, làm vinh danh Chúa và chống lại học thuyết của Luthêrô lúc đó đang hoành hành, phát triển mạnh tại nước Ðức. Thánh Phêrô có công rất lớn vào thế kỷ XVI tại Ðức vì Ngài đã dùng tư tưởng đạo đức, chân chính theo Giáo lý của các tông đồ làm cho một số đông tại nước Ðức còn trung thành với Hội Thánh Chúa Kitô.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con chớ làm biếng nhưng luôn hăng say làm vinh danh Chúa.
Suy niệm 4: Sáng tác
Thánh nhân không ngừng học hỏi, suy niệm, cầu nguyện và sáng tác.
Sau khi thụ phong linh mục năm 1546, ngài nổi tiếng qua công trình soạn thảo các văn bản của Thánh Cyril Alexandria và Thánh Leo Cả. Thánh nhân có tài viết văn, Ngài đã viết rất nhiều, các bài của Ngài được phổ biến khắp nơi trong số đó cuốn " Tổng luận về Giáo lý Công giáo" viết năm 1555 và cuốn " Giáo lý " viết năm 1556 được hoan nghênh khắp nơi và rất nổi tiếng.
Ngài viết sách giáo lý giải thích đức tin Công Giáo cho những người bình dân để họ dễ hiểu -- một công việc rất cần thiết trong thời ấy. Trong thời gian ấy, ngài cũng viết các lá thư bất thường chỉ trích các vị lãnh đạo trong Giáo Hội -- tuy nhiên luôn luôn với một tâm tình đầy yêu thương, và thông cảm.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết nói với Chúa thật nhiều để có thể viết chút gì về Chúa.
Suy niệm 5: Tông đồ
Ngoài khuynh hướng suy tư về văn chương, thánh nhân còn hăng say trong việc tông đồ.
Người ta thường thấy ngài đi thăm bệnh nhân và người bị tù đầy, ngay cả khi ngài được giao cho các trách nhiệm khác mà đối với nhiều người để chu toàn công việc ấy cũng đã hết thì giờ. Vai trò của ngài thật quan trọng đến nỗi ngài thường được gọi là "vị tông đồ thứ hai của nước Đức" mà cuộc đời của ngài thường được sánh với cuộc đời của Thánh Boniface trước đây.
Cũng thế, thánh Phanxicô Xaviê đánh giá rất cao công cuộc thăm viếng như một thành quả cho việc tông đồ. Ngày 07/07/1543, ngài lần đầu tiên đặt chân lên thành phố Goa, miền tây nam Ấn Độ – một vùng đất hoàn toàn xa lạ đối với ngài, nhưng ngài đã ngày đêm thăm viếng và nâng đỡ đức tin cho những người nghèo, giúp đỡ những người thuộc đẳng cấp thấp nhất trong xã hội Ấn thời bấy giờ. Ngài dành nhiều thời gian để di đến các làng mạc thăm viếng, khích lệ những người ốm đau bệnh tật, rửa tội cho trẻ em, dạy giáo lý cho người lớn và tổ chức các giờ kinh lễ. Trong một lá thư viết từ Ấn Độ gửi cho thánh Inhaxio ở Rôma, ngài viết rằng: “Tại các miền ấy, có nhiều người không được làm Kitô hữu chỉ vì không có ai làm cho họ trở thành Kitô hữu. Nhiều lần tôi đã có ý định đi tới các đại học Châu Âu, trước hết là đại học Paris, mà kêu gào khắp nơi như một kẻ mất trí và thúc đẩy những người chỉ nghiên cứu học thuyết hơn là thực hành bác ái rằng: tiếc thay, chỉ vì lỗi của các ông mà biết bao linh hồn không được cứu rỗi!”.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết làm việc tông đồ nhiều hơn là nói về sứ mạng tông đồ.
Suy niệm 6: Rao giảng
Nổi tiếng là vị rao giảng, thánh nhân thường lôi cuốn giáo dân đến chật cả nhà thờ qua tài hùng biện của ngài về Phúc Âm. Ngài còn có tài ngoại giao, và thường làm người hòa giải giữa các bè phái tranh chấp. Trong các thư từ ngài để lại (tất cả đến tám bộ) người ta thấy các lời lẽ khôn ngoan của ngài khi khuyên nhủ người dân thuộc đủ mọi thành phần trong xã hội.
Năm 70 tuổi, thánh nhân bị liệt, nhưng ngài vẫn tiếp tục rao giảng với nhiệt huyết cao độ như thánh Phaolô: Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng! (1Cr 9,16), và với ý thức về một thực tế: Tất cả những ai kêu cầu danh Đức Chúa sẽ được cứu thoát. Thế nhưng làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin? Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng? Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi? Như có lời chép: Đẹp thay bước chân những sứ giả loan báo tin mừng! (Rm 10,13-15).
* Lạy Chúa Giêsu, xin hãy sai chúng con đi.