CHÚA HẢO TÂM VỚI HẾT MỌI LOÀI
Như một
nghệ sĩ thực thụ có thể nhìn ra những đường nét của một tác phẩm kiệt xuất bên
trong khối đá méo mó, Chúa cũng thấy trong những kẻ tội lỗi nhất một tia
sáng chưa bị dập tắt của sự thiện mà Ngài có thể cứu độ, vì “Con Người đến để
tìm và cứu những gì đã mất”.
Mọi du khách đến viếng
thăm nhà thờ chánh toà kính thánh Phaolô tại thành phố Luân đôn đều được người
hướng dẫn cho biết về hành lang nổi tiếng, nhờ cấu trúc đặc biệt, có thể truyền
được tiếng thì thầm từ phía bên này đến phía bên kia của mái vòm cho ai áp tai
vào mái vòm đó.
Hành lang đó càng nổi
tiếng hơn với câu chuyện về một anh thợ đóng giầy đến đó than thở với người yêu
là anh chưa thể cưới nàng được đang khi còn thất nghiệp dài dài vì chưa có đủ
tiền mua da và các vật liệu cần thiết. Nghe thế, người yêu của anh chỉ biết sụt
sùi khóc. Tình cờ, một người ở phía hành lang bên kia nghe được câu chuyện
thương tâm, và ông thấy mình phải làm một cái gì đó cho tình yêu của họ. Sau lời
chia tay, lúc anh thanh niên buồn bã ra về thì ông lặng lẽ bước theo để biết chỗ
ở của anh và cho người mang đến tặng anh một số da. Thế là anh chàng đóng giầy
phấn khởi bắt tay vào việc. Công việc trở nên phát đạt, và anh đã tìm được hạnh
phúc với người yêu xưa. Nhiều năm sau họ mới biết vị ân nhân của họ là William
Gladstone, thủ tướng nước Anh lúc đó.
Thiên Chúa là Tình yêu,
hạnh phúc của Chúa không phải là được yêu mến, được tôn thờ, mà là yêu thương,
là ban phát niềm vui và hạnh phúc. Lời cầu nguyện đầu tiên của Đức Kitô trên
cây Thánh giá không phải là cầu cho mình mà là cho chính những kẻ đang làm khốn
mình.
Vì thế, khi thấy Giakêu
vất vả tìm xem cho biết những gì đã được nghe về Đấng Cứu thế, Chúa liền thấy
mình phải đến với ông, cho ông biết về tình yêu Chúa, và đem hạnh phúc đến cho
ông: “Này ông Giakêu, xuống mau đi, vì
hôm nay tôi phải ở lại nhà ông”.
Là thủ lãnh của những
người thu thuế nên Giakêu giầu có và chẳng thiếu thốn chi. Nhưng việc ông phải
vất vả tìm cách để nhìn xem Chúa Giêsu cũng nói lên được sự nghèo túng và bất hạnh
trong tâm hồn ông, sự nghèo túng và bất hạnh của một người không có Chúa làm
nơi ẩn náu, khác xa vua Đavít ngày xưa khi giả điên trước mặt vua Abimêléc, bị
đuổi và ra đi mà vẫn có thể ca hát được: “Tôi
sẽ không ngừng chúc tụng Chúa, câu hát mừng Người chẳng ngớt trên môi”, nhờ
tin vào Chúa: “Ai nhìn lên Chúa sẽ vui
tươi hớn hở, không bao giờ bẽ mặt hổ ngươi”. (Tv 33,2.6).
Người Việt ta có câu “một
miếng khi đói bằng một gói khi no”. Việc được Chúa Giêsu, một người đang thu
hút đám đông bằng đời sống và lời giảng dạy thánh thiện, đích thân đến nhà làm
cho ông Giakêu, một người đang bị mặc cảm với cái tên Giakêu (người thanh sạch)
của mình thấy được niềm vui của ơn cứu độ. Chúa đến nhà làm cho ông như đụng chạm
được vào tình thương của Chúa, cảm nghiệm cách rõ ràng là “Chúa thương xót mọi loài, vì Chúa có thể tác tạo mọi sự, và nhắm mắt
làm ngơ trước tội lỗi loài người để họ ăn năn sám hối” (Kn 11,23).
Tình thương Chúa giúp
ông trở lại được với chính mình, sống đúng cái tên của mình, nghĩa là “thanh sạch”,
sống đúng với ý định tốt đẹp Chúa đã đặt nơi con người từ ban đầu: “xin Thiên Chúa chúng ta làm cho anh em được
xứng đáng với ơn gọi, và xin Người dùng quyền năng mà hoàn thành mọi thiện chí
của anh em và mọi công việc anh em làm vì lòng tin” (2Tx 1,11).
Niềm vui đi theo niềm
tin đã biến đổi con người Giakêu, giúp ông nhìn mọi sự với một nhãn quan mới.
Hôm qua gom góp, tích lũy bất kể mọi mánh khoé gian ác thì hôm nay đã: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi,
tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn”.
Ai cũng có thể thấy được niềm vui của ông khi làm việc bác ái và đền trả cho
người mình đã gây thiệt hại. Không phải là ông làm việc bác ái hay giữ luật
công bằng cho bằng ông đang ca tụng tình yêu Chúa: “Lạy Thiên Chúa, tôi sẽ chúc tụng danh Chúa tới muôn đời”.
Trong Hàn lâm viện
Florence có trưng bày một trong những kiệt tác vĩ đại nhất của nước Ý, là bức
tượng David của Michelangelo. Mỗi năm, hàng ngàn người đến chiêm ngưỡng một tác
phẩm đầu tay trong những kiệt tác của bậc thầy vĩ đại này, mà không biết rằng
cái khối đá khổng lồ được dùng để tạc nên bức tượng vô giá đó đã có một lịch sử
lạ lùng.
Đầu tiên, một nghệ sĩ
kém cỏi đã bắt đầu làm việc với nó, nhưng vì thiếu kỹ năng, anh ta chỉ thành
công trong việc đốn đẽo và phá hoại tảng cẩm thạch đó. Thế rồi nhà cầm quyền
Florence đã gọi đến chàng trai Michelangelo, và tác phẩm nghệ thuật để đời này
đã được ra đời.
Như một nghệ sĩ thực thụ
có thể nhìn ra những đường nét của một tác phẩm kiệt xuất bên trong một khối đá
méo mó, Chúa cũng thấy trong những kẻ tội lỗi nhất một tia sáng chưa bị dập tắt
của sự thiện mà Ngài có thể cứu độ, vì “Con
Người đến để tìm và cứu những gì đã mất”.
Vì thế, dù tội lỗi đến
đâu, tôi cũng có thể cùng hát với Giakêu: “Chúa
hảo tâm với hết mọi loài, và từ bi với mọi công cuộc của Chúa”.
Lm. HK