Suy niệm Lễ Đức Mẹ Lên Trời

LỄ ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Vào ngày 1 tháng Mười Một 1950, Đức Giáo Hoàng Piô XII xác định sự Thăng Thiên của Đức Maria là một tín điều: Chúng tôi tuyên bố, bày tỏ và xác định đó là một tín điều được Thiên Chúa mặc khải, là đức vô nhiễm nguyên tội Mẹ Thiên Chúa, Đức Trinh Nữ Maria, sau khi hoàn tất chu trình cuộc đời trần thế, đã được lên trời cả hồn và xác để hưởng vinh phúc trên thiên đàng. Đức giáo hoàng tuyên bố tín điều này sau khi hội ý các giám mục, các thần học gia cũng như giáo dân. Rất ít người chống đối. Điều mà đức giáo hoàng long trọng tuyên bố thì đã có từ lâu trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo.
Ngay từ thế kỷ thứ sáu, đã có các bài giảng về sự Thăng Thiên của Đức Maria. Trong các thế kỷ tiếp đó, các Giáo Hội Đông Phương kiên trì tin tưởng vào học thuyết này, trong khi một số học giả Tây Phương vẫn còn do dự. Tuy nhiên, vào thế kỷ 13 sự tin tưởng này đã trở thành phổ quát.
Kinh Thánh không nói gì về sự Thăng Thiên của Đức Maria. Tuy nhiên, trong Khải Huyền chương 12, có nói về một người nữ bị vây hãm trong cuộc chiến giữa sự thiện và sự dữ. Ngoài ra, trong thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông Đồ gửi tín hữu Côrintô 15: 20, ngài nói về sự phục sinh của Đức Kitô như hoa quả đầu mùa của những kẻ còn mê ngủ. Vì Đức Maria liên hệ rất mật thiết với các mầu nhiệm cuộc đời Đức Giêsu, nên không ngạc nhiên khi thấy Chúa Thánh Thần đã hướng dẫn Giáo Hội để tin tưởng rằng Đức Maria cũng được chia sẻ sự vinh hiển với Chúa Giêsu. Ở trần thế, Đức Maria được gần gũi với Chúa Giêsu như thế nào thì ở trên trời ngài cũng phải được ở với Chúa cả hồn lẫn xác.
Suy niệm 1 Tín điều
Đức Giáo Hoàng Piô XII xác định sự Thăng Thiên của Đức Maria là một tín điều.
Tín điều của Giáo Hội Công Giáo hiểu nôm na là “điều phải tin”. Tất cả những tín điều chính yếu mà người kytô hữu phải tin được cô đọng trong Kinh Tin Kính. Tuy nhiên cần phải hiểu rộng ra nữa: các tín điều là tất cả những điều Chúa Giêsu dạy và những gì Giáo Hội chính thức dạy phải tin. Các tín điều không chỉ là những điều Giáo Hội đã định tín. Sở dĩ Giáo Hội đưa ra những định tín trong lịch sử, là vì có một người hoặc một lạc giáo nào đó đưa ra những chủ trương sai lệch, hay gây ra quá nhiều bàn cãi tranh luận mà không đi đến đâu. Điều phải tin nào không gây ra vấn đề thì Giáo Hội không cần phải định tín.
Nếu hiểu như thế thì không thể kể ra hết tất cả các tín điều. Cũng nói thêm có người thì cho rằng Giáo Hôi Công Giáo có 418 tín điều như trong cuốn “Fundamentals of Catholic Dogma” của Dr Ludwig Ott; Tan Books and Publishers, Inc. 1974 (đã bị nhiều người phê bình). Hay có người khác cho rằng có 358 tín điều, hay 255 tín điều, tất cả đều không đúng,. Vì chính Giáo Hội cũng chưa bao giờ đưa ra một thống kê cụ thể.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con khiêm tốn đón nhận các tín điều, chứ đừng bàn cãi lệch lạc với truyền thống chung của Giáo Hội.
Suy niệm 2 Nguyên tội
Đó là một tín điều được Thiên Chúa mặc khải, là đức vô nhiễm nguyên tội Mẹ Thiên Chúa.
Sách Giáo Lý Công Giáo số 404 định nghĩa: Tội Tổ Tông là “môt tội được lưu truyền cho toàn thể nhân loại qua việc sinh sản, nghĩa là qua việc lưu truyền một bản tính nhân loại đã mất đi sự thánh thiện và sự công chính nguyên thủy. Đó là một tội mà chúng ta “vướng mắc”, chứ không phải là một tội mà chúng ta phạm; đó là tình trạng lúc chào đời chứ không phải là một hành vi cá nhân. Do sự thống nhất của toàn thể loài người, tội này được truyền lại cho con cháu của Ađam trong bản tính loài người.
Tội Tổ Tông mặc dầu truyền đến mỗi người, nhưng không hề mang tính cách tội của bản thân nơi bất kỳ ai nơi con cháu ông Ađam (số 405). Do đó Tội Tổ Tông được gọi là “tội” theo nghĩa loại suy; đó là một thứ tội con người “bị nhiễm” chứ không phải “đã phạm”; một tình trạng chứ không phải một hành vi, không phải do bắt chước nhưng là qua truyền sinh”. Việc truyền đạt này là một mầu nhiệm mà chúng ta không thể hiểu được một cách trọn vẹn.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con hằng quan tâm và nỗ lực hơn đến việc chừa bỏ các thứ tội do chính mình làm và phạm.
Suy niệm 4 Lịch sử
Điều mà đức giáo hoàng long trọng tuyên bố thì đã có từ lâu trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo.
Ngay từ thế kỷ thứ năm, người ta đã mừng kính lễ này ở Syria. Sang thế kỷ thứ sáu, cộng đoàn Giêrusalem cũng mừng lễ này, cũng như đã có các bài giảng về sự Thăng Thiên của Đức Maria. Trong các thế kỷ tiếp đó, các Giáo Hội Đông Phương kiên trì tin tưởng vào học thuyết này, trong khi một số học giả Tây Phương vẫn còn do dự. Tuy nhiên, vào thế kỷ 13 sự tin tưởng này đã trở thành phổ quát.
Đây là một đặc ân vô song Chúa ban cho Đức Maria, nhưng cũng thật xứng đáng và hợp lý nên rất dễ được đón nhận. Theo giáo lý, một người có một tâm hồn trong sạch thì khi chết sẽ được về trời, thậm chí có mắc tội phải vào luyện ngục thì sau thời gian thanh luyện để sạch hết tội thì cũng được về thiên đàng. Với Đức Maria, chẳng những tâm hồn không vương tỳ ố kể cả tội nguyên tổ để rồi thể xác cũng vô nhiễm tội thì dĩ nhiên cũng được xứng đáng để cả hồn và xác về trời.
* Lạy Chúa Giêsu, chúng con cảm tạ Chúa đã thương ban cho chúng con nguồn mặc khải là Thánh Kinh và Thánh Truyền.
Suy niệm 5 Khải Huyền chương 12
Kinh Thánh không nói gì về sự Thăng Thiên của Đức Maria. Tuy nhiên, trong Khải Huyền chương 12, có nói về một người nữ bị vây hãm trong cuộc chiến giữa sự thiện và sự dữ.
Nhiều người coi phụ nữ này tượng trưng cho dân Chúa. Vì Đức Maria là hiện thân của cộng đồng Dân Chúa vừa trong Cựu Ước và Tân Ước, sự Thăng Thiên của ngài có thể coi như một thí dụ điển hình cho sự chiến thắng của người nữ.
Sách Khải Huyền là cuốn sách cuối cùng của Tân Ước. Từ “Khải Huyền” do từ ghép Hy Lạp apokalupsis. “Apo” nghĩa là lấy đi, cất đi. “Kalupsis” nghĩa là tấm màn che.. Vậy Khải Huyền có nghĩa là vén màn cho thấy điều bí mật che khuất bên trong. Căn cứ vào các sự kiện lịch sử, nhiều nhà nghiên cứu Kinh Thánh cho rằng Khải Huyền được ghi chép vào khoảng năm 95 đến 96 trong bối cảnh kitô giáo đang bị bách hại dữ dội dưới triều đại của hoàng đế La Mã Domitian.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn liên kết với Đức Maria để có thể lướt thắng được các chước ma quỷ cám dỗ.
Suy niệm 6 Côrintô 15,20
Trong thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông Đồ gửi tín hữu Côrintô 15,20, ngài nói về sự phục sinh của Đức Kitô như hoa quả đầu mùa của những kẻ còn mê ngủ.
Vì Đức Maria liên hệ rất mật thiết với các mầu nhiệm cuộc đời Đức Giêsu, nên không ngạc nhiên khi thấy Chúa Thánh Thần đã hướng dẫn Giáo Hội để tin tưởng rằng Đức Maria cũng được chia sẻ sự vinh hiển với Chúa Giêsu. Ở trần thế, Đức Maria được gần gũi với Chúa Giêsu như thế nào thì ở trên trời ngài cũng phải được ở với Chúa cả hồn lẫn xác.
Thư thứ nhất gửi cho các tín hữu Côrintô là một sách trong Tân Ước. Thư này là lá thư mà sứ đồ Phaolô và Sosthenes gởi cho các Cơ Đốc nhân tại thành Côrinth, Hy Lạp. Thư này được viết tại Ephesus (16,8). Theo sách Công vụ tông đồ, Phaolô thành lập hội thánh tại Côrinth (18,10-17) và ở tại Ephesus khoảng ba năm (Cv 19,8.10;20,31). Bức thư này được viết trong thời gian ông ở tại Ephesus, khoảng năm 53 đến 67.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn sống gần gũi với Chúa để sau này cũng được về với Chúa như Đức Maria.