Suy niệm hạnh thánh _ 23/8

THÁNH  RÔSA Ở LIMA
(1586-1617)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Vị thánh đầu tiên của Tân Thế Giới này có cùng một đặc tính như tất cả các thánh khác -- đó là bị đau khổ vì sự chống đối -- và một đặc tính khác được khâm phục hơn là nên bắt chước -- đó là sự hãm mình đền tội cách quá đáng.
Thánh nữ sinh trong một gia đình Tây Ban Nha ở Lima, Peru, vào lúc Nam Mỹ đang trong thế kỷ truyền giáo đầu tiên. Khi cha mẹ ngài rơi vào tình trạng khủng hoảng tài chánh, ban ngày Thánh Rôsa phải làm việc nơi đồng áng và ban đêm phải khâu vá để giúp đỡ gia đình.
Mười năm dài tranh đấu với gia đình được khởi đầu khi cha mẹ ép buộc ngài phải kết hôn. Cha mẹ ngài không cho đi tu, và vì vâng lời ngài tiếp tục đời sống cô độc và ăn chay hãm mình ngay tại nhà như một thành viên của Dòng Ba Đaminh.
Vì lòng ước ao muốn được trở nên giống như Đức Kitô nên hầu hết khi ở nhà, ngài sống trong cô độc. Trong những năm cuối đời, Thánh Rôsa lập một căn phòng ngay trong nhà để chăm sóc các trẻ em bụi đời, người già yếu và bệnh tật. Đây là khởi đầu của dịch vụ xã hội ở Peru. Mặc dù có cuộc sống và sinh hoạt tách biệt, ngài cũng bị đưa ra trước Tòa Thẩm Tra, nhưng các người thẩm vấn không tìm thấy lý do gì khác hơn là ngài bị ảnh hưởng bởi ơn sủng.
Điều chúng ta lầm tưởng rằng đó chỉ là một cuộc sống lập dị thì thực sự đã được biến đổi tự bên trong. Nếu chúng ta nhớ đến cách ăn năn đền tội bất thường của ngài thì chúng ta cũng phải nhớ một điều vĩ đại của Thánh Rôsa: tình yêu Thiên Chúa của ngài quá nồng nhiệt đến nỗi ngài sẵn sàng chịu đựng sự nhạo cười của người đời, chịu cám dỗ mãnh liệt và chịu đau bệnh lâu dài.
Khi ngài từ trần năm 31 tuổi, cả thành phố đã tham dự tang lễ của ngài và các chức sắc trong xã hội đã thay phiên nhau khiêng quan tài của ngài.
Suy niệm 1 Chống đối
Đó là bị đau khổ vì sự chống đối.
Sư chống đối khởi sự từ gia đình, khi vì ước muốn tu trì, ngài bị cha mẹ chống đối suốt mười năm vì muốn ngài phải lập gia đình. Đồng thời ngài cũng phải chịu đựng sự nhạo cười của người đời với cách hãm mình đền tội được xem là lập dị, chịu cám dỗ mãnh liệt và chịu đau bệnh lâu dài. Mặc dù có cuộc sống và sinh hoạt tách biệt, ngài cũng bị đưa ra trước Tòa Thẩm Tra, nhưng các người thẩm vấn không tìm thấy lý do gì khác hơn là ngài bị ảnh hưởng bởi ơn sủng. Điều chúng ta lầm tưởng rằng đó chỉ là một cuộc sống lập dị thì thực sự đã được biến đổi tự bên trong.
Dường như ngài muốn noi gương Thánh Catarina ở Siena, bất kể những chống đối và nhạo cười của cha mẹ, bạn hữu. Vì lòng yêu mến Thiên Chúa mà các thánh có những hành động kỳ dị đối với chúng ta, và quả thật đôi khi thiếu khôn ngoan, nhưng đó chỉ để nói lên sự tin tưởng của các ngài là bất cứ điều gì làm nguy hại đến sự tương giao với Thiên Chúa đều bị tiêu trừ.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con hiểu đời người kitô hữu là cuộc đời luôn bị chống đối, bằng không như thế thì không còn là kitô hữu đích thực nữa, vì trò thì không thể hơn thầy được (Mt 10,24).
Suy niệm 2 Hãm mình đền tội
Đó là sự hãm mình đền tội cách quá đáng.
Vì sắc đẹp của ngài được nhiều người ngưỡng mộ nên Thánh Rôsa đã dùng hạt tiêu chà sát lên mặt để tạo thành các vết sưng xấu xí. Sau này, ngài còn đội một vòng bạc dầy cộm trên đầu, bên trong nhét đinh giống như mão gai.
Thật dễ để cho rằng sự ăn năn đền tội quá đáng của các thánh là hình thức bề ngoài của một vài nền văn hóa hay tính khí nào đó. Nhưng hình ảnh một phụ nữ đội mão gai rất có thể đã khích động lương tâm của chúng ta. Chúng ta đang vui hưởng một đời sống đầy đủ tiện nghi nhất trong lịch sử loài người. Chúng ta ăn uống thừa thãi, sử dụng biết bao đồ vật và chất chứa trong tai mắt chúng ta đủ mọi thứ âm thanh và hình ảnh. Giới thương mại vội vã chế tạo các vật dụng không cần thiết để chúng ta tiêu xài. Dường như khi chúng ta ngày càng nô lệ cho các phương tiện vật chất thì lúc ấy sự "tự do" trở nên vấn đề lớn lao. Chúng ta có sẵn sàng rèn luyện tâm linh trong một môi trường như thế hay không?
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết hãm mình đền tội để rèn luyện tâm linh chúng con.
Suy niệm 3 Truyền giáo-tiếp xúc cá nhân
Nam Mỹ đang trong thế kỷ truyền giáo đầu tiên.
Theo các tài liệu của Giáo Hội thì tiếp xúc cá nhân là một trong những đường lối Truyền Giáo đơn sơ và dễ thực hiện nhất… Đại Hội Thế Giới á Châu lần thứ nhất được tổ chức tại Chiang Mai (Thái Lan) cũng làm cho cách truyền giáo bằng tiếp xúc cá nhân này trở thành quan trọng. Trong sứ điệp này có đoạn: “Chúa Giêsu được mệnh danh là một người kể chuyện. Là một Sư Phụ, một vị Thầy, Ngài thích nhất là sử dụng phương pháp kể dụ ngôn để giải thích những Mầu Nhiệm sâu kín của Nước Trời”.
Chúa Giêsu và các Tông Đồ cũng để lại các mẫu gương dùng cách tiếp xúc cá nhân để rao giảng Tin Mừng: Chúa Giêsu gặp gỡ ông Nicôđêmô (Ga 3,1-26), người phụ nữ Samari bên bờ giếng Giacóp (Ga 4,1-26). Thánh Phêrô tiếp xúc với ông Cornêliô và gia đình (Cv 10,1-48)…
Tiếp xúc cá nhân, tuy rằng là đường lối truyền giáo đơn giản và dễ thực hiện nhất, nhưng cũng đòi hỏi một vài điều kiện tối thiểu: một tấm lòng chân tình, một thái độ thân thiện cởi mở, một ngôn ngữ thích hợp, một đức tin sống động (Giêrônimô Nguyễn văn Nội).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết vận dụng các cơ hội tiếp xúc cá nhân hằng ngày với mọi hạng người để thực thi sứ vụ truyền giáo.
Suy niệm 4 Truyền giáo-Lòng đạo đức bình dân
Nam Mỹ đang trong thế kỷ truyền giáo đầu tiên.
Trong đời sống người Công Giáo, có hai hình thái cũng là hai lãnh vực biểu lộ lòng tin và phụng thờ Thiên Chúa, trong cử hành Phụng Vụ chính thức của Giáo Hội và trong thực hành đạo đức bình dân, vốn cũng là một đường lối khác của cuộc loan báo Tin Mừng.
Giáo Huấn của Đức Thánh Cha Phaolô VI ghi nhận: Nếu được hướng dẫn cách đúng đắn, nhất là bằng sư phạm về Truyền Giáo, lòng đạo đức bình dân sẽ có nhiều giá trị. Nó diễn tả sự khao khát Thiên Chúa mà chỉ những người đơn sơ và nghèo khó mới có thể biết đến. Nó làm cho người ta có khả năng sống quảng đại và hy sinh đến độ hy sinh anh dũng khi liên quan đến những việc biểu lộ niềm tin. Nó bao hàm một ý thức sắc bén về những thuộc tính của Thiên Chúa như tình phụ tử, sự quan phòng, sự hiện diện yêu thương và liên lĩ. Nó làm phát sinh những thái độ nội tâm ở mức độ cao không tìm thấy ở bất cứ đâu: sự kiên nhẫn, cảm thức về thập giá trong cuộc sống thường ngày, sự siêu thoát, thái độ rộng mở với tha nhân, lòng mộ đạo. Vì những khía cạnh trên, chúng tôi sẵn lòng gọi là “lòng đạo đức bình dân”, nghĩa là tôn giáo của người dân.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con thấy được giá trị của lòng đạo đức bình dân để vận dụng cho công cuộc truyền giáo.
Suy niệm 5 Ơn sủng
Rôsa Lima bị ảnh hưởng bởi ơn sủng.
Theo linh mục Anrê Đỗ Xuân Quế, ơn sủng là ơn Thiên Chúa ban nhưng không cho con người để nó đáp lại tiếng gọi trở nên con cái Thiên Chúa (Rm 8,14-17) nên những kẻ được thông phần bản tính của Người (2Pr 1,3-4) và được sống cuộc đời vĩnh cửu (Ga 17,3). Ơn sủng là một cách thế tham dự vào đời sống của Thiên Chúa. Ơn sủng đưa con người vào vòng thân tình với Ba Ngôi. Nhờ bí tích Thánh tẩy, kitô hữu được thông phần ơn sủng của Đức Kitô. Là nghĩa tử, từ nay, họ được gọi Thiên Chúa là Cha (Rm 8,15), được kết hợp với Người Con duy nhất và nhận được sự sống của Chúa Thánh Thần.
Trong cuốn Nhật Ký của một cha sở miền quê, nhà văn công giáo Georges Bernanos, người Pháp, đã đặt lên miệng cha sở trong lúc hấp hối câu: “Tất cả là Ơn sủng” để kết thúc cuốn truyện. Ơn sủng ở nơi một con người ốm yếu, ít tài năng,sống mờ nhạt giữa các anh em đồng liêu. Đương sự cảm nghiệm được điều đó và chân thành nói lên cho mọi người biết. Một nhà văn công giáo khác, người Anh: Graham Green, trong cuốn Quyền Lực và Vinh Quang cũng cho thấy sức mạnh của Ơn sủng ngay trong tội lỗi và sự đổ vỡ. Cả hai cuốn sách đều cho thấy sực cần thiết và sức mạnh của Ơn sủng trong đời sống mỗi người.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đừng đánh giá tha nhân theo cách nhìn bên ngoài, nhưng bằng cái nhìn nội tâm để thấy được Ơn sủng của Thiên Chúa nơi mò mà luôn có lòng tôn trọng và kính yêu.
Suy niệm 6 Tang lễ
Cả thành phố đã tham dự tang lễ của Rôsa Lima.
Tang lễ này quả là một bằng chứng hùng hồn cho lời Đức Giêsu đã quả quyết với Phêrô với vấn nạn: Chúng con đã bỏ mọi sư mà theo Thầy chúng con sẽ nhận được được gì? Sẽ nhận được gấp trăm ở đời này và đời sau (Mc 10,28-30).
Khi còn sống, Rose Lima đã hết mình theo Chúa nên với cái chết chẳng những ngài được hưởng vinh phúc thánh nhân trên quê trời, mà ngay tại đời này ngài còn được cả dân thành thay vì nhạo cười thì nay tham dự tang lễ, thậm chí các chức sắc trong xã hội thay vì đưa ngài ra tòa xét xử thì nay đã thay phiên nhau khiêng quan tài của ngài.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con sống chết vì Chúa với ý hướng không chờ phần thưởng khi sống mà chủ yếu là chờ đến khi chết.