Bông hoa xứ Ars _ lời tựa


Lời tựa của Michel de Saint Pierre
Này bạn, muốn lên thiên đàng hả? Cần phải có ân sủng và thập giá.
Qua những trang sách sau đây chúng ta gặp được những gì cao đẹp nhất trong rất nhiều tư tưởng mà chúng ta có thể góp nhặt được của ngài.  
Vào một buổi sáng âm u ngày 09 tháng 02 năm 1818, linh mục Gioan Baotixita Maria Vianney lên đường đến giáo xứ mới và cũng là làng mới của ngài: đó là Ars trong vùng Dombes.
Cha xứ Ars lúc ấy được 32 tuổi. Ngài liền làm một bài tính về cái làng nhỏ bé mà ngài có nhiệm vụ coi sóc. Hai trăm ba mươi người, ít thật – nhưng, với một lòng khiêm nhường thẳm sâu, cha Vianney vẫn thấy rằng bó linh hồn này quá nặng đối với đôi vai của một người thợ gặt. Ngài sung sướng được làm linh mục, nhưng lại sợ làm cha xứ. Mãi cho đến ngày chết, nỗi băn khoăn lo lắng đem đàn chiên về với Chúa vẫn hằng ám ảnh ngài. Đêm ngày ngài không ngừng cầu nguyện cho giáo dân của mình và cho “những tội nhân đáng thương”…
Chúng ta biết những khó khăn mà cha Vianney đã vấp phải khi ngài vừa mới thi hành tác vụ tại Ars. Khiêu vũ và tửu điếm là những kẻ thù của ngài, nhưng chắc chắn ngài sẽ thắng cuộc bằng lời giáo huấn, bằng những bài giảng tuy vụng về nhưng không thể cưỡng lại được, bằng những bài giáo lý nổi tiếng, nhất là bằng tấm gương đạo đức và khổ hạnh của ngài…
Đàng khác, vị linh mục này còn hãm mình một cách hấp dẫn hơn nữa. Ngài tự làm lấy những khí cụ thống hối gồm những dây xích, những đinh sắt và những mảnh chì. Khi chỉ có một mình, ngài tự đánh mình dồn dập, và những người đàn bà phụ trách dọn dẹp trong nhà ngài sau này vừa khóc vừa nói với vẻ thán phục lẫn sợ hãi:
-               Thật tội nghiệp khi nhìn thấy phía vai trái trên những chiếc áo sơ mi của ngài loang lổ những vết máu!
Về phần lương thực, thật hết sức đơn giản. Cha Vianney đã giảm thiểu xuống tới mức tạm gọi là “mức sống tối thiểu”. Trong một thời gian lâu dài, ngài chỉ ăn mỗi ngày một bữa, và ngài tìm cách ăn đứng cho mau, trong vòng vài phút. Lương thực của ngài gồm có nước pha rượu đo đỏ, những củ khoai tây luộc đã nguội, một nắm bột và đôi khi vỏn vẹn chỉ có những vỏ bánh đáng tởm mà người mua lại của những người hành khất già và đã lên mốc dưới đáy những chiếc túi. Vì chưng, đối với cha Vianney, vinh dự cao nhất là được ăn bánh của người nghèo.
Hoạt động của cha xứ Ars ngày càng mở rộng và dai dẳng. Tại Ars, ngài đã thành lập trường nữ và cô nhi viện lấy tên là “Thiên Hựu”. Ngài cũng lập trường nam. Ngoài ra, ngài còn đi đến tất cả các giáo xứ khác để rao giảng truyền giáo, bởi vì tại những nơi đó người ta ngày càng nài xin và yêu cầu ngài. Và rồi nhiệt khí phi thường của những bài giảng và những bài giáo lý của ngài bắt đầu làm cho ngài nổi tiếng, khiến cho các tội nhân từ khắp mọi nơi tuôn đến cùng ngài. Đó là hiện tượng mà sau này người ta gọi là “cuộc hành hương xứ Ars” và những đám đông từ mọi góc trời trên đất Pháp, và ngay cả từ những nước khác nhau ở Châu Âu, lên đường đến với con người duy nhất này, đến với vị linh mục thôn dã trong làng mạc hẻo lánh này, đến với người nhà quê dốt nát nhưng đầy trực giác và chứa chan lai láng đức ái, mà thế kỷ XIX vô sỉ và tuyệt vọng đang cần đến biết bao!
Chắc chắn tất cả những điều đó không khỏi khiến cho kẻ thù muôn thuở phẫn nộ. Và các nhà viết tiểu sử về cha xứ Ars đều đã minh họa những vụ lôi thôi rắc rối giữa ngài với ma quỷ mà cha Vianney gọi là “tên nanh vuốt”.
Để quấy phá những giờ phút vắn vỏi mà cha Vianney dành ra vào lúc nửa đêm để nghỉ ngơi, Satan thường báo trước bằng những tiếng động kinh khủng trước khi hắn đến. Những bức tường nhà xứ như sắp sụp đổ, đồ đạc trong nhà như vỡ tung từng mảnh. “Tên nanh vuốt” đập mạnh vào cửa phòng ngủ của cha xứ Ars, rồi một cách vô hình nhưng ầm ĩ, hắn tiến vào gọi vị linh mục thánh bằng một giọng chế giễu:
-              Vianney! Vianney! Nhất định ta sẽ thắng mi, ta sẽ thắng mi!
Và kẻ thù càng tăng thêm nhiều quỉ kế, nhiều “trò khỉ” và nhiều cách hành hạ. Cơn phẫn nộ của hắn còn tỏ ra hùng hổ hơn bao giờ hết trong đêm trước ngày có những tội nhân lớn sắp sửa đến xứ Ars. Lúc ấy cha Vianney phải trải qua những đêm vô cùng thảm hại. Nhưng sáng ngày người vẫn tươi cười nói với những người xung quanh rằng:
-               Đêm qua “tên nanh vuốt” nổi cơn lôi đình! Chúng ta sắp nhận được tiền và các tội nhân…
Đàng khác, nếu ma quỉ dùng trò ầm ĩ thô kệch này để quấy phá một ít thời giờ ngắn ngủi mà cha xứ Ars dùng để ngủ nghỉ, thì trên một lĩnh vực khác những cuộc tấn công của nó lại tỏ ra tinh vi hơn nhiều. Biết chắc cha Vianney là người rất khiêm nhượng, nó tìm cách làm cho ngài nản chí, rời bỏ tác vụ, và cơn cám dỗ tệ hại nhất mà vị linh mục thánh thiện đáng thương này sẽ gặp phải trong cuộc sống của ngài chính là cám dỗ “đào nhiệm”. Qủa thế, trong suốt thời gian làm linh mục, nhiều lần cha Vianney cảm thấy một khát vọng khẩn thiết muốn đi vào nơi thanh vắng để hồi tâm và “khóc than cuộc đời khốn nạn của mình”. Ngài bị xâu xé bởi ý tưởng muốn bỏ giáo dân và tất cả đoàn tội nhân đang quấy rầy ngài đêm ngày. Ngài muốn tận tâm lo cho phần rỗi các linh hồn, nhưng khi ý nghĩ về sự bất xứng của mình (tất cả các vị thánh đích thực đều có cảm tưởng như thế) đè nặng trên ngài quá sức, ngài đành ra đi. Bởi lẽ ngài cho rằng mình không cần thiết, và bất cứ vị linh mục nào khác cũng đều có thể hoàn toàn thay thế mình. Hơn nữa, như chúng ta đã biết, ngài còn cho rằng mình không xứng đáng làm cha xứ của một giáo xứ.
Tuy nhiên, trong mỗi lần đào nhiệm như thế, ý thức trách nhiệm lại chiếm phần ưu thắng trong tâm hồn cha Vianney, khiến ngài quyết tâm quay lưng lại sự hấp dẫn của cảnh yên tĩnh và thanh vắng để trở về Ars, tự giam mình trong chức vụ linh mục, trong tòa giải tội và giữa các tội nhân.
Năm 1845, cha Vianney, cha xứ Ars, được 59 tuổi. Thực ra ngài không còn màng tuổi tác nữa…
Theo lời một nhân chứng, ngài được “ơn lạ lùng này là xuất hiện trước mắt mọi người với hình ảnh Đức Giêsu Kitô, một Đức Giêsu Kitô khác”. Cũng chính nhân chứng ấy nói với chúng ta rằng: “Nếu đã có lần nào bạn gặp ánh mắt của ngài hay nghe lời ngài nói, thì lời ấy và ánh mắt ấy lôi cuốn bạn ngay”. Và những ai gần gũi ngài công nhận rằng “có một ấn tượng sâu đậm nào đó khiến cho ai ai cũng đều gặp thấy trên khuôn mặt của vị linh mục này một vẻ đẹp siêu phàm…”
Tuy nhiên, ngài không phải là một con người đẹp trai, trái lại là đàng khác! Tầm vóc ngài nhỏ bé (cao 1m58). Ngài có vẻ luộm thuộm, “lỏng khỏng”. Người ta nhận thấy ngài có một nghị lực nào đó, nhưng bản chất tự nhiên của ngài vẫn nóng nảy. Dù cao niên, tứ chi của ngài vẫn giữ được sự dẻo dai của người dân quê. Nếu chịu ăn ngủ thêm chút ít, có lẽ ngài rất tráng kiện, dù tầm vóc ngài có kém cỏi. Ngài rất thính tai và tinh mắt. Cho đến lúc chết tinh thần ngài vẫn minh mẫn. Càng về già, trí nhớ của ngài càng tinh anh hơn khi mới làm linh mục. Và vì sẵn có một tính vui vẻ tự nhiên, nên ánh mắt của ngài long lanh vẻ tinh anh của người dân quê. Sau cùng, ngài có một trực giác thực phi thường khiến ngài có thể thấu suốt tâm trí và linh hồn người ta qua ánh mắt của họ. Chẳng hạn ngài có thể đoán biết nội dung một bức thư trước khi đọc, hoặc đoán được lời thú tội trước khi nghe, và thỉnh thoảng ngài còn linh cảm những biến cố tương lai.
Thế nhưng, có quá nhiều việc cộng thêm sự hao mòn mỗi năm mỗi gặm nhấm khiến cho những đường nét trên thân thể ngài có vẻ hằn sâu hơn. Mái tóc ngài rậm, xám chứ không bạc, phía trước cắt ngắt, phía sau buông dài xuống gáy. Dưới mái tóc ấy là chiếc đầu dài, góc cạnh, hơi cúi xuống ngực, chắc là do thói quen trầm tư và thờ lạy. Các nhân chứng về tuổi già của ngài đều mô tả cho chúng ta biết khuôn mặt “gầy guộc và có thể nói là tiều tụy của ngài”. Và chúng ta không thể không thương hại khi nhìn thấy sắc diện ngài nhợt nhạt, vì mỗi ngày phải ngồi tòa giải tội 18 tiếng đồng hồ, hay khi nhìn thấy những vết nhăn hằn sâu như những vết thương...
Khi nói về ngài, chúng ta không gọi ngài là thánh Gioan Maria, hay thánh Vianney, nhưng là cha xứ Ars.
Chắc chắn cuộc đời của ngài là cuộc đời của một con người ngoại hạng, đồng thời cũng là cuộc đời của một vị thánh....
Nhưng có điều này chúng ta sẽ không bao giờ nói cho đủ là: cuộc đời ấy ứ đầy nỗi lo lắng trước một tác vụ giáo xứ mà con người ấy luôn luôn nghĩ rằng mình không có khả năng thi hành. Cha Vianney là vị mục tử của một làng mà ngài có nhiệm vụ dẫn đưa về cùng Thiên Chúa. Không có lúc nào ngài quên lãng điều này: cuộc đời của ngài trước hết là cuộc đời của một cha xứ.
Ngài qua đời trong khi thi hành chức vụ, cũng như người thợ trong lúc làm việc. Thứ năm, ngày 4 tháng 8 năm 1859, vào lúc 2 giờ sáng, cha Gioan Baotixita Maria Vianney êm ái trút linh hồn trong tay Chúa, sau 41 năm 5 tháng làm cha xứ tại Ars.
Khi nghĩ đến ngài, chúng ta nhớ lại bài giảng dài về tình yêu mà chính ngài đã rao giảng bằng lời nói và gương sáng:
-               Hãy hết lòng yêu mến các linh mục của ngài, ngài chỉ nói bấy nhiêu với Đức Giám Mục của ngài là kẻ đã chọn ngài làm cha giải tội.
Sau cùng, đây là một trong những câu trả lời cuối cùng mà ngài đã nói với một hối nhân, khi người này hỏi ngài về cách thế để được lên thiên đàng, và chúng ta thấy rằng những lời ấy tóm lược tóm tính chất vừa chắc chắn vừa độc đáo trong lời giảng dạy của ngài:
-              Này bạn, muốn lên thiên đàng hả? Cần phải có ân sủng và thập giá.
Một tập sách như thế này cần thiết hơn bao giờ hết, vì nó mang lại cho chúng ta chính lời của cha xứ Ars và làm vọng lại giọng nói nhỏ nhẹ triền miên bay xuyên qua thời đại tuyệt vọng đến tay chúng ta cách dễ dàng…
Dĩ nhiên cần phải chọn lọc. Qua những trang sách sau đây chúng ta gặp được những gì cao đẹp nhất trong rất nhiều tư tưởng mà chúng ta có thể góp nhặt được của ngài. Chúng rất chặt chẽ, rất phấn khích, và trình bày những tiêu đề có khí vị như những bó tư tưởng.
Trước hết là phần giáo huấn. Những tiêu đề mà chúng ta đề cập ở đây gói ghém những câu châm ngôn hay khuyến dụ khác nhau trong cùng một tiết mục. Chúng tự khẳng định một cách hùng hồn: “Chúng ta có thể thu lượm tất cả”- “Vì một đôi phút mà mất linh hồn”- “Khiêm nhường là nhân đức đầu tiên”- “Một tâm hồn trong sạch có đủ mọi quyền lực”- “Đừng trông cậy quá đáng hoặc quá ít”. Qua suốt bản văn chúng ta sẽ phải thán phục sự quân bình tuyệt vời và chắc chắn của cha xứ Ars. Ngài quả quyết:
-               Thiên Chúa không độc ác nhưng công bình (…). Viêc thi ân và tha tội của Thiên Chúa có giới hạn.
Rồi ngay sau đó ngài liền chữa lại lời đe dọa trên khi bảo chúng ta hãy trông cậy:
-               Chúa như một người mẹ ẵm con trên cánh tay (…). Dù chúng ta có thế nào đi nữa Người vẫn thương xót chúng ta…
Và giờ đây đến phần suy niệm. Phần này dẫn đưa chúng ta xuyên qua đại dương thần bí, đi từ tình yêu Thiên Chúa đến sức hấp dẫn của sự thánh thiện, bằng con đường cầu nguyện và hiệp thông. Quả thế, chúng ta nghe thấy một âm vang của nguồn Phan sinh và đồng thời cũng là tiếng vọng của những dụ ngôn lớn:
“Kinh nguyện giải thoát tâm hồn chúng ta khỏi vật chất: nó nâng tâm hồn lên cũng như lửa thổi phồng các khinh khí cầu”.
“Thiên đàng được xây dựng trong tâm hồn các thánh. Các ngài tắm gội và đắm mình trong nước Thiên đàng ấy”.
“Việc rước lễ đối với linh hồn cũng như một hơi thở thổi vào ngọn lửa sắp tắt”.
Chúng ta đừng lầm: cung giọng của tiếng nói này vẫn còn mới mẻ đối với chúng ta cũng như đối với cha ông chúng ta cách đây hơn 100 năm. Chúng ta hiểu rằng nhờ làn gió của cha xứ Ars mà nhiều phép lạ đã nổi lên như bụi tung bay trong gió mùa hè. Và dù là những con người hèn tin, ít ra chúng ta cũng biết rằng ở đây chính Tin Mừng đang tiến hành.
Michel de Saint- Pierre