THỨ HAI - TUẦN 17
Bài đọc 1 Năm lẻ
[Môsê trở lại doanh trại
và thấy dân chúng đang thờ ngẫu tượng], ông bừng bừng nổi giận (Xh 32,19).
Cuốn tiểu
thuyết “Chúa của loài côn trùng” của William Golding diễn ra trong suốt thế
chiến thứ hai. Một chiếc máy bay trở những cậu bé 14 tuổi di tản khỏi các thành
phố bị ném bom đâm xuống biển. Phi hành đoàn đều chết tại chỗ, nhưng những cậu
bé thoát nạn và lưu lại trên một đảo hoang. Cuộc sống của chúng lúc đầu diễn ra
một cách trật tự. Nhưng rồi tình trạng này giảm sút nhanh chóng và các cậu bé
bắt đầu hành động như những kẻ hung ác. Đó cũng là điều gì xảy ra với dân
Israel khi Môsê rời xa họ một lúc. Từ đó, có thể rút ra một bài học: tội lỗi
luôn quanh quẫn trong đời chúng ta, chúng ta phải luôn đề phòng.
Tôi đã tìm ra cách nào đề
phòng tội lỗi hiệu quả nhất?
Hình phạt của tội là
phải đối diện, không phải với cơn giận của Chúa Giêsu, nhưng là với nỗi đau đớn
trong ánh mắt của Ngài (William Barclay).
Bài đọc 1 Năm chẵn
[Thiên Chúa phán:] “Như
chiếc đai người ta thắt ở lưng, Ta cũng thắt chặt cả dân… để chúng trở thành
dân của Ta” (Gr 13,11).
Trước khi cố
gắng đi vào tương quan với Thiên Chúa, chúng ta cần đi vào tương quan với chính
mình. Một cách để thực hiện điều này là dừng lại một chút trước khi cầu nguyện
và nhận thức vẻ bên ngoài cũng là một phần của ta. Suy gẫm trong nhận thức này
chừng một hay hai phút, và từ đó nhảy vọt lên trong tương quan với Chúa. Chẳng
hạn, chúng ta cầu nguyện: “Lạy Chúa, Chúa
che chở con về mặt thiêng liêng, và cũng như quần áo bao bọc con về mặt thể
xác. Quần áo bao bọc con làm cho con nhận thức về sự che chở thiêng liêng của
Chúa” Đó là cách thức đi vào cầu nguyện mà lời Chúa hôm nay gợi lên.
Tôi có luôn bắt đầu việc suy
gẫm bằng cách đặt mình trong sự hiện diện của Chúa và sử dụng lời cầu nguyện
gợi ý cho việc này không?
Thiên Chúa gần gũi tôi
hơn cả hơi thở của tôi.
Bài Tin Mừng:
Chúa Giêsu còn trình bày
cho họ nghe một dụ ngôn khác: “Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ
lấy gieo trong ruộng mình. Tuy là loại nhỏ nhất trong các hạt giống, nhưng khi
lớn lên, thì lại là thứ lớn nhất: nó thành cây, đến nỗi chim trời đến làm tổ
trên cành được” (Mt 13,31-32).
Một bà mẹ nọ
cho con trai của bà một quả sồi và nói: “Cây
mà chúng ta đang ngồi dưới gốc đây, trước kia cũng chỉ là một quả sồi nhỏ như
thế này.” Cậu bé nhìn cây sồi, rồi lại nhìn quả sồi. Cậu hỏi: “Mẹ ơi, làm thế nào Thiên Chúa có thể gói
một cây cao lớn thế này vào một quả sồi tí xíu?” Môn đệ của Chúa Giêsu cũng
đã tự hỏi làm sao nhóm tín hữu nhỏ bé đã có thể trở thành một Giaó hội rộng lớn
như thế.
Tôi có khuynh hướng chỉ xét
sự vật và con người theo cái nhìn nhân loại mà quên đi cái nhìn của Thiên Chúa
đến mức nào? Đặc biệt về điều gì hay người nào?
Lạy Chúa, xin giúp con
nhìn vào hạt sồi mà thấy cây sồi. Xin giúp con nhìn vào hạt mưa mà thấy đại
dương. Xin giúp con nhìn thời gian mà thấy được vĩnh cửu.