CLAUDEL (PAUL)
(1868-1955)
TIỂU SỬ VÀ CÔNG NGHIỆP
Paul Claudel sinh ngày 6-8-1868 tại
Villeneuve sur Fèrre (Pháp) và qua đời ngày 23-2-1955 tại Paris.
Thuở bé, tiên sinh học ở quê nhà. Đến năm
14 tuổi lên Paris. Gia đình tiên sinh thuộc hạng trung lưu và xưa nay đã hiến
dâng nhiều linh mục cho Giáo hội và chú ruột của tiên sinh cũng là cha sở tại
xã nhà. Đỗ tú tài xong, tiên sinh vào Đại học Luật khoa đồng thời theo dõi các
lớp ở Đại học Chính trị.
Đến đây, tiên sinh vừa đúng 18. Có thể nói
cuộc đời mới của tiên sinh cũng đã bắt đầu, nhất là về lĩnh vực tinh thần và tư
tưởng, tiên sinh bắt gặp được một số tác phẩm của cố thi sĩ Arthur Rimbaud. Thi
sĩ này tựa hồ đã khai quang bộ óc tiên sinh. Đây là vào khoảng tháng 6, nhân đọc
Tạp chí Trào lưu (La Vogue) mở đầu với thi phẩm Thần cảm (Illumination) của
Rimbaud, tiên sinh viết: ”Qủa thật nó
(Illumination) đã gợi sáng tôi thoát khỏi thế giớ ghê tởm của Taine, Renan và
các thần Moloch của thế kỷ XIX: “thoát khỏi thế giới của ngục hình…”
Rồi 6 tháng sau, nhân đêm lễ Giáng sinh, đứng
dựa cột đá nhà thờ Đức Bà... nhân buổi lễ tưng bừng, tiên sinh bỗng thấy thần cảm
huyền diệu xâm chiếm cõi lòng… Trong giây lát, lòng tiên sinh xúc cảm mạnh và Đức
Tin đã về với tiên sinh.
Về đoạn này, tiên sinh đã viết: “và tôi tin có Chúa hiển hiện. Người ngự
kia… Người thương tôi, gọi tôi… Nước mắt tôi chảy ra với những tiếng nức nở…”
Tuy nhiên phải 4 năm nữa, tiên sinh mới thắng
được và thoát ly hẳn những dục vọng ăn rễ sâu xa trong người từ lâu, để từ đấy
trở về với Đức Tin.
Trong lúc chuẩn bị vào ngành ngoại giao,
tiên sinh cũng bắt đầu vào con đường Văn chương. Tiên sinh đã chịu ảnh hưởng của
các nhà văn tên tuổi như Shakespeare, Eschyle, Dostoievky, Dante và cả
Mallarmé, Marcel Schowb, Jules Renard nữa.
Vào khoảng này, tiên sinh khai sanh hai tác
phẩm: Tête d’Or (đầu vàng), năm 1890; La Ville (Đô thị), năm 1893.
Năm 1890, tiên sinh đỗ nhất kỳ thi ở Ngoại
giao và bắt đầu bước vào đường công danh.
Đầu tiên nhận chức Lãnh sự sau đó thăng lên
chức Đại sứ, trong 40 năm, tiên sinh đã thay mặt nước Pháp ở Châu Mỹ tại nhiều
nơi (Nữu ước, Boston, Rio de Janeiro, Washington), ở Châu Á tại Phúc châu, Thượng
hải, Thiên tân, Nhật bản, có viếng thăm Sai gòn ta năm 1901, đã từng đi ngang
Tây Bá Lợi Á bằng chiếc xe lửa dài nhất thế giới của Nga (1909), ở Châu Âu tại
Tiệp Khắc, Bỉ, Đức, La mã…. Và đến năm 1933 thì chấm dứt con đường ngoại giao của
tiên sinh, vì cũng đã già rồi (67 tuổi).
VĂN NGHIỆP
Tiên sinh đã viết gần 40 tác phẩm: hầu hết
đều viết trên các nẻo đường công du hay ở khắp nơi trên thế giới tại các nhiệm
sở của tiên sinh, vào những lúc nhàn hạ hay khi cõi lòng rạo rực.
Tác phẩm Trao đổi (L’Êchange) viết ở Mỹ, Con tin (Otage) tại Trung hoa và Tiệp khắc, Chiếc giày satanh (Le soulier de satin) tại Nhật…
Đề tài tác phẩm
của tiên sinh đều thoát khỏi nếp sống phù hoa rộn rịp của một công chức cao cấp
mà lại bắt nguồn từ cái chân lý bất diệt, nhằm rao giảng cho Phúc âm. Nguồn cảm
hứng của tiên sinh, trước hết là Thánh Kinh rồi đến Eschyle, nhà hiền triết
kiêm thi sĩ cổ Hy lạp. Thêm vào đó, đời sống kham khổ của người dân Á đông còn
giúp cho tiên sinh có một nhãn quan rộng rãi về kiếp sống con người, để rồi tìm
nguồn an ủi nơi Đấng Thượng Đế. Hai tác phẩm Thông cảm
Đông phương (Connaissance de l'Est),
Chim đen trong mặt trời mới mọc (L’oiseau noir dans le Soleil levant) đã chứng minh quan
điểm đó. Tiên sinh cũng có chịu ảnh hưởng của các nhà soạn kịch danh tiếng Tây
ban nha như Lope de Vega, Caladeron.
Các kịch phẩm đầu tiên của Paul Claudel như L’Échange,
Partage de Midi (1906), L’annonce faite à Marie (Truyền tin cho Đức Mẹ) đã thể hiện một đường lối khác
biệt. Nhất là vở tuồng: L’annonce faite à Marie do Lugné Poe đưa lên sân khấu
đã mở đầu giai đoạn kịch nghệ về tôn giáo phục hưng.
Sau đó là các tác phẩm: L’Otage, Le pain dur, 1918 (Chiếc bánh cứng), Le père
humilié, 1920 (Người cha sỉ nhục)
và Le soulier de satin (1919-1924). Vở tuồng này là thành công xuất sắc nhất của
tiên sinh, mãi đến năm 1943 mới trình diễn và được khán giả nhiệt liệt hoan
nghênh.
Từ 1930 trở đi, tiên sinh hướng tác phẩm
mình vào việc giải thích, bình luận Thánh
kinh. Vì nặng tư tưởng tôn giáo nên đã có
lúc tiên sinh gọi Corneille là người “không đáng gì”, Goethe, Renan là những “kẻ
báo hại”, Michelet, Hugo “đốn mạt”…
Văn nghiệp tiên sinh phong phú nhưng thời ấy
ít ai thưởng thức. Năm 1935, tiên sinh lại không được thừa nhận vào Viện Hàn
lâm.
Trong ngót 40 tác phẩm của tiên sinh, có thể
kể những tác phẩm sau đây là chính:
Khúc nhạc 3 giọng (Cantate à 3 voix, 1931), Thánh lễ
đằng kia (La messe là bas, 1919),
Lập trường và đề nghị (Positions et propositions), Những
chuyện phiêu lưu của Sophie (Les
aventures de Sophie, 1936), Jeanne d’Arc trên dàn hỏa
táng (Jeanne d’Arc au bûcher,
1938), Cái kiếm và cái kính (L’Epée et le Miroir, 1939)…
Năm 1946, tiên sinh mới đắc cử vào Hàn Lâm
viện.
TÓM TẮT NHỮNG TÁC PHẨM CẦN BIẾT:
Tête d’Or
(1889):
Sau khi mai táng người vợ yêu quý, Simon Angel,
một anh chàng phiêu lưu, sau này mệnh danh là Tête d’or (cái đầu vàng), tình cờ
gặp cậu bé tên là Cébès. Tuy thất thời và đau khổ, Simon vẫn còn ham danh lợi
và tin tưởng ở tương lai, nên kết thân với Cébès, biết đâu nó sẽ giúp ích mình
mai sau.
Vận may vừa đến: Simon trở thành một viên
tướng kỳ tài, cứu nước, đuổi quân xâm lăng. Sẵn uy quyền, cái đầu vàng nổi lên
giết vua, đoạt ngai vàng, đuổi Công chúa, đàn áp hết quần thần trung thành với
vua cũ… Nhưng Cébès bỗng ngã bệnh chết, báo hiệu cho Simon biết kiếp mong manh
của mọi việc trên đời. Sau đó, Simon đánh đâu thua đó, quan quân đào ngũ. Trong
lúc bị thương nặng, gần chết, Simon nghe tiếng rên thảm thiết. Chàng nhận ra
Công chúa đang bị đóng đinh trên một cây thông. Cái đầu vàng cố hết sức bình
sinh, lấy răng nhổ đinh, cứu chết Công chúa nhưng chàng lại ngã gục… Cái chết
đã đến để kết thúc mọi việc trên đường đời, Simon đã mất người vợ yêu quý, mất
người bạn thân tín Cébès và luôn cả bản thân cũng mất. Đời có gì vĩnh cửu đâu ?
Công danh phú quý mà chi ? Tham tàn gian ác mà chi ? Cái Trật tự tối cao mà ai
kia đã đặt ra rồi, dễ gì chúng ta xáo trộn nó được ?
Đô thị
(La ville, 1890).
Một bi kịch ba màn tả một thành phố, được tổ
chức theo một lề lối sống hoàn toàn vật chất và chính trị. Mọi sinh hoạt về tôn
giáo đều vắng bóng và không đâu tìm ra được một bức tranh của Chúa hay một
Thánh giá. Tuy vậy, dân chúng của thành phố này có thể chia ra làm 3 nhóm và tư
tưởng cũng như chủ trương sống của họ có thể tìm thấy trong 3 đại diện:
Isodore de Besme chủ trương sống hoàn toàn
vật chất, bằng máy móc. Tất cả nhơn vật tài lực, phải được tập trung vào công
việc khai thác thiên nhiên. Thực dụng chủ nghĩa phải được triệt để áp dụng. Vấn
đề vụ lợi phải là động cơ của mọi công việc.
Hậu quả của lề lối sống này đã đưa đến chỗ
là ai cũng chán sống, thấy đời sống nông cạn tầm thường quá…
Avare thì không tán thành lối sống nói
trên, tìm mọi cách để chống đối, để phá hoại mọi tổ chức của Isodore de Besme.
Avare chỉ hành động theo ý kiến của đa số dân chúng, làm sao cho đời sống bớt
ngột ngạt dễ thở hơn, chớ riêng Avare cũng không có giải pháp gì hay hơn.
Coeuvre, một thi nhân, một tín đồ nhiệt
thành của Chúa. Ông đã có vợ là Lola, có con là Ivors. Ivors sau này lên nhậm
chức Đô trưởng cho Thành phố. Coeuvre có khuyên con rằng:
-
Không việc nào thành tựu lâu dài nếu không có
Chúa.
-
Không có Chúa, việc tốt trở nên xấu,…
Rồi ở màn thứ 3, người ta thấy Coeuvre
khoác áo đi tu. Nói tóm, tác giả nêu lên một vấn đề mà ai cũng đã từng băn
khoăn: vấn đề con Người trước Thượng đế.
Le Soulier de Satin (chiếc giày bằng Satin):
Một bi kịch xuất sắc nhất của tiên sinh viết
trong 5 năm mới xong (1919-1924) và đến năm 1945 mới đưa lên sân khấu.
Chuyện xảy ra vào thời kỳ Phục hưng tại Tây
Ban Nha. Chuyện gồm có 2 nhân vật chính: Prouhèze và Rodrigue de Manacor.
Prouhèze, gái đã có chồng nhưng vẫn yêu
Rodrigue de Manacor. Vì một công việc, nàng phải đến gặp Rodrigue tại nhà
riêng. Trước khi ra đi, nàng đem để dưới chân Đức Mẹ một chiếc giày bằng satin
và nguyện trước Đức Mẹ “nếu con đi tới tội lỗi thì con sẽ đi bằng một chân què,
nếu con bay đến tội lỗi thì con sẽ bay đến bằng một cánh gẫy”.
Rodrigue de Manacor, một kẻ ham danh lợi,
nuôi mộng tóm thâu thiên hạ và cũng đa tình, yêu Prouhèze, bất chấp sự dạy bảo
của tôn giáo… hai người này đã phải sống qua một cuộc đời đầy sóng gió, nhưng nhờ
tôn giáo vẫn trở lại được với con người đạo đức, con người của Chúa.
Prouhèze, nhờ những câu thề nguyện trên,
nên luôn luôn có thể trung thành với chồng, mặc dầu sau đó có nhiều lần gặp gỡ
Rodrigue.
Rodrigue tuy với nhiều sự yếu đuối nói
trên, gần gũi Prouhèze nhiều lần rồi cũng được cảm hóa theo. Chàng thoát ly dần
dần những dục vọng về danh lợi, những cám dỗ về nhục dục và chỉ mơ màng đến một
đời sống trong trắng và vĩnh cửu.
Bằng tác phẩm này, tiên sinh muốn nói lên một
vấn đề: con người phải cố gắng, bằng nhiều cố gắng đau đớn và lâm ly làm sao
thoát được cảnh trần gian này mà tiến dần dần đến Thượng đế.
Tác phẩm rất khó hiểu. Các hành động của
nhân vật trong bi kịch đều tượng trưng và có ý nghĩa xa xôi.
VÀI DÒNG KẾT LUẬN:
-
P.Claudel là nhà văn của Thiên Chúa giáo.
-
Ngòi bút của tiên sinh nhắm mục đích làm sáng
tỏ uy danh của Chúa, khuyên người đời nhận thấy cảnh tạm bợ, mong manh của thế
giới hữu hình này, và nên trở về với Chúa. Vì vậy, tiên sinh mạt sát kịch liệt
những văn sĩ, thi nhân nào hoài nghi hoặc bài xích ít nhiều Giáo hội như
Voltaire, Victor Hugo, Renan…
-
Tiên sinh phản đối phái lãng mạn, cho rằng văn
chương của phái này không được xây dựng trên một căn bản nào vững chãi.
-
Thơ của tiên sinh nhẹ nhàng uyển chuyển như
văn xuôi, nhờ vậy ý tứ dồi dào.
-
Quan niệm xây dựng kịch của tiên sinh cũng
khác những kịch gia xưa nay: câu chuyện không xảy ra tại một miền nào nhất định
và trong thời gian 24 giờ nhất định mà lại xảy ra tại nhiều nơi (Châu Âu, Châu
Phi, Châu Á, Cadix, Sicile, Rome, Panama, Prague,…) như trong tác phẩm “Chiếc
giày satin” chẳng hạn và trong thời gian 10 năm và hơn nữa.
Độc giả, khán giả xem tuồng của tiên sinh
dài hơn nhiều những tuồng xưa nay với nhiều nhân vật, nhiều đối thoại và còn có
cảm giác như đi du lịch xưa nay.
Nói tóm, kịch của tiên sinh phong phú hơn
nhiều, mới, lạ hơn nhiều những kịch xưa nay.
Tiên sinh được nhiều nhà văn danh tiếng ca
ngợi: Léon Dauder gọi tiên sinh là thi nhân độc đáo nhất của thế giới hiện đại.
Thibaudet cho rằng chỉ có tiên sinh mới xứng đáng so sánh với Victor Hugo mà
thôi. Nữ sĩ Anna de Noailles, Georges Duhamel đều rất mến phục tiên sinh…
Trích
tác phẩm DANH NHÂN THẾ GIỚI
của Trịnh Chuyết
của Trịnh Chuyết