CHÚA NHẬT 5 MÙA CHAY - NĂM C
Is
43,16-21; Pl 3,8-14; Ga 8,1-11
BÀI ĐỌC I: Is 43,16-21
16 Đây là
lời Đức Chúa, Đấng đã vạch một con đường giữa đại dương, một lối đi giữa sóng
nước oai hùng, 17 Đấng đã cho xuất trận nào chiến xa chiến mã, nào tướng
mạnh binh hùng: - tất cả đã nằm xuống, và không còn trỗi dậy, đã bị dập đi, tắt
ngấm như tim đèn. 18 Người phán như sau: "Các ngươi đừng nhớ lại những
chuyện ngày xưa, chớ quan tâm về những việc thuở trước. 19 Này Ta
sắp làm một việc mới, việc đó manh nha rồi, các ngươi không nhận thấy hay sao?
Phải, Ta sẽ mở một con đường giữa sa mạc, khơi những dòng sông tại vùng đất khô
cằn.20 Loài dã thú, chó rừng và đà điểu, đều sẽ tôn vinh Ta; vì Ta
cho nước chảy ngay giữa sa mạc, khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn, cho
dân Ta tuyển chọn được giải khát.21 Ta đã gầy dựng cho Ta dân này,
chúng sẽ lên tiếng ngợi khen Ta."
ĐÁP CA: Tv 125
Đ. 3 Việc Chúa làm cho
ta, ôi vĩ đại!ta thấy mình chan chứa một niềm vui.
1 Khi Chúa dẫn tù nhân Xi-on trở về, ta tưởng mình như giữa
giấc mơ.2 Vang vang ngoài miệng câu cười nói,rộn rã trên môi khúc
nhạc mừng.
2cd Bấy giờ
trong dân ngoại, người ta bàn tán: "Việc Chúa làm cho họ, vĩ đại thay!
" 3 Việc Chúa làm cho ta, ôi vĩ đại! ta thấy mình chan chứa
một niềm vui.
4 Lạy Chúa, xin dẫn tù nhân chúng con về, như mưa dẫn nước
về suối cạn miền Nam .
5 Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống,mùa gặt mai sau khấp khởi
mừng.
6 Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo; lúc trở
về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng.
BÀI ĐỌC II: Pl 3,8-14
Thưa anh
em, 8 tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời,
là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi
coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô 9 và được kết hợp với Người.
Được như vậy, không phải nhờ sự công chính của tôi, sự công chính do luật Mô-sê
đem lại, nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Đức Ki-tô, tức là sự công
chính do Thiên Chúa ban, dựa trên lòng tin.10 Vấn đề là được biết
chính Đức Ki-tô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng
được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người
trong cái chết của Người,11 với hy vọng có ngày cũng được sống lại
từ trong cõi chết.12 Nói thế, không phải là tôi đã đoạt giải, hay đã
nên hoàn thiện đâu; nhưng tôi đang cố gắng chạy tới, mong chiếm đoạt, bởi lẽ
chính tôi đã được Đức Ki-tô Giê-su chiếm đoạt.13 Thưa anh em, tôi
không nghĩ mình đã chiếm được rồi. Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng
đường đã qua, để lao mình về phía trước.14 Tôi chạy thẳng tới đích,
để chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa dành cho kẻ được Người kêu gọi
trong Đức Ki-tô Giê-su
TUNG HÔ TIN MỪNG: Ge
2,12-13
Đức Chúa phán: Ngay lúc này, các ngươi hãy hết lòng trở về
với Ta, bởi vì Ta từ bi nhân hậu.
TIN MỪNG: Ga 8,1-11
1 Khi ấy Đức Giê-su thì đến núi
Ô-liu.
2 Vừa
tảng sáng, Người trở lại Đền Thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống
giảng dạy họ.3 Lúc đó, các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn đến trước
mặt Đức Giê-su một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa,4
rồi nói với Người: "Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại
tình.5 Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá
hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao? "6 Họ nói
thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người. Nhưng Đức Giê-su cúi xuống lấy
ngón tay viết trên đất.7 Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và
bảo họ: "Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước
đi."8 Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất.9 Nghe
vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn
lại một mình Đức Giê-su, và người phụ nữ thì đứng ở giữa.10 Người
ngẩng lên và nói: "Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao? "11 Người đàn bà đáp: "Thưa ông, không có ai cả." Đức
Giê-su nói: "Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và
từ nay đừng phạm tội nữa! "
A. PHẦN TÌM HIỂU
1- Ý ĐỒ CÁC KÝ LỤC VÀ BIỆT PHÁI HỎI Ý KIẾN
ĐỨC GIÊ-SU VỀ NGƯỜI PHỤ NỮ NGOẠI TÌNH.
a- Nếu Ngài bảo đừng
ném đá, thì đó là cách Ngài xúi dân chống lại Luật thánh mà ông Mô-sê đã truyền
cho dân, đồng thời Ngài còn mâu thuẫn với lời giảng của Ngài, vì chính Ngài đã
nại vào Luật của ông Mô-sê để làm chứng về Ngài (x. Ga 5,39). Như vậy, họ có lý
để loại trừ Ngài!
b-
Nếu Ngài bảo cứ ném theo Luật, thì Ngài cướp quyền của Ro-ma. Thời ấy Roma không
cho phép người địa phương kết án tử bất cứ người nào.Quyền ấy chỉ do Hội đồng
Công tọa của Ro-ma (x. Ga 18,31). Ngoài ra còn trái với mục đích Ngài công bố
đến để kêu gọi người tội lỗi (x. Lc 15). Như vậy, họ cũng có lý do để tố cáo Ngài
với chính quyền Ro-ma.
2- NGÀI VIẾT GÌ TRÊN ĐẤT VÀ VỚI MỤC ĐÍCH
NÀO?
Có ba ý kiến.
a- Ông Manson cho rằng: Đức Giê-su viết trên
đất gợi đến luật của Ro-ma thời ấy là muốn kết án ai thì viết bản án trước, như
ông Phi-la-tô viết bản án trên đầu thập giá của Đức Giê-su (x. Ga 19,19); cũng
thế Đức Giê-su viết hai bản án, một cho những người tố cáo, một cho phụ nữ
ngoại tình.
* Án thứ nhất cho
người tố cáo: “Ai trong các ngươi vô tội,
thì hãy lượm đá ném trước đi!” (Ga 8,7: Tin Mừng)
* Án thứ hai cho người
phụ nữ: “Chị hãy về và đừng phạm tội nữa!”
(Ga 8,11: Tin Mừng)
Như vậy họ hỏi ý kiến
Ngài xử trí người phụ nữ như thế nào, thì Ngài đã viết bản án cho họ xem, nhưng
họ cố hỏi Ngài, nên Ngài đọc cho họ nghe, vì qúa xấu hổ, họ lần lượt kéo nhau
bỏ đi!
b- Giáo sư Derris giải thích: Chúa viết trên đất là
đối chiếu trường hợp này với vụ bà Su-san-na (x. Dn 13), nghĩa là:
* Lần thứ nhất Đức
Giê-su viết (Ga 8,6): “Không phao tin đồn
nhảm; đừng giúp kẻ ác làm chứng gian; không hùa theo số đông để làm trái.”
(x. Xh 23,1-2)
* Lần thứ hai Đức
Giê-su viết (Ga 8,8): “Hãy tránh xa lời
gian dối!” (Xh 23,7)
Và như vậy, những kẻ tố cáo cũng
thuộc loại gian dối như hai lão gìa trong truyện bà Su-san-na (x. Dn 13). Những
kẻ tố cáo đọc lời Đức Giê-su viết trên đất như thế, quá xấu hổ liền rút lui,
dân chúng thấy không còn ai tố cáo nên mọi người cũng bỏ đi!
c* Thánh Giê-rô-ni-mô lại cho ý kiến: “Đức Giê-su viết:
-
Lần thứ nhất để ứng nghiệm lời ngôn sứ Giê-rê-mi-a (17,13):
“Lạy Chúa, kẻ bỏ Ngài sẽ phải xấu hổ, và
những ai tráo trở với Ngài, tên nó sẽ viết trên đất!”
-
Lần thứ hai để ứng nghiệm Lời Kinh Thánh Hc 1,28: “Đừng hai lòng đến với Ta”. Người như thế
sẽ bị loại trừ giống như “muối lạt bị đổ
xuống đất cho người ta dẵm đạp!” (Mt 5,13) Và “bị xóa tên khỏi Sổ Hằng Sống.” (x. Xh 32,33) Kẻ tố cáo vẫn chưa
chịu xét mình mà tháo lui, nên Đức Giê-su bảo chúng: “Ai thấy mình vô tội, thì lượm đá ném trước đi” (Ga 8,7: Tin Mừng),
thế là ai cũng thấy mình có tội, nên lần lượt rút lui hết thảy!
3/ TÁC GỈA ĐOẠN TIN MỪNG NÀY CÓ Ý SO SÁNH
CHÚA GIÊ-SU VỚI AI?
Tác gỉa
muốn so sánh ông Đa-ni-en (ch.13) với Chúa Giê-su:
a- Cựu ước xét xử dựa trên pháp lý, cao điểm hoàn tất bản
án hợp lý là: kẻ có tội bị loại trừ (hai lão gìa), người vô tội được giải oan
(bà Su-san-na).
b- Tân ước xét xử dựa trên pháp lý và ân sủng:
*
Dựa trên pháp lý: Chính Đức Giê-su đã nại vào Luật của ông Mô-sê
(x. Dnl 17,5-7; 22,22-27) mà bảo họ xét xử: “Nếu họ bắt được bị can phạm tội qủa tang, thì hãy lôi nó ra trước cổng
thành mà tố cáo. Nếu có một chứng nhân thì bị can không bị chết; nếu có hai
chứng nhân, thì can phạm bị án tử, ai làm chứng thì hãy lượm đã ném trước, và
những người khác ném sau, cho đến khi bị can chết!” (Ga 8,7: Tin Mừng).
*
Dựa trên ân sủng: Cách xử của Đức Giê-su làm cho hết mọi người
nhận ra tội trạng của mình: cả người tố cáo lẫn bị can đều phải ra đi để sửa
mình: “Hãy đi và đừng phạm tội nữa!”(Ga
8,11) Nhưng thực ra chỉ có người phụ nữ nán lại bên Đức Giê-su là người sám
hối, nên được Ngài tha tội, vì “Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để
lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3,17). Còn những kẻ lủi đi, vì họ biết Đức Giê-su đã
nhìn thấu tâm can của họ, nhưng vì tự ái làm gia tăng lòng căm phẫn nên bỏ đi,
nên bỏ đi và bàn mưu tính kế với người Roma để chờ dịp triệt Ngài!
Vậy xưa kia máu người vô tội như bà Su-san-na không phải
đổ cách vô ích (x. Dn 13,62); Nay máu Đấng Thánh là như Đức Giê-su phải đổ, để
mọi tội nhân thoát án tử mà được sống! (x. Rm 3,25; 1Pr 1,19-21)
B. GỢI Ý SUY NIỆM
Thánh Phao-lô là một Biệt phái biết đâu ông cũng có mặt
trong số những người Biệt phái đến gài bẫy Đức Giê-su, có ý hại Ngài? Quả thật,
sau khi ông Phao-lô gặp Đức Giê-su, ông đã khám phá ra Ngài quá tuyệt vời, nên
ông nói: “Tôi coi
tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô
Giê-su, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để
được Đức Ki-tô và được kết hợp với Người. Được như vậy, không phải nhờ sự công
chính của tôi, sự công chính do luật Mô-sê đem lại, nhưng nhờ sự công chính do
lòng tin vào Đức Ki-tô, tức là sự công chính do Thiên Chúa ban, dựa trên lòng
tin” (Pl 3,8-9: Bài đọc II).
Ai gặp Đức
Giê-su,chắc chắn người ấy sẽ đón nhận được những điểm lợi sau đây:
1/ Ai đến
nghe Đức Giê-su nói cũng khám phá ra tội mình. Cụ thể những người tố cáo người phụ nữ
ngoại tình trước mặt Đức Giê-su,cuối cùng ai cũng phải cúi mặt ra đi, không dám
vênh váo như lúc đầu đến với Ngài. Thật đúng với lời thánh Phao-lô nói: “Chỉ ngang qua Lời Chúa tôi mới biết mình có
tội” (Rm 7,7b).
2/ Đừng cậy
dựa vào địa vị của mình, nhất là nại vào Lề Luật như hai vị kỳ mục đòi “bề hội
đồng” bà Susanna không được, thì dùng Luật bày mưu tính kế giết bà. Đó mới là
kẻ mang tội nặng nhất trước mặt Chúa. Thực vậy, Đức Giê-su rất nặng lời đối với
những người có chức vụ trong Do Thái giáo, họ cậy dựa vào địa vị và Luật Mô-sê
để tìm cách tấn công Đấng vô tội, thế mà họ vẫn được dân chúng tôn kính! (x. Mt
23)
Nhìn vào xã hội khắp nơi, nhiều kẻ nắm quyền bính dựa vào
luật quốc gia để biển thủ công quỹ, thì không ai dám động đến họ, trong khi đó
chính bọn này bắt được kẻ nghèo ăn cắp xe đạp của người khác, thì lại lên án bỏ
tù!
Vì thế những kẻ từng phạm Luật lại tố cáo người phụ nữ
ngoại tình đòi Đức Giê-su lên án, thì Ngài có quyền nói với những kẻ tố cáo: “Đĩ điếm vào Nước Trời trước các ngươi”
(Mt 21,31).
3/ Kẻ nhị
tâm đến gài bẫy Đức Giê-su, Đấng toàn năng, toàn thiện, nó là thứ “đĩ thánh”, vì chúng có hai mặt:
một mặt chúng tỏ ra là người công chính dựa vào Luật pháp để tố cáo người đàn
bà chúng cho là đã bắt quả tang phạm tội ngoại tình; mặt kia chúng dựa vào mưu
kế của satan bày cho để có ý diệt Đấng vô tội, chứ không phải giết người phụ nữ
ngoại tình. Như thế, một tay chúng nắm chặt Luật Mô-sê (Luật thánh), tay kia
chúng nắm chặt satan! Đức Giê-su biết rõ bản chất chúng như vậy, thế mà Ngài
chỉ nhẹ nhàng nói: “Ai trong các ngươi
thấy mình vô tội, thì lượm đá ném chị này trước đi” (Ga 8,7), Ngài có ý nói
như thế để chúng biết xấu hổ mà sám hối ăn năn, hòng được Ngài cứu chăng?!
4/ Đức
Giê-su lên án kẻ không biết lấy cái đà ra khỏi mắt mình trước, đó là thâm ý hại
người, mà lại đòi lấy cái rác ra khỏi mắt anh em (x. Mt 7,1-5). Biết đâu những
kẻ tố cáo chị này,chính chúng là thủ phạm, như hai kỳ mục háo sắc trước bà
Susanna (x. Dn 13). Thật đúng với lời Kinh Thánh: “Tuổi thọ đáng kính không phải bởi sống lâu, cũng không do số tuổi, sống
không vết nhơ mới thực là sống thọ” (Kn 4,8-9).
5/ Những người
tố cáo tội người khác trước mặt Đức Giê-su, tất cả đã phải xấu hổ, già rút lui
trước, trẻ rút lui sau. Điều này chứng tỏ thân phận yếu đuối của kiếp người, nếu
không có Đức Giê-su nâng đỡ, thì họ đi nghịch lại đời sống của Đức Giê-su, bởi
vì “Ngài càng lớn lên càng khôn ngoan, ân
sủng trước mặt Thiên Chúa và người ta” (x. Lc 2,52), trái lại người ta nếu không
thuộc về Chúa Ki-tô, thì càng sống lâu càng lắm tội (x. Ga 8,9: Tin Mừng). Bởi
thế lời Kinh Thánh nói: “Nếu Chúa chấp
tội, nào ai được cứu” (Tv 130/129,3). Nhưng rất may, khi Đức Giê-su xét xử
người ta, Ngài nhắm mắt làm ngơ trước tội lỗi của họ, miễn là họ đã cố gắng sống
Đức Ái (x. Mt 25, 34-40), bởi vì: “Đức ái
phủ lấp muôn vàn tội lỗi!” (1Pr 4,8).
Vậy nếu Chúa cho ta sống thọ, là nhằm tạo cho ta có điều
kiện làm nhiều việc lành phúc đức, có thế mới không run sợ như quỷ gặp Chúa (x.
Gc 2,19), vì “ai có lòng xót thương
người,t hì coi thường việc xét xử”(Gc 2,13).
6/ Nơi tòa
án đời, người vô tội may mắn lắm được tha bổng ra về tay không; thua xa kẻ có tội
trước Tòa Thiên Chúa xét xử (Bí tích Thánh Tẩy, Giao Hòa, Xức Dầu, Thánh Thể),
thì lại được tha bổng ra về mang theo ân lộc dồi dào phong phú hơn tội đã phạm
(x. Rm 5,20).
7/ Chỉ mình
Chúa mới biến dữ ra lành, tội ra ơn, chết ra sống, như lời ngôn sứ Isaia
nói: “Người
phán như sau: "Các ngươi đừng nhớ lại những chuyện ngày xưa, chớ quan tâm
về những việc thuở trước. Này Ta sắp làm một việc mới, việc đó manh nha rồi,
các ngươi không nhận thấy hay sao? Phải, Ta sẽ mở một con đường giữa sa mạc, khơi
những dòng sông tại vùng đất khô cằn. Loài dã thú, chó rừng và đà
điểu, đều sẽ tôn vinh Ta; vì Ta cho nước chảy ngay giữa sa mạc, khơi những dòng
sông tại vùng đất khô cằn, cho dân Ta tuyển chọn được giải khát” (Is 43,18-20: Bài đọc I). Vì vậy, Đức Chúa phán qua lời
ngôn sứ Giô-en: “Ngay lúc này, các ngươi
hãy hết lòng trở về với Ta, bởi vì Ta từ bi nhân hậu” (Ge 2,12-13: Tung Hô
Tin Mừng).
8/ Qua kinh nghiệm sống đạo của
Biệt phái Phao-lô, ông đã nhắc nhở chúng ta: “Ai tưởng mình đứng vững, hãy coi chừng kẻo
ngã!” (1Cr 10,12) Bởi vì chưa ai nắm trọn được ơn cứu độ, ơn cứu độ vẫn còn
ở phía trước, do đó thánh Phao-lô nói: “Mọi
sự trong thế gian chỉ là phân bón trước mối lợi là được học biết Đức Giê-su
Ki-tô,… với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết.Nói thế, không
phải là tôi đã đoạt giải, hay đã nên hoàn thiện đâu; nhưng tôi đang cố gắng
chạy tới, mong chiếm đoạt, bởi lẽ chính tôi đã được Đức Ki-tô Giê-su chiếm
đoạt. Thưa anh em, tôi không nghĩ mình đã chiếm được rồi. Tôi chỉ
chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước. Tôi chạy thẳng tới đích, để chiếm
được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa dành cho kẻ được Người kêu gọi trong
Đức Ki-tô Giê-su” (Pl 3,8-14: Bài đọc II).
Ai sống
được 8 điều dạy trên đây,chắc chắn người đó sẽ được chia phần vinh quang với
Chúa Giê-su Phục Sinh (Chúa chết ngày thứ sáu, được an táng ngày thứ bảy, phục
sinh ngày thứ tám). Có thế mới được cất lời ngợi khen Chúa: “Việc Chúa làm cho ta, ôi vĩ đại!ta thấy mình
chan chứa một niềm vui” (Tv 126/125,3: Đáp ca).
Lần kia, vị linh mục già nằm mơ thấy một
chiếc thang nối từ trời xuống trần gian, mọi người đều chen nhau lên trước.
Nhưng Chúa ngự trên cao phán: “Ta phát
cho các ngươi mỗi người một cục phấn, ai thành tâm sám hối nhận biết tội mình thì mỗi bậc thang bước lên
vạch một gạch đánh dấu.”
Thế là mọi người thi nhau vạch phấn bước
lên thang. Lũ trẻ con lên đến đầu thang, chúng quay lại nhìn xuống thấy vị linh
mục già còn ở dưới, đang loay hoay tìm phấn. Chúng hô lên:
- Lẹ lên cha
ơi, cửa Trời sắp đóng rồi!
Vị linh mục ngẩng lên nói:
- Chúng
con còn phấn không, ném xuống cho cha với, cha vạch hết phấn rồi!
Rồi ngài cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin dủ lòng thương con, mở lượng hải hà xóa tội con đã phạm…
Ngài thấy cho lúc chào đời con đã vương lầm lỗi, đã mang tội khi mẹ mới hoài
thai…” (Tv 51/50,3-7).
THUỘC LÒNG
Tuổi già đáng kính trọng không phải vì trường thọ, cũng không phải
vì cao niên, nơi người đời chắc gì tóc bạc đã là tinh khôn, sống không vết nhơ mới
là trường thọ!
(Kn 4,8-9)