Lễ Đăng
Quang của
VUA TÌNH YÊU
VUA TÌNH YÊU
Aristides,
một người không phải Kitô hữu, đã bênh vực các Kitô hữu trước mặt hoàng đế
Hadrian vào thế kỷ thứ II, như sau: “Kitô
hữu yêu thương nhau. Họ không bao giờ từ chối giúp đỡ các quả phụ, họ cứu vớt
những trẻ mồ côi khỏi người bạc đãi chúng. Nếu một người có chút gì, họ sẵn
sàng đem cho người không có…
Họ không coi nhau là anh em theo nghĩa thông thường,
nhưng là anh em trong Thiên Chúa. Nếu họ nghe thấy một ai trong những người đó
bị lao tù hoặc bị bách hại vì danh của Đấng cứu chuộc họ, tất cả đều cung cấp
cho người đó những gì cần thiết… Đó quả là một kiểu mẫu người mới. Có một điều
gì đó THẦN THIÊNG nơi họ”.
Vâng!
Chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Chúa, “chính
ở nơi Người mà chúng ta sống, cử động, và hiện hữu” (1Cv17,27). Vì thế,
tình yêu là yếu tố nền tảng không thể thiếu của ơn gọi làm người, của sự sống
con người. Sống yêu thương là trở về với chính mình - trở nên thần thiêng, nên
giống Thiên Chúa: “Ai không yêu thương,
thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8).
Đức Kitô
là mạc khải cuối cùng và trọn vẹn về Thiên Chúa, cũng là về sự sống đích thực nơi
con người:
Biết Đức
Kitô, là biết được Thiên Chúa: “Ai thấy
Thầy là thấy Cha”, là biết được việc Chúa làm, vì Đức Kitô chính là Lời cứu
độ của Thiên Chúa: “Chúa đã ban cho tôi
miệng lưỡi đã được huấn luyện, để tôi biết dùng lời nói mà nâng đỡ kẻ nhọc
nhằn”;
Biết Đức
Kitô cũng là biết được cách sống sự sống thần linh được đặt nơi bản tính con người,
là nghe và sống Lời Chúa: “Thiên Chúa đã mở
tai tôi, mà tôi không cưỡng lại và cũng chẳng thối lui”.
Đức Kitô,
do đó, là sự giao thoa toàn hảo giữa Đấng Tạo hoá và thụ tạo, là mẫu mực tuyệt
hảo cho ơn gọi làm người: Trong Chúa Giêsu vừa có tình yêu của Ngôi Hai Thiên
Chúa, Đấng “hủy bỏ chính mình mà nhận lấy
thân phận tôi đòi”; vừa có lời đáp trả của trưởng-tử-muôn-loài-thọ-sinh trước
tình yêu cứu độ, là đặt trọn niềm tín thác vào Thiên Chúa “mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá”.
Ôi! Cao
quí thay ơn gọi làm người!
Con người
là một tạo vật được chia sẻ sự sống của Thiên Chúa, và có được chính Con Thiên
Chúa nhập thể làm mẫu mực.
“Thiên Chúa đã tôn vinh Người” không có nghĩa là ban vinh quang cho Đức
Kitô, vì Đức Kitô cũng chính là Thiên Chúa, nhưng là qua Ngài mà tỏ ra và thực
hiện chương trình cứu độ cứu độ của Thiên Chúa. Đức Kitô cần được nâng lên cao
để mọi người có thể thấy mình được Chúa yêu chừng nào, biết được giá trị cao
trọng của ơn gọi làm người và làm con Chúa, cũng như biết được cách thế sống
trọn ơn gọi đó.
Trước con
mắt trần gian, Đức Kitô đã được nâng lên cao khi tiến vào thành Giêrusalem giữa
lời ca ngợi: “Chúc tụng Đấng nhân danh
Chúa mà đến”, nhưng chính khi chịu treo trên cây thánh giá mới là lúc Ngài
được Thiên Chúa nâng lên cao.
Tại sao
lại như thế? Đức Kitô là Ngôi Lời nhập thể, Ngài đã rao giảng cho nhiều người
tại nhiều nơi, nhưng Ngài rao giảng nhiều nhất trong sự thinh lặng chịu khổ
hình. Sự thinh lặng chịu đựng của Đức Kitô vừa nói lên tình thương bao la của
Ngôi Lời Nhập Thể: “Chúa thành tín trong
mọi lời Chúa phán, đầy yêu thương trong mọi việc Người làm” (Tv 145,13),
vừa diễn tả niềm tin tưởng tuyệt đối mà một tạo vật cần đặt nơi sức mạnh của
Thiên Chúa cứu độ: “Vì Chúa nâng đỡ tôi,
nên tôi không phải hổ thẹn; nên tôi trơ mặt chai như đá, tôi biết tôi sẽ không
phải hổ thẹn”.
Chính vì
thế mà thánh Phaolô cứ khăng khăng: “chúng
tôi lại rao giảng một Đấng Kitô chịu đóng đinh, điều mà người Do thái coi là ô
nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ” (1Cr 1,23).
Sau khi được
gặp Đức Mẹ ở hang đá Lộ đức 18 lần, chị
Bernadette xin vào tu trong một dòng kín ở Nevers. Một hôm, một chị bạn trong
dòng đưa cho chị xem một bức ảnh người ta chụp chị tại hang Lộ đức trước đây để
xem phản ứng của chị ra sao. Thấy thế, chị hỏi:
- Thưa
chị, người ta dùng chổi làm gì ạ?
- Để
quét nhà.
- Quét
xong họ để chổi ở đâu?
- Thì
cất vào góc nhà.
- Thưa
chị, đời em cũng thế: khi Chúa và Đức Mẹ đã dùng em rồi thì cất em vào một chỗ,
và em muốn ở yên trong chỗ nào mà Chúa và Đức Mẹ muốn mà thôi!
Hạnh phúc
thay cho tôi, nếu khi nhìn lên Đức Kitô trên cây thập giá tôi vừa thấy được
tình thương của Thiên Chúa, vừa thấy được mẫu gương tín thác tất cả cuộc sống
mình cho Chúa với hai tiếng xin vâng, xin vâng trong an bình như Đức Kitô trên
cây thập giá.
Lm. HK