CHÂN PHƯỚC ANGÊLA Ở PHOLINHO
(1248-1309)
Lm. Phêrô
Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Một số vị thánh ngay
từ nhỏ đã có dấu hiệu thánh thiện. Điều này không đúng với Chân Phước Angêla.
Được sinh trưởng trong một gia đình quyền thế ở Pholinho, ngài chìm đắm trong
việc kiếm tiền và tìm danh
vọng xã hội. Ngay khi làm vợ và làm mẹ, ngài vẫn tiếp tục con đường sai lạc này.
Khoảng 40 tuổi, ngài
được một thị kiến và sau đó
ngài nhận ra sự trống rỗng của cuộc đời nên đã tìm đến sự trợ giúp của Thiên
Chúa qua Bí Tích Hòa Giải. Cha giải
tội của ngài đã giúp ngài thay đổi đời sống, tận hiến cho sự cầu nguyện và thi
hành đức bác ái.
Sau khi bà Angêla hoán
cải được ít lâu thì chồng và con đều từ trần. Bà bán hết của cải và gia nhập
dòng Ba Phanxicô. Bà miệt mài chiêm niệm trước tượng Đức Kitô trên thập giá và
phục vụ người nghèo ở Pholinho như một y tá và sẵn sàng đi xin xỏ khi họ có nhu cầu. Các phụ nữ khác
theo gương bà đã đến tiếp tay với công việc của bà trong hội dòng ba này.
Theo lời khuyên của
cha giải tội, bà Angela đã viết lại cuốn Sách Thị Kiến và Huấn Thị. Trong sách
ấy, bà viết lại những lần bị cám dỗ sau khi hoán cải; cũng như những lần được
kết hợp cách bí nhiệm với Đức Kitô và ơn mặc khải. Cuốn sách này và đời sống
của bà đã giúp bà được gọi là "Thầy Các Thần
Học Gia."
Bà từ trần năm 1309 và
được chôn cất trong nhà thờ Thánh Phanxicô ở Pholinho. Nhiều phép lạ được ghi
nhận ở đây. Bà được tôn vinh chân phước năm 1693.
Suy niệm 1: Cám dỗ
Một số vị thánh ngay từ nhỏ đã có dấu hiệu thánh thiện. Điều này không đúng
với Chân Phước Angêla. Được sinh trưởng trong một gia đình quyền thế ở
Pholinho, ngài chìm đắm trong việc kiếm tiền và tìm danh vọng xã hội.
Những ai sống ở Hoa Kỳ ngày nay có thể hiểu được sự cám dỗ của Chân Phước
Angela khi cố gia tăng giá trị của mình bằng cách tích lũy tiền của, danh vọng
và quyền lực. Càng kiếm thêm cho mình bao nhiêu, ngài càng trở nên ích kỷ bấy
nhiêu. Khi nhận ra sự vô giá của chính con người mình, vì được Thiên Chúa tạo
dựng và yêu thương, ngài thực sự ăn năn sám hối và sống rất bác ái với người
nghèo.
Ở bước đầu sứ vụ, chính Đức Giêsu với thân phận làm người cũng đã bị ma quỷ
dẫn vào chước cám dỗ chung của toàn thể nhân loại: tiền của, danh vọng và quyền
lực (Mt 4,1-11). Nhưng Ngài đã không sa ngã mà thắng vượt cách anh hùng, trở
thành mẫu gương sáng lạng cho mọi người mọi thời.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con sống niềm xác tín: “Được cả thế giới
mà phải thiệt mất linh hồn, thì nào có lợi gì?” (Mt 16,26), để không bao giờ
phải sa chước cám dỗ.
Suy niệm 2: Quá khứ
Ngay khi làm vợ và làm mẹ, Angela vẫn tiếp tục con đường sai lạc này, là
luôn chạy theo của cải vật chất đời này bất chấp thủ đoạn. Những gì là công
chính thánh thiện đều bị ngài cho là điên khùng. Quả thật ngài đã gặt hái được
thành công trên đường đời, nhưng đã thất bại trên đường phần rỗi. Quá khứ tội
lỗi ấy đã kịp thời kết thúc, để nhường đường cho một hiện tại sám hối và một
tương lai cải tà quy chánh, để trở thành thánh nhân.
Đời người ai cũng có một quá khứ. Dầu xấu dầu tốt, đã là quá khứ thì tất cả
đều là đã qua. Do đó nếu tốt thì đừng tự hào nhẩm đi nhắc lại để rồi coi khinh
người khác, nhưng hãy khiêm tốn và tiếp tục sống tốt. Sống tốt vốn khó nhưng
sống tốt mãi đến cuối đời lại càng khó hơn, vì một hảo nhân cũng có thể trở
thành một tội nhân trong tương lai, như một vua Salômôn (1V 11,4) hoặc một
Giuđa Ítcariốt (Lc 6,16).
Ngược lại nếu đã lỡ trải qua một quá khứ xấu, thì hãy biết rằng tất cả cũng
đã qua. Vì thế đừng ngồi trong bóng tối mà nguyền rủa bóng đêm, nhưng hãy sám
hối và vội vã chỗi dậy, vì một tội nhân vẫn có thể trở thành thánh nhân, như
một vua thánh Đavít (1V 11,6), một thánh Augúttinô.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn sống tốt trong giây phút hiện
tại, để nếu đã là tội nhân trong quá khứ thì trở nên thánh nhân trong tương
lai, và nếu đã là thánh nhân trong dĩ vãng thì không trở thành tội nhân trong
tương lai.
Suy niệm 3: Thị kiến
Khoảng 40 tuổi, Angela được một thị kiến và sau đó ngài nhận ra sự trống
rỗng của cuộc đời nên đã tìm đến sự trợ giúp của Thiên Chúa qua Bí Tích Hòa
Giải. Theo lời khuyên của cha giải tội, bà Angela đã viết lại cuốn Sách Thị
Kiến và Huấn Thị.
Thị kiến là một đặc ân mà chỉ có một số vị được thụ hưởng. Trong nhóm Mười
Hai, chỉ có Phêrô, Giacôbê và Gioan được Đức Giêsu cho thấy thị kiến ở núi Tabo
(Mt 17,9). Tiếp đó có một môn đệ tên là Khanania ở Đamát (Cv 9,10). Đại đội
trưởng Conêliô cũng được diễm phúc này (Cv 10,3). Cả Phêrô và Gioan sau đó cũng
được thêm một lần nữa (Cv 11,5;Kh 4,1). Phaolô cũng không ngoại lệ và lại được
rất nhiều lần (Cv 16,9;18,9;2Cr 12,1).
Đã là một đặc ân, thị kiến đòi hỏi phải đáp trả cân xứng. Chân Phước Angêla
cải tà quy chánh. Conêliô trở lại đạo và giúp cho cả nhà đồng tình theo Chúa.
Phaolô chuyển hệ từ bắt đạo sang truyền đạo. Khanania thoạt đầu sợ hãi Saolô
nhưng sau đó đã tiếp nhận và rửa tội cho Saolô. Phêrô phá vỡ ốc đảo và thay đổi
lập trường đón nhận cả dân ngoại.
* Lạy Chúa Giêsu, mặc dầu không nhận được đặc ân thị kiến, nhưng không
thiếu những hồng ân Chúa dành cho chúng con. Chúng con xin hết lòng tri ân và
quyết tâm đền đáp ân tình Chúa.
Suy niệm 4: Giải tội
Cha giải tội của Angela đã giúp ngài thay đổi đời sống, tận hiến cho sự cầu
nguyện và thi hành đức bác ái. Con đường từ bỏ chính mình mà ngài đã theo là
con đường của mọi người thánh thiện.
Ngoài việc ban ơn tha tội, bí tích Giải Tội còn ban thêm những ơn cần thiết
khác, chẳng hạn ơn chống lại các chước cám dỗ để giúp chừa bỏ tội lỗi, ơn gia
tăng làm việc phúc đức để bù đắp những lỗi lầm đã qua, ơn biết từ bỏ chính mình
mà thực thi Thiên Ý để mỗi ngày càng trở nên thánh thiện hơn.
Đức cố Giáo Hoàng Gioan XXIII vốn được ca ngợi là đạo đức thánh thiện, thế
mà mỗi tối trước khi đi ngủ, ngài luôn lãnh nhận bí tích Giải Tội. Chắc chắn vì
càng đến gần Mặt Trời Công Chính, ngài càng muốn hoàn toàn trong sạch để xứng
đáng với Chúa hơn, và nhất là để được các ơn khác nữa.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con siêng năng xưng tội hơn, vì các ơn ích
mà bí tích Giải Tội mang lại cho hối nhân.
Suy niệm 5: Y
tá
Sau khi bà Angêla hoán cải được ít lâu thì chồng và con đều từ trần. Bà bán
hết của cải và gia nhập dòng Ba Phanxicô. Bà miệt mài chiêm niệm trước tượng
Đức Kitô trên thập giá và phục vụ người nghèo ở Pholinho như một y tá và sẵn
sàng đi xin xỏ khi họ có nhu cầu. Các phụ nữ khác theo gương bà đã đến tiếp tay
với công việc của bà trong hội dòng ba này.
Bằng cách chữa bệnh phần xác, Đức Giêsu chẳng những dễ dàng tiếp cận mà còn
lôi cuốn nhiều người thuộc nhiều tầng lấp và tôn giáo khác nhau trong xã hội.
Nhưng Ngài không dừng lại đó mà còn hướng đến việc chữa bệnh tâm hồn. Truyền
thuyết cho hay: mắt người lính Longinô được chữa lành nhờ một giọt máu của Chúa
bắn vào mắt, khi anh dùng ngọn giáo đâm vào trái tim Chúa, và anh đã đáp trả
bằng việc trở thành một kitô hữu.
Với y đức và tâm hồn của một từ mẫu, thầy thuốc Luca (Cl 4,14) đã hội đủ
điều kiện để giới thiệu Tin Mừng Đức Giêsu cho dân ngoại, bằng một lối văn
chương tình thương rất gần gủi và thích hợp cho họ. Cụ thể chỉ có Tin Mừng thứ
ba mới có các dụ ngôn con chiên lạc, đồng bạc bị đánh mất và người cha nhân
hậu, để diễn tả lòng thương xót của Thiên Chúa (Lc 15).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con trở thành những y tá tinh thần nhằm
chữa những căn bệnh thiêng liêng, nối tiếp sứ mạng của Chúa, là Đấng đến không
phải để cứu những người công chính mà là những người tội lỗi (Lc 5,32;19,10).
Suy niệm 6: Thầy
Trong sách Thị Kiến và Huấn Thị , bà Angêla viết lại những lần bị cám dỗ
sau khi hoán cải, cũng như những lần được kết hợp cách bí nhiệm với Đức Kitô và
ơn mặc khải. Cuốn sách này và đời sống của bà đã giúp bà được gọi là "Thầy
Các Thần Học Gia."
Thần học gia đã là bậc thầy. Bà Angêla là gì mà lại được tôn lên Thầy Các
Thần Học Gia? Điều này cho thấy một tôn sư chân chính luôn có đức hiếu tri.
Càng biết nhiều càng nhận thấy sự hiểu biết của mình chưa tới đâu, vì thế cần
phải tiếp tục học hỏi hơn nữa, và nhất là bất cứ ai cũng có điều hay để mình
tiếp thu, ngay cả một trẻ nhỏ.
Phải chăng đó là một trong các lý do khiến Đức Giêsu quý trọng trẻ nhỏ, và
mời gọi những người lớn hãy trở nên như chúng (Mt 18,3). Nhất là với phép lạ
hóa bánh và cá, Ngài coi trọng sự cọng tác của một cậu bé (Ga 6,9) về tinh thần
vị tha hơn hẳn các người lớn đang hiện diện.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con khiêm tốn học lấy các ưu điểm của trẻ
thơ, mà chúng con đã đánh mất do tuổi tác chồng chất, và do ảnh hưởng bon chen
của xã hội người lớn.