Bài giảng thứ hai
Sám hối tập thể Giáo hội
Hôm qua, ta đã đề cập đến
sám hối cá nhân: thường ta dựa vào lề luật để xét mình và sám hối (Mười điều
răn Thiên Chúa, Sáu điều răn Hội thánh). Tôi đã lưu ý anh chị em việc sám hối dựa
trên căn bản của một Kitô hữu: lời gọi nên hoàn hảo của Chúa Kitô và ba chức
năng của Kitô hữu (tư tế, ngôn sứ và vương đế).
1. Mầu nhiệm Giáo hội:
Trong Hiến chế về mầu
nhiệm giáo hội, Công đồng Vatican nói: “Ánh sáng thế gian chính là Đức Kitô, do
đó Giáo hội phải phản chiếu ánh sáng ấy cho muôn dân, khi rao giảng Tin mừng
cho mọi người. Giáo hội là bí tích của Chúa Kitô, vừa là dấu hiệu, vừa là
phương tiện để mật thiết kết hợp với Chúa và hợp nhất nhân loại với nhau. Vì thế
giáo hữu phải biết rõ đặc tính và sứ mạng Chúa Kitô đã giao phó cho Giáo hội”.
-
Ý Chúa Cha là cứu độ mọi
người: Thiên Chúa muốn nâng mọi người lên tham dự đời sống Thiên Chúa. Con người
sa ngã, Chúa Kitô cứu độ. Thiên Chúa muốn những ai tin Chúa Kitô hợp thành Giáo
hội. Chúa Kitô lập Giáo hội. Chúa Thánh thần hoàn tất.
-
Giáo hội nhiệm thể Chúa
Kitô: Chúa Kitô là đầu. Một thân mình, nhiều chi thể. Đòi hỏi sự thống nhất
trong sự khác biệt các chi thể trong Giáo hội có cố gắng xây dựng sự hợp nhất
và tôn trọng sự khác biệt các chi thể. Để cho Chúa Kitô là đầu lãnh đạo Giáo hội
qua lời Ngài không bị bóp méo. Tôn trọng giám mục, không thể cho một đoàn thể
nào trong Giáo hội dựa vào quyền lực để điều khiển sinh hoạt của Giáo hội. Tinh
thần Đức Kitô hay tinh thần thế gian chạy theo chiều gió chi phối Giáo hội?
Giáo hội là một thân thể có phần vô hình và hữu hình, ta làm gì để phát triển?
Có phấn đấu để có điều kiện phát triển?
2. Sứ mạng của Giáo hội
+ Chức năng tư tế:
Giáo hội là dân riêng mới
của Thiên Chúa, với giao ước mới trong Máu Chúa Kitô, Thượng đế, trao quyền cho
hàng Giáo phẩm, ngoài chức tư tế cộng đồng của toàn thể tín hữu và của mỗi tín
hữu như đã nói hôm qua.
Giáo hội Việt Nam đã
làm gì, đã phấn đấu như thế nào để thực hiện chức năng tư tế của hàng giáo phẩm?
Để bảo đảm chức năng tư
tế ta cần:
+ Đào tạo linh mục: tự
do lập chủng viện, chọn giáo sư, chọn chủng sinh, chọn chương trình đào tạo.
+ Thuyên chuyển linh mục
coi xứ, phong giám mục, linh mục.
+ Tổ chức phụng tự,
thánh lễ, cầu kinh có được tự do chưa? Đã phấn đấu như thế nào?
Phải nói đến nay, ta
chưa phấn đấu đủ, không phải âm thầm năn nỉ ỉ ôi, mà công khai cho dư luận biết.
+ Chức năng ngôn sứ:
Tự do rao giảng Tin Mừng,
giáo lý tân tòng, trẻ em? sách vở báo chí? Kinh Thánh? Giáo hội Việt Nam có
nói thẳng nói thật với chính quyền về những vi phạm tự do tôn giáo? Có lên tiếng
bênh vực nhân quyền, dân quyền? Hiến chế về Giáo hội trong thế giới ngày nay
nói: “Nỗi vui mừng và niềm hy vọng, những buồn khổ và mối lo âu của con người
hôm nay, cách riêng của những người nghèo và tất cả những ai đang đau khổ, đó
cũng là vui mừng và hy vọng, đau buồn và lo âu của môn đệ Chúa Kitô: Không có
gì liên quan đến nhân loại mà không có tiếng vang trong cõi lòng tín hữu Chúa
Kitô. Cộng đồng Kitô hữu gồm những con người, được họp lại trong Chúa Kitô, được
Chúa Thánh Thần hướng dẫn trên đường về nước Cha, họ mang sứ điệp cứu độ phải
được gửi đến cho tất cả Cộng đoàn tín hữu cảm thấy thực sự và sâu xa liên đới với
con người lịch sử nhân loại.”
Trong tinh thần phục vụ
con người, Giáo hội Việt Nam
cần xét mình lại xem mình có thực sự và sâu xa liên đới với con người Việt Nam
hôm nay.
Người Việt Nam
hôm nay hy vọng và lo âu cái gì? Họ lo âu trước tình trạng xã hội tan rã trên mọi
phương diện: trong đó họ bị tước đoạt những quyền căn bản của con người và người
dân. Con người sinh ra bình đẳng và tự do, có tất cả những quyền căn bản của
con người mà Thiên Chúa ban cho họ, thêm vào đó ngày 10/12/1948 Liên Hiệp Quốc
đã ra Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền có đoạn nói như sau:
“Xét rằng thừa nhận phẩm giá cố hữu những quyền
bình đẳng và bất khả nhượng của con người trong đại gia đình thế giới là đặt nền
tảng cho tự do, công lý và hòa bình thế giới.”
“Xét rằng vì không biết rõ và khinh miệt nhân
quyền nên loài người đã có những hành động dã man đối với lương tâm và xét rằng
sự tiến tới một thế giới trong đó nhân loại sẽ được hưởng tự do ngôn luận, tự
do tín ngưỡng và tự do sinh sống không phải sợ hãi và thiếu thốn, đã được tuyên
bố là nguyện vọng cao cả nhất của con người.”
“Xét rằng điều tối cần là nhân quyền phải được
pháp luật che chở, nếu muốn cho loài người không bao giờ phải dồn đến phương tiện
nổi loạn, để chống lại sự tàn bạo và áp bức... Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc công
bố bản Tuyên ngôn Quốc tế này như là một lý tưởng chung cho các dân tộc và các
quốc gia phải tiến tới.”
Tiếp đó bản Tuyên ngôn
Quốc tế Nhân quyền đưa ra 30 điều về nhân quyền:
-
Quyền được hưởng tự do và
an ninh cá nhân (3),
-
Quyền không bị hành hạ
hay ngược đãi, bị đối xử hay trừng phạt một cách vô nhân đạo, làm hại phẩm cách
con người (5),
-
Quyền được bình đẳng trước
pháp luật, được pháp luật bảo vệ (7),
-
Quyển khỏi bị bắt bớ, bị
lưu đày một cách trái phép (9),
-
Quyền được xét xử bình đẳng
trước một tòa án vô tư và độc lập (10),
-
Quyền được coi như vô tội
khi bị truy tố mà chưa có tòa xét xử với bằng chứng để buộc tội (11),
-
Quyền không được xúc phạm
trái phép đến đời tư, gia quyến, nhà ở, thư từ (12),
-
Quyền được tự do di chuyển
và trú ngụ bất cứ nơi nào trong nước họ và quyền tự do rời bỏ bất cứ nơi nào, kể
cả xứ mình, hoặc trở về xứ mình (13),
-
Quyền tự do kén chọn một
quốc tịch theo ý muốn (14),
-
Quyền tự do tư tưởng, tự
do tín ngưỡng (18),
-
Quyền tự do bày tỏ ý kiến,
tự do tìm kiếm, thu nhận và truyền bá những quan niệm và ý tưởng của mình (19),
-
Quyền tự do hội họp và lập
hội để theo đuổi mục tiêu hòa bình và không bắt buộc ở trong một hội nào (20),
-
Quyền bầu cử tự do (21),
-
Quyền hưởng an sinh xã hội
(22),
-
Quyền làm việc, quyền tự
do lựa chọn việc làm của mình, quyền hưởng số lương phải chăng và đủ để bảo đảm
cho mình và cho gia đình một đời sống xứng đáng với phẩm giá con người, mọi người
có quyền lập và gia nhập nghiệp đoàn để bảo vệ những quyền lợi của mình (23),
-
Quyền hưởng một mức sống
đầy đủ cho sức khỏe và hạnh phúc của mình, của gia đình mình, quyền hưởng tiện
nghi giáo dục, y tế (25),
-
Quyền cha mẹ lựa chọn
giáo dục cho con cái (26)...
Giáo hội Việt Nam trong
đó có Hội đồng Giám mục Việt Nam, các giám mục địa phận, các linh mục, tu sĩ và
giáo dân, Giáo hội Việt Nam đã làm gì, đã lên tiếng khi thuận khi nghịch, khi
âm thầm khi công khai, để người ta trả lại những quyền căn bản của con người cho
con người Việt Nam hôm nay?
Phải nói là đau lòng
khi thấy Giáo hội quá âm thầm chịu đựng và không dám nói thẳng, nói thật. Có
nói âm thầm không, chắc cũng có, nhưng như đi xin ân huệ, năn nỉ ỉ ôi, trả giá,
còn công khai thì thật là hiếm. Còn có ông vỗ ngực đại diện giới công giáo đã
vung vít tuyên bố một câu nghe xanh rờn như một lời tuyên xưng đức tin vào Đảng
Cộng sản Việt Nam, tại buổi họp khoáng đại của Quốc hội (7/7/1976): “Tôi xin
phép nói lên tâm tình của một linh mục công giáo (...), báo cáo chính trị (của
Quốc hội) càng làm ta xác tín thêm hơn nữa rằng con người mới, xã hội mới mà mọi
người đều mơ ước, mà mọi người tin vào Chúa Kitô mãi mơ ước, con người mới đó,
xã hội mới đó không thể có được, nếu không có Đảng Lao động Việt Nam (Đảng
CSVN), đội tiền phong của giai cấp công nhân lãnh đạo và tổ chức.”
Không biết linh mục ấy
đã ân hận chưa? Có lẽ đã ân hận, vì những gì mắt thấy tai nghe, không thể mù,
không thể điếc được thì phải nhức nhối lắm. Nhưng có sám hối chưa? Chưa thấy.
Đã công khai nói như thế nào, thì sự sám hối cũng phải công khai.
Một vị ‘yêu nước’ khác
lại tuyên bố nào là Nước Thiên Chúa đã đến với chế độ CSVN, nào là Đảng CSVN tạo
điều kiện cho ta giữ đạo. Đó là những lời nịnh bợ vô liêm sỉ, khi Giáo hội đang
bị bóp chết bằng cách giới hạn đào tạo linh mục, đóng cửa các nhà đào tạo tu
sĩ, cấm in sách vở báo chí Công giáo, việc dạy giáo lý bị giới hạn, việc thờ phụng
có nơi làm khó dễ, linh mục đi lại giảng đạo nơi khác bị cấm đoán, các hội đoàn
tông đồ giáo dân, công tác xã hội giáo dục bị loại bỏ.
Còn một vài vị trong
hàng lãnh đạo của Giáo hội Việt Nam
hoặc ngây thơ vô tội, hoặc có tính toán, nên người ta ‘cho phép’ cái không cần
‘xin phép’ thì cuống quít coi như ân huệ và khen lấy khen để ông nào đó như
câu: “Người tốt lắm, người chân thành lắm.” Trên đất nước này, người ta coi mọi
nhân quyền và dân quyền là ân huệ ngưởi ta có thể ban cho, có thể giới hạn, có
thể mở rộng, có thể rút lại. Họ coi họ hơn cả Thiên Chúa – Thiên Chúa ban cho
con người tự do và không bao giờ rút lại, kể cả khi còn người phản bội Ngài,
đóng đinh con của Ngài. Giáo hội phải đòi hỏi người ta trả những quyền căn bản
của con người, chứ không có vấn đề xin xỏ, năn nỉ, ỉ ôi.
+ Chức năng vương đế:
Giáo hội Việt Nam phải phấn đấu
để thực thi quyền phục vụ con người và Thánh Kinh gọi là quyền vương đế. Phục vụ
người nghèo, người đau khổ, người bị bóc lột, người bị áp bức. Một mục sư như
Martin Luther King đã bị ám sát ở Hoa Kỳ vì bảo vệ quyền người da đen, chống
phân biệt chủng tộc. Giám mục Roméro và sáu linh mục dòng Tên đã bị ám sát ở Salvador vì bênh vực những
người áp bức. một hồng y như Wyszynski ở Balan đã gặp nhiều khó khăn vì bênh vực
Giáo hội, một hồng y khác như Tomasek ở Tiệp Khắc đã phấn đấu cho Giáo hội như
lời ngài tuyên bố trước 200 ngàn người biểu tình tại Praha ngày 21/11/1989 và
đã được đọc tại các nhà thờ ngày chủ nhật 26/11/1989.
Sau khi đề công chúa
Anê miền Bohêmia của Tiệp Khắc vừa được Đức Giáo chủ Gioan Phaolô II phong lên
hiển thánh là một người tuy tu trong một đan viện vì lòng mến Chúa yêu người,
nhưng không ngừng ở cạnh dân mình trong những giờ phút vinh quang cũng như
trong những lúc tủi phận, Đức hồng y Tomasek nói:
“Về phần tôi, tôi không thể nào tỏ ra xa lạ với
định mệnh quốc gia chúng tôi và toàn thể đồng bào đất nước tôi. Tôi không thể
im lặng trong lúc tất cả anh chị em đang hợp lực với nhau để phản đối những bất
công mà anh chị em phải chịu từ 40 năm nay, người ta không thể duy trì lòng tín
nhiệm đối với giới lãnh đạo quốc gia không muốn nói sự thật và đối bỏ các quyền
tự do của nhân dân với truyền thống có từ hàng ngàn năm nay, những quyền này vẫn
được coi là những quyền bình thường trong những quốc gia trẻ trung hơn trong đất
nước ta.”
Rồi ngài kể lại bao
nhiêu lần Giáo hội gởi đến Nhà nước những lời khiếu nại nhưng Nhà nước đã làm
ngơ, Giáo hội tiếp tục lệ thuộc Nhà nước theo những điều hạn chế được áp đặt
trên Giáo hội thời Staline. Trong việc cai quản giáo phận, các giám mục hoàn
toàn lệ thuộc Nhà nước và lời nói quyết định trong vấn đề này dường như vẫn là
lời nói của cơ quan mật vụ, những cuộc hội họp của các giám mục và linh mục đều
bị cản trở vì sự hiện diện của các đại diện Nhà nước trong các buổi họp, bầu
không khí thiếu tự do, các tín hữu trưởng thành cũng như con cái họ và nhất là
các bạn trẻ công giáo thật khó thở...
Tình trạng đau buồn
tương tự như thế cũng xảy ra trong các lãnh vực khác của đời sống, trong lãnh vực
văn hóa, thông tin.
Rồi ngài kết luận: “Tôi
muốn ngỏ lời với tất cả anh chị em trong giờ phút quyết liệt này của lịch sử của
chúng ta. Không ai trong anh chị em được đứng ngoài lề. Hãy lên tiếng hợp với tất
cả công dân Tiệp Khắc, cùng với những người thuộc sắc tộc khác, dầu họ là tín hữu
hay không có tín ngưỡng. Quyền tự do tín ngưỡng không thể tách rời khỏi những
quyền dân chủ khác, tự do là điều không thể phân chia được.”
Những lời tuyên bố trên
đây của Đức Hồng y Tomasek làm cho tôi suy nghĩ. Và tôi cũng để cho anh chị em
suy nghĩ, sau khi tôi đã phân tích tình trạng thiếu phấn đấu của Giáo hội Việt Nam cho tự do
tôn giáo và cho nhân quyền và dân quyền của người dân Việt nam hôm nay. Mong rằng
Giáo hội Việt nam sẽ sám hối về những điều thiếu sót đó.
Để kết thúc, tôi đưa ra
lời nói cuối cùng của hồng y Tomasek trong buổi mít tinh kể trên. Ngài nói:
“Tôi xin chấm dứt nơi đây với những lời đã từng vang dội đã lâu trong lịch sử của
chúng ta: Với sự trợ giúp của Thiên Chúa, số phận của chúng ta ở trong tay
chúng ta. “Amen”.
Lm.
Chân Tín
(10.4.1990)