Suy niệm hạnh thánh _ 21/9

Thánh MÁTTHÊU
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Mátthêu là người Do Thái làm việc cho đạo quân xâm lăng La Mã, thu thuế của những người đồng hương Do Thái. Do đó sau này, những người thu thuế thường bị khinh miệt như người phản bội dân Do Thái. Người Pharisiêu coi họ là hạng "tội lỗi." Bởi thế, thật bàng hoàng khi Đức Kitô gọi một người như vậy để trở nên môn đệ của Người.
Mátthêu lại làm Đức Kitô thêm khó khăn khi tổ chức một bữa tiệc tiễn biệt tại nhà của ông. Phúc Âm kể cho chúng ta biết "nhiều người thu thuế" và "những người nổi tiếng tội lỗi" đã đến dự tiệc. Người Pharisiêu lại càng thêm khó chịu. Một người được cho là vị thầy vĩ đại lại có liên hệ gì với hạng người vô luân đó? Câu trả lời của Đức Kitô là, "Người khỏe mạnh không cần đến thầy thuốc, nhưng là người đau yếu. Hãy tìm hiểu ý nghĩa của câu, 'Ta muốn lòng thương xót, chứ không phải của lễ.' Tôi không đến để kêu gọi người công chính, nhưng là người tội lỗi" (Mt. 9:12b-13). Trong Tân Ước không còn đoạn nào nói về Mátthêu.
Suy niệm 1: Thu thuế
Mátthêu là người Do Thái làm việc cho đạo quân xâm lăng La Mã, thu thuế của những người đồng hương Do Thái.
Mặc dù người La Mã có lẽ không cho phép moi tiền của người chịu thuế một cách quá đáng, nhưng điều họ quan tâm vẫn là hầu bao của mình nên họ thường làm ngơ về những hành động của "người thầu thuế". Do đó sau này, những người thu thuế thường bị khinh miệt như người phản bội dân Do Thái. Người Pharisiêu coi họ là hạng "tội lỗi."
Bị người Pharisiêu đánh giá là hạng "tội lỗi", nhưng thực chất thì sao? Dụ ngôn người Pharisiêu và người thu thuế cùng lên đền thờ cầu nguyện cho hay chính người thu thuế khi ra về thì lại là người công chính hơn (Lc 18,14). Và thử hỏi có người Pharisiêu nào sống được đức ái và đức công bình như một trưởng nhóm thu thuế là Dakêu không? (Lc 19,8).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đừng xét người nhưng hãy chú tâm xét mình để mỗi ngày một nên công chính hơn.
Suy niệm 2: Gọi
Thật bàng hoàng khi Đức Kitô gọi một người như vậy để trở nên môn đệ của Người.
Trong hoàn cảnh bất thường, Đức Kitô đã chọn một trong những người làm nền tảng cho Giáo Hội, mà qua công việc làm của ông, những người khác nghĩ rằng ông không đủ thánh thiện với chức vụ đó. Nhưng ông đã thành thật thú nhận mình là một người tội lỗi mà Đức Kitô đã đến để kêu mời. Ông đã thật tình nhận biết chân lý khi ông nhìn thấy Người. "Và ông đã đứng dậy đi theo Người" (Mt 9,9b).
Chúng ta mường tượng ra Thánh Mátthêu, sau biến cố kinh khủng bao quanh cái chết của Đức Kitô, cùng với các tông đồ đi đến nơi mà Đức Kitô Phục Sinh đã triệu tập họ. "Khi họ trông thấy Người, họ đã thờ lậy, nhưng vẫn hồ nghi. Và Đức Kitô đến gần và nói với họ [chúng ta nghĩ Đức Kitô sẽ nhìn đến từng người, và Mátthêu lắng nghe một cách phấn khởi như các tông đồ khác], 'Mọi quyền năng trên trời và dưới đất đã được ban cho Thầy. Bởi thế, hãy ra đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, hãy rửa tội cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần, hãy dạy bảo họ tuân giữ những gì mà Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy sẽ luôn ở với anh em, cho đến tận thế" (Mt. 28,17-20). Thánh Mátthêu không bao giờ quên được ngày ấy. Ngài đã loan truyền Tin Mừng trong suốt cuộc đời. Đức tin của chúng ta dựa vào chứng tá của ngài và các tông đồ.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn ý thức về hồng ân ơn gọi của mình để sống thật xứng đáng.
Suy niệm 3: Bữa tiệc tiễn biệt
Mátthêu lại làm Đức Kitô thêm khó khăn khi tổ chức một bữa tiệc tiễn biệt tại nhà của ông.
Sao bữa tiệc tiễn biệt này lại gây thêm khó khăn cho Đức Kitô? Phúc Âm kể cho chúng ta biết "nhiều người thu thuế" và "những người nổi tiếng tội lỗi" đã đến dự tiệc. Người Pharisiêu lại càng thêm khó chịu. Một người được cho là vị thầy vĩ đại lại có liên hệ gì với hạng người vô luân đó?
Lập trường xa tránh người tội lỗi của nhóm Pharisiêu luôn dị ứng trước thái độ gần gũi và hòa đồng của Đức Kitô. Chính vì thế Ngài thường gặp khó khăn và thậm chí bị chống đối như một trường hợp đã xảy ra tại một bữa tiệc khác ở nhà ông Simôn (Lc 7,39).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con nhận ra giá trị của lời cổ nhân: không vào hang cọp làm sao bắt được cọp con.
Suy niệm 4: Đau yếu
Người khỏe mạnh không cần đến thầy thuốc, nhưng là người đau yếu.
Với quyền năng có thể chữa lành được bệnh tật, thậm chí làm cho kẻ chết được sống lại, Đức Giêsu đã thu hút được quần chúng mỗi khi xuất hiện, kể cả những người ngoại giáo và ngoại quốc, không chỉ hạng lê dân mà còn những bậc có địa vị xã hội đạo đời (Mt 15,22;Mc 5,22;Lc 7,2).
Thậm chí họ còn cùng nhau theo đường bộ chạy đến trước đón Ngài (Mc 6,33), hoặc dùng thuyền vượt sang bờ bên kia để tìm kiếm Ngài (Ga 6,24). Họ tìm mọi cách để đến được với Ngài cho dầu phải leo lên mái nhà và dỡ ngói ra (Lc 5,19), hoặc nhờ các môn đệ kiếm tìm giúp (Mc 1,37).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con hằng chạy tìm đến Chúa chữa lành bệnh tật linh hồn chúng con.
Suy niệm 5: Lòng thương xót
Ta muốn lòng thương xót, chứ không phải của lễ.
Đức Kitô không gạt vấn đề thờ phượng và nghi lễ sang một bên; Người chỉ nói rằng việc yêu thương tha nhân thì quan trọng hơn. Dụ ngôn người Samari tốt lành với hành vi cứu giúp tận tình một nạn nhân trên đường đã được Chúa đánh giá cao hơn hẳn lối sống của cả thầy tư tế lẫn thầy Lêvi (Lc 10,30-37).
Sự đánh giá này lại đã được Chúa cụ thể hóa bằng một lời khuyên dạy tích cực: "Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5,23-24).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết sắm sẵn nhiều lễ vật dâng Chúa là các hành vi thực thi lòng thương xót.
Suy niệm 6: Tội lỗi
Tôi không đến để kêu gọi người công chính, nhưng là người tội lỗi.
Sứ vụ của Đức Giêsu khi được sai đến thế gian không phải để đoán xét mà cứu vớt (Ga 3,17), vì Thiên Ý là không muốn cho bất cứ một ai phải hư mất (Mt 18,14).
Vì thế Ngài chú tâm đến người tội lỗi (Mt 18,11), đến mức sẵn sàng đánh một cú liều là để 99 con chiên ngoan hiền nơi đồng vắng mà chạy tìm cho bằng được con chiên lạc, và khi tìm được thì vui mừng vác trên vai trở về rồi mở tiệc khoản đãi mời bạn bè cùng chung vui (Lc 15,4-6).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đừng ỷ lại vào tình thương Chúa đối với tội nhân mà sa ngã phạm tội làm tổn thương Chúa.