VỊ MỤC TỬ NHÂN LÀNH
I. MỤC TỬ
TRONG THÁNH KINH.
1. Trong
Cựu ước.
Ngày xưa, đề tài người mục tử xả thân
cho đàn chiên là nguồn hứng khởi cho các văn sĩ Thánh kinh, khiến họ mô tả
Thiên Chúa như một Đấng Mục tử. Thiên Chúa đã xả thân cho Israel không khác
gì người mục tử, vì thế tác giả Thánh vịnh đã hát lên:
Đức Giavê là Mục tử tôi,
Tôi không còn thiếu gì.
Dù phải đi qua thung lũng tối đen
Tôi cũng không hề lo sợ.
Tôi không còn thiếu gì.
Dù phải đi qua thung lũng tối đen
Tôi cũng không hề lo sợ.
(Tv 23,1-4)
Đức Giavê là Chúa chăn dắt Israel. Đây là
một hình ảnh được thành hình do kinh nghiệm đời sống du mục từ thời tổ phụ của Israel. Hình ảnh
người chăn chiên đưa ra hai liên lạc giữa Giavê và Israel : Ngài vừa là Thủ
lãnh của Israel, nhưng đồng thời lại là Bạn. Ngài có đủ uy quyền với
Israel, và đủ quyền lực để bảo vệ Israel, nhưng đồng thời Ngài đối xử với
Israel một cách hết sức nhân từ và tế nhị. Chính Ngài lo liệu việc chăm sóc đó
(x. Tv 23).
Từ đó những nhà lãnh đạo tôn giáo của Israel thay mặt
Chúa ở trần gian, cũng được ví như các vị mục tử. Nhưng tiếc thay, có một số thủ
lãnh thay vì lo cho đàn chiên, lại tác hại chúng, lợi dụng chúng cho mục đích
riêng tư, làm cho chúng tan tác đáng thương hại. Khi điều này xẩy ra, tiên tri
Ézéchiel đã nhân danh Chuá nói lên:
“Hỡi các mục tử của Israel, các
ngươi đã bị băng hoại rồi! Các ngươi chỉ biết lo cho bản thân mình chứ chẳng hề
nghĩ đến bầy chiên... Các ngươi chẳng chăm sóc những con yếu đuối, chữa lành những
con bệnh hoạn, băng bó những con bị thương tích, dẫn về những con lệch đường,
hoặc tìm kiếm những con bị lạc mất. Vậy hỡi các chủ chăn, hãy nghe đây, Ta, vị
Chủ Tể tối cao, Ta tuyên bố rằng... Ta sẽ tách bầy chiên ra khỏi các ngươi...
Ta sẽ giao chúng cho một vị vua giống như Đavít tôi tớ Ta để làm mục tử của
chúng và Người ấy sẽ lo lắng chăm sóc chúng”(Ez,2-4,9-10,23).
2. Trong Tân ước.
Đứng trước bối cảnh này, Đức Giêsu đã thổ
lộ tâm tình khi Ngài nói:”Ta thương dân này, vì chúng như đàn
chiên không người chăn dắt”(Mt 9,36; Mc 6,34). Vậy chúng ta phải đọc bài
Tin mừng hôm nay trong bối cảnh này để hiểu lời tuyên bố của Đức Giêsu:”Ta
là Mục tử nhân lành, sẵn sàng liều mạng vì đàn chiên... Chúng sẽ nghe tiếng Ta
và chúng sẽ trở nên một đàn chiên dưới quyền một chủ chiên”.
Nói cách khác, Đức Giêsu chính là nhân vật
mà tiên tri Ezéchiel tiên báo. Giống như Đavít, người mục tử nhân lành, Ngài
chăm sóc những con yếu đuối bơ vơ, chữa lành con nào bệnh hoạn, và đi tìm những
con chiên lầm đường lạc lối. Nhưng Đavít chỉ là hình ảnh một người chăn chiên
khác hoàn hảo hơn. Đó là Đavít mới (Gr 3,15; Ez 34,23t). Người chăn chiên hoàn
hảo Thiên Chúa sai đến là Đức Giêsu Kitô.
II. ĐỨC
GIÊSU, VỊ MỤC TỬ NHÂN LÀNH.
Người Do thái thời Đức Giêsu thường có
thái độ nghi ngờ về thân thế , việc làm, uy quyền và sứ mạng của Đức
Giêsu. Trong bài Tin mừng hôm nay Đức Giêsu dùng dụ ngôn về người chăn chiên
nhân lành để họ thấy rõ uy quyền đích thực của Ngài. Ngài khẳng định:”Ta là
Mục tử nhân lành”
Ta thấy có sự khác biệt giữa người chủ
chăn và người chăn chiên thuê:
1. Người
chăn chiên thuê :
Người chăn chiên thuê không phải là chủ
đàn chiên nên không mấy tha thiết với đàn chiên, họ không dám hy sinh bảo vệ
đàn chiên khi gặp nguy hiểm. Vì không có tình yêu tha thiết với đàn chiên nên họ
cũng không sẵn sàng chấp nhận những khó khăn, vất vả, họ trốn tránh trách nhiệm
một cách dễ dàng.
Đức Giêsu gọi những nhà lãnh đạo tôn
giáo Do thái là những kẻ chăn thuê, họ chỉ lo lắng đến các tư lợi do chức vụ
đem đến, chứ không tha thiết gì đến đàn chiên, vì vậy khi gặp nguy hiểm là họ
chạy trốn để đàn chiên tản mát.
2. Người
chủ chăn.
Trái lại, người chủ chăn thương yêu đàn
chiên, tha thiết với đàn chiên, không nghĩ đến ích lợi cho mình, sẵn sàng hy
sinh cho đàn chiên bất chấp nguy hiểm. Người chủ chăn có ba đặc điểm sau đây :
a) Hiệp thông với đàn chiên:
Người chủ chiên biết các chiên, biết
từng con một, và ngược lại chiên biết chủ. Đây là hành động hỗ tương. Biết một
cách riêng biệt, từng con chiên một với các hoàn cảnh , nhu cầu, khát vọng của
con chiên. Con chiên biết nhận ra tiếng của chủ chăn. Thật là những người bạn
tri âm. Như thế sự biết hỗ tương này sẽ đưa đến một cuộc sống thân mật giữa hai
bên. Đúng thế, chữ “Biết” của Gioan, không những bao hàm nghĩa trí tuệ, nhưng
còn là sự hiệp thông cuộc sống dựa trên tình yêu và lý trí. Sự thông hiệp này
đã có nơi Chúa Cha và Chúa Con. Đức Giêsu cũng sánh ví sự hiệp thông như thế giữa
Ngài và các con chiên.
Truyện : Con mắt
của vị hoàng đế.
Đại tướng Marbot, trong một tập ký sự có
kể lại : một hôm khi còn là thiếu úy, vua Napoléon sai ông làm một việc cực kỳ
nguy hiểm. Đó là giữa đêm khuya, luồn qua bọn lính tuần tiễu đối phương, bắt một
người lính Áo đứng canh bên kia bờ sông Danube, tra khảo để xem tình thế quân địch.
Sau bao nhiêu cố gắng không thể tưởng tượng được, toán quân của thiếu úy vượt
qua được khúc sống và bắt được ba người lính Áo. Sau khi đã hoàn thành công
tác, họ đẩy thuyền ra xa, chèo về. Bỗng giòng nước cuốn mạnh đẩy một gốc
cây lớn xô mạnh vào thuyền. Tiếng động đó báo hiệu cho bọn lính tuần tiễu Áo. Họ
vùng lên bắn xối xả.
Trong cơn nguy biến cùng cực ấy,
viên thiếu úy bỗng nhìn thấy một ánh lửa toả ra từ sườn núi chỗ đóng quân
bên kia bờ. Viên thiếu úy đã hiểu rằng Napoléon đã theo dõi cuộc xô xát và đang
chăm chú nhìn từ cửa sổ của ông.
Đôi mắt phượng hoàng của Napoléon đã xoá
tan bóng tối để gửi đến cho những người lính trẻ sự cổ võ, khuyến khích. Viên
thiếu úy có cảm tưởng như nhà vua đã quên hết cả một đạo binh để chỉ nhìn về
phía anh. Sự chăm chú theo dõi của nhà vua đã đem lại cho những người lính trẻ
sự phấn khởi để giúp họ vượt qua được khó khăn và trở về an toàn.
Như người Mục tử nhân lành, Chúa cũng đã
chăm chú theo dõi, và nhìn chúng ta như thể chỉ có mỗi người chúng ta là đáng
được chú ý. Thiên Chúa chăm sóc chúng ta như chăm sóc một đàn chiên trong đó mỗi
con vật chỉ là một con số. Thiên Chúa yêu thương chúng ta bằng một tình yêu biệt
loại. Người gọi tên từng người trong chúng ta. Ngài đối xử với chúng ta như thể
chỉ có ta là người duy nhất hiện hữu trên trần gian này.(Cử hành Phụng vụ CN và Lễ trọng, tr 136)
b) Qui tụ và hợp nhất đàn chiên.
Người chủ chăn mở đường tìm lối cho những
con chiên lạc trở về một đàn vì có những con chiên lầm đường lạc lối. Ngoài ra,
còn muốn thu thập các con chiên khác qui tụ lại trong đàn chiên này là
dân Israel, ám chỉ Giáo hội sau này, nói lên tính cách phổ quát của Giáo hội.
Biểu tượng người chăn chiên nhân lành là một dịp để Chúa quảng diễn vai trò của
Ngài hướng dẫn cả thế giới: "Ta còn những con chiên khác không thuộc về đàn
này; cả những chiên đó Ta cũng phải mang về đàn... và sẽ có một đàn chiên và một
chủ chiên”. Tất cả mọi người là con chiên của Chúa, chỉ có một Thiên Chúa độc
nhất và một Giáo hội duy nhất.
Truyện : Pho tượng
Chúa chiên lành.
Pho tượng gây xúc cảm nhất cho khách
hành hương La mã là pho tượng Chúa chiên lành vác con chiên thất lạc trên vai
đem trở về. Dưới pho tượng, có ghi câu của Abercies vào cuối thế kỷ II rằng:”Ta
là môn đệ của một Mục tử thánh thiện đã dẫn đàn chiên ra đồng cỏ xanh tươi bên
sườn núi và dưới đồng bằng, vị mục tử có đôi mắt lớn nhìn đến khắp mọi nơi”.
Chúa Kitô chính là người Mục tử nhìn xa
thấy rộng ấy. Nhờ sự chết và phục sinh, Chúa đã đạp đổ mọi ngăn cách để mở rộng
đàn chiên, bao trùm cả thế giới.. Đàn chiên ấy, ngày nay chúng ta chỉ được nhìn
thấy một phần nhỏ và hạn hẹp, sau này trên chốn vinh quang mới được chứng kiến
tầm vóc vĩ đại của đại gia đình Thiên Chúa.(Hồng
Phúc, Suy niệm Lời Chúa, năm B, tr 70-71)
c) Thí mạng để bảo vệ đàn chiên.
Đoạn Kinh thánh này vạch ra nét tương phản
giữa người chăn tốt và kẻ chăn xấu, người chăn trung thành và kẻ chăn bất
trung. Người chăn ở Palestine
phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về bầy chiên, nếu có sự gì xẩy ra cho chiên, người
ấy phải trưng bầy bằng cớ để chứng minh mình không có lỗi. Luật pháp qui định: ”Nếu con vật bị thú rừng xé chết, người lãnh giữ phải đem nó ra làm chứng”(Xh
22,12). Ở đây muốn nói là kẻ chăn phải mang về một bằng cớ nào đó, để chứng
minh rằng chiên ấy đã chết, và anh không thể ngăn chặn được cái chết ấy.
Với người chăn, liều mạng để bảo vệ bầy
chiên là điều tự nhiên. Lắm khi họ còn phải làm nhiều điều hơn thế nữa để cứu
chiên.
Truyện : Liều mạng
cứu chiên.
Trong quyển The land and the Book,
Thomas Thompson có ghi lại câu chuyện bi đát như sau : Một ngày nọ có chàng mục
đồng trẻ tuổi dẫn đàn súc vật đi về vùng lân cận ngọn núi Thabor. Bỗng có ba
tên cướp đường người Ả rập xuất hiện. Chàng thanh niên biết rõ chàng sẽ gánh chịu
những hậu quả khôn lường, thế nhưng chàng đã không bỏ trốn. Chàng kiên cường
chiến đấu để giữ cho bầy súc vật của chàng khỏi rơi vào tay lũ thổ phỉ. Đoạn cuối
được kết thúc bằng cái chết liều mạng của chàng thanh niên cho đàn cừu của
chàng.
III. KITÔ
HỮU CŨNG LÀ MỤC TỬ.
1. Sứ vụ
của Đức Giáo hoàng.
Đức Giêsu đã trao phó trách nhiệm coi
sóc đàn chiên của Chúa khi Chúa nói với ông Phêrô tới ba lần:”Hãy chăm sóc
chiên của Thầy”(Ga 21,15-17). Và sau khi Chúa về trời, thánh Phêrô trở nên
vị lãnh tụ tối cao trong Giáo hội, vị Giáo hoàng đầu tiên đặt ngai tòa tại
Rôma, các tông đồ và mọi tín hữu phải qui phục quyền hướng dẫn của Ngài. Giáo
hoàng là vị đại diện Thiên Chúa ở trần gian.
Truyện : Quo
vadis?
Dưới thời bạo chúa Néron bắt đạo. Rôma
ngập tràn máu lửa, biết bao nhiêu tín hữu đã chết dưới tay ông bạo chúa điên loạn,
bạo tàn.
Giáo hội non trẻ do Đức Giêsu thiết lập
như sắp rã rời tan tác. Phêrô là con chim đầu đàn, là trụ cột của Giáo hội. Các
tín hữu tha thiết xin Phêrô trốn khỏi Rôma, để tiếp tục hướng dẫn đoàn chiên.
Người anh cả một thoáng phân vân, chần chừ. Quả thật đoàn chiên đang nao núng
vì sợ thiếu vắng đầu đàn, sao có thể giữ vững niềm tin? Thầy đã chẳng khuyên
khi người ta bắt bớ chúng con ở thành này, thì hãy trốn sang thành khác sao?
Phêrô xách bị gậy đi trốn. Đụng Thầy ở cổng thành, Phêrô hỏi :
-
Quo vadis, Domine? Thưa Thầy, Thầy đi đâu?
Chúa Giêsu trả lời :
-
Nếu con bỏ các Kitô hữu của Thầy thì Thầy sẽ quay lại để chịu đóng
đinh cho họ một lần nữa.
Phêrô hiểu ngay lời Thầy, quay trở lại
Rôma để an ủi khích lệ đoàn chiên.
2. Sứ vụ
các Giám mục, Linh mục.
Theo kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa,
một số ít người trong dân Chúa được gọi, được chọn để đóng vai người mục tử của
cộng đoàn. Đó là các Giám mục. Linh mục tức các thừa tác viên có chức thánh.
Công việc được giao cho các vị, chính là việc chăn dắt, chăm lo cho đoàn chiên
của Thiên Chúa. Tác vụ của các vị là làm sao cho đoàn chiên chẳng những
được an toàn mà còn được ăn uống no nê, béo tốt. Trách nhiệm ấy thật cao cả
nhưng cũng thật khó khăn và nặng nề. Cao cả vì các vị phải hiện-tại-hoá tấm
lòng và cách sống yêu thương và hy sinh xả kỷ của Chúa Giêsu và của Thiên Chúa
đối với cộng đồng anh chị em được giao phó cho các vị. Khó khăn và nặng nề vì
các vị vẫn là những con người phàm trần với nhiều yếu đuối và đam mê như
mọi người khác.
Nhìn vào thực tế, một thực tế không thể
chối cãi được và cũng rất bình thường, chúng ta thấy các vị chủ chăn có một
vai trò quan trọng trong đời sống thiêng liêng của một cộng đoàn. Nhìn vào thực
tế chúng ta cũng thấy rõ là không phải tất cả các vị chủ chăn đều có được tấm
lòng yêu thương và cách sống hy sinh quên mình vì đoàn chiên. Vẫn còn đó,
những ích kỷ, nhưng vụ lợi, những hưởng thụ không chính đáng! Vẫn còn đó, những
lạm dụng danh nghĩa, những tự tôn tự đại! Vẫn còn đó những ngại hy sinh, những
cách phục vụ nửa chừng nơi các vị chủ chăn của chúng ta.
Nhưng cũng không thiếu gì những vị mục tử
hy sinh vì đàn chiên, những gương lành sáng chói còn ghi trong sử sách. Một
Gioan Vianney đã tô điểm sáng chói cho khuôn mặt vị Mục tử nhân lành tối cao!
Chính vì thế mà Giáo hội mới tha thiết mời gọi tất cả mọi Kitô hữu cầu nguyện
cách đặc biệt cho các vị, để các vị trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, Đấng
chăn chiên nhân lành. Không có ơn đặc biệt của Thiên Chúa, không ai làm được những
chuyện “ngược đời” mà Phúc âm đòi hỏi.
3. Sứ vụ
của mọi Kitô hữu..
Mọi người đã được chịu phép Thánh tẩy đều
được tham gia vào ba chức năng của Chúa Kitô, đó là : chức năng tư tếá, chức
năng tiên tri và chức năng cai trị. Nhưng theo tư tưởng của Đức Kitô thì “Cai
trị là phục vụ”. Ai mà không có quyền phục vụ? Ai có thể nói là mình không thể
phục vụ được trong bất cứ một lãnh vực nào hay một hoàn cảnh nào?
a) Trong
đời sống Kitô hữu nói chung.
Nhìn sâu hơn nữa vào tinh thần Phúc âm,
chúng ta phải quả quyết rằng : không chỉ có các thừa tác viên có chức thánh mới
có sứ vụ mục tử, mà mọi Kitô hữu lớn nhỏ, nam nữ đều được tham gia vào sứ vụ
chăm sóc của Đức Giêsu Kitô. Thật vậy, bí tích Thánh Tẩy đã khiến chúng ta
thành chi thể của Thân Mình Mầu nhiệm mà Chúa Kitô là Đầu. Là chi thể, chúng ta
mang trong mình tư cách, tính chất, sứ vụ của Đầu. Nếu Đức Giêsu là Mục tử thì
mọi Kitô cũng đều là người chăm lo cho anh em là chi thể của Thân mình
b) Trong
đời sống gia đình nói riêng.
Gia đình được gọi là Hội thánh tại gia.
Trong Hội thánh lớn hay nhỏ đều phải có tổ chức, phải có đầu có cuối như người
ta thường nói :”Kim chỉ phải có đầu”. Chúa Kitô đã trao cho thánh Phêrô
nhiệm vụ coi sóc Hội thánh toàn cầu, thì Ngài cũng trao cho các Giám mục, rồi đến
Linh mục nhiệm vụ chăm sóc Hội thánh tại địa phương là Giáo phận, giáo xứ.
Như vậy, Chúa cũng trao cho cha mẹ
nhiệm vụ chăm sóc gia đình – một Hội thánh tại gia – để cha mẹ thi hành sứ vụ mục
tử đối với con cái cũng như con cái có sứ vụ chăm lo cho cha mẹ; vợ có sứ vụ mục
tử đối với chồng và chồng có sứ vụ mục tử đối với vợ; anh em chị em có sứ vụ mục
tử đối với nhau và cứ thế mà rộng ra toàn xã hội và thế giới : mọi người có sứ
vụ chăm lo cho nhau, vì mọi người là con cái của Thiên Chúa, đều là anh chị em
của nhau, đều thuộc về một ràn chiên duy nhất của Chúa Giêsu Kitô.
4. Sứ vụ
hiệp nhất của Kitô hữu.
Đức Giêsu muốn qui tụ tất cả các chiên
vào trong một đàn chiên, dưới sự hướng dẫn của một Chúa chiên. Nỗi thao thức của
Đức Giêsu trước khi vào cuộc tử nạn là cho mọi người hiệp nhất nên một. Tâm
tình này đã được Đức Giêsu thổ lộ trong bữa Tiệc ly:”Xin cho chúng hiệp nhất
nên một”(Ga 17,23). Nhưng sau khi Chúa về trời rồi, Hội thánh vẫn
còn chia rẽ. Hội thánh được ví như một tấm vải bị xé ra nhiều mảnh, cần
phải được nối kết lại.
|
Lewis Wattson (t) và Spencer Jones
|
Công đồng Vatican II tha thiết mong mỏi
tái lập sự hiệp nhất giữa tất cả các môn đệ của Chúa Kitô, nên muốn cung ứng
cho mọi người Công giáo sự trợ lực, đường lối và phương sách để họ có thể đáp ứng
lời mời gọi và ân sủng của Thiên Chúa (Sắc lệnh về hiệp nhất, số 1).
Hàng năm Giáo hội tổ chức tuần lễ cầu
nguyện cho sự hiệp nhất từ ngày 18-25 tháng giêng. Tuần lễ hiệp nhật này là
sáng kiến của một mục sư Anh giáo ở New
York, ông Wattson và người bạn của ông là ông Spencer
Jones ở Luân đôn. Kết quả đầu tiên của tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất này là
sự trở lại Công giáo của chính mục sư Wattson, sau là Linh mục Paul Francis, đồng
thời cả cộng đoàn (Association de Réparation) của ông lập cũng trở lại Công
giáo. Đức Piô X đã chấp thuận tuần lễ hiệp nhất này trong Giáo hội.
Lm
Giuse Đinh Lập Liễm