lời Chúa cn 5 mc _ nghịch lý của tình yêu

NGHỊCH LÝ CỦA TÌNH YÊU
Được dựng nên để sống nên chẳng ai muốn chết, nhưng chẳng một ai sống mãnh liệt hơn một người sẵn lòng chết cho một lẽ sống.
Lm. HK
Ngày 30/01/1938, một chuyến xe lửa chạy từ miền bắc xuống miền nam Columbia, bất ngờ bị trật đường rầy, tai nạn đó đã làm cho nhiều người chết và bị thương. Trong số những người quần quại nằm đó, có cha Phênisê thuộc dòng Thánh Gioan. Ngài bị thương nặng, một phần ruột lòi ra ngoài.
Nhận ra cha, các y tá ân cần chăm sóc. Nhưng ngài ra hiệu, hãy lo cứu giúp những nạn nhân khác. Rồi lấy hết sức bình sinh, ngài nhét ruột vào, dùng khăn buộc lại và đi tìm những hành khách bị thương nặng để giải tội cho họ.
Được một lúc ngài ngã xuống. Các y tá chạy lại, ngài thều thào nói trong đau đớn tột cùng: "Cám ơn Chúa đã cho tôi thì giờ để làm điều cần thiết cho anh em. Bây giờ các cô có thể mang xác tôi đi.”
Chiếc xe cứu thương vội chở Cha Phênisê tới bệnh viện gần đó. Nhưng chỉ vài giờ sau ngài trút hơi thở cuối cùng khi tuổi đời mới ba mươi sáu.
Được dựng nên để sống nên chẳng ai muốn chết, nhưng chẳng khi nào người ta sống mãnh liệt hơn khi sẵn lòng chết cho một lẽ sống.

Trong thế giới tự nhiên, sống và chết là hai ý niệm có mối quan hệ tương khắc tương sinh: Sự sống giả thiết một sự thay đổi để lớn lên và trưởng thành. Do đó, trong sự sống luôn chứa đựng sự chết, là loại thải đi những gì không còn hợp với tiến trình lớn lên. Luật sự sống bắt đứa bé phải rời vú mẹ, bắt con nhộng phải chui ra khỏi cái kén, và hạt lúa giống phải mục nát đi.
Riêng nơi con người, sự sống còn mang thêm một chiều kích tâm linh: Sống là chọn lựa. Không có lựa chọn, người ta chỉ là một nô lệ, hay một thi hài chưa chôn!... Nhưng mặt trái của lựa chọn là từ bỏ nên, một lần nữa, sự chết lại phải có mặt để làm nên sự sống.
Tình yêu là sự sống của Thiên Chúa nên sống sự sống thần linh cách mãnh liệt là yêu cho đến cùng, là từ bỏ cách triệt để trong chọn lựa phục vụ. Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh hạt giống để diễn tả sự sống thần linh đó: "Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. (Ga 12,24)
Thế nhưng khi Chúa tiên báo cuộc Thương khó - chọn lựa trọn vẹn và quyết liệt cho tình yêu, Chúa gặp ngay phản kháng từ chính các môn đệ của Ngài. Vì thế mà Chúa nhấn mạnh tính không thể thay thế của con đường Chúa đi: Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. (Mt 16,24-25).
Sự sống này đã được bắt đầu từ những ngày Dân Chúa được đưa ra khỏi Ai Cập, khi Chúa trao ban các điều luật của tình yêu và dạy họ tuân giữ. Nhưng thực tế cho thấy Dân Chúa chỉ mong thoả mãn sự sống hạn hẹp và mau qua ở đời này, vẫn muốn làm nô lệ cho dục vọng hơn là sống cuộc sống tự do bởi tình yêu.
Đúng thế! Dân Chúa đã từ chối sự sống: "Chính chúng đã hủy bỏ giao ước của Ta, mặc dầu Ta là Chúa Tể của chúng (Gr 31,32), Dù vậy, tình yêu phải nhẫn nại, Chúa đã hứa sẽ phục hồi và hoàn thiện sự sống đó trong thời sau hết: "Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta (Gr 31,33).
Sống theo lề luật của tình yêu là nguồn mạch của hạnh phúc. Gương sáng của hai chân phước Đamien và Têrêsa Calcutta, rồi Đức Cha Cassaigne,... cho thấy sức sống mạnh mẽ của những tâm hồn đã để tình yêu Chúa điều khiển cuộc sống mình. Thoạt trông, đó là những người phải chịu nhiều đau khổ, nhưng trong đáy sâu của tâm hồn thì ai cũng có thể thấy được niềm vui, sự bình an và hạnh phúc như hoa trái của tình yêu nơi những tâm hồn đó.
Đó là nghịch lý của tình yêu mà Chúa Giêsu đã đối chiếu: "Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời. (Ga 12,25). Nghịch lý đó được cha Anthony de Mello trình bày cách khác: "Người ta chỉ sợ chết khi họ sợ sống.” Tôi sẽ sợ chết và tâm hồn tôi nằm dưới nấm mồ nếu tôi bám chặt vào một chút tiện ích thế tục mau úa tàn mà không dám sống hết mình cho một lẽ sống vượt trên cuộc sống sẽ qua đi này.
Trong bài giảng về sự thương khó của Đức Kitô, ĐGH Leo Cả kêu gọi tôi theo đuổi một cuộc sống đích thực, sống cho tình yêu, chứ đừng để đời mình trở nên một cái chết kéo dài bởi lòng vị kỷ: "Ước chi những người đang bị đè bẹp dưới nấm mồ là bản tính phải chết, biết hất tung mọi sức nặng làm trở ngại mà vùng dậy.”