Em, tôi không biết tên em, tôi không biết em là ai, nhưng tôi biết em là một người thao thức... Vì em thao thức nên những giòng sau đây mới đến được tay em. Vì em thao thức nên một ai đó đã gửi đến tặng em, hoặc giới thiệu cho em. Vì em thao thức nên em mới chịu khó đọc hết những lời khô khan này.
Tôi đã viết những trang này, đầu tiên, cho các con tôi và cho học trò tôi. Một số bạn hữu muốn tôi gửi chúng đến những người trẻ khác, những người thao thức, những người kiếm tìm, những người mong biến cuộc đời mình thành một giá trị.
Vì thế, tôi cũng muốn dành những trang này cho em, với hy vọng cùng với em suy tư về cuộc sống; bởi lẽ em là một người trẻ thao thức và đang ở vào lứa tuổi 18 đến 25, nghĩa là cùng lứa tuổi với các con tôi và các sinh viên của tôi.
Đời người cũng giống như một sứ điệp. Giá trị của một sứ điệp không phải là ở điểm nó dài hay ngắn, nhưng ở chỗ nó có ý nghĩa hay không.
Tôi gửi đến em những giòng này như một món quà lên đường, chứ không phải như những lời khuyên, và lại càng không phải là những lời “dạy dỗ” ( không ai có thể dạy kẻ khác sống cuộc đời của họ ! ), với ao ước được em hiểu rằng, chung quanh em, ngoài những người thân, vẫn còn nhiều người mong em sống một cuộc đời có giá trị, nghĩa là có hạnh phúc.
Và tôi nghĩ, em chỉ thật sự hạnh phúc ngày nào em nói được rằng: “Em là một con người có một trái tim”.
Em sẽ là một con người có một trái tim được hướng dẫn bằng một lý trí sáng suốt, được hun đúc bằng một tình thương sâu đậm, được nối dài bằng một đôi tay ham làm.
A. MỘT TRÁI TIM ĐƯỢC HƯỚNG DẪN
BẰNG MỘT LÝ TRÍ SÁNG SUỐT:
Chỉ có như thế, đời sống của em mới có giá trị và có chất người. Lý trí sáng suốt có nghĩa là em phải suy nghĩ, dựa trên một lập trường, trên cơ sở tự biết mình, đồng thời chấp nhận mình và biết được giá trị của sự im lặng.
1. SUY NGHĨ:
Em hãy nhớ rằng: không bao giờ có một giải pháp sẵn có cho vấn đề em gặp. Có thể vấn đề rất là cũ, nhưng em là một con người độc nhất, không giống bất cứ một ai...
Thế nên, chỉ có em mới giải quyết được cho chính mình. Và điều đó đòi hỏi em phải suy nghĩ, nếu em không muốn trở thành một con cừu trong trăm ngàn con cừu, một cái máy đúc sẵn giống như trăm ngàn cái máy khác. Em Là Một Con Người !
2. LẬP TRƯỜNG:
Lập trường không phải là những khẩu hiệu người ta nhét vào óc em. Lập trường là những quy tắc giúp em thể hiện được con người thật của em. Phản bội lập trường là phản bội chính mình, là giết chết con người thật sự độc đáo của mình.
Em suy nghĩ xem con người thật sâu thẳm trong em là gì ? Lập trường của em là gì ? Ý nghĩa cuộc đời em không phải là người khác muốn em trở thành cái gì, nhưng chính em, muốn sống trọn vẹn, em phải triển nở thế nào.
3. TỰ BIẾT MÌNH:
Em hãy xem lại những khả năng và những hạn chế của mình, những ưu điểm và những khuyết điểm của mình. Em hãy im lặng nhìn lại chính mình xem.
4. CHẤP NHẬN CHÍNH MÌNH:
Khi đã thấy được những ưu và khuyết điểm của mình, em không nên quá tự hào về ưu điểm. Xét cho cùng, những ưu điểm đó có thể là em không có công gì cả cả, hoặc nếu em có phát triển thì bất cứ ai có điều kiện bẩm sinh và hoàn cảnh thuận tiện như em cũng sẽ có ưu điểm đó.
Ngược lại, khuyết điểm của em cũng không có quyền gây cho em một mặc cảm nào: con người là nạn nhân của khuyết điểm mình; và phần lỗi của mình chưa chắc là phần quyết định. Cố nhiên em sẽ kiên trì sửa sai, nhưng dù sao đi nữa, em hãy chấp nhận bản thân và thông cảm cho chính mình.
5. IM LẶNG:
Mỗi tuần, em hãy dành ra ít nhất là một giờ để suy nghĩ lại những biến cố xảy ra và phản ứng của mình.
Trong dòng đời thác lũ, nếu em không ngồi lại suy nghĩ về bản thân thì chẳng bao lâu em sẽ đánh mất chính mình. Mất mát lớn nhất của một con người là đánh mất chính mình. Hãy tìm cho em những thời gian thinh lặng.
B. MỘT TRÁI TIM ĐƯỢC HUN ĐÚC BẰNG
MỘT TÌNH THƯƠNG SÂU ĐẬM:
Được tình người là em được tất cả. Và mất tình người thì em sẽ thấy mình là người nghèo nhất. Và để nuôi nấng tình người, em hãy biết thông cảm, từ ái, quên mình, lắng nghe và giữ nụ cười.
1. THÔNG CẢM:
Mẫu số chung của con người là sự khổ đau. Và để giải quyết khổ đau đó, mỗi người sử dụng những gì ở trong tầm tay mình. Đôi khi cách giải quyết đó gây ra những hành động ti tiện hoặc độc ác.
Đứng về phương diện luật pháp hay đạo đức, có thể người ấy sai. Nhưng nếu em nhìn người ấy như một con người đau khổ – vật chất hay tinh thần – thì em sẽ thông cảm được; bởi vì xét cho cùng, con người đáng thương hơn là đáng trách. Không ai bắt em làm quan tòa, hãy làm một người anh chị em của mọi người.
2. TỪ ÁI:
Có thông cảm, em mới không bao giờ buộc tội ai, nhất là nếu người đó xúc phạm đến mình. Hãy đặt mình vào trường hợp của người khác, em sẽ học được sự thứ tha, và lòng từ ái của em không bị những ti tiện làm vẩn đục.
3. QUÊN MÌNH:
Điều kiện cơ bản là quên mình. Nếu em tập cho quen, em thấy được bằng kinh nghiệm rằng càng quên mình bao nhiêu, thì con người mình được tràn đầy bấy nhiêu: Em sẽ nhận được tình người tràn đầy, điều mà mọi sự níu kéo, mọi sự dụ dỗ không bao giờ có thể đem lại được.
4. LẮNG NGHE:
Em hãy nghe bằng tai, bằng khối óc và bằng con tim. Em sẽ nghe được những gì mà không bản nhạc nào diễn tả nổi. Em sẽ nghe được lòng người, và em sẽ học hỏi được, thông cảm được, yêu thương được cuộc sống này.
5. GIỮ NỤ CƯỜI:
Em hãy đến với mọi người bằng nụ cười. Nụ cười trên môi và nụ cười trong lòng. Và khi đối diện với một người không còn một niềm vui nào nữa thì chính lúc đó nụ cười của em lại càng cần thiết. Em hãy gieo nụ cười và em sẽ gặt hạnh phúc.
“J’ ai crié: la vie est méchante !
Et l’ écho m’ a répondu: chante !”
C. MỘT TRÁI TIM ĐƯỢC NỐI DÀI
BẰNG MỘT ĐÔI TAY HAM LÀM:
Chỉ qua hoạt động thì cuộc sống mới đáng sống, miễn là hoạt động ấy tự do, nghĩa là tự ý mình nhập cuộc. Hãy làm những việc mình yêu thích. Và nếu không thể nào làm những việc mình yêu thích, thì hãy yêu thích việc mình làm.
Và muốn hành động có hiệu quả, em hãy nhớ rằng: Không có việc nhỏ và phải có lòng nhiệt tâm, quả quyết, không sợ khó, trong tinh thần chấp nhận cuộc sống.
1. KHÔNG CÓ VIỆC NHỎ:
Không có một công việc nào là việc tầm thường. Chỉ có những con người tầm thường. Hãy đối diện với những việc nhỏ và hoàn tất chúng một cách phi thường. Chết một cách anh hùng là một điều khó, nhưng sống tầm thường một cách anh hùng còn khó hơn...
Mong sao em sống hơn cả anh hùng. Ước gì em sống như một Con Người.
Khi bắt tay vào việc, em hãy xem lại lòng hăng say của em. Nếu chưa thấy hăng say, hãy nung nấu cho mình lòng hăng say trước đã...
Thà là một công việc bị đình trệ còn hơn là con người em trở nên khô cằn. Và có hăng say thì mọi việc đều nhẹ nhàng; bởi lẽ, khi yêu thích thì không còn khó khăn, vì nếu có khó khăn, thì khó khăn đó cũng được yêu thích rồi.
3. QUẢ QUYẾT:
Phải đi đến đích với bất cứ giá nào, và sẵn sàng trả giá. Phải nhìn trước, cố nhiên. Nhưng khi đã quyết định rồi thì không bao giờ bỏ cuộc. Cái khó không phải là bắt đầu, mà là bắt đầu lại.
4. KHÔNG SỢ GÌ KHÓ:
Những khó khăn gặp phải là những trở ngại để vượt qua. Em hãy tự nhủ: “Điều gì người khác có thể vượt qua thì tôi cũng vượt qua được.”
5. CHẤP NHẬN CUỘC SỐNG:
Chỉ có những người nhảy xuống nước mới biết bơi. Chỉ có những người lăn vào cuộc sống và chấp nhận nó mới thấy được rằng cuộc sống có thể dìm mình nhưng cũng chính nó nâng đỡ mình.
DẶN DÒ EM...
Nhưng rồi trong cuộc sống em đã đối diện với những biến cố trầm bổng. Em sẽ ghi lại trên giấy, hay ít ra trong ký ức mình. Không có trường nào hay hơn trường đời. Không có thầy nào hay hơn chính mình. Và bài học kinh nghiệm là một bài học bản thân.
Những gợi ý sau đây giúp em một vài đường hướng để em tìm tòi và học hỏi nơi chính mình, ờ một số khúc quanh của cuộc đời em, như: lần chọn lựa, lần lo âu, lần sầu khổ, lần bị hiểu lầm, lần mất mát, lần cô đơn, lần chán nản, lần thành công, lần thất bại mà không bao giờ quên những niềm vui nho nhỏ.
1. LẦN CHỌN LỰA:
Thế nào rồi em cũng đối diện với những chọn lựa nhỏ to. Thế thì hãy nhớ: Chọn lựa là hy sinh. Hãy biết hy sinh nhưng hãy chọn lựa. Và sau đó, đừng bao giờ hối hận vì mình đã chọn lựa.
2. LẦN LO ÂU:
Lo âu là một chuyện rồ dại. Hãy tính toán, suy nghĩ, và làm tất cả những gì mình có thể làm... Rồi thôi. Và chờ đợi...
Lo âu không bao giờ giải quyết được gì, và có thể làm cho mình thiếu sáng suốt để giải quyết mọi việc ổn thỏa.
3. LẦN SẦU KHỔ:
Ai cũng gặp sầu khổ, nhưng không phải ai cũng biết sầu khổ. Sầu khổ là một kho tàng quý giá, hãy nếm lấy cho tận đáy để mình biết mình, để mình biết người:
“L’homme est un apprenti, la douleur est son matre.
Et nul ne se connait, tant qu’il n’a pas souffert.”
Nhưng hãy tránh sự thất vọng như dịch hạch. Và nếu mọi sự trở nên đen tối thì tự nhủ: Mặt trời sẽ mọc.
4. LẦN BỊ HIỂU LẦM:
Nếu bị đánh giá sai lầm mà có cơ sở thì hãy rút kinh nghiệm, và đừng buồn. Nếu bị đánh giá sai lầm mà không cơ sở, thì tại sao lại phải phiền lòng ? Người đánh giá không đáng cho mình bận tâm.
5. LẦN MẤT MÁT:
Có những mất mát vật chất, đó là kinh nghiệm để mình giữ gìn. Và rồi cũng thay thế được. Có những mất mát tinh thần, và hầu như không thay thế được, đó là kinh nghiệm cho em thấy rằng mình đã từng giàu có.
Hãy nhớ lại những gì mình đã có và đang có, và cảm tạ cuộc đời. Em có thể bị mất rất nhiều thứ nhưng không bao giờ mất hết tất cả mọi sự.
6. LẦN CÔ ĐƠN:
Cô đơn là kinh nghiệm bi đát nhất của mỗi người. nhưng chỉ có những tâm hồn có tầm vóc mới hiểu được thế nào là cô đơn. Hãy đối diện, đừng chạy trốn. Đây là lò luyện tính khí tốt nhất. Sau đó em sẽ lớn hơn: sẽ biết rõ mình và sẽ có nhiều khả năng thông cảm. Đừng để cho chua chát lẫn lộn với cô đơn.
7. LẦN CHÁN NẢN:
Đây là một cơn bệnh. Phải chữa trị bằng cách tìm ra nguyên nhân. Đừng hài lòng với tình trạng này, đừng bi đát hóa. Có thể là một nguyên nhân do thể chất. Hãy nghỉ ngơi. Có thể là một biến cố trong cuộc đời. Hãy tâm sự với một người mình tin cẩn. Nếu không có được, hãy để thời gian hàn gắn. Đừng than van kể lể. Hèn đi.
8. LẦN THÀNH CÔNG:
Hãy sung sướng khi thành công, đó là một phần thưởng xứng đáng. Nhưng đừng vênh vang !
Hãy nhớ rằng ít khi có một thành công vĩnh viễn. Chỉ có một thành công vĩnh viễn mà mình phải chuẩn bị bằng cả cuộc đời: đó là tạo ý nghĩa cho từng giây từng phút của cuộc sống mình.
9. LẦN THẤT BẠI:
Ai cũng có một lần thất bại. Đừng tự hạ. Công việc thất bại. Đừng cho rằng mình đã thất bại. Chính thái độ chấp nhận thất bại với nụ cười, sau khi đã cố gắng hết sức mình, làm cho ta trở thành một con người bản lĩnh.
10. NHỮNG NIỀM VUI NHO NHỎ:
Không phải ngày nào cũng có những biến cố trọng đại, nhưng ngày nào cũng có những niềm vui nho nhỏ: Một cành hoa đẹp, một lần gặp gỡ, một trang sách hay, một món ăn ngon, một làn gió mát...
Hãy sống cởi mở với những niềm vui đó. Nếu em quên đi, cuộc sống sẽ trở nên đơn điệu và buồn chán. Và có thể em sẽ trở thành bệnh hoạn.
LỜI TỪ BIỆT
Cám ơn em vì đã cùng tôi đi đến cuối... Cuối phần III của tập sách này, nhưng chỉ là ngưỡng cửa cuộc đời. Phần còn lại là phần của em, em sẽ viết bằng cuộc sống của mình. bây giờ, em hãy ra đi...
Mạnh dạn lên em, cuộc đời đang chờ đợi em. Tự tin lên em, để mọi người tin tưởng em. Phấn khởi lên em, để mọi người cùng phấn khởi với em. Hôm qua em là người lớn nhất trong thế giới trẻ nhỏ, hôm nay em là người nhỏ nhất trong thế giới người lớn. Hãy tỏ ra mình là một người lớn với lòng khiêm cung của một người mới vào đời...
Ngày em ra đời, em không có quyền quyết định; nhưng giờ đây em vào đời, quyền quyết định là cùng em.
Ôi ! Mong sao, một ngày nào đó, gặp em trên đường đời, được nghe em vui vẻ nói: “Em thật sự là một con người hạnh phúc”.
Thôi em đi... Chúc em khẳng khái lên đường, nghe em...
Người gửi: TRẦN DUY NHIÊN