Lời Chúa cntn 10b _ ai là mẹ tôi, ai là anh em tôi?

AI LÀ MẸ TÔI, AI LÀ ANH EM TÔI?
“Tôi đã sống thuận theo ý Chúa, và tôi đã hòa hợp ý tôi với ý Chúa tới nỗi, điều gì Chúa muốn, thì tôi cũng muốn, nên không bao giờ tôi cảm thấy khổ cực.”
Lm. Giuse Đỗ Đình Tiệm
Bài Tin Mừng thánh lễ hôm nay nhắc tới: Chúa giảng dậy, làm phép lạ: dân chúng kéo đến quá đông đảo, khiến người bận bịu không còn thời giờ nghỉ ngơi, ăn uống. Do đó mà thân nhân Chúa phải tới can thiệp. (Thân nhân Chúa còn cho là Người bị mất trí)
Các luật sĩ (những người đã bị Chúa lên án) lại giải thích sai lạc là Chúa trừ quỷ không do quyền phép Thiên Chúa, mà là do quyền phép tướng quỷ. Chúa đã cho họ biết: Nếu chính quỷ lại trừ diệt quỷ, thì là ma quỷ đã tự chia rẽ, chúng bị diệt vong, chứ đâu còn đứng vững được. Chúa nói rõ các lời giải thích của các luật sĩ là những lời phạm thượng, phạm tới chính Chúa Thánh Thần.
Nhân dịp thân nhân Chúa tới, Chúa đã ca tụng những người biết nghe lời Chúa, biết làm theo ý Chúa, vâng theo ý Chúa.
Chúng ta chỉ đề cập một điểm quan trọng của bài Tin Mừng: Sự tươi đẹp, cũng như sự quan trọng của việc làm theo ý Chúa, vâng theo ý Chúa.
Để giúp ta dễ dàng hiểu ý Chúa, ta cần chia ý Chúa theo hai loại.
Loại I: Ý Chúa rõ ràng: như Chúa muốn ta phải xa lánh tội lỗi, chống trả cơn cám dỗ, tuân giữ giới răn Chúa v.v.
Loại II: Ý Chúa tiềm ẩn, tức là biết chấp nhận mọi biến cố may rủi xẩy đến cho đời ta, và hôm nay chúng ta lưu ý tới loại II này.
Tauler, có viết câu truyện sau đây nhan đề “Cuộc đối thoại giữa nhà thần học và một người hành khất”
Một nhà thần học (nhà thần học này chính là Tauler) ước ao và cầu xin Chúa dòng dã tám năm để Chúa cho gặp được một người chỉ bảo Ông con đường chân lý. Một ngày nọ, đang lúc ông ước ao, nôn nóng hơn bao giờ hết, thì như có tiếng từ đáy lòng bảo ông: “Hãy đi ra ngoài, và ngay trên bậc vào nhà thờ, ngươi sẽ được gặp người chỉ bảo cho ngươi biết đường chân lý.”
Ông ra đi và gặp một người ăn xin, cả hai chân bị thương, đầy bùn đất, không giầy giép, quần áo cũ rách. Nhà thần học chào người ăn xin (theo kiểu người ta vẫn chào hỏi, những người hành khất): “Xin Chúa cho Ông được một ngày may mắn.”
Người ăn xin trả lời: “Tôi không nhớ đã có bao giờ tôi gặp một ngày rủi ro.”
Nhà thần học lại nói: “Cầu Chúa cho Ông được hạnh phúc.”
Người ăn mày trả lời: “Tôi chưa bao giờ phải khổ sở.”
Nhà thần học nói: “Xin Chúa chúc lành cho Ông, xin Ông nói rõ, vì tôi không hiểu những câu nói của Ông.”
Người ăn mày trả lời: “Tôi sẵn sàng nói rõ. Ông chúc tôi được một ngày may mắn; và tôi trả lời là tôi không nhớ có bao giờ đã gặp một ngày rủi ro. Là vì khi tôi đói, tôi ca tụng Chúa, khi tôi rét, trời có tuyết, có mưa, thời tiết tốt hay xấu: tôi cũng ca tụng Chúa; khi tôi thiếu thốn, bị hất hủi, bị khinh bỉ, tôi cũng vẫn ca tụng Chúa, do đó tôi không bao giờ gặp một ngày rủi ro. Liền sau đó ông chúc tôi một cuộc sống hạnh phúc, tôi trả lời là: Chưa bao giờ tôi phải khổ sở, điều này rất đúng, vì tôi biết sống kết hợp với Chúa, và tôi tin chắc, tất cả những gì Chúa làm, đều tốt cả; như thế bất cứ Chúa để tôi gặp việc gì, hay cho phép điều gì xẩy ra cho tôi: may mắn, rủi ro, ngọt ngào, cay đắng, tôi coi tất cả là hạnh phúc và tôi vui mừng lãnh nhận từ bài tay của ngài. Tóm lại tôi đã sống thuận theo ý Chúa, và tôi đã hòa hợp ý tôi với ý Chúa tới nỗi, điều gì Chúa muốn, thì tôi cũng muốn, nên không bao giờ tôi cảm thấy khổ cực.” (Trích dịch cuốn Le Saint Abandon của Vital Lehodey)
Thánh Phaolô, được Chúa hiện ra gọi Ngài trở lại. Chính Ngài đã thú nhận, (trong thư gởi giáo đoàn Galata 1,12 …) sau khi trở lại với Chúa, Ngài đã vào rừng vắng Arập, sống ẩn dật ở đó một thời gian dài, và được Chúa dậy bảo Ngài. Giáo lý Ngài loan truyền là chính giáo lý Ngài học nơi Chúa chứ không phải do các Tông Đồ truyền lại cho Ngài. Thế mà trong cuộc đời truyền giáo của Ngài, Ngài đã gặp bao nhiêu trắc trở. Chúa sai Ngài đi. Chúa cho Ngài thành công rực rỡ, đồng thời Chúa cũng để cho Ngài trải qua biết bao thất bại chua cay. Câu truyện sau đây trong sách Tông đồ Công Vụ, chứng minh nhận xét này:
Khi Thánh Phaolô và Barnaba tới Lystra rao giảng Tin Mừng Thì gặp một người què bẩm sinh. Lúc Thánh Phaolô giảng, người này chăm chú nghe. Thấy anh ta có lòng tin tưởng thánh nhân nói với anh: “Anh hãy đứng thẳng lên.” Tự nhiên anh ta đứng lên, đi lại được như thường. Dân chúng thấy việc lạ này, liền hô to: “Các Thần đã biến thành người xuống sống với chúng ta.” Họ gọi Barnaba là thần Jupiter và thánh Phalô là thần Mercuriô. Các sãi bụt Jupiter đã mang bò hoa, cùng dân chúng, định tế lế hai vị. Thánh Phalô và Barnaba phải xé áo mình, vất vả can ngăn mãi, họ mới thôi. Công việc truyền giáo đang tiến hành đày kết quả tại Lystra, thì Chúa lại định xẩy ra một biến cố thật bi quan. Số là có một nhóm người từ Antiochia và Iconiô, tới Lystra xúi giục dân chúng phản lại hai vị. Dân chúng thay đổi lòng một cách dễ dàng, không tin lời hai vị nữa. Họ ném đá thánh Phalô. Ngài té xỉu bất tỉnh. Dân chúng ngờ Ngài đã chết, lôi xác Ngài ra ngoài thành. Sau khi thánh nhân đã tỉnh lại, Ngài đã cùng Barnaba sang Derba. (T.Đ.C.V. 14,7 …)
Cuộc đời các thánh cũng cho ta nhiều kinh nghiệm về ý nhiệm mầu của Chúa.
Thánh Phanxicô Assisiô được Chúa soi sáng bỏ quê hương của Ngài là nước Ý, sang tận Ai Cập để được tử đạo và để đưa nhiều người trở lại với Chúa. Kết cục Ngài đã bỏ Ai Cập trở về Ý, chẳng những không tử đạo mà cũng chẳng rửa tội được ai.
Thánh Ignatiô Loyola đã thấy kết quả rực rỡ của công việc Ngài sáng lập, đó là dòng Tên và Ngài còn nhìn xa thấy nhiều kết quả lớn lao khác, nhưng luôn luôn ngài tự nhủ: phải sẵn sàng can đảm chịu đựng hậu quả tai hại Chúa có thể khiến xẩy ra, là làm tan vỡ dòng Ngài, điều mà Ngài coi là đau khổ nhất trong đời Ngài. Nhưng Ngài đã sẵn sàng tới nỗi Ngài nói: Dù Dòng Tên có bị giải tán thì chỉ sau ba mươi phút, Ngài có thể sống bình tĩnh thản nhiên trong thánh ý Chúa.
Thánh Alphongsô, vị sáng lập dòng Chúa Cứu Thế, nói: “Tôi phải luôn luôn tưởng tượng dòng của chúng ta đang trên biển rộng mênh mông ngược gió. Nếu Chúa muốn chôn vùi nó tận đáy biển, thì tôi xin nói trước và sẽ còn nói mãi mãi: Chúc tụng thánh ý Chúa.”
Henri Ford, nhà đại tư bản, được người đời tặng biệt hiệu là “Ông vua xe hơi”, đã 78 tuổi mà vẫn sống lạc quan, khỏe mạnh. Mấy năm trước khi Ông từ trần, Dale Carnegie tới phỏng vấn Ông: “Có bao giờ Ông lo lắng không?”
Ford đáp: “Không, tôi tin rằng Thượng Đế điều khiển mọi việc của ngài, không cần tôi tính toán giùm ngài, đã có ngài lo rồi, thì mọi sự hoàn thiện hết, còn ưu tư nỗi gì nữa.”
Đề tựa của Lm. HK