Kitô hữu phải TRUNG THỰC
trong
lời nói và việc làm
… Đức tin được diễn
tả ra trong các cử chỉ đơn sơ của tình bác ái huynh đệ. Nhưng một cách chính yếu
trong sự trung thực của cuộc sống giữa điều chúng ta nói và điều chúng ta sống...
”Chúng ta có thể cống hiến ba điều cho tất
cả những người “muốn thấy Chúa Giêsu”: sách Phúc Âm, Thánh Giá và chứng tá đức
tin nghèo nàn nhưng chân thành của chúng ta. Phúc Âm: trong đó chúng ta có thể
gặp gỡ Chúa Giêsu, lắng nghe Người và hiểu biết Người. Thánh Giá; dấu chỉ tình
yêu của Chúa Giêsu, Đấng đã tự trao ban cho chúng ta. Và một đức tin được diễn
tả ra trong các cử chỉ đơn sơ của tình bác ái huynh đệ.”
ĐTC Phanxicô dã
nói như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi đọc
Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật hôm qua tại quảng trường thánh Phêrô. Mở đầu bài
huấn dụ ĐTC nói: trong Chúa Nhật thứ V Mùa Chay, thánh sử Gioan lôi kéo sự chú
ý của chúng ta với một chi tiết lạ kỳ: vài người Hy lap” theo Do thái giáo đến
Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua, hướng tới tông đồ Philiphê và nói: “Chúng tôi muốn
trông thấy Đức Giêsu” (Ga 12,21). Trong thành thánh, nơi Chúa Giêsu đến lần cuối cùng, có nhiều
người. Có những người bé nhỏ và đơn sơ đã tiếp đón vị ngôn sứ thành Nagiarét
vui như lễ hội, vì họ nhận ra nơi Ngài Đấng Chúa Sai Đến. Có những thượng tế và
các vị lãnh đạo của dân muốn loại trừ Ngài, bởi vì họ coi Ngài là lạc giáo và
nguy hiểm. Cũng có những người, như những người Hy lạp tò mò muốn trông thấy
Ngài và hiểu biết hơn về con ngưòi và các việc Ngài đã làm, mà việc sau cùng là
cho ông Ladarô sống lại đã gây nhiều ồn ào. ĐTC quảng diễn lời xin của các người
Hy lạp như sau:
“Chúng tôi muốn trông thấy Đức Giêsu”: các lời này, như biết bao lời khác trong
các Phúc Âm, vượt ngoài giai thoại đặc biệt này và diễn tả một cái gì phổ quát.
Chúng vén mở cho thấy một uớc mong hiện hữu trong con tim của biết bao nhiêu
người đã nghe nói tới Đức Kitô, nhưng chưa gặp được Ngài. “Tôi muốn trông thấy
Đức Giêsu”, Ngài cảm thấy lời này trong trái tim của dân chúng. Trả lời một
cách gián tiếp, một cách ngôn sứ, cho lời xin có thể trông thấy Ngài, Chúa
Giêsu nói lên một lời tiên tri vén mở cho thấy căn cước của ngài và chỉ cho thấy
con đường giúp hiểu biết Ngài thực sự: “Đã
đến giờ con người được tôn vinh” (Ga 12,23). Đó là giờ của Thập Giá! Đó là
giờ bại trận của Satan, ông hoàng của sự dữ, giờ chiến thắng vĩnh viễn của tình
yêu thương từ bi của Thiên Chúa. Chúa Kitô tuyên bố rằng “Ngài sẽ được nâng cao khỏi đất” (c. 32), đây là một kiểu diễn tả
có hai nghĩa: “được nâng cao” bởi vì bị đóng đinh, và “được nâng cao” bởi vì được
Thiên Chúa Cha tán dương trong việc Sống Lại, để lôi kéo tất cả mọi người đến với
Ngài và hòa giải con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau. Giờ của
Thập Giá, giờ đen tối nhất lịch sử, cũng là suối nguồn ơn cứu độ cho tất cả những
ai tin vào Ngài.
ĐTC nói tiếp
trong bài huấn dụ: tiếp tục lời tiên tri về lễ Vượt Qua của Ngài gần kề, Chúa
Giêsu dùng một hình ảnh đơn sơ và gợi ý, đó là hình ảnh “hạt lúa” rơi xuống đất,
chết đi để sinh bông hạt (c. 24). ĐTC giải thích thêm như sau:
Trong hình ảnh
này chúng ta tìm thấy một khía cạnh khác nữa của Thập Giá Chúa Kitô: đó là hình
ảnh của sự phong phú. Thật vậy, cái chết của Chúa Giêsu là một nguồn suối vô tận
của sự sống mới, bởi vì nó mang theo trong chính nó sức mạnh tái sinh của tình
yêu thương của Thiên Chúa. Được dìm mình trong tình yêu đó qua bí tích Rửa Tội,
kitô hữu có thể trở thành “các hạt lúa”
và đem lại nhiều bông hạt, nếu họ “đánh mất
sư sống mình” vì tình yêu thương Thiên Chúa và các anh chị em khác như Chúa
Giêsu (c. 25). Vì thế cho những người ngày nay “muốn trông thấy Chúa Giêsu”; cho những ngưòi kiếm tìm gương mặt của
Thiên Chúa; cho những người từ nhỏ đã nhận được giáo lý và rồi đã không đào sâu
nó; cho biết bao nhiêu người còn chưa gặp được Chúa Giêsu một cách cá nhân; cho tất cả những người đó chúng ta có thể cống hiến ba điều:
sách Phúc Âm, Thánh Giá và chứng tá đức tin nghèo nàn nhưng chân thành của chúng ta.
Phúc Âm: trong đó chúng ta có thể gặp gỡ Chúa Giêsu, lắng nghe Người và hiểu biết
Người. Thánh Giá; dấu chỉ tình yêu của Chúa Giêsu, Đấng đã tự trao ban cho
chúng ta. Và một đức tin được diễn tả ra trong các cử chỉ đơn sơ của tình bác
ái huynh đệ. Nhưng một cách chính yếu trong sự trung thực
của cuộc sống giữa điều
chúng ta nói và điều chúng ta sống, sự trung thực giữa đức tin và cuộc sống, giữa
các lời nói và các hành động của chúng ta. Sách Tin Mùng. Thánh Giá và chứng
tá. Xin Đức Maria Mẹ chúng ta giúp chúng ta theo Chúa Giêsu trên con đường của
thập giá và sự sống lại.
Tiếp đến ĐTC đã
đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người:
Sau Kinh Truyền
Tin ĐTC đã chào khen tín hữu và các tham dự viên cuộc chay đua Marathon đường
dài mùa xuân ở Roma là can đảm, vì trời mưa mà vẫn tham dự buổi đọc Kinh Truyền
Tin. ĐTC cho biết hôm thứ bẩy ngài đã viếng thăm tổng giáo phận Napoli: ngài
cám ơn sự tiếp đón nồng hậu của tín hữu Napoli và khen họ rất giỏi.
ĐTC cũng nhắc
cho mọi người biết Chúa Nhật hôm qua là Ngày quốc tế về nước, do Liên Hiệp Quốc
phát động nhằm gây ý thức về việc cấp thiết bảo vệ, quý trọng và tiết kiệm nước
ngọt. Ngài nói: nước là yếu tố nòng cốt nhất cho sự sống, tương lai của nhân loại
tùy thuộc nơi khả năng của chúng ta biết giữ gìn và chia sẻ nước. Tôi khích lệ
cộng đồng quốc tế canh thức để nước của địa cầu được bảo vệ một cách thích
đáng, và để không ai bị loại trừ hay kỳ thị trong việc sử dụng thiện ích này,
là thiện ích chung tuyệt diệu. Cùng với thánh Phanxicô thành Assisi chúng ta
hãy nói: “Xin chúc tụng Chúa, lậy Chúa của
con, vì nước, rất ích lợi và khiêm tốn, qúy báu và trong sạch” (Bài ca của
anh Mặt Tròi).
ĐTC đã chào nhiều
nhóm hiện diện trong đó có ca đoàn của “Đại học âm nhạc chuyên nghiệp Orihuela
Tây Ban Nha, các tín hữu Hungari, các nhóm nhạc công bang Ticino Thuỵ Sĩ, giới
trẻ trường trung học Saint Jean de Passy Paris, nhóm Phan Sinh đời tỉnh
Cremona, tổ chức chuyên chở các bệnh nhân hành hương Lộ Đức UNITALSI vùng
Lombardia, bắc Italia. Nhóm Giám Mục Tử Đạo Oscar Romero sắp được phong chân
phước, cũng như tín hữu vùng Fiumicino, trẻ em mới rước lễ lần đầu vùng
Sambuceto và các trẻ em tỉnh Ravenna, Milano và Firenze mới hay đang chờ lãnh
bí tích Thêm Sức.
Sau cùng ĐTC
nói ngài lập lại cử chỉ đã làm hồi năm ngoái: theo truyên thống cổ xưa của Giáo
Hội trong Mùa Chay sách Phúc Âm được phân phát cho những người chuẩn bị lãnh bí
tích Rửa Tội. Cũng thế, hôm nay tôi muốn tặng anh chị em hiện diện tại quảng
trường một món quà: đó là cuốn Phúc Âm bỏ túi. Sách sẽ được phân phát bởi một số
anh chị em vô gia cư ở Roma. Cả trong cử chỉ này nữa chúng ta cũng trông thấy một
cử chỉ rất hay đẹp khiến Chúa Giêsu hài lòng: đó là các anh chị em
nghèo túng nhất là những người trao tặng Lời Chúa cho chúng ta. Xin anh chị em hãy nhận lấy, đem theo
mình trong sắc tay, trong túi để thường xuyên đọc Phúc Âm mỗi ngày. Lời Chúa là
ánh sáng soi đường của chúng ta. Nó sẽ sinh ích cho anh chị em, hãy làm điều
đó. Xin chúc anh chị em một ngày Chúa Nhật an vui và xin anh chị em đừng quên cầu
nguyện cho tôi nhé.
Linh Tiến Khải