CHÚA CHỮA NHIỀU KẺ ỐM ĐAU
Sự hiện diện của Chúa là Tin Mừng cho mọi
người. Sự hiện diện đó che phủ mọi nỗi lo âu, và gieo rắc bình an.
Có một gia đình sống giữa cánh đồng.
Đang đêm khuya thì căn nhà bốc cháy dữ dội. Cha mẹ, con cái chạy ra sân đứng
nhìn một cách bất lực ngọn lửa đang hừng hực thiêu huỷ căn nhà theo từng luồng
gió.
Bỗng người mẹ thấy thiếu mất cậu con
út. Khi nghe kêu cháy, cậu cũng chạy xuống thang, nhưng thấy lửa cháy dữ quá cậu
lại chạy ngược lên lầu. Đang lúc cả nhà hốt hoảng không biết làm cách nào cứu cậu
ra thì cánh cửa trên lầu mở toang, cậu bé kêu la trong hoảng sợ trong khung cửa.
Người cha gọi tên con và kêu lớn với cậu: “Con
cứ nhảy xuống đi, ba sẽ đỡ con.”
Nghe tiếng cha, nhưng nhìn xuống bên
dưới chỉ thấy khói mù và lửa cháy, cậu bé hét lên: “Con không thấy ba ở đâu hết!”
Người cha trả lời, giọng cương quyết:
“Cứ nhảy đi, ba thấy rõ con.”
Lửa cháy sát sau lưng buộc cậu bé
leo lên cửa sổ, nhảy liều xuống và an toàn rơi vào vòng tay vạm vỡ đầy tình yêu
thương của người cha.
Chính khi đi tìm hạnh phúc là lúc người
ta thấy rõ tình trạng bất lực, không điểm tựa của mình: “Cuộc sống con người nơi dương thế chẳng phải là thời khổ dịch sao? Và
chuỗi ngày lao lung vất vả đâu khác gì đời kẻ làm thuê?” Giữa cuộc đời nhiều
thay đổi, người ta mới nhận ra Thiên Chúa là chỗ nương tựa vững vàng cuối cùng
mà họ phải chạy đến giữa cảnh đời bấp bênh: “Ngày
đời tôi thấm thoát hơn cả thoi đưa, và chấm dứt, không một tia hy vọng. Lạy Đức
Chúa, xin Ngài nhớ cho, cuộc đời con chỉ là hơi thở, mắt con sẽ chẳng thấy hạnh phúc bao giờ” (G 7,1.6.7).
Bệnh tật là một chứng cứ không thể
chối bỏ cho tính bất ổn của hạnh phúc nhân trần. Rồi sau bệnh tật là sự chết, một
bóng tối lớn bao trùm tương lai của mỗi người mà không tiền bạc, không chức quyền
nào có thể cứu người ta thoát khỏi được: “Nào
ai biết được điều gì tốt nhất cho con người trong cuộc sống, trong chuỗi ngày của
kiếp phù du, trong cuộc đời qua mau như chiếc bóng? Nào có ai cho con người biết
điều gì sẽ xảy ra dưới ánh mặt trời sau khi mình nhắm mắt xuôi tay?” (Gv
6,1-12).
Người Do Thái coi bệnh tật là dấu hiệu
và hậu quả của tội lỗi nên luật Do thái ngăn cấm một số bệnh nhân không được
tham dự các lễ nghi công cộng. Vì thế, khi bắt đầu rao giảng Tin Mừng Nước Trời,
Chúa Giêsu đã làm phép lạ chữa đủ thứ bệnh tật cho người ta, để qua việc chữa bệnh,
Đức Kitô vừa tỏ ra quyền lực cứu con người thoát khỏi tội lỗi - đầu mối mọi sự
bất ổn của cuộc sống, vừa cho thấy sứ vụ của Ngài là thực hiện chương trình yêu
thương, đưa mọi người về với Thiên Chúa: “Người
chữa trị bao cõi lòng tan vỡ, những vết thương, băng bó cho lành” (Tv
147,3).
Với sứ vụ đưa mọi người về với Thiên
Chúa nên Chúa Giêsu, dù cả thành tìm kiếm, vẫn không quên dành thời gian ở một
mình với Thiên Chúa.
Thiên Chúa là hạnh phúc thật của đời
người, nên cái bệnh vô phương cứu chữa của nhân loại, nguồn gốc của mọi bất hạnh,
là không nhận biết hồng ân đó, là coi thường tình yêu bao la của Chúa: “Thiên Chúa của tổ tiên họ vẫn không ngừng
sai sứ giả của Người đến cảnh cáo họ, vì Người hằng thương xót dân và thánh điện
của Người. Nhưng họ nhạo cười các sứ giả của Thiên Chúa, khinh thường lời Người
và chế giễu các ngôn sứ của Người…” (2Sbn 36,15-16).
Thiên Chúa là tình yêu vẫn không ngừng
sai sứ giả đến với dân Ngài, và trong thời cuối cùng, Chúa đã sai Con Một của
Ngài đến trần gian để mang tình yêu và sự hiện diện của Thiên Chúa đến với con
người.
Là hiện thân của tình yêu Thiên
Chúa, Đức Kitô đến với mọi người, làm việc không biết mệt mỏi cho hạnh phúc
nhân loại. Ngài rao giảng Tin Mừng, và chính Ngài thật sự là Tin Mừng cho nhân
loại đang xoay xở giữa mọi thứ âu lo, và là câu trả lời cho mọi hoàn cảnh: “Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta
đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. Cả thành xúm lại trước cửa.
Đức Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật.” (Mc 1,32-34)
Một buổi chiều nọ, tiến sĩ Karl
Barth, một thần học gia nổi tiếng, vui vẻ quây quần với những người bạn thân.
Tò mò muốn biết nhiều hơn về suy tư của một nhà thần học lớn của thời đại, một
người bạn đã hỏi ngài: “Tư tưởng thâm sâu
nhất mà ngài đã từng nghĩ đến là gì?”
Sau một phút suy nghĩ, tiến sĩ Barth
trả lời một cách đơn giản: “Tư tưởng thâm
sâu nhất tôi đã từng biết là chân lý đơn giản này: Đức Giêsu yêu tôi, tôi biết
điều này vì Thánh Kinh nói với tôi như thế.”
Sự hiện diện của Chúa là Tin Mừng
cho mọi người. Sự hiện diện đó che phủ mọi nỗi lo âu, và gieo rắc bình an. Đức
Kitô đi khắp miền Galilê rao giảng Tin Mừng, sự hiện diện của Chúa cũng không để
ai ngồi yên: “Khốn thân tôi nếu tôi không
rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,16).