NỖI LO LỚN NHẤT TRONG ĐỜI TÔI
“Thầy là cây
nho, các con là ngành nho. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy,
thì người ấy sinh nhiều hoa trái. Vì không có Thầy, các con không làm gì được”
(Ga 15,5). Tôi hiểu Chúa muốn tôi phải sống mật thiết với Chúa như vậy.
1. Đời
tôi là quãng thời gian tương đối dài. Bước sang năm 2015, tôi được 89 tuổi.
Trong dòng đời với nhiều chuyển biến ấy, có 60 năm là giáo sĩ mang chức linh mục,
rồi mang thêm chức giám mục tới nay được 40 năm.
Như vậy quãng 60 năm qua là mảnh đời quan trọng
nhất đối với tôi.
2.
Hôm nay, nhìn lại dòng đời quan trọng đó để tạ ơn Chúa, tôi thấy có một nỗi lo
lớn đã đồng hành với tôi một cách khăng khít. Chúa dạy tôi là đừng ngại nói ra
cho mọi người biết nỗi lo đó. Xin nói ngay nỗi lo đó là làm sao luôn sống mật thiết với Chúa Giêsu. Nỗi lo ấy rất sống động. Tôi xin phép
chia sẻ đôi chút về sức sống thăng trầm của nỗi lo ấy trong một quá khứ không
thiếu đủ thứ chuyển biến.
3.
Tôi thụ phong linh mục ngày 02.7.1955 tại nhà nguyện các cha dòng Đaminh ở
HongKong.
Chính khuya đêm mồng một trước lễ truyền chức,
tôi đã âm thầm xin được gặp cha linh hồn, tức cha Valderama Xuyên. Tôi xin ngài
cho phép tôi được rút lui, khỏi bước lên nhận chức linh mục. Lý do là tôi quá
lo, vì thấy mình bất xứng bất tài. Lúc đó, tình hình đất nước còn ngổn ngang những
hận thù. Chúa cho tôi thấy: Làm linh mục cho Việt Nam lúc ấy là phải làm chứng
cho tình yêu Chúa. Tôi sẽ làm chứng thế nào đây. Tôi thấy mình quá yếu đuối, sợ
không thể làm gì được đúng theo ý Chúa. Vì thế, tôi xin phép được rút lui.
Cha linh hồn nghe hết nỗi lo của tôi. Rồi
ngài bình tĩnh trấn an tôi. Sau cùng, ngài nói như trao một quyết định là hãy
phó thác cho Chúa, mà vâng nhận chức linh mục.
Lễ phong chức linh mục được tổ chức một
cách âm thầm, đơn sơ, rất sốt sắng.
4.
Sau đó, tôi được trở về miền Nam Việt Nam. Thánh lễ đầu tiên của tôi được tổ chức
tại nhà thờ Long Phước Thôn, Thủ Đức, thuộc trại di cư khó nghèo, ngày
11.7.1955.
Nửa giờ trước thánh lễ, tôi xin xưng tội với
Cha Minh Đăng ngay tại phòng áo cung thánh. Ngài gợi ý cho tôi là làm chứng cho
tình yêu Chúa trong tình hình cụ thể tại Việt Nam lúc này là hãy ưu tiên sống mật thiết với Chúa Giêsu. Trong tâm tình đầy yêu thương, ngài
khuyên tôi hãy luôn đánh thức lương tâm các linh mục Việt Nam, để các ngài coi
việc sống mật thiết với Chúa Giêsu là việc không gì thay thế được. Nếu cần đánh
thức một cách quyết liệt, thì chính ngài và tôi hãy sẵn sàng được
chết một cách đau đớn theo ý Chúa.
Trong thánh lễ đầu tiên, tôi dâng mình cho
Chúa với quyết tâm sống mật thiết với Chúa Giêsu, như một của lễ.
5.
Ngày 30.4.1975, tôi thụ phong Giám mục lúc tình hình thay đổi khó lường. Khi Đức
Cha Cố Micae Nguyễn Khắc Ngữ an ủi tôi hãy vâng phục ý Chúa mà lãnh nhận trọng
trách Giám mục, tôi không vui chút nào. Nỗi lo dâng trào. Tôi nhìn rõ tôi sẽ chẳng làm được gì cho giới răn yêu thương, nếu
không sống mật thiết với Chúa Giêsu. Nhưng tôi quyết tâm như một trẻ thơ.
6.
Quyết tâm đó là một niềm vui, nhưng cũng là một nỗi lo. Càng ngày, tôi càng thấy
sống mật thiết với Chúa Giêsu không phải là điều
dễ.
Chúa Giêsu dạy: “Thầy là cây nho, các con
là ngành nho. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy
sinh nhiều hoa trái. Vì không có Thầy, các con không làm gì được” (Ga 15,5).
Tôi hiểu Chúa muốn tôi phải sống mật thiết với Chúa như vậy. Phải luôn luôn như
vậy, để mọi việc tôi làm mới sinh được kết quả đích thực mà Chúa muốn. Lời Chúa
trên đây thực rõ ràng, thực dứt khoát.
Thế mà, Lời Chúa đầy tha
thiết đó đã nhiều khi chỉ là một lý thuyết suông đối với nhiều người, kể cả những người đi
tu, thậm chí kể cả những người muốn làm linh mục hay đã là linh mục.
7.
Cho rằng lý thuyết ấy đã có lúc thâm nhập vào con người muốn theo Chúa một cách
đặc biệt, nhưng trên thực tế, sự thâm nhập vào con người mà thôi, đâu đã đủ để
thành sự sống thân mật với Chúa Giêsu. Bởi vì sự sống thân mật với
Chúa Giêsu là một ơn đặc biệt Chúa ban. Ơn ấy biến đổi con người nên gần gũi với Chúa, biết vâng phục
ý Chúa, trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa. Con người ấy cần biết đón nhận ơn
cao quý đó, và cần biết cộng tác vào ơn đặc biệt đó.
8.
Kinh nghiệm cho tôi thấy: Nếu thiếu đời sống cầu nguyện, suy gẫm, không quen tự chế, từ bỏ mình và khiêm tốn, thì không thể nào có thể đón nhận được ơn
sống thân mật với Chúa, và không thể nào cộng tác với ơn sống mật thiết với
Chúa được.
9.
Tôi được hạnh phúc gặp Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhiều lần. Điều đã
gây ấn tượng nhất nơi tôi những khi gặp Ngài là thấy Ngài sống mật
thiết với Chúa Giêsu. Trong thánh lễ, ở bàn giấy, cả tại bàn ăn, Ngài luôn luôn toả ra một sức
thu hút lạ lùng, do sự Ngài luôn sống thân mật với Chúa Giêsu. Ngài không hề
khuyên dạy tôi điều gì, mặc dầu tôi đã gặp riêng Ngài nhiều lần. Nhưng, Ngài đã
dạy tôi rất nhiều, do sự thu hút từ đời sống thân mật của Ngài với Chúa Giêsu.
10. Mấy
ngày nay, tôi cầu nguyện với Đức Mẹ rất nhiều. Tôi đọc kinh: “Thánh Maria, Đức
Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội”. Tôi rất vui, vì Đức Mẹ đã nhìn đến
thân phận tội lỗi của tôi. Mẹ đã cầu bầu với Chúa cho tôi. Tôi hiểu điều đó,
khi Mẹ dạy tôi là: “Lúc này, trong tình hình này, sống mật thiết với Chúa
Giêsu, là hãy ở bên Chúa trong vườn Cây Dầu, hãy bước theo Chúa trên đường Chúa vác thập giá, hãy
đứng dưới chân thánh giá khi Người chịu đóng đinh và hấp hối trên thánh giá. Có
sống mật thiết như thế với Chúa Giêsu, thì mới thực sự cộng tác với Người để cứu
nhân loại nói chung, và đồng bào Việt Nam nói riêng đang hết sức lâm nguy”.
11.
Khi được Đức Mẹ dạy tôi điều trên đây, tôi mới thấy là những người muốn theo
Chúa phải rất tỉnh thức khiêm
nhường, để can đảm
sống mật thiết với Chúa đang chịu thương khó trong lịch sử hôm nay. Như vậy thì
phải can đảm điều chỉnh lại mọi thứ hoành tráng, phô trương, đắc thắng, hưởng
thụ, sang trọng, lộng lẫy, vẻ vang, an nhàn.
12.
Bây giờ, khi được chia sẻ một chút như trên, tôi cảm thấy nhẹ nhàng. Bởi vì nỗi
lo lớn nhất đời tôi nay trở thành một lời mời gọi gửi tới mọi người, đặc biệt
là gửi tới các linh mục và các người đi tu: “Hãy sống mật thiết
với Chúa Giêsu”. Tình
hình 2015 sẽ rất khó khăn, đầy thử thách và bất ngờ. Chỉ sống mật thiết với
Chúa Giêsu mới có thể gọi là những môn đệ đích thực cộng tác vào chương trình cứu
độ của Chúa. Chia sẻ hôm nay cũng là đón nhận niềm vui sẽ được ơn tha thứ từ
Chúa, từ Hội Thánh, từ bao người, bởi vì tôi nhận biết mình đã có những lỗi lầm,
thiếu sót trong bổn phận làm chứng cho tình yêu Chúa bằng sự sống mật thiết với
Người.
Long
Xuyên ngày 01.1.2015