NGUỒN NƯỚC MẮT
Dù với những yếu đuối, tội lỗi, mong
manh, tôi vẫn được Chúa gọi với tình xót thương... Gọi hãy vượt qua sự chết và
mọi nghĩa trang, để bay vào cõi phúc đời đời... “Hãy ở lại trong Cha, như Cha ở
lại trong các con” (Ga 15,4).
Trí nhớ của tôi lưu giữ
nhiều hình ảnh. Trong số đó, có một thứ hình ảnh rất thầm lặng, nhưng thường
gây trong tôi nhiều cảm xúc và suy nghĩ. Thứ hình ảnh đó là các nghĩa trang.
Tôi đã viếng nhiều nghĩa trang. Tại Việt Nam, tại
Ý, tại Đức, tại Pháp, tại Nga, tại Vaticăng.
Tôi đến viếng các nghĩa trang, chủ ý để suy
gẫm, cầu nguyện, và cũng để tìm cảm nghiệm. Có thứ cảm nghiệm chỉ tìm được ở
nghĩa trang. Tôi đã nghĩ như vậy và đã làm như vậy, khi tôi viết luận án: “Đau
khổ của tình yêu”.
Đã có những cảm nghiệm độc đáo in rất sâu vào lòng tôi từ các nghĩa trang. Đặc biệt là từ những dòng nước mắt ở nghĩa trang.
Có những nước mắt của
tình yêu dạt dào.
Có những nước mắt của nỗi
buồn, nhung nhớ.
Có những nước mắt của
lòng hối hận khôn nguôi.
Có những nước mắt của tấm
lòng tha thứ muộn màng.
Có những nước mắt của ân
tình, hiếu nghĩa.
Có những nước mắt của niềm
tin sâu sắc mong chờ.
Khi đi sâu hơn một chút
giữa các dòng nước mắt, tôi có thể cảm nghiệm được một số khám phá quan trọng:
Khám phá ra những chân lý
nhân sinh.
Khám phá ra những hy vọng
ứu độ.
Khám phá ra chính mình.
Khám phá ra chân lý.
Những nước mắt ở nghĩa
trang là những tiễn biệt thân thiết. Tiễn biệt người đã chết, người vĩnh viễn
ra đi. Sự chết là một sự thật không cần bàn tới. Nhưng đó lại là một chân lý cực
kỳ quan trọng.
Bất cứ ai, rồi cũng phải chết. Cái chết đáng sợ.
Nhưng đáng sợ hơn lại là cái gì đàng sau cái chết. Đáng sợ, vì nó quá bất ngờ. Biết đâu, trong số mồ mả,
cũng có những hồn vì thế mà đang khóc ròng rã đêm ngày.
Ở đây, tôi chỉ xin trích dẫn một đoạn Phúc
Âm: “Có một ông nhà giàu nọ, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh
đình. Lại có một người nghèo khó tên là Ladarô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng
ông nhà giàu đó. Anh thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rơi xuống mà ăn
cho đỡ đói. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta.
Thế rồi, người nghèo này chết, và được
thiên thần đem vào lòng ông Apraham.
Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem
chôn. Dưới địa ngục, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ
Apraham ở trên đàng xa, và thấy Ladarô trong lòng tổ phụ. Bấy giờ ông ta kêu
lên: Lạy tổ phụ Apraham, xin thương xót con, xin sai anh Ladarô nhúng đầu ngón
tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát, vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm.
Ông Apraham đáp: Con ơi, hãy nhớ lại: suốt
đời con đã nhận phần phước của con rồi. Còn Ladarô suốt một đời chịu toàn những
bất hạnh. Bây giờ Ladarô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ.
Hơn nữa, giữa chúng ta đây và con đã có một vực thẳm quá lớn, đến nỗi bên này
muốn qua bên con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không
được” (Lc 16,19-26).
Với dụ ngôn trên, Chúa dạy ta những chân lý
quan trọng. Ai cũng phải chết. Nhưng sự Chúa đánh giá từng người sau khi chết
thường vượt quá sự con người suy nghĩ. Người phú hộ đó sống đời này được đầy đủ,
sung sướng, an nhàn, xét mình chẳng thấy gì là xúc phạm Chúa, chẳng thấy gì là
làm hại ai. Nhưng người phú hộ đó đã bị rơi vào hoả ngục. Chỉ vì sống thiếu
thương cảm, thiếu liên đới, thiếu chia sẻ, thiếu xót thương. Trái lại, người ăn
mày kia đã được lên thiên đàng. Vì dù bị chìm trong cảnh khổ, anh đã sống nêu
gương về đức khiêm nhường, hiền lành và chân thật. Không được người dư dật chia
sẻ, anh phải sống đói khổ, nhưng anh vẫn chia sẻ với mấy con chó đói ăn.
Nhờ ơn Chúa, những sự thực như trên đã được
nhiều người nhận ra một cách sâu sắc trong những dòng nước mắt tại nghĩa trang.
Những chân lý đó đã thay đổi đời họ.
Ngoài ra, biết bao người nằm
trong nghĩa trang và khóc tại nghĩa trang cũng đã tìm được hy vọng cuộc đời qua
một ngả khác.
Khám phá ra hy vọng
Không thiếu trường hợp, tôi đã chứng kiến
những cuộc trở về. Họ đã trở về từ những dòng nước mắt của một người nào đó.
Người đó cầu nguyện cho họ. Người đó khóc với họ thay vì nói với họ.
Một lúc bất ngờ, lời Chúa Giêsu phán xưa trở
thành chuyện đời họ. Chúa an ủi họ rằng: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc.
Người đau ốm mới cần. Hãy về học biết ý nghĩa của câu này: Cha muốn lòng nhân,
chứ đâu cần của lễ. Vì Cha đến, không để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi
người tội lỗi” (Mt 9,12-13).
Những lời dịu dàng đó đã đi sâu vào lòng họ.
Cõi lòng vốn đóng kín, khoá chặt, chất chứa những u uất,
thất vọng, nay mở ra để hy vọng tràn vào.
Họ cảm thấy mình được xót thương, được yêu
thương. Họ sám hối. Họ cảm thấy mình được tha thứ. Và chính họ cũng dễ dàng tha
thứ. Một sự bình an lạ lùng trùm phủ tâm hồn họ. Họ ra đi bình an trong sự tin
tưởng phó thác tuyệt đối ở Chúa giàu lòng thương xót. Họ khóc vì xúc động, đây
là những dòng nước mắt đầy tình cảm tạ.
Những người chứng kiến cũng không cầm được
nước mắt. Những dòng nước mắt ấy không nói nên lời, nhưng ngọt ngào niềm hy vọng
cứu độ.
Khám phá ra chính mình.
Tại những nghĩa trang, thấy người ta khóc,
nhất là khi chính mình khóc, tôi như nghe được tiếng Chúa Giêsu nói: Cha thương
con, Cha thương mọi người. Cùng với lời Chúa trao ban tình yêu, tôi khám phá ra
chính mình tôi, với những vết thương, với những tang tóc đau buồn. Khám phá ra chính mình trong sự thực trần trụi.
Khám phá để giúp trút bỏ những cái nhìn ảo.
Nhìn ảo về mình. Nhìn ảo về những công việc của mình. Nhìn ảo về người khác.
Nhìn ảo về cuộc đời.
Để cũng nhận ra rằng: dù với những yếu đuối,
tội lỗi, mong manh, tôi vẫn được Chúa gọi với tình xót thương:
Gọi hãy cảm thương.
Gọi hãy chia sẻ.
Gọi hãy trở về.
Gọi hãy hiến dâng.
Gọi hãy cầu nguyện và đền
tạ.
Gọi hãy sám hối và tín
thác.
Gọi hãy vượt qua sự chết
và mọi nghĩa trang, để bay vào cõi phúc đời đời.
Ơn gọi đó sẽ thực hiện được, miễn là
tôi biết nhờ ơn Chúa, ở lại trong tình Chúa yêu thương. Như lời Chúa kêu gọi: “Hãy ở lại trong Cha, như Cha ở lại
trong các con” (Ga 15,4).