HIỀN LÀNH VÀ KHIÊM NHƯỜNG
Đức Thánh Cha Phanxicô đã quả quyết: Hội Thánh Công giáo
không đến bất cứ đâu để chinh phục. Tin Mừng mà Hội Thánh Chúa đem đến chỉ có
tích cách thu hút. Theo kinh nghiệm của tôi, sức thu hút đó là sự hiền lành,
khiêm nhường nơi kẻ loan báo Tin Mừng.
1. Đầu năm
học, các trường đều khai giảng long trọng. Dịp này, tôi sực nhớ mình cũng còn cần
phải học, dù tôi đã hơn 88 tuổi đời.
Có một người Thầy đã gọi tôi: “Hãy học với
Ta, vì Ta có lòng hiền lành và khiêm nhường” (Mt 11,29). Người Thầy nói đây là chính
Chúa Giêsu.
Tin vào Chúa Giêsu, tôi đến bên Người. Được
ở bên Người, tôi sung sướng cảm nhận thấy Người rất hiền lành và khiêm nhường,
dễ mến một cách lạ lùng. Người đối xử với tôi hết sức âu yếm, mặc dầu tôi tội lỗi.
Chúa Giêsu dạy riêng tôi. Người dạy bằng
trái tim hiền lành và khiêm nhường của Người.
2. Mấy
ngày nay, Người nhắc đi nhắc lại cho tôi chỉ một điều, vì Người biết tôi đang yếu
mệt. Điều mà Người nhỏ nhẹ dạy tôi một cách rất yêu thương, tóm tắt thế này: “Đời
con còn được bao nhiêu ngày, thì con hãy tận dụng từng giây từng phút cho việc vâng lời Chúa mà làm các việc lành, cho dù nhỏ bé, để con được Chúa đón con
vào cõi đời đời, hưởng hạnh phúc vô cùng bên Chúa là tình yêu”.
Trong một thái độ hiền lành và khiêm nhường
bắt chước Chúa, tôi đặt mình trong tay Người. Chúa cho tôi thấy những điều Chúa
nhắn nhủ tôi, chính là con đường sống Tin Mừng.
3. Tôi hiểu
đời tôi là một thời gian vắn, nhưng đầy những trách nhiệm. Tôi không được coi
thời gian đó như một nơi nghỉ ngơi. Tôi không là con người đi du lịch trên cuộc
đời, cũng không là một khách mời ở lại đó vĩnh viễn. Chuyến đi đời tôi hướng về
một đích điểm ở cõi đời đời. Tôi sẽ được Chúa phán xét về những gì tôi đầu tư
cho đích điểm đời đời đó trong chuyến đi đời tôi.
4. Những gì
tôi đầu tư là tình mến. Tình mến ở trong mọi sự. Có thể trong một nụ
cười. Cũng có thể trong những đớn đau, nhọc nhằn, nhục nhã.
Những gì tôi đầu tư còn là sự sám hối, sự xin lỗi mọi người. Từ tấm lòng chân
thành tôi cố gắng phục vụ yêu thương.
Những gì tôi đầu tư cũng còn là những lời cầu nguyện, những của lễ mọn hèn như hạt lúa gieo vào
lòng đất (x. Ga 12,24).
Những gì tôi đầu tư nhất là xin vâng, mà tôi luôn nói theo gương Đức Mẹ. Xin
vâng đi theo đường hẹp, qua cửa hẹp (x. Mt 7,13-14).
Xin vâng là “từ bỏ mình, vác thập giá mình
mà theo Chúa” (Mt 16,24).
5. Khi học
với Chúa Giêsu, là Đấng hiền lành và khiêm nhường, và khi được Người dạy dỗ ân
cần, tôi mới nhận ra rõ hơn một nguy cơ xưa đã tàn phá đạo Chúa, đó là sự cứng lòng và mù quáng nơi không ít người có đạo, kể cả những người
thuộc cấp lãnh đạo và thuộc loại đạo đức. Nay hiện tượng đó cũng đang xảy ra đó
đây, cách này cách khác, với nhiều mức độ khác nhau.
6. Đạo đức
xuống dốc một cách thê thảm, mà không nhận ra, hay có nhận ra, nhưng vẫn cứng
lòng, nhởn nhơ để mình lăn xuống dốc. Chỉ vì thiếu hiền lành và khiêm nhường,
nên không nhận ra. Tôi sợ điều đó có thể xảy ra cho tôi. Nên tôi luôn tha thiết
xin Chúa thương ban cho tôi ơn hiền lành và khiêm nhường, là một thứ ánh sáng cứu
độ.
7. Để có sự
hiền lành và khiêm nhường, tôi không những phải cầu nguyện, mà cũng phải phấn đấu
tự rèn luyện, tự đào tạo, và nhận sự đào tạo rèn luyện của Hội Thánh qua các Bề
Trên và cộng đoàn.
Tới đây, tôi nghĩ đến việc giáo dục đào tạo
đang thực hiện tại nhiều nơi trong Hội Thánh nói chung và trong Hội Thánh Việt
Nam nói riêng. Theo nhận xét của tôi, việc giáo dục, đào tạo tại một số nơi ấy
đều giàu về lý thuyết, nhưng lại nghèo về thực tế. Hơn nữa, do ảnh hưởng của
thói đời, việc giáo dục và đào tạo như thế lại đang làm cho các người được giáo
dục và đào tạo có cảm tưởng mình được tôn vinh và thuộc về một giai cấp có quyền
đòi hỏi sự tôn vinh. Thế là khiêm nhường hiền lành dần dần bị tàn phai, nhường chỗ
cho kiêu hãnh quan liêu.
Tệ hơn nữa có những nơi đang thiết lập một
hệ thống tôn vinh về đủ mặt với nhiều cưng chiều dành cho những người muốn là
môn đệ Chúa, rồi gọi đó là trường đào tạo theo gương Chúa Giêsu. Nói thế là một
xúc phạm lớn đến Chúa Giêsu, và cũng là một tai hại lớn cho Hội Thánh.
8. Hiền lành và khiêm nhường là tuyệt đối vâng lời Chúa, là luôn luôn bám vào Chúa, là triệt để bước
theo Chúa, đó là điều rất cần cho tôi lúc này.
Lúc này và những ngày sắp tới, chúng ta sẽ
bước vào nhiều thử thách về đức tin. Chúng ta rất cầ hiền lành và khiêm nhường,
theo hướng nói trên.
9. Trong
cuộc viếng thăm Hàn Quốc mới rồi, Đức Thánh Cha Phanxicô đã quả quyết: Hội
Thánh Công giáo không đến bất cứ đâu để chinh phục. Tin Mừng mà Hội Thánh Chúa
đem đến chỉ có tích cách thu hút. Theo kinh nghiệm của tôi, sức thu hút đó là sự hiền lành, khiêm nhường nơi kẻ loan
báo Tin Mừng. Sự hiền lành khiêm nhường đó không có
chút gì là yếu kém, trái lại, đây là một sự sống nội tâm phong phú, dồi dào sức
mạnh chiến thắng sự độc ác và kiêu căng do tướng quỷ Lucifer chủ trương. Hiền
lành khiêm nhường đó chính là sức mạnh đạo đức lấy từ Chúa Giêsu trên thánh
giá.
10. Tôi
tin như vậy. Tôi thấy như vậy. Tôi được Chúa cho biết: Hiền lành khiêm nhường
là bó hoa thơm đẹp tôi có thể dâng lên Chúa. Cũng vậy, hiền lành khiêm nhường
là một quà tặng quý tôi có thể phục vụ người khác.
Mỗi lần tôi nghi ngờ về giá trị của hiền
lành và khiêm nhường, tôi lại được Đức Giêsu gọi tôi từ trên thánh giá. Sức mạnh
thu hút tôi đến với Ngài chính là sự hiền lành và khiêm nhường vì yêu thương.
Đó chính là sức mạnh đạo đức, mà tôi và các môn đệ Chúa cần có trong mục vụ và
truyền giáo.
11. Hiền
lành và khiêm nhường toả ra tinh thần khổ chế, kỷ luật nội tâm, kết hợp với Chúa, đang là một thứ lương thực thiêng liêng,
mà con người Việt Nam hôm nay khao khát, đi tìm và rất muốn đón nhận.
Lạy Chúa Giêsu là Đấng hiền lành và khiêm
nhường, xin luôn dạy và giúp con được phần nào nên giống Chúa như vậy, để con
làm sáng danh Chúa; nhờ đó mà đưa được nhiều linh hồn về với Chúa.
Long
Xuyên, ngày 12.9.2014.