TRƯỚC TÌNH HÌNH HIỆN NAY
Nhiều người hiện nay đang tự hào dám nghĩ dám làm điều
ác, mà họ cho là đúng, là phải, theo ý riêng của họ.
1. Một nhà
báo Mỹ mới bị một nhóm Hồi giáo cực đoan cắt đầu. Tôi đọc tin và thấy hình ảnh
trên các phương tiện truyền thông.
Như một phản ứng tự nhiên, tôi thổn thức
kêu lên với Chúa: Lạy Chúa, sự kiện khủng khiếp này đang báo cho con điều gì?
Chúa trả lời tôi trong tận đáy lòng tôi: Nó báo hiệu sự lớn mạnh của tội ác. Nhiều người hiện nay đang tự hào dám nghĩ
dám làm điều ác, mà họ cho là đúng, là phải, theo ý riêng của họ.
2. Chúa
báo cho tôi thêm điều nữa: Ngay chính trong đạo Chúa cũng đã xảy ra như thế. Phúc Âm còn ghi rõ: Hồi đó nhiều người
thuộc giới lãnh đạo tôn giáo và nhiều người thuộc giới đạo đức đã âm mưu giết
Chúa Giêsu. Sau cùng, họ đã vận động được đám đông dân chúng có đạo đồng thanh
xin giết Chúa Giêsu. Họ đã dám nghĩ dám làm điều ác, mà họ cho là đúng, là phải.
Và họ đã tự hào về sự họ dám nghĩ dám làm một điều đại ác như thế.
3. Chúa dạy
tôi thêm là: Tội ác tự nó gây nên hậu quả xấu. Hậu quả xấu nhất là hình phạt.
Hình phạt có thể ở đời này, nhưng nhất là ở đời sau.
4. Chúa
còn nhắc bảo tôi là: Những gì đã xảy ra xưa và đang xảy ra lúc này ở nơi nọ nơi
kia, cũng có thể xảy ra ngay trong cộng đoàn của tôi, và ngay trong chính bản thân tôi.
Cùng lúc, Chúa cho tôi thấy: Nếu không tỉnh
thức, thảm cảnh người nọ cắt đầu người kia, đóng đinh người nọ cũng đang xảy ra
dưới nhiều hình thức, ngay trong gia đình ruột thịt và thiêng liêng.
Nếu không khiêm tốn tỉnh thức, biết đâu
chính tôi cũng đang dính vào những tội ác ghê tởm đó.
Xưa, Chúa Giêsu gọi các Luật sĩ và Pharisêu
là những kẻ đui mù. Họ có mắt mà không nhìn thấy sự thật về tội ác ngay trong
chính bản thân họ. Mù rồi lại dắt người mù, khi họ đứng ra dạy dỗ, đào tạo các
người khác về đạo đức. Nghe Chúa nói như thế, tôi rất sợ cho bản thân tôi.
5. Tôi tha
thiết và khẩn khoản xin Chúa cứu tôi. Tôi gặp Chúa Giêsu. Người thương đến với
tôi. Ở bên Người, tôi quên hết mọi sự. Tôi trở nên rất bé nhỏ. Người nhấn mạnh
đến mấy điều sau đây:
Một là hãy tin vững chắc vào Người.
Người là Đấng cứu độ. Chính Người là Đấng sẽ
phán xét mọi người. Chính Người là Đấng đưa tôi về với Chúa Cha.
Với ánh sáng Phúc Âm, Chúa Giêsu cho tôi thấy
rất nhiều người cho việc mình dám nghĩ dám làm là đáng tự hào, nhưng thực sự
trước mặt Chúa, họ lại rất xa thánh ý Chúa.
Cũng thế, nhiều người tưởng sức mạnh cứu độ
sẽ đưa họ về thiên đàng hưởng hạnh phúc đời đời, tránh được hoả ngục, là những
giá trị trần thế, như khoa học, tiền bạc, quyền thế. Tưởng như thế là rất sai.
Chúa Giêsu cho thấy: Sức mạnh cứu độ chính là những giá trị đạo đức, như khiêm tốn, bác ái, cầu nguyện và hy sinh quên mình theo gương Chúa Giêsu. Những giá
trị trần thế tuy là cần thiết, nhưng bỏ Chúa để theo chúng là sai.
Vì thế, tôi được ơn xác tín là: Tôi phải trở
về với Chúa Giêsu. Phải tin vào Người. Phải bước theo Người. Phải ở lại bên Người.
Phải gắn bó với lời Người. Phải trung thành với thánh giá của Người.
6. Hai là hãy có một cái nhìn báo động.
Báo động cho con cái Chúa về cái xấu phải
tránh, cái tốt phải làm, đó là điều tình yêu Chúa vẫn thực hiện trong lịch sử cứu
độ.
Phúc Âm đầy những báo động. Thánh Gioan Tiền
Hô nói: “Cái rìu đã để sát gốc cây” (Mt 3,10). Với lời đó, Ngài báo động về
hình phạt sắp tới.
Chúa Giêsu nhìn thành Giêrusalem mà khóc
(Lc 19,41). Nước mắt của Chúa Giêsu là một báo động về một tương lai thê thảm sẽ
xảy ra cho thành.
Ở La Salette, Đức Mẹ hiện ra, ôm mặt khóc.
Mẹ báo động cho con cái Mẹ về những tai hoạ sẽ xảy ra, nếu con cái Mẹ không sám
hối.
Ở Fatima, Đức Mẹ cho ba trẻ thấy một cảnh
khủng khiếp sẽ xảy ra cho Hội Thánh. Mẹ báo động về một đại hoạ nếu nhân loại
không sám hối.
Đức Thánh Cha Phanxicô, với những cải cách
mạnh mẽ của Ngài, cũng đang báo động về sự các môn đệ Chúa cần phải sống nghèo và lo cho người nghèo. Nếu không đạo sẽ xuống dốc.
7. Hãy nhận
ra những báo động, Chúa gởi đến qua Phúc Âm, qua lịch sử và qua tình hình đang
xảy ra, đó là điều Chúa thôi thúc tôi lúc này.
Nhìn vào tình hình, Chúa cho tôi thấy có một
cái gì không tốt đang xảy ra tại nhiều nơi trong Hội Thánh Việt Nam lúc này,
khi người ta quá chú trọng đến Hội Thánh là cơ chế, tổ chức hữu hình, mà lơ là
với Chúa Giêsu, Đấng linh thiêng, là Đầu và là Hồn của Hội Thánh.
Do đó, mà nhiều người sốt sắng với lễ nghi,
nhưng không cầu nguyện, nhiều người nhiệt thành sống nhập thế,
nhưng bỏ tinh thần khổ
chế, nhiều
người hao mòn vì đạo đức phô trương, mà trống trải nghèo nàn về đời sống nội tâm.
8. Trước một
tình hình có nhiều báo động như vậy, tôi phải làm gì? Tôi khiêm tốn hỏi Chúa.
Chúa đã trả lời tôi: “Con hãy thêm lửa yêu mến thực nhiều”.
Vâng lời Chúa, tôi chú trọng nhiều hơn đến
đức mến. Thú thực là yêu mến trên lý thuyết thì tôi biết khá nhiều, nhưng giữa
lý thuyết và thực hành là một khoảng cách rất xa. Vì thế, thực hành đức mến nơi
tôi đã khởi đi từ việc cầu nguyện với Thần Linh của Đức Giêsu.
9. Kết quả,
là chính Thần Linh của Đức Giêsu đã đốt lên trong tôi lửa yêu mến. Lửa yêu mến
này lấy từ lửa trong Chúa, một thứ lửa là như bản tính của Chúa, để Chúa chính
là tình yêu.
Một khi có được chút lửa tình yêu do Thần
Linh Đức Giêsu đốt lên trong lòng, tôi cảm thấy mình được đổi mới thực sự.
Tôi nhìn mọi người với cái nhìn của Trái Tim
Chúa. Tôi chịu mọi khổ đau với tinh thần hy sinh của Trái Tim Chúa. Tôi sám hối
mọi tội lỗi tôi với tâm tình phó thác tuyệt đối nơi Trái Tim Chúa.
10. Nhưng,
phải nói thực là, từ khi được Chúa đốt lên trong tôi ngọn lửa yêu mến, dù rất
nhỏ, tôi vui hơn trước rất nhiều, nhưng tôi cũng phải phấn đấu rất nhiều. Phấn
đấu cam go, nhưng hy vọng tràn trề, vì tôi nhìn thấy: Tình hình dù có chuyển biến
nguy hiểm đến đâu, các con cái Chúa nhờ ơn Chúa thương, vẫn thấy được đời mình
nở hoa thơm đẹp dù âm thầm bé nhỏ, những hoa yêu thương ấy góp phần vào chương
trình cứu độ của Chúa là tình yêu.
Cứu độ là viêc của Chúa. Chỉ Chúa mới cứu độ
được con người khỏi tội. Còn tôi, bé nhỏ, sẽ ở lại bên Người, để vâng lời Người,
mà làm những viêc bé nhỏ mà Chúa dạy tôi làm. Lạy Chúa, con xin cảm tạ Chúa hết
lòng vì tất cả những gì Chúa đã yêu thương con, mặc dù con bất xứng, mọn hèn, tội
lỗi.
Long
Xuyên, ngày 28.8.2014