Suy niệm hạnh thánh _ 05/7

Thánh ANTÔN ZACCARIA
(1502-1539)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Khi Martin Luther tấn công những lạm dụng trong Giáo Hội, lúc ấy một phong trào canh tân đang manh nha thành hình. Trong số những người của phong trào có Thánh Antôn Zaccaria.
Thuộc dòng dõi quý tộc, cha của Antôn Zaccaria mất sớm khi ngài mới hai tuổi, và mẹ ngài, người góa phụ 18 tuổi, ở vậy nuôi con. Bà tận tụy dạy dỗ đạo lý cho con ngay từ nhỏ. Khi 22 tuổi, Antôn lấy bằng tiến sĩ y khoa và làm việc ở Cremona, giúp đỡ người nghèo và siêng năng hoạt động tông đồ. Ngoài phần xác của con bệnh, ngài còn lo lắng đến phần hồn của họ, ngài là một giáo lý viên và được thụ phong linh mục lúc 26 tuổi.
Sự thánh thiện của Cha Antôn đã khích lệ nhiều người thay đổi đời sống, và như tất cả các vị thánh khác, ngài cũng bị nhiều người chống đối.
Đang khi trên đường công tác hòa giải, ngài bị bệnh nặng và được đưa về thăm người mẹ. Ngài từ trần ở Cremona khi mới 36 tuổi.
Suy niệm 1 - Canh tân
Khi Martin Luther tấn công những lạm dụng trong Giáo Hội, lúc ấy một phong trào canh tân đang manh nha thành hình. Trong số những người của phong trào có Thánh Antôn Zaccaria.
Sự hăng say canh tân của Thánh Antôn Zaccaria có lẽ khiến nhiều người ngày nay "thất vọng". Vào thời điểm mà nhiều người trong Giáo Hội lẫn lộn giữa thế quyền và thần quyền, thì lời rao giảng, lối sống của Thánh Antôn không khác gì một cản trở cần diệt trừ.
Nhưng lối sống ấy đích thực là linh đạo của Đức Kitô, một Đấng bị đau khổ, bị đóng đinh. Chúng ta cũng không thể "cao trọng hơn Thầy", và con đường thập giá luôn luôn là con đường dẫn đến vinh quang.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết canh tân xã hội và tha nhân với khởi điểm là canh tân chính bản thân mình thành người lành thánh.
Suy niệm 2 - Nhỏ
Bà tận tụy dạy dỗ đạo lý cho Antôn Zaccaria ngay từ nhỏ.
Ngay từ thời xa xưa, việc dạy dỗ cho con cái ngay từ thuở còn bé bỏng vẫn luôn được coi trọng, vì thế có câu: Dạy con từ thuở lên ba, hoặc uốn cây thì không uốn tre mà là uốn măng.
Từ bài học nhân gian, mẫu thân ngài đã biết vận dụng vào lãnh vực tôn giáo.Vì thế ngay từ khi ngài còn nhỏ, mẹ ngài đã tận tụy dạy dỗ đạo lý cho ngài. Nhờ căn bản đạo đức này mà khi lớn lên, ngài vẫn đứng vững không bị ngã gục trước sức tấn công của phe mệnh danh là Cải Cách của Martin Luther, hơn thế ngài còn gia nhập vào phong trào Canh Tân để đối kháng lại. Ngoài ra ngài còn sống đức ái với người nghèo, đặc biệt là các bệnh nhân, và tham gia các hoạt động tông đồ, để rồi sau đó làm linh mục để công việc phục vụ được hữu hiệu hơn.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các bậc phụ huynh tận tâm chăm sóc con cái không chì phần xác, phần nhân bản mà còn phần đạo lý và ngay từ lúc chúng còn bé.
Suy niệm 3 - Giáo lý viên
Antôn Zaccaria là một giáo lý viên.
Dầu rất bận rộn với công việc của một bác sĩ phải chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện cũng như tại tư gia, ngài cũng dành thì giờ để tham gia sinh hoạt của một giáo lý viên được xem như một bác sĩ tinh thần, một đàng nhằm chia sẻ gánh nặng của vị chủ chăn, đàng khác nhằm hun đúc tinh thần đạo đức như là nền tảng cho công tác y khoa.
Học được mẫu gương của mẫu thân đã biết vận dụng việc giáo dục nhân bản vào đạo lý, ngài cũng tranh thủ việc hành nghề y khoa, để không chỉ cứu chữa bệnh nhân về phần xác theo chức năng của một bác sĩ, mà ngài còn giúp họ về phần hồn, với nhiều cơ hội gần gũi và tiếp cận với bệnh nhân hằng ngày.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các giáo lý viên không chỉ dừng lại ở việc trao ban các kiến thức về đạo lý ở lớp học, mà còn giúp các học viên sống niềm tin, bằng chính cuộc sống gương mẫu của mình ở ngoài lớp nữa.
 Suy niệm 4 - Thánh thiện
Sự thánh thiện của Cha Antôn đã khích lệ nhiều người thay đổi đời sống.
Sự thánh thiện của ngài chẳng những đã giúp chính bản thân ngài mà còn gặt hái được thành quả là giúp được rất nhiều người không xiêu theo phe Cải Cách và thay đổi đời sống mỗi ngày mỗi tốt lành hơn lên, đặc biệt nhờ vào việc ngài thành lập tu hội cũng như mời gọi thực thi một số việc đạo đức khác. Thật thế, khi được sai đến Milan trong một vài năm, ngài thành lập hai tu hội, một cho nam giới và một cho nữ giới. Mục đích của tu hội là canh tân xã hội đang sa sút vào thời ấy, bắt đầu từ hàng giáo sĩ và tu sĩ.
Vì rất cảm kích Thánh Phaolô, ngài đặt tên cho tu hội là Bácnabê - tên bạn đồng hành của Thánh Phaolô - và ngài hăng say rao giảng ở trong nhà thờ cũng như ngoài đường phố, tổ chức các nhóm truyền giáo và không xấu hổ khi công khai ăn năn sám hối. Ngài còn khuyến khích những hình thức sinh hoạt mới mẻ, như giáo dân cộng tác trong công việc tông đồ, siêng năng rước lễ, chầu Thánh Thể và rung chuông nhà thờ vào 3 giờ chiều thứ Sáu hàng tuần.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con nỗ lực nên thánh để giúp người nên thánh, vì hiệu năng của men có thể làm dậy cả khối bột.
Suy niệm 5 - Chống đối
Như các vị thánh khác, Cha Antôn cũng bị nhiều người chống đối.
Đó là con đường của mọi môn đệ chân chính mà chính Chúa đã tiên báo: “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước.
Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái gì là của nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em. Hãy nhớ lời Thầy đã nói với anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em. Nếu họ đã tuân giữ lời Thầy, họ cũng sẽ tuân giữ lời anh em. Nhưng họ sẽ làm tất cả những điều ấy chống lại anh em, vì anh em mang danh Thầy, bởi họ không biết Đấng đã sai Thầy” (Ga 15,18-21).
Quả thế, vì ngài sáng lập tu hội với mục đích canh tân xã hội đang sa sút vào thời ấy cũng như đối phó với ảnh hưởng của phe Cải Cách, nên dễ hiểu mũi nhọn đầu tiên nhắm vào chính là phe Cải Cách. Nhưng đau đớn hơn, một đòn rất nặng giáng vào lại chính là nội bộ Giáo Hội. Đã hai lần, tu hội của ngài phải chịu sự điều tra của các giới chức trong Giáo Hội, và cả hai lần đều được miễn trừ.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn mang tâm tình của các tông đồ khi bị chống đối, đó là “lòng hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu (Cv 5,41).
Suy niệm 6 - Mẹ
Đang khi trên đường công tác hòa giải, ngài bị bệnh nặng và được đưa về thăm người mẹ.
Đã là môn đệ chân chính của Chúa thì phải coi trọng Chúa hơn mọi mối tình khác dầu là chính đáng ngay cả tình cha mẹ (Lc 14,26). Hiểu thế nên ngài dành cả cuộc đời lúc còn khoẻ mạnh để phục vụ Mẹ Giáo Hội với các chi thể xung quanh (Mt 12,49) chứ không tìm về thăm người mẹ ruột mình.
Nhưng dầu sao đi nữa, nếu không có người mẫu thân với sự chăm sóc tận tụy từ tấm bé thì làm gì có ngài với thành quả như thế. Nên lúc ngài lâm bệnh nặng và sắp từ trần, người ta đã đưa ngài về thăm mẹ ngài, để chuẩn bị ngài về với Mẹ trên trời. Nhưng đó là ý tốt của người chứ không của ngài.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con khi giữ chữ hiếu đối với người đời thì đừng quên đạo hiếu đối với Chúa, nếu không hơn được thì tối thiểu là bằng chứ đừng thua kém.