Lời Chúa cntn 17a _ thiên đàng là kho tàng quí giá

THIÊN ĐÀNG LÀ KHO TÀNG QUÝ GIÁ
“Cha không còn gì giúp chúng con ở thế gian này được nữa, cha chỉ còn lo chuẩn bị tâm hồn đón nhận những thử thách cuối cùng… Nhớ đọc kinh tối sáng và lần chuỗi Mân Côi mỗi ngày. Chúa trao cho mỗi người một Thánh Giá, hãy bằng lòng theo chân Chúa và vững tâm giữ đạo.” (Martinô Thọ)
Lm. Giuse Đỗ Đình Tiệm
Nước thiên đàng quả thực là một kho tàng quý giá. Các thánh Chúa chẳng những đã từ bỏ tất cả, mà còn sẵn sàng hy sinh chịu đựng tất cả để đoạt được nước đó. Hai thánh Mactinô Thọ (tử đạo ngày 8.11.1840, 53 tuổi) và Gioan Baptista Cỏn (tử đạo ngày 8.11.1840, 35 tuổi) đã chứng minh chân lý này.
Mactinô Thọ sinh khoảng năm 1787 tại làng Kẻ Báng, huyện Vĩnh Bảng (Nam Định). Tuy gia đình đông con, nhưng ông đã khéo léo giáo dục chúng bằng đời sống chính mình. Dân trong làng biết ông hay ngay thẳng nên cử ông phụ trách việc thâu thuế đinh. Ông sống rất thanh liêm, không nhận quà hối lộ, không chận của ai, cũng không nịnh bợ cấp trên, cứ theo lẽ công mà làm việc nên rất có uy tín. Ngoài ra ông Thọ còn lao động như mọi người, vừa làm ruộng vừa ươm tơ, nuôi tằm. Ông thường khuyên các con: “Sống công bằng thôi chưa đủ, phải có bác ái nữa, mà muốn thực thi bác ái thì phải có điều kiện.” Dành dụm được chút nào, ông giúp đỡ người nghèo, hoặc góp phần vào việc chung trong làng, trong giáo xứ. Nhà ông, luôn mở rộng cửa tiếp đón các linh mục đến giáo xứ làm việc. Ông không sợ chết, lại còn tỏ ra muốn được chết vì đạo nữa.
Gioan Baptista Cỏn sinh năm 1805 tại làng Kẻ Báng (Nam Định), có họ hàng với Thánh Mactinô Thọ. Ông sống nghề nông, gia đình tuy nghèo nhưng luôn thuận hòa ấm êm. Là một tín hữu đạo đức và nhiệt thành, ông Cỏn ý thức phải đem Tin Mừng thánh hóa môi trường mình đang sống. Ông đã thành công trong vụ kiện một lý trưởng cậy thế chiếm đoạt tiền của dân chúng. Sau vụ kiện đó, uy tín ông ngày càng gia tăng cho đến khi ông được dân tín nhiệm đề cử làm lý trưởng. Trong chức vụ ấy ông hết lòng tận tụy với việc chung. Tuy nhiên, vì bạn bè lôi cuốn, đã một thời ông bê trễ trong nhiệm vụ tôn giáo. Ông hối hận và để đền bù, ông hết lòng phục vụ anh em vì đạo. Có lần ngay giữa đêm khuya, ông lặn lội mưa gió, mời linh mục đến giúp một bệnh nhân hấp hối. Khi vua Minh Mạng ra lệnh truy nã các thừa sai và linh mục, ông Cỏn bố trí xếp đặt cho các vị đến ẩn trong làng. Cũng như ông Thọ, ông Cỏn bị bắt về tội chứa chấp đạo trưởng.
Hai thánh Thọ và Cỏn đã bị bắt cùng với ba linh mục Thịnh, Ngân, Ngôn, vì tội chứa chấp đạo trưởng.
Suốt tháng đầu, Ông Thọ, Ông Cỏn cùng ba linh mục ngày mang gông xiềng, tối bị cùm chân. Quan như bỏ quên không nói gì đến họ. Đầu tháng 7 quan gọi cả năm chứng nhân ra công đường, bắt bước qua Thập Tự, các cha và hai ông đều can đảm tuyên xưng Danh Chúa... Quan tức giận truyền trói năm vị quỳ phơi nắng suốt ngày không cho nước uống.
Ba ngày sau, tức ngày 6 tháng 7, tổng đốc Trịnh Quanh Khanh lại cho gọi năm tù nhân và nói: “Nếu các ông không đạp lên Thập Tự, các ông sẽ phải chết.” Cha Nghi trả lời: “Bẩm quan nếu quan thương, chúng tôi nhờ, nếu không thương, chúng tôi cũng xanh rì nấm mộ, còn bước qua ảnh Thánh, chúng tôi không dám.” Quan liền cho đánh mỗi người 50 roi.
Một lần Quan dụ dỗ ông Thọ và ông Cỏn: “Cứ bước đại đi rồi xưng tội.” Hai ông lắc đầu từ chối. Quan dạy lính nắm gông khiêng hai ông qua Thập Giá. Hai ông co chân lên và phân phua rằng: “Đạo tại tâm, quan lớn cưỡng bách mà lòng chúng tôi không thuận, thì chẳng có tội gì.” Thế là quan nổi lôi đình, nảy ra một sáng kiến kinh dị. Khi ba vị linh mục cùng chịu tra tấn, máu me loang lổ khắp mình, quan bắt hai ông hoặc liếm máu nơi các thương tích ấy, hoặc bỏ đạo. 
Hai ông liền quỳ xuống thực hiện điều quan yêu cầu một cách cung kính. Trịnh Quang Khanh vừa rùng mình, vừa kinh ngạc nói với các quan: “Kìa xem bọn chúng kính trọng các đạo trưởng đến thế nào. Chẳng lẽ chúng bị bùa mê sao?” Rồi quan truyền trói hai ông lại, bắt quỳ trên cát giữa trời nắng gắt suốt ngày.
Lần khác quan tra hỏi về các thừa sai, ông Thọ trả lời: “Bẩm quan tôi có biết đức cha Giacôbê Gia nhưng người đã qua đời, còn các thừa sai khác vua bắt về hết cả rồi. Hơn nữa chúng tôi trong tù làm sao biết các vị ấy ở đâu được?” Quan tức giận cho lính hôm đó tùy thích đánh đập. Ông Cỏn chịu 60 roi thì mê man kiệt sức, máu miệng trào ra, được lính dẫn về ngục. Còn ông Thọ bị đánh đủ 150 roi. Về sau ông nói với các con rằng: “Năm mươi roi đầu cha đau đớn lắm, nhưng 100 roi sau, nhờ ơn Chúa, cha cảm thấy nhẹ nhàng như gió thoảng ngoài.”
Quan thấy hình khổ không làm các ông siêu lòng, bèn cho bắt vợ con đến để các ông mủi lòng mà bỏ đạo. May mắn hai ông biết trước, vội nhắn cho gia đình lẩn trốn nơi khác. Tuy thế, quan vẫn nói với các ông rằng: “Nếu ta đưa vợ con đến đây để giết, thì các ngươi có chịu bỏ đạo không?” Ông Cỏn đáp: “Chúng tôi chẳng có gì phải tiếc xót cả. Nếu vợ con Tử đạo, chúng tôi càng mong ước về Thiên Đàng.”
Nghe thế quan càng giận dữ hành hạ ác độc hơn nữa. Ban ngày bắt phơi nắng, ban đêm bắt nằm ngoài cống rãnh nước thải của trại tù và bớt phần ăn suốt tuần lễ.
Cô Thuyên, con gái ông Thọ tìm các vào thăm cha. Thấy cha nằm dài bất tỉnh, cô lấy nước rót vào miệng, nhưng khá lâu ông mới hồi tỉnh, nhận ra là con mình. Lần khác khi gặp các con ông dặn dò: “Các con thân yêu, cha không còn gì giúp chúng con ở thế gian này được nữa, cha chỉ còn lo chuẩn bị tâm hồn đón nhận những thử thách cuối cùng. Ý Chúa đã muốn cha xa lìa các con mãi mãi, nhưng các con còn có mẹ, hãy cố vâng lời mẹ. Các con nhỏ phải biết kính trọng và vâng lời anh chị. Các con hãy yêu thương nhau, siêng năm làm việc đỡ đần mẹ. Nhớ đọc kinh tối sáng và lần chuỗi Mân Côi mỗi ngày. Chúa trao cho mỗi người một Thánh Giá, hãy bằng lòng theo chân Chúa và vững tâm giữ đạo.”
Ông Cỏn, Ông Thọ cũng như ba vị linh mục Thịnh, Nghi, Ngôn đã ở trong ngục được năm tháng. Với nhiều trận đòn chí tử, nhiều ngày phơi nắng ngoài trời…, các vị vẫn không nản lòng, cứ một mực tín thác vào lòng xót thương của Chúa. Quan thấy các ngài cương quyết giữ vững lập trường bèn làm án gởi về kinh đô. Vua Minh Mạng phê chuẩn và ra lệnh thi hành ngay. Được tin ấy, năm vị vui mừng chuẩn bị tâm hồn sốt sắng lãnh nhận hồng phúc tử đạo.
Ngày 8.11.1840, cả năm chứng nhân được đoàn lính 500 người điệu ra pháp trường Bảy Mẫu. Đến nơi tất cả quỳ xuống cầu nguyện một lát, rồi ra hiệu đã sẵn sàng. Theo lệnh quan, lý hình chém rơi đầu năm vị. Thi thể Ông Thọ và Ông Cỏn được đưa về Kẻ Báng.
Lm. Giuse Đỗ Đình Tiệm
Đề tựa của Lm. HK