Sống đức tin _ tân phúc âm hóa một cách cụ thể

PHÚC ÂM HOÁ MỘT CÁCH CỤ THỂ
Vâng lời Chúa, tôi khiêm tốn cầu xin Chúa cho tôi nhận ra những tình hình cụ thể và những việc làm cụ thể, cần cho việc Phúc Âm hoá hiện nay.
ĐGM. GB Bùi Tuần
Mỗi khi tôi muốn nói đến việc Phúc Âm hoá hay Tân Phúc Âm hoá một đối tượng nào, Chúa thường dạy tôi là hãy thực hiện việc đó trước tiên ngay nơi chính bản thân mình.
Lần này cũng vậy, khi tôi muốn nói tới việc Phúc Âm hoá gia đình, tôi cũng được nghe Chúa dạy tôi là hãy khởi đi từ chính mình, một cách cụ thể, theo nhu cầu của tình hình thực tế.
Tôi xin Chúa dạy thêm: Nhu cầu của tình hình thực tế là thế nào? Thì Chúa cho biết là: Phải tỉnh thức và sẵn sàng, để đón nhận những khó khăn và những khốn khổ sẽ tới.
Vâng lời Chúa, tôi khiêm tốn cầu xin Chúa cho tôi nhận ra những tình hình cụ thể và những việc làm cụ thể, cần cho việc Phúc Âm hoá hiện nay.
Những nét cụ thể về tình hình đạo hiện nay được Chúa cho tôi thấy qua Phúc Âm là những nét sau đây:
Thứ nhất là những người bận tâm lo tìm lợi ích riêng, mà coi thường Lời Chúa mời gọi.
Chúa phán: “Một người kia làm tiệc lớn và đã mời nhiều người. Đến giờ tiệc, ông sai đầy tớ đi thưa với quan khách rằng: Mời quý vị đến, cỗ bàn đã sẵn. Bấy giờ mọi người nhất loạt xin kiếu. Người thứ nhất nói: Tôi mới mua một thửa đất, cần phải đi thăm. Cho tôi xin kiếu. Người khác nói: Tôi mới tậu 5 cặp bò, tôi đi thử đây. Cho tôi xin kiếu. Người khác nói: Tôi mới cưới vợ, nên không đến được” (Lc 14,16-20).
Dụ ngôn Chúa Giêsu đưa ra trên đây đã đúng cho thời đó. Nó cũng đang đúng cho thời nay tại Việt Nam này.
Sống ích kỷ, chỉ lo tìm tư lợi, coi thường Lời Chúa mời gọi, đó là điều khá phổ biến trong giới công giáo Việt Nam hiện nay. Biết đâu trong đó có tôi?
Thứ hai là những người nhân danh Chúa mà làm việc đạo, nhưng lại làm theo ý riêng mình, chứ không làm theo ý Chúa.
Chúa phán: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lạy Chúa, lạy Chúa, là được vào Nước Trời cả đâu. nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Thầy mà nói tiên tri, nhân danh Thầy mà trừ quỷ, nhân danh Thầy mà làm nhiều phép lạ đó sao? Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi. Xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác” (Mt 7,21-23).
Những gì Chúa Giêsu nói trên đây đã đúng cho thời đó. Nó cũng đang đúng cho thời nay tại Việt Nam này.
Nhân danh Chúa mà làm những công trình lớn, mà tổ chức lớn, mà khơi dậy những phong trào lớn, nhưng theo ý riêng, không theo ý Chúa, đó là hiện tượng không hiếm trong giới hoạt động tôn giáo tại Việt Nam hôm nay. Biết đâu trong đó có tôi?
Thứ ba là những người tự ái cứng lòng.
Phúc Âm kể lại khi Chúa Giêsu về Nadarét quê hương của Người, và giảng tại hội đường. Dân chúng rất thích. Nhưng lúc Người nói: “Không một tiên tri nào được chấp nhận tại quê hương mình” (...) thì mọi người trong hội đường đều phẫn nộ. Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành, thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi để xô Người xuống vực thẳm. Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi” (Lc 4,16-28).
Tự ái, cứng lòng, chuyện đó cũng hay xảy ra trong nhiều cộng đoàn công giáo, kể cả nơi những người có địa vị. Biết đâu trong đó cũng có tôi.
Ba nét trên đây thực là nguy hiểm. Nhìn ba nét đó, tôi thấy tình hình đạo tại Việt Nam hôm nay đáng phải báo động.
Để có thể tránh được phần nào những khó khăn và khốn khổ sắp xảy tới do tội gây nên, thiết tưởng mọi người chúng ta phải tha thiết lắng nghe Lời Chúa, và phải làm hết mình để thực thi ý Chúa.
Việc quan trọng nhất Chúa muốn thiết tưởng cần cố gắng thực hiện, đó là làm cho đời sống đạo của chúng ta có một nội dung thực sự là chính Chúa. Chứ một đời sống đạo bề ngoài coi như sốt sắng, nhưng trống vắng nội tâm là chính Chúa trong lòng mình, thì sẽ khốn khổ.
Để được thế, thì phải rất khiêm nhường. Khiêm nhường cầu nguyện, khiêm nhường hãm mình. Khiêm nhường làm những việc lành dù rất nhỏ, và tránh mọi sự xấu dù rất nhỏ.
Được như vậy, những khó khăn khốn khổ sẽ được giảm bớt đi. Và chính những khó khăn khốn khổ đó sẽ trở thành dịp tốt, để chúng ta góp phần vào việc cứu mình và cứu các linh hồn.
Theo thiển ý của tôi Phúc Âm hoá đơn sơ là như thế đó.
Xin chân thành chia sẻ và cầu chúc cho nhau phép lành của Chúa.
+ GB Bùi Tuần