Suy niệm hạnh thánh _ 28/5

Thánh GERMAIN
 (496-576)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Thánh Germain là một đan viện trưởng với đặc tính thương người nghèo và chia sẻ của cải cho họ đến độ các đan sĩ phải phản đối, nếu không đan viện sẽ không còn gì để sống.
Ngài sinh ở Autun nước Pháp, theo học tại Avalon và Luzy dưới sự dẫn dắt của người chú là một linh mục. Sau khi làm đan viện trưởng của Đan Viện Thánh Symphorien gần Autun, năm 555 ngài được Vua Childebert chọn làm giám mục Balê, sau khi Đức Giám Mục Eusebius từ trần.
Trong thời gian làm giám mục, ngài vẫn giữ lối sống kham khổ của đan viện và luyện tập các nhân đức. Ngài tham dự các Công Đồng Balê III và IV (557, 573) cũng như Công Đồng Tour II (566). Ngài thúc giục nhà vua từ bỏ các thói quen ngoại giáo và cấm tiêu xài phung phí trong các buổi lễ Kitô Giáo.
Sau khi vua Childebert từ trần, nước Pháp tan hoang vì sự tranh giành và bị chia làm bốn cho bốn thái tử. Đức Germain đã phải can thiệp, dùng thẩm quyền của Giáo Hội để ra vạ tuyệt thông một thái tử vì sự đồi trụy, và ngài cố gắng ngăn cản cuộc chiến giữa các thái tử khác.
Trước khi sự thái bình được vãn hồi, Đức Germain đã từ trần ở Balê ngày 28-5-576. Thi hài của ngài được chôn trong nhà nguyện Thánh Symphorien nhưng sau đó, năm 754, đã được cung kính chôn cất trong thánh đường chính, trước sự hiện diện của Vua Pepin và thái tử Charlemagne. Từ đó trở đi, Thánh Germain thường được gọi là Thánh Germain-des-Prés.
Ngoài lá thư của Vua Childebert cảm tạ Thánh Germain vì đã cứu ông thoát chết một cách lạ lùng, ngày nay người ta còn giữ một luận án về bản phụng vụ cổ của Pháp mà họ cho rằng Thánh Germain đã sáng tác.
Suy niệm 1: Nghèo
Thánh Germain là một đan viện trưởng với đặc tính thương người nghèo và chia sẻ của cải cho họ đến độ các đan sĩ phải phản đối, nếu không đan viện sẽ không còn gì để sống.
Với lời khấn khó nghèo trong đan viện, Thánh Germain không sống cách tiêu cực mà cách rất tích cực bằng tình hiệp thông và chia sẻ của cải vật chất cũng như tinh thần. Về tinh thần, Ngài vâng giữ lời khấn không vì bó buộc mà vì yêu thương: yêu thương Chúa nên muốn trở nên khó nghèo như Chúa, yêu thương anh em nên muốn nêu gương khó nghèo cho cộng đoàn.
Về vật chất, dù không đủ sống chứ không phải dư thừa, ngài vẫn sẵn lòng chia sẻ và giúp đỡ cho mọi người đang lâm cảnh túng thiếu (2Cr 8,15). Nghĩa cử mà ít ngày trước khi chịu tử nạn, Đức Giêsu đã nêu bật qua tấm gương của bà góa nghèo ở Giêrusalem (Lc 21,4).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con sống nghèo để giúp người nghèo trở nên giàu có.
Suy niệm 2: Đan viện trưởng
Sau khi làm đan viện trưởng của Đan Viện Thánh Symphorien gần Autun, năm 555 Germain được Vua Childebert chọn làm giám mục Balê, sau khi Đức Giám Mục Eusebius từ trần.
Là đan viện trưởng nên mặc dầu sau khi được bổ nhiệm làm giám mục Balê, ngài vẫn tiếp tục sống tinh thần của một đan sĩ. Ngài giữ lối sống kham khổ của đan viện và luyện tập các nhân đức.
Ý thức về giá trị của việc hãm minh trong việc tiến đức, Thánh Ivo trong lúc theo học, ngài đã ăn chay. Khi ra trường với bằng cấp luật sư, tuy là một người có đầy đủ phương tiện tài chánh, nhưng đời sống cá nhân của ngài thật khắc khổ: ăn chay, mặc áo nhặm, và thức ăn rất tầm thường. Thậm chí có lần ngài để cho người ăn xin ngủ ở trên giường, trong khi ngài ngủ dưới đất. Sự khắc khổ của ngài ngày càng nghiêm nhặt theo thời gian, nhất là sau khi được thụ phong linh mục.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con coi trọng việc ăn chay hãm mình trong việc tiến đức để luôn thực hành cho dầu không phải là một đan sĩ.
Suy niệm 3: Chính quyền
Đức Germain đã phải can thiệp.
Dầu được Vua Childebert chọn làm giám mục Balê, sau khi Đức Giám Mục Eusebius từ trần, nhưng không vì thế mà ngài quỵ lụy chính quyền, ngược lại ngài dũng cảm sống đúng chức năng bảo vệ chân lý của một vị giám mục. 
Ngài thúc giục nhà vua từ bỏ các thói quen ngoại giáo và cấm tiêu xài phung phí trong các buổi lễ Kitô Giáo. Sau khi vua Childebert từ trần, nước Pháp tan hoang vì sự tranh giành và bị chia làm bốn cho bốn thái tử. Đức Germain đã phải can thiệp, dùng thẩm quyền của Giáo Hội để ra vạ tuyệt thông một thái tử vì sự đồi trụy, và ngài cố gắng ngăn cản cuộc chiến giữa các thái tử khác.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn can đảm đứng về phía sự thật dầu phải gặp nghịch cảnh gì.
Suy niệm 4: Thái bình
Trước khi sự thái bình được vãn hồi, Đức Germain đã từ trần.
Hòa bình trên trần thế là hình bóng và hoa trái của bình an của Đức Kitô, “Thủ lãnh Hòa Bình” thời Mê-si-a (Is 9,5). Nhờ máu đổ ra “trên Thập Giá, Người đã tiêu diệt sự thù hận” ngay trong thân xác Người (Ep 2,16).
Người đã giao hòa loài người với Thiên Chúa và làm cho Hội Thánh trở thành bí tích hiệp nhất nhân loại và kết hợp nhân loại với Thiên Chúa. “Chính Người là bình an của chúng ta” (Ep 2,14). Người tuyên bố “phúc thay ai xây dựng hòa bình” (Mt 5,9) (Sách Giáo Lý số 2305).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp cho chúng con hiểu rằng hòa bình không chỉ là vắng bóng chiến tranh mà còn là hoa quả của đức ái.
Suy niệm 5: Chôn cất
Thi hài của ngài được chôn trong nhà nguyện Thánh Symphorien.
Nhưng sau đó, năm 754, đã được cung kính chôn cất trong thánh đường chính, trước sự hiện diện của Vua Pepin và thái tử Charlemagne. Từ đó trở đi, Thánh Germain thường được gọi là Thánh Germain-des-Prés.
Thi thể của người đã chết có thể nói hoàn toàn tùy thuộc vào những người đang còn sống để rồi được chôn cất đâu và dời đi đâu cũng được. Chính vì thế khi bà Maria Mácđala ra mộ và thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ, bà chạy về báo tin là thi thể Chúa đã bị người ta đem đi khỏi mộ và không biết họ để Người ở đâu (Ga 20,2), chứ không nghĩ đến việc Chúa đã sống lại.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con chớ quan tâm thi thể chúng con được chôn cất ở đâu, mà hết mình chăm lo cho linh hồn được hiện diện trên thiên đàng.
Suy niệm 6: Luận án
Người ta còn giữ một luận án về bản phụng vụ cổ của Pháp mà họ cho rằng Thánh Germain sáng tác.
Để hoàn thành một luận án không thể ngày một ngày hai mà được, nhưng phải dày công nghiên cứu, suy nghĩ đêm ngày gói ghém bao tâm huyết của một đời người, khi ngài không phải sáng tác nhiều mà duy nhất một luận án.
Nếu người đời chỉ sợ những ai suốt đời chỉ đọc một cuốn sách thì thật đáng khâm phục cho người đã dành cả cuộc đời để chỉ viết một cuốn sách như trường hợp thánh Germain. Thiết tưởng cả đời người không làm gì nỗi bật nhưng thực hiện được một công trình hữu ích cho hậu thế như vậy quả là quá đủ.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con chẳng những trân trọng sách sở mà còn những người sinh thành ra chúng.