Sống đức tin _ đến với Giuse

ĐẾN VỚI GIUSE
Đã là hành trình tu đức, mục vụ và truyền giáo thì luôn luôn phải khởi đầu bằng việc lắng nghe ý Chúa, và thực thi đúng ý Chúa. Thánh Giuse đã làm gương về điều đó.  
ĐGM. GB Bùi Tuần
Thánh Giuse là một người thợ mộc, gia trưởng của mọi gia đình bé nhỏ.
Tuy là bé nhỏ, gia đình này chính là điểm xuất phát của cuộc hành trình cứu độ, mà Chúa Giêsu đã thực hiện trên trần thế.
Thánh Giuse đã góp phần mình vào hành trình cứu độ này. Đóng góp của thánh Giuse đã hết sức âm thầm. Tuy rất âm thầm, nhưng lại rất lớn.
Khi suy gẫm về những đóng góp to lớn của thánh Giuse vào chương trình cứu độ, tôi để ý nhiều đến những gì tôi cần học hỏi và bắt chước. Không phải một cách chung chung, nhưng một cách cụ thể. Để nhờ đó, tôi có thể đóng góp phần mình vào tu đức, mục vụ và truyền giáo tại đây lúc này theo đúng hướng, đúng cách mà Chúa muốn.
Càng nhìn ngắm thánh Giuse, tôi càng thấy ngài như một kho tàng, như một trường học.
Ngài toả ra một thứ ánh sáng đặc biệt. Ánh sáng đặc biệt đó thu hút tôi vào nội tâm Ngài.
Trong cõi nội tâm thinh lặng, thánh Giuse chỉ vẽ cho tôi hành trình phải đi.
Đã là hành trình tu đức, mục vụ và truyền giáo thì luôn luôn phải khởi đầu bằng việc lắng nghe ý Chúa, và thực thi đúng ý Chúa.
Thánh Giuse đã làm gương về điều đó. Phúc Âm thánh Matthêu ghi lại ba trường hợp quan trọng:
Trường hợp thứ nhất xảy ra trước sinh nhật Chúa Giêsu. “Sau đây là gốc tích Đức Giêsu Kitô: Bà Maria, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giuse. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống với nhau, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên định tâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giuse, và con cháu David, đừng ngại đón Maria vợ ông về, vì người con mà bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người cho khỏi tội lỗi của họ...”. Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà” (Mt 1,18-24).
Trường hợp thứ hai xảy ra khi vua Hêrôđê tìm giết hài nhi Giêsu. “Khi các nhà chiêm tin đã ra về, thì kìa sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho Giuse rằng: “Này ông, hãy dậy đem Hài nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hêrôđê sắp tìm giết Hài nhi đấy”. Ông Giuse liền chỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập” (Mt 2,13-14).
Trường hợp thứ ba xảy ra khi vua Hêrôđê băng hà. “Sau khi vua Hêrôđê băng hà, sứ thần Chúa lại hiện ra với ông Giuse bên Ai Cập, báo mộng cho ông rằng: “Này ông, hãy dậy, đem Hài nhi và mẹ Người về đất Israel, vì những kẻ tìm giết Hài nhi đã chết rồi”. Ông liền chỗi dậy đưa Hài nhi và mẹ Người về đất Israel” (Mt 2,19-21).
Trên đây chỉ là những trường hợp sứ thần nói với thánh Giuse và thánh Giuse đã vâng theo. Còn chính Chúa Giêsu nói trực tiếp với thánh Giuse, và thánh Giuse đã đón nhận thì đó là sinh hoạt thường ngày suốt mấy chục năm trong gia đình thánh. Thực là một hạnh phúc tuyệt vời.
Bởi vì, Chúa Giêsu quả quyết: “Hạnh phúc cho những ai lắng nghe Lời Chúa và tuân giữ Lời Chúa” (Lc 11,28).
Hạnh phúc này được cảm nghiệm một cách sâu sắc, khi sự lắng nghe ý Chúa và thực thi ý Chúa dẫn vào sự thông hiệp với sự sống Thiên Chúa.
Khi nghĩ về sự thông hiệp này, tôi nhớ tới những lần rước lễ sốt sắng, với tất cả tấm lòng khiêm tốn, đầy niềm tin vào tình yêu thương xót Chúa. Lúc ấy đúng là một đón nhận hồng ân cao cả, đáng là một sự xuất hành thiêng liêng, mình ra khỏi chính mình, để được dẫn vào một sự sống mới.
Cảm nghiệm thoang thoảng đó cho phép tôi hiểu về sự thông hiệp của thánh Giuse với Thiên Chúa của ngài.
Thông hiệp này là một cuộc gặp gỡ với Chúa. Gặp gỡ này biến thành phượng thờ và cầu nguyện. Tất cả nhờ Thánh Thần của Chúa Giêsu. Nơi thánh Giuse, phượng thờ và cầu nguyện trong nội tâm, kéo dài ngày đêm trong suốt cuộc đời.
Tôi tin rằng: Chính trong bầu khí phượng thờ và cầu nguyện nội tâm đó, mà thánh Giuse đã nhận được ơn khôn ngoan và được mở lòng mở trí. Sau này thánh Phaolô đã tả những ơn đó trong thư gởi giáo đoàn Ephêsô: “Tôi cầu xin Chúa Cha vinh hiển là Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ban cho anh em thần trí khôn ngoan, để mạc khải cho anh em nhận biết Người. Xin Người soi lòng mở trí cho anh em thấy rõ, đâu là miền hy vọng anh em đã nhận được, nhờ ơn Người kêu gọi, đâu là gia nghiệp vinh quang phong phú anh em được chia sẻ cùng các thánh, đâu là quyền lực vô song lớn lao Người đã thi thố cho chúng ta là những người tin” (Ep 1,17-19).
Tôi tin thánh Giuse đã được soi lòng mở trí, đã được sự khôn ngoan, để biết cách bảo vệ Chúa Giêsu và Đức Mẹ Maria đúng cách mà Chúa muốn.
Nhìn cuộc đời thánh Giuse, tôi thấy ơn gọi của thánh Giuse là một hành trình dài. Ơn gọi đó phải phát xuất từ chính Thiên Chúa. Thánh Giuse không bao giờ đã vận động cho mình ơn gọi đó. Ngài cũng chẳng bao giờ ham muốn được ơn gọi đó. Chúa gọi, và Ngài đã xin vâng. Rồi Chúa soi cho Ngài biết từng chặng đường phải đi. Tất cả các chặng đường đó đều hướng về một đích điểm. Đó là việc Chúa Giêsu dâng mình làm của lễ cứu chuộc trên thánh giá, để phục sinh cho nhân loại lỗi lầm.
Thánh Giuse đã không tiếc gì trong việc góp phần mình vào hành trình cứu độ của Chúa Giêsu. Nhiệt tình mà khiêm tốn. Năng động mà âm thầm. Phục vụ mà kín đáo.
Hôm nay thánh Giuse vẫn sống động trong Hội Thánh. Đối với Giáo Hội Việt Nam, không những Ngài là Quan thầy phù trợ, mà còn là vị Gia trưởng thân thương gần gũi đang chia sẻ cuộc đời chúng ta. Một cuộc đời với nhiều lo oan, với nhiều trắc trở, với nhiều ước mơ và phấn đấu.
Hãy đến với Ngài.
Hãy học nơi Ngài.
Hãy cậy trông ở Ngài.
Ngài đang âu yếm và đợi chờ chúng ta.
ĐGM. GB Bùi Tuần
+ GB Bùi Tuần