28. QUA
THẬP GIÁ ĐẾN THIÊN ĐÀNG
trên con
đường thập giá, chỉ có bước đầu tiên là đáng kể. Chính nỗi sợ hãi đối với thập
giá là thập giá lớn nhất cho chúng ta…
Dù muốn hay
không, người ta vẫn phải đau khổ? Có những kẻ chịu đau khổ như người trộm lành,
và có những kẻ chịu đau khổ như người trộm dữ. Cả hai đều chịu đau khổ như
nhau. Thế nhưng, một người đã biết làm cho những đau khổ của mình có công nghiệp.
Người ấy đã biết chấp nhận chúng với tinh thần đền tội và quay về với Chúa
Giêsu chịu đóng đinh, người ấy đã đón nhận được từ môi miệng Người những lời đẹp
đẽ này: “Hôm nay ngươi sẽ được ở trên Thiên đàng với Ta”. Trái lại, người kia
thốt ra những lời tru tréo, gào thét với những lời nguyền rủa và phạm thượng, để
rồi tắt thở trong nỗi tuyệt vọng ghê sợ nhất.
Có hai cách chịu
đau khổ: chịu đau khổ vì yêu mến và chịu đau khổ mà không yêu mến. Các thánh chịu
đau khổ hoàn toàn với lòng nhẫn nại vui vẻ và kiên trì, bởi vì các ngài yêu mến.
Nếu chúng ta yêu mến Thiên Chúa, chúng ta sẽ lấy làm sung sướng được chịu đau
khổ vì yêu mến Đấng đã hết lòng chịu đau khổ vì chúng ta.
Các con cho rằng
như thế là khổ cực sao? Không đâu, thật là êm ái, an ủi, ngọt ngào: thật là hạnh
phúc! Chỉ cần yêu mến trong khi đau khổ và đau khổ vì yêu mến.
Nào, hỡi các
con, trên con đường thập giá, chỉ có bước đầu tiên là đáng kể. Chính nỗi sợ hãi
đối với thập giá là thập giá lớn nhất cho chúng ta…
Người ta không
có can đảm vác thập giá của mình, họ đã lầm to, bởi vì dù chúng ta làm gì đi nữa, thập giá vẫn bám sát chúng ta, chúng
ta không thể thoát khỏi nó được.
Vậy chúng ta có
mất gì đâu? Tại sao chúng ta không yêu mến những thập giá của mình và không
dùng chúng để lên thiên đàng?... Thế nhưng ngược lại, phần đông người ta quay
lưng lại các thập giá và chạy trốn trước chúng. Họ càng chạy, thập giá càng đuổi
theo, càng đập họ và đè bẹp họ bằng những gánh nặng…
Các con hãy nghe
rõ điều này: kẻ nào đi đón thập giá, tức là bước đi đối diện với thập giá; có
thể họ gặp chúng, nhưng họ hài lòng vì gặp chúng: họ yêu mến chúng, họ can đảm
vác chúng, chúng kết hiệp họ với Chúa; chúng thanh tẩy họ và tách họ khỏi thế
gian này; chúng cất khỏi lòng họ mọi chướng
ngại; chúng giúp họ vượt qua cuộc đời, tựa như chiếc cầu giúp đi qua nước.
Nếu Thiên Chúa gửi
đến cho chúng ta những thập giá, mà chúng ta chán ghét, phàn nàn, kêu rêu, tức
là chúng ta tỏ ra quá thù nghịch với tất cả những gì trái ý chúng ta, đến độ
lúc nào chúng ta cũng muốn ở trong một chiếc hộp bằng vải bông; thế nhưng, có lẽ
chúng ta cần đặt mình trong một chiếc hộp bằng gai mới phải.
Chính nhờ thập
giá mà người ta lên thiên đàng. Bệnh tật, thử thách, vất vả, đều là những thập
giá dẫn đưa ta lên thiên đàng. Tất cả những thứ đó chẳng bao lâu sẽ qua đi. Hãy
xem các thánh đi trước chúng ta. Thiên Chúa không đòi chúng ta tử đạo bằng thân
xác, nhưng chỉ đòi chúng ta tử đạo bằng con tim và ý muốn… Chúa Giêsu là mẫu mực
cho chúng ta, chúng ta hãy nhận lấy thập giá của mình mà đi theo Người. Chúng
ta cũng hãy làm như binh sĩ của Napoléon: cần phải vượt qua một chiếc cầu mà
quân địch bắn xối xả; chẳng ai dám qua cả, bấy giờ Napoléon cầm cờ và đi tiên
phong và mọi người đều bước theo.
Chúng ta cũng
hãy làm như thế, hãy bước theo Chúa Giêsu, Đấng đã đi tiên phong.
Thập giá là chiếc
thang bắc lên trời. Thật là an ủi khi chúng ta chịu đau khổ dưới mắt Thiên
Chúa, và khi đêm về, trong lúc xét mình, chúng ta có thể tự nhủ: “Nào hỡi linh
hồn tôi ơi, hôm nay mày đã có hai ba giờ giống Chúa Giêsu Kitô: mày đã chịu
đánh đòn, chịu đội mão gai, chịu đóng đinh với Người”… Ôi, chết là cả một kho
tàng! Chết sau khi đã sống trên thập giá thì tốt đẹp dường nào.
Nếu có ai nói với
các con: “Tôi muốn được giàu có, vậy phải làm gì?” Hẳn các con sẽ đáp: “Phải
làm việc”. Cũng thế, muốn lên thiên đàng, cần phải chịu đau khổ.
Chịu đau khổ, sá
kể gì! Chỉ là một chốc lát. Nếu chúng ta có thể trải qua tám ngày trên thiên
đàng, chúng ta sẽ hiểu được giá trị của phút chốc đau khổ này. Có lẽ chúng ta
không gặp những thập giá nặng lắm, những thử thách cay đắng lắm đâu.