Thời sự GH _ GH Phanxicô, một chọn lựa

"Pope Francis, The Choice” –
“Giáo Hoàng Phanxicô, Một Chọn Lựa"
Vào lúc mà những cái giới hạn trong vai trò lãnh đạo đang bị thử thách ở rất nhiều nơi thì xuất hiện một con người không có quân đội hay vũ khí, không có vương quốc ngoài một mảnh đất bằng nắm tay ở giữa Rôma nhưng lại có một lịch sử vô cùng phong phú và nặng ký ở đằng sau con người ấy, để tung ra một cuộc thử thách… vị lãnh đạo có sức cuốn hút này đang nói những gì họ nghĩ rằng cần phải được nói, hay ngài cũng đồng thời đang nói những gì họ thà đừng nghe thì hơn?
Nancy Gibbs
Một cậu con trai rất hiền lành và nhu mì có lần được thưởng một cái phù hiệu "Khiêm Nhượng Nhất - Most Humble". Ngày hôm sau, cái huy hiệu này đã bị lấy lại, chỉ vì cậu đã đeo nó. Bài học này đã kết thúc ở đó.
Làm thế nào mà ngài thực hành được lòng khiêm nhượng từ trên một ngai tòa oai vệ nhất trên thế gian này chứ? Hiếm thấy có một diễn viên mới nào trên khấu trường thế giới mà lại có thể thu hút chú ý rất nhiều một cách quá mau chóng như vậy - dù trẻ hay già, trung thực hay giả bộ - như Giáo Hoàng Phanxicô. Trong chín tháng hành sự của mình, ngài đã đặt mình vào ngay tâm điểm của những vấn đề bàn luận chính yếu ở thời điểm của chúng ta: về giầu với nghèo, về công bình và công lý, về sự liêm chính, về tính chất tân tiến, về vấn đề toàn cầu hóa, về vai trò của nữ giới, và bản chất của hôn nhân, về những hấp dẫn của quyền lực.
Ở vào lúc mà những cái giới hạn trong vai trò lãnh đạo đang bị thử thách ở rất nhiều nơi thì xuất hiện một con người không có quân đội hay vũ khí, không có vương quốc ngoài một mảnh đất bằng nắm tay ở giữa Rôma nhưng lại có một lịch sử vô cùng phong phú và nặng ký ở đằng sau con người ấy, để tung ra một cuộc thử thách. Thế giới này đang trở thành nhỏ hơn; tiếng nói của cá nhân đã trở nên vang dội hơn; kỹ thuật đang biến thành một cơn lốc hấp dẫn, cũng thế, tòa giảng của ngài đã trở nên hữu hình cho đến tận cùng trái đất.
Khi ngài hôn lên mặt của một con người biến dạng, hay rửa chân cho một nữ nhân Hồi giáo, thì những hình ảnh ấy đã vang dội vượt ra ngoài cả Giáo Hội Công Giáo nữa.
Thành phần hoài nghi sẽ vạch ra cho thấy những trở ngại Giáo Hoàng Phanxicô phải đối đầu để hoàn thành nhiều điều ngoài việc làm cho thành phần tín hữu theo mùa cảm thấy dễ thở hơn về giọng điệu dịu dàng hơn xuất phát từ Roma đồng thời cảm thấy thoải mái tỏ ra coi thường những thứ khó nuốt. Giáo Hội Công Giáo là một trong những cơ cấu tổ chức cổ kính nhất, lớn nhất và giầu nhất trên trái đất này, với lực lượng 1. 2 tỉ tín đồ, và vấn đề thay đổi không phải là chuyện đùng một cái xẩy ra. Tổ chức này đã đắc lực khởi hứng và hướng dẫn, giúp đỡ, chữa lành và kêu gọi tín hữu lắng nghe các vị thiên thần lành thánh của mình. Thế nhưng nó đã trở nên suy yếu khắp thế giới gây ra bởi gương mù gương xấu, bởi băng hoại, bởi tình trạng thiếu linh mục và bởi một thách đố gây ra bởi những đối thủ tin lành và phong trào Thánh Linh, nhất là ở khắp các miền truyền giáo phì nhiêu thuộc nam bán cầu. Nơi một số khu vực, các giáo huấn chính yếu về vấn đề ly dị và ngừa thai bị coi thường một cách rộng rãi và tính chất chính thống bị chế nhạo như là những gì cổ hủ.
Thành phần quan liêu Vatican và vị thế giáo sĩ bị cáo buộc là có những chuyện đấu đá nhau, chuyện mua chuộc, tống tiền và bị ám ảnh bởi, như Giáo Hoàng Phanxicô nói, "những thứ luật phép thiển cận", hơn là những tiềm năng bao rộng của ân sủng.
Đừng có mà chỉ giảng dạy; hãy lắng nghe,
Đừng trách mắng; mà hãy chữa lành.
Ấy thế mà chưa đầy một năm, ngài đã thực hiện được một số điều đáng kể, ở chỗ, ngài đã không đổi thay ngôn từ nhưng ngài đã thay đổi nhạc điệu. Cái âm giọng và vấn đề về khí chất ở trong một giáo hội được xây dựng trên bản chất của các biểu hiệu - bánh và rượu, mình và máu - bởi thế mới sai lầm khi loại trừ đi bất cứ những chọn lựa tiêu biểu nào của vị Giáo Hoàng như là những cử chỉ vô hiệu hóa luật lệ. Ngài đã ban hành tông huấn đầu tiên của ngài, một cuộc tấn công "việc sùng bái tiền bạc", ngay vào lúc những người Mỹ dự tính xem ngày được dành ra để tạ ơn có nên đi mua sắm hay chăng. Đây là một con người có một cảm quan về thời điểm.
Ngài không sống ở trong tông dinh giáo hoàng là nơi được bao quanh bởi thành phần nịnh thần, mà ở một nơi tập thể thanh đạm được vây quanh bởi các vị linh mục. Ngài cầu nguyện liên lỉ, ngay cả lúc đang chờ gặp nha sĩ.
Ngài đã cho về hưu chiếc giáo hoàng xa Mercedes và sử dụng chiếc xe Ford Focus trầy trụa. Ngài không đi đôi giầy đỏ, không đeo thánh giá mạ vàng, mà chỉ đeo một thánh giá bằng kim loại.
Khi ngài từ bỏ vẻ tráng lệ và đặc ân, khi ngài tiết lộ cho biết về vấn đề tài chính của Vatican lần đầu tiên, khi ngài khiển trách một vị Tổng Giám Mục Đức quốc hoang phí, khi ngài liên lạc với những người xa lạ đang sầu khổ, khi ngài rửa tội cho em bé của một người đàn bà ly dị với người chồng muốn bà phá thai, là ngài đang làm những gì còn hơn cả việc làm mẫu mực xót thương và liêm chính nữa.
Ngài đang ôm vào mình cái rắc rối phức tạp, và nhìn nhận cái nguy cơ về một giáo hội bị ám ảnh bởi các thứ quyền lợi và cái chính đáng của mình, những gì có thể gây tổn thương hơn là chữa lành.
Được hỏi tại sao ngài dường như thờ ơ với cuộc chiến về văn hóa thì ngài đề cập đến chiến trường. Giáo hội, như ngài nói, là một bệnh viện tại chỗ. Phận vụ trước hết của chúng ta đó là việc chăm sóc cho thành phần bị thương tích. Quí vị đâu có hỏi người bị chảy máu về độ mỡ của họ ra sao.
Việc tập trung vào lòng cảm thương, cùng với niềm vui lan tỏa trong quần chúng là những gì không phải bao giờ cũng gắn liền với các vị thủ lãnh của giáo hội, đã làm cho Giáo Hoàng Phanxicô trở thành như một minh tinh nhạc rock.
Hơn 3 triệu người đã tuốn đến để thấy ngài tại Vịnh Copacabana ở Rio de Janeiro vào mùa hè vừa qua, dân chúng đến Quảng Trường Thánh Phêrô đông không thể nào tượng tượng nổi, và các thứ đồ kỷ vật bán chạy. Francesco là tên được đặt cho các bé nam mới sinh thịnh hành nhất ở Ý. Nhiều giáo hội tường trình cho biết về một thứ "hiệu năng Phanxicô" nơi những người Công giáo sa ngã quay về với Thánh Lễ và tòa giải tội, cho dù những giai thoại không thể thay thế cho các chứng cớ thực sự, và các cuộc thăm dò của Công Giáo Hoa Kỳ tường trình, ít là cho tới nay hơi có thay đổi một chút trong việc sống đạo.
Thế nhưng sức thu hút của Giáo Hoàng Phanxicô thậm chí còn vượt ra ngoài đàn chiên của ngài nữa là những gì đã cống hiến cho ngài một cơ hội mà vị tiền nhiệm Biển Đức XVI của ngài chẳng bao giờ có được, trong việc phóng lớn hơn nữa sứ điệp của giáo hội cùng với quyền lực của giáo hội để có thể sinh nhiều lợi ích.
Việc say mê bám sát của truyền thông thế tục đã làm cho Giáo Hoàng Phanxicô trở nên mối nghi ngờ cho thành phần truyền thống vì họ lo sợ rằng ngài chiếm được lòng người bằng cái giá phái trả là một đức tin trở nên suy yếu. Ngài đã khéo léo lợi dụng sức thu hút của truyền thông đại chúng để lôi kéo chú ý tới hết mọi sự, từ việc ngài cầu nguyện cho hòa bình ở Syria đến việc ngài tấn công thẳng mặt vào thứ nền kinh tế thiên giầu hại nghèo, một cuộc tấn công khiến Jesse Jackson so sánh ngài với Martin Luther King Jr. và Rush Limbaugh ngẫm nghĩ ngài có thể là một tên Marxist. Khi bạn trở thành nổi tiếng trên truyền thông thì hết mọi lời bạn nói đều bị đem ra mổ xẻ, kể cả những gì bạn không nói.
Tại sao ngài đã không nói đến vấn đề bê bối liên quan đến linh mục lạm dụng tình dục chứ?
Xin hãy hỏi thành phần biện hộ cho các nạn nhân. (Mới tháng này đây, ngài đã thành lập một ủy ban để giải quyết vấn đề linh mục lạm dụng tình dục trẻ em).
Tại sao ngài không nói hơn nữa về tính chất linh thánh của sự sống chứ?
Xin hãy hỏi thành phần bảo thủ, những người nhận thấy rằng trong tông huấn của ngài vấn đề phá thai chỉ được đề cập có một lần trong khi tình thương được đề cập đến 32 lần.
Giáo Hoàng Phanxicô vừa khẳng định các giáo huấn tông truyền về vấn đề tình dục vừa cảnh báo rằng giáo hội đã bị vấn đề này chi phối.
Ngài tấn công những vị linh mục không rửa tội cho trẻ em sinh ngoại hôn, vì họ "chủ trương duy giáo quyền tân thời mang tính chất nghiêm khắc và giả hình".
Ngài tuyên bố rằng Thiên Chúa "đã cứu chuộc tất cả mọi người chúng ta... chứ không phải chỉ có những người Công giáo. Hết mọi người, ngay cả những người vô thần".
Ngài đã chụp hình chung với những hoạt động viên bảo vệ môi sinh đang cầm một chiếc áo thun chống tiến trình biến đá thành dầu trong lòng đất vốn gây tác hại môi sinh, và kêu gọi các chính trị gia cùng các vị lãnh tụ mậu dịch hãy trở thành "những bảo vệ viên thiên nhiên".
Không có gì nào trong những điều ấy biến thành trở thành cấp tiến - ngài cũng nói rằng vai trò linh mục chỉ dành riêng cho nam giới không phải là đề tài tranh cãi nữa, cả vấn đề phá thai cũng vậy, hay vấn đề ý nghĩa hôn nhân cũng thế.
Tuy nhiên, ngài chú trọng đến người nghèo, và sự kiện con số 50% người nghèo nhất trên thế giới này lèo lái gần 1% cái giầu của thế giới là những gì làm bất ổn những ai biện hộ cho tư bản chủ nghĩa như là một chương trình chống nghèo thành đạt nhất trong lịch sử.
Bạn có thể cho rằng ngài là một Teddy Roosevelt bảo vệ chủ nghĩa tư bản cho khỏi cái quá trớn của nó, hay ngài chỉ nói những gì đã được các vị Giáo Hoàng trước ngài nói tới, đó là Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta chăm sóc cho thành phần anh chị em hèn mọn nhất nơi chúng ta - ngài chỉ nói như thế một cách quần chúng có thể lắng nghe một cách khác nhau.
Và phải chăng đó là vấn đề cần đến một vị Giáo Hoàng đầu tiên xuất thân từ Tân Thế Giới này. Một thế kỷ trước đây, 2/3 Công giáo sống ở Âu Châu; giờ đây ít hơn 1/4, và làm thế nào mà từ những xứ sở mà đồng tính là một tội ác và việc giáo dục nữ giới nắm vai trò lãnh đạo là một thứ lạc giáo, ngài có thể nắm được quyền năng để biến đổi các thứ văn hóa, trong đó, Công giáo là một quyền năng đang gia tăng, thậm chí có tiềm năng giải phóng nữa.
Thật là phấn khởi vào thời điểm này được nghe một vị lãnh đạo nói lên những gì làm nhức nhối bất cứ một ai.
Giờ đây, cả thành phần cấp tiến lẫn bảo thủ đều phải đối diện với một chọn lựa khi họ lắng nghe một tiếng nói mới của lương tâm:
Đằng nào hơn đây, vị lãnh đạo có sức cuốn hút này đang nói những gì họ nghĩ rằng cần phải được nói, hay ngài cũng đồng thời đang nói những gì họ thà đừng nghe thì hơn?
Con tim là một bắp thịt mạnh mẽ; ngài đang đề ra một dự án thực hiện gắt gao. Và trong một thời gian rất ngắn, thành phần thính giả rộng lớn, toàn cầu, đại kết đã chứng tỏ cho thấy họ cảm thấy khao khát đi theo ngài. Vì mang chức vụ giáo hoàng ra khỏi tông dinh mà xuống đường, vì thúc đẩy giáo hội lớn nhất thế giới phải đương đầu với những nhu cầu sâu xa nhất của nó, và vì biết cân bằng giữa lý đoán với tình thương, mà Giáo Hoàng Phanxicô là Nhân Vật Năm 2013 của Time Magazine vậy.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo The Choice: Nancy Gibbs on Why Pope Francis Is TIME's Person of the Year 2013 | TIME. com http://poy. time. com/2013/12/11/pope-francis-the-choice/#ixzz2nID8wiU4.

Thời sự giáo hội