Suy niệm hạnh thánh _ 04/11

Thánh CHARLES BORROMEO
 (1538-1584)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Tên của Thánh Charles Borromeo đi liền với chữ cải cách. Ngài sống trong thời kỳ Cải Cách Tin Lành, và đã tiếp tay trong công cuộc cải cách toàn thể Giáo Hội trong những năm cuối của Công Đồng Triđentinô.
Mặc dù ngài thuộc về một gia đình quý tộc ở Milan và có bà con với dòng họ Medici rất uy thế, nhưng ngài lại muốn tận hiến cho Giáo Hội.
Chính Thánh Charles tiên phong trong việc làm gương.
Vào năm 1578, ngài thành lập một tổ chức cho các linh mục triều, Tu Sĩ của Thánh Ambrôsiô (bây giờ là Tu Sĩ của Thánh Charles).
Công việc và gánh nặng của chức vụ đã ảnh hưởng đến sức khỏe của ngài. Ngài từ trần khi mới 46 tuổi và được phong thánh năm 1610.
Suy niệm 1: Tên
Tên của Thánh Charles Borromeo đi liền với chữ cải cách.
Thật ra khi ngài mới được sinh ra và được cha mẹ đặt tên cho thì phong trào cải cách của Tin Lành đã được bành trướng rất mạnh mẽ với Luther (1517), với Zwingly (1518) và với Calvin (1534). Có thể vì thế mà tên của ngài mang dấu ấn của cuộc khủng hoảng trầm trọng trong lãnh vực tôn giáo này, với hai ý nghĩa là tẩy chay và bảo vệ nhân loại, theo truyền thống đạo đức của gia đình.
Gia đình quyết tâm tẩy chay tất cả đường lối và chủ trương của bất cứ lạc thuyết nào để chỉ giữ vững niềm tin chân chính của Giáo Hội Công Giáo. Với lập trường kiên vững này, gia đình được xem như một nhân tố bảo vệ Giáo Hội địa phương nói riêng và Giáo Hội hoàn cầu nói chung. Và quả thật khi trưởng thành, Thánh Charles Borromeo đã tiếp tay trong công cuộc cải cách toàn thể Giáo Hội trong những năm cuối của Công Đồng Triđentinô.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con có cải cách thì luôn theo chiều hướng mang lại lợi ích chứ không hủy hoại Giáo Hội.
Suy niệm 2: Cải cách
Tên của Thánh Charles Borromeo đi liền với chữ cải cách.
"Trong cuộc lữ hành trần thế, Đức Kitô luôn mời gọi Giáo Hội hãy cải tổ liên tục và đó là điều rất cần thiết, vì giáo hội là một tổ chức của con người. Do đó, nếu ảnh hưởng của các biến cố hay thời cuộc đã đưa đến những khiếm khuyết trong hành động, trong kỷ luật của Giáo Hội, hay ngay cả trong việc hình thành tín lý (cần thận trọng phân biệt với kho tàng đức tin), thì những khiếm khuyết ấy phải được chấn chỉnh một cách thích hợp và đúng lúc" (Sắc Lệnh về Đại Kết, 6).
Sự cải tổ cần phải thi hành trong mọi tầng lớp Công Giáo, dù là giáo sĩ hay giáo dân, và được khởi sự từ các công đồng địa phương với các giám mục phụ tá. Những quy luật rõ ràng được đặt ra cho các giám mục và tu sĩ: Nếu người ta thay đổi đời sống để trở nên tốt lành hơn, thì giáo sĩ phải là những người làm gương và phải canh tân tinh thần tông đồ của mình trước hết.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết thực hiện công cuộc cải tổ từ khởi điểm là chính bản thân mình như một tấm gương lành thánh.
Suy niệm 3: Công Đồng Triđentinô
Charles đã tiếp tay trong công cuộc cải cách toàn thể Giáo Hội trong những năm cuối của Công Đồng Triđentinô.
Chính thánh nhân là người đã thúc giục đức giáo hoàng phục hồi Công Đồng Triđentinô vào năm 1562 sau 10 năm bị ngưng trệ. Đứng ở đằng sau và âm thầm làm việc, thánh nhân là người có công trong việc duy trì sự liên tục của các khóa họp Công Đồng mà nhiều khi tưởng đã đổ vỡ.
Trong giai đoạn cuối của Công Đồng, ngài là người chủ yếu trong việc hướng dẫn và thành hình các sắc lệnh của công đồng, đặc biệt thống nhất vấn đề thiết lập các chủng viện địa phận để đào tạo các linh mục, cũng như có những quyết định về một số giáo điều nhằm đối phó với Tin Lành.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con ủng hộ Giáo Hội bằng việc thự thi các chỉ thị của Công Đồng.
Suy niệm 4: Tận hiến
Mặc dù ngài thuộc về một gia đình quý tộc ở Milan và có bà con với dòng họ Medici rất uy thế, nhưng Charles lại muốn tận hiến cho Giáo Hội.
Khi người bác của ngài là Đức Hồng Y de Medici được chọn làm giáo hoàng năm 1559 với tước hiệu là Piô IV, đức giáo hoàng đã chọn ngài làm trưởng phó tế và là quản lý của Tổng Giáo Phận Milan trong khi ngài chỉ là một sinh viên giáo dân. Vì sự thông minh xuất chúng nên ngài được giao cho nhiều chức vụ quan trọng có liên hệ đến Tòa Thánh, và sau này được bổ nhiệm làm bộ trưởng chịu trách nhiệm toàn thể ban hành chánh của tòa thánh.
Cái chết đau đớn của người anh đã đưa ngài đến quyết định đi tu làm linh mục, mặc dù bao người thân nhân ngăn cản. Ngài được thụ phong linh mục năm 25 tuổi, và sau đó không lâu được tấn phong làm giám mục của Milan. Hiển nhiên ngài cũng được phép dành thời giờ để làm việc cho Tổng Giáo Phận Milan, là nơi mà tôn giáo và luân lý thật sáng tỏ.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con hãy sống đời tận hiến cho Chúa, vì được lợi cả thế gian mà mất linh hòn thì nào được ích gì (Lc 9,25).
Suy niệm 5: Làm gương bác ái
Chính Thánh Charles tiên phong trong việc làm gương.
Ngài chia sẻ hầu hết phần lương của ngài cho công việc bác ái, tự ý từ bỏ đời sống sang trọng của một tổng giám mục, và ăn chay đền tội. Ngài hy sinh giầu sang, danh vọng, sự mến mộ và ảnh hưởng để trở nên nghèo hèn. Trong thời kỳ dịch tễ và đói kém năm 1576, ngài cố tìm cách để nuôi ăn 60.000 đến 70.000 người mỗi ngày. Để thực hiện điều này, ngài phải mượn một số tiền rất lớn mà nhiều năm sau mới trả hết. Khi nạn dịch hoành hành đến mức tối đa, các giới chức hành chánh dân sự bỏ trốn thì ngài vẫn ở lại thành phố để thi hành công việc mục vụ cho những người đau yếu, người hấp hối và những ai cần sự giúp đỡ.
Thánh Charles đã sống theo lời Đức Kitô: "... Khi ta đói con đã cho ta ăn, ta khát con đã cho ta uống, ta lạc lõng con đã tiếp đón, ta trần truồng con đã cho áo mặc, ta đau ốm con đã chăm sóc, ta tù đầy con đã thăm viếng" (Mt 25,35-36). Thánh Charles đã nhận ra Đức Kitô trong tha nhân, và ngài biết rằng công việc bác ái được thi hành cho những ngươi bé mọn là được thi hành cho Đức Kitô.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con nhận ra Chúa nơi tha nhân để dễ sống đức ái trọn hảo.
Suy niệm 6: Tu Sĩ của Thánh Charles
Vào năm 1578, ngài thành lập một tổ chức cho các linh mục triều, Tu Sĩ của Thánh Ambrôsiô (bây giờ là Tu Sĩ của Thánh Charles)
Sứ vụ chủ yếu là tích cực rao giảng, chống với sự xâm nhập của các tà thuyết, và đưa những người Công Giáo lầm lạc trở về với Giáo Hội.
“Sở dĩ một Dòng Tu thành lập và có giá trị, là vì Dòng ấy đi sát với mục đích của Giáo Hội là dẫn đưa nhân loại về đàng thánh thiện” – Nhưng Giáo Hội là hiền thê của Chúa Kytô, không thể đáp lại đầy đủ được ước nguyện của Người, và mắt người đời cũng không thể nhìn về Giáo Hội như về lá cờ hiệu của muôn dân với lòng đầy tin tưởng cậy trông được, nếu Giáo Hội không có những người phản chiếu ánh vinh quang xinh đẹp của Phúc âm bằng chính đời sống, hơn là bằng lời nói (Huấn từ của Đức Thánh Cha Piô XII với các Bề Trên Thượng Cấp Dòng Tu ngày 11/2/1958).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con có được những Vị Tu Sĩ Nam Nữ như lòng Chúa mong muốn.