Buổi đọc kinh diễn
ra giữa lúc hiểm họa chiến tranh đang đạt tới cao độ với cuộc tấn công mà Hoa Kỳ
với sự hỗ trợ của Pháp sắp giáng xuống Siria, gọi là để trừng phạt chính phủ nước
này đã sử dụng võ khí hóa học, ĐTC nói:
Anh chị em thân
mến, chào anh chị em,
Hôm nay, tôi muốn
làm người nói lên tiếng kêu đến từ các nơi trên thế giới, từ mọi dân tộc, từ
con tim của mỗi người, từ một đại gia đình duy nhất là nhân loại, với nỗi lo âu
ngày càng gia tăng: đó là tiếng kêu hòa bình! Tiếng kêu này mạnh mẽ nói lên rằng:
chúng tôi muốn một thế giới hòa bình, chúng tôi muốn là những người hòa bình,
chúng tôi muốn rằng hòa bình bùng lên trong xã hội chúng ta, đang bị xâu xé vì
chia rẽ và xung đột; đừng bao giờ chiến tranh nữa! Không bao giờ còn chiến
tranh nữa! Hòa bình là một hồng ân quá quí báu, phải được thăng tiến và bảo vệ.
Tôi đặc biệt đau
đớn và lo âu cảm nghiệm bao nhiêu tình trạng xung đột vẫn còn trên trái đất
chúng ta, nhưng trong những ngày này, con tim tôi bị tổn thương sâu đậm vì những
gì đang xảy ra tại Siria, và lo âu vì những diễn biến bi thảm sắp diễn ra.
Tôi mạnh mẽ
gióng lên tiếng kêu gọi hòa bình, một lời kêu gọi phát sinh từ thâm tâm tôi!
Bao nhiêu là đau khổ, bao nhiêu tàn phá, bao đau thương mà việc sử dụng các võ
khí tại đất nước bị tàn phá ấy đã và đang gây ra, nhất là nơi các thường dân vô
tội và vô phương thế tự vệ! Tôi nghĩ đến bao nhiêu trẻ em không được thấy ánh
sáng tương lai! Tôi quyết liệt lên án việc sử dụng các võ khí hóa học: tôi nói
với anh chị em rằng tâm trí tôi vẫn còn bị in đậm những hình ảnh kinh khủng những
ngày qua! Có một sự phán xét của Thiên Chúa và một sự phán xét của lịch sử về
những hành động chúng ta và ta không thể trốn tránh được sự phán xét ấy! Việc sử
dụng bạo lực không bao giờ mang lại hòa bình. Chiến tranh kéo theo chiến tranh,
bạo lực kéo theo bạo lực!
Tôi hết sức mạnh
mẽ kêu gọi các phe lâm chiến hãy lắng nghe tiếng kêu của lương tâm mình, đừng
khép kín trong những lợi lộc riêng tư, nhưng hãy nhìn tha nhân như một người
anh em và can đảm, quyết liệt đi theo con đường gặp gỡ và thương thuyết, vượt
thắng sự đối nghịch mù quáng. Cũng vậy tôi hết sức nhắn nhủ cộng đồng quốc tế
hãy thi hành mọi nỗ lực để thăng tiến không chút trì hoãn những sáng kiến rõ
ràng cho hòa bình tại đất nước Siria, dựa trên đối thoại và thương thuyết, để
mưu thiện ích cho toàn thể nhân dân nước này.
Ước gì người ta
không bỏ qua một một nỗ lực nào để bảo đảm việc giúp đỡ nhân đạo cho người bị
thương tổn vì cuộc xung đột kinh khủng này, đặc biệt là những ngừơi phải di tản
tại Siria và đông đảo những người tị nạn ở các nước láng giềng. Với các nhân
viên cứu trợ nhân đạo, đang dấn thân thoa dịu nỗi đau khổ của dân chúng, ước gì
họ được bảo đảm khả năng cung cấp sự cứu trợ cần thiết.
Về phần chúng
ta, chúng ta có thể làm gì cho hòa bình trên thế giới? Như ĐGH Gioan đã nói: tất
cả mọi người đều có nghĩa vụ tái tạo những quan hệ sống chung trong công lý và
tình thương (Xc Thông điệp Hòa bình dưới thế [11-4-1963]: AAS 55 [1963],
301-302).
Ước gì một loạt
những dấn thân cho hòa bình liên kết tất cả những người thiện chí với nhau! Đó
là một lời mời gọi khẩn thiết và mạnh mẽ mà tôi gửi đến toàn thể Giáo Hội Công
Giáo, nhưng tôi cũng nới rộng tới tất cả các tín hữu Kitô thuộc các hệ phái
khác, những người nam nữ thuộc mọi tôn giáo và cả những anh chị em không tín
ngưỡng: hòa bình là một thiện ích vượt qua mọi hàng rào, vì là một thiện ích của
toàn thể nhân loại.
Tôi lớn tiếng lập
lại rằng: không phải nền văn hóa đụng độ, nền văn hóa xung đột xây dựng sự sống
chung nơi các dân tộc và giữa các dân tộc với nhau, nhưng là nền văn hóa gặp gỡ,
nền văn hóa đối thoại: nền văn hóa này là con đường duy nhất dẫn đến hòa bình.
Ước gì tiếng kêu
hòa bình vọng lên cao để đạt tới con tim của mọi người và tất cả hãy từ bỏ khí
giới, và để cho mình được khát mong hòa bình hướng dẫn.
Vì thế, anh chị
em thân mến, tôi đã quyết định ấn định cho toàn thể Giáo Hội ngày 7-9 tới đây,
áp lễ Sinh Nhật Đức Mẹ Nữ Vương Hòa bình, một ngày ăn chay và cầu nguyện cho
hòa bình tại Siria và Trung Đông, cũng như toàn thế giới, và tôi cũng mời gọi cả
những anh chị em Kitô không Công Giáo, và cả những người thuộc các tôn giáo
khác, và những người thiện chí, tham gia sáng kiến này theo thể thức họ coi là
thích hợp nhất.
Ngày 7 tháng 9 tại
Quảng trường thánh Phêrô này, từ 19 giờ đến 24 giờ, chúng ta sẽ họp nhau cầu
nguyện trong tinh thần thống hối để khẩn cầu Thiên Chúa ban hồng ân hòa bình
cho quốc dân Siria yêu quí và cho tất cả những tình trạng xung đột và bạo lực
trên thế giới. Nhân loại đang cần những cử chỉ hòa bình và được nghe những lời
hy vọng và hòa bình! Tôi xin tất cả các giáo phận, ngoài việc sống ngày ăn chay
vừa nói, cũng hãy tổ chức một buổi phụng vụ nào đó theo ý hướng ấy.
Chúng ta hãy cầu
xin Mẹ Maria giúp chúng ta đáp trả bạo lực, xung đột và chiến tranh, bằng sức mạnh
của đối thoại, hòa giải và yêu thương. Người là Mẹ: xin Mẹ giúp chúng ta tìm được
hòa bình. Tất cả chúng ta là con cái của Mẹ. Lạy Mẹ Maria xin giúp chúng con vượt
qua được cả những giờ phút khó khăn này và dấn thân mỗi ngày xây dựng trong mọi
môi trường một nền văn hóa chân thực của gặp gỡ và hòa bình!
Lạy Mẹ Maria, Nữ
Vương hòa bình, xin cầu cho chúng con!
Tất cả chúng ta
hãy nói: Lạy Mẹ Maria, Nữ Vương hòa bình, xin cầu cho chúng con!
Nhắc nhớ và chào
thăm
Sau kinh Truyền
Tin và phép lành, ĐTC đã nhắc đến lễ phong chân phước hôm thứ bẩy 31-8 vừa qua
cho Cha Vladimir Ghika, LM giáo phận, sinh tại Istanbul và tử đạo tại Bucarest,
Rumani năm 1954. Và lễ phong chân phước hôm nay, 2-9-2013, cho Cha Antonio
Franco, Giám chức bản quyền của hạt Santa Lucia del Mela, sống giữa thế kỷ 16
và 17. Ngài nói: chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì những chứng nhân gương mẫu này của
Tin Mừng.
ĐTC nhắc đến
Ngày bảo tồn thiên nhiên do HĐGM Italia đề xướng, cử hành chúa nhật 1-9 hôm qua
với chủ đề ”gia đình giáo dục bảo tồn thiên nhiên”. Ngài cũng mời gọi mọi người
hiệp với các tín hữu ở Siracusa trên đảo Sicilia trong lễ kỷ niệm 60 năm Đức Mẹ
khóc tại đây.
(G. Trần Đức Anh
OP, RadioVaticana 01-09-2013)