Suy niệm hạnh thánh _ 11/9

Thánh CYPRIAN
(k. 258)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Thánh Cyprian góp phần quan trọng trong sự phát triển tư duy và tập tục Kitô Giáo trong thế kỷ thứ ba, nhất là ở bắc Phi Châu.
Là một người được giáo dục rất kỹ lưỡng và có tài hùng biện, ngài trở lại Kitô Giáo khi đã trưởng thành. Trong vòng hai năm ngài được thụ phong linh mục và được chọn làm Giám Mục Carthage (gần Tunis bây giờ), trái với ý của ngài.
Chính sự kiện tái nhập đạo (sau khi từ chối đức tin) đã khuấy động nhiều tranh luận trong thế kỷ thứ ba, và đã giúp Giáo Hội hiểu biết hơn về Bí Tích Hòa Giải.
Đức Cyprian là một tổng hợp của sự nhân từcan đảm, của hăng hái và điềm tĩnh. Ngài vui vẻ nhưng nghiêm nghị nên dân chúng không biết là nên quý mến hay tôn trọng ngài hơn. Ngài nóng nẩy trong cuộc tranh luận về bí tích rửa tội.
Suy niệm 1: Hùng biện
Cyprian là một người được giáo dục rất kỹ lưỡng và có tài hùng biện.
Thuật hùng biện là nghệ thuật diễn thuyết trước công chúng sao cho trôi chảy, sinh động, trang nhã và đầy sức thuyết phục, thể hiện sức mạnh biểu cảm được bộc lộ qua vẻ đẹp của ngôn ngữ, nhờ đó mà thu hút và thuyết phục người nghe.
Theo Oliver Goldsmith, thuật hùng biện chân chính không có nghĩa là trình bày những điều vĩ đại theo phong cách hoành tráng, nhưng là nói về chúng cách đơn giản và dễ hiểu, nói cách chính xác, không hề có phong cách hoành tráng, bởi vì sự hoành tráng ẩn giấu ngay trong chính sự việc cần trình bày, và nếu không được như thế thì chỉ còn là những lời huyênh hoang, sáo rỗng mà không có tác dụng gì cả.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con chú tâm nắm vững đề tài với bố cục chặt chẽ và mạch lạc để giúp thính giả dễ hiểu và dễ tiếp thu.
Suy niệm 2: Trở lại
Cyprian trở lại Kitô Giáo khi đã trưởng thành.
Sự trở lại của ngài đã làm mọi người kinh ngạc. Không phải vì ngài trở lại ở lứa tuổi trưởng thành mà vì ngài trở lại khi đã trưởng thành trong đức tin, được thể hiện qua việc ngài phân phát tài sản cho người nghèo, và trước khi chịu Rửa Tội ngài đã thề giữ đức khiết tịnh.
Chính với niềm tin này, ngài cả dám than phiền rằng sự ổn định mà Giáo Hội đang được hưởng đã làm suy nhược tinh thần của nhiều Kitô Hữu, và đã mở cửa cho những người trở lại đạo mà không thực sự có đức tin. Bằng chứng là khi cuộc bắt đạo dưới thời hoàng đế Decian bắt đầu, nhiều Kitô Hữu đã bỏ Giáo Hội cách dễ dàng.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con ý thức về tầm quan trọng của phẩm chất hơn là số lượng người trở lại.
Suy niệm 3: Tranh luận
Chính sự kiện tái nhập đạo (sau khi từ chối đức tin) đã khuấy động nhiều tranh luận trong thế kỷ thứ ba về bí tích Hòa Giải và Rửa Tội.
Novatus, một linh mục từng chống đối việc tuyển chọn Cyprian làm giám mục, đã tự tấn phong y làm giám mục khi Cyprian vắng mặt và tiếp nhận tất cả những người bội giáo mà không bắt đền tội theo giáo luật. Hiển nhiên Novatus bị lên án. Cyprian có lập trường trung dung, ngài chủ trương rằng những người đã thực sự thờ tà thần thì chỉ được rước Mình Thánh khi sắp chết, trong khi những ai chỉ mua giấy xác nhận rằng họ đã thờ tà thần thì có thể được tiếp nhận lại sau một thời gian đền tội. Tuy nhiên lập trường này đã được nới lỏng trong thời kỳ bắt đạo sau này.
Là bạn thân của Đức Giáo Hoàng Cornelius, Đức Cyprian chống đối vị giáo hoàng kế tiếp là Stephen. Đức Cyprian và các giám mục Phi Châu khác không công nhận giá trị của bí tích Rửa Tội do những người lạc giáo và ly giáo cử hành. Đây không phải là quan điểm chung của Giáo Hội, nhưng Đức Cyprian không nao núng ngay cả khi Đức Giáo Hoàng Stephen dọa tuyệt thông.
Những tương tranh về bí tích Rửa Tội và Hòa Giải trong thế kỷ thứ ba cho chúng ta thấy Giáo Hội tiên khởi không có những giải pháp có sẵn xuất phát từ Chúa Thánh Thần. Các vị lãnh đạo và giáo dân thời ấy đã phải đau khổ tiến dần qua các giai đoạn phán đoán tốt nhất mà họ có thể thi hành, để theo sát lời giảng dạy của Đức Kitô mà không bị thiên lệch bên này hay bên kia.
* Lạy Chúa Giêsu, xin ban Chúa Thánh Thần cho chúng con để chúng con luôn theo sát lời giảng dạy của Chúa.
Suy niệm 4: Nhân từ
Đức Cyprian là một tổng hợp của sự nhân từ và can đảm, của hăng hái và điềm tĩnh.
Khi thành phố Carthage bị bệnh dịch, Đức Cyprian sống đức nhân từ bằng việc khuyến khích người Kitô giúp đỡ mọi người khác, kể cả những kẻ thù nghịch và bắt đạo.
Ngài mời gọi mọi người sống tinh thần hòa bình và yêu thương: "Bạn không thể coi Thiên Chúa như người Cha của bạn nếu bạn không coi Giáo Hội như người mẹ của bạn. Thiên Chúa là một và Đức Kitô là một, và Giáo Hội của Người là một; chỉ có một đức tin, và mọi người gắn bó với nhau là một qua sự hài hòa trong một thân thể được kết hợp chắc chắn. Nếu chúng ta là người thừa kế của Đức Kitô, hãy kết hợp trong sự bình an của Đức Kitô; nếu chúng ta là con cái Thiên Chúa, hãy trở nên người yêu chuộng hòa bình" (Thánh Cyprian, Sự Hợp Nhất của Giáo Hội Công Giáo).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con thực thi đức nhân từ đến mức yêu thương cả kẻ thù như Chúa dạy và nêu gương (Mt 5,44;Lc 23,34).
Suy niệm 5: Can đảm
Đức Cyprian là một tổng hợp của sự nhân từ và can đảm, của hăng hái và điềm tĩnh.
Với giáo quyền, ngài cũng can đảm không nao núng khi không công công nhận giá trị của bí tích Rửa Tội do những người lạc giáo và ly giáo cử hành, dầu ngay cả khi Đức Giáo Hoàng Stephen dọa tuyệt thông.
Về mặt chính quyền, ngài bị lưu đầy bởi lệnh của hoàng đế và sau đó được gọi về để xét xử. Nhưng ngài can đảm từ chối không chịu rời thành phố, nhất quyết để người dân chứng kiến việc tử đạo của ngài.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đủ dũng lực để bảo vệ chân lý đến cùng.
Suy niệm 6: Nóng nẩy
Cyprian nóng nẩy trong cuộc tranh luận về bí tích rửa tội.
Nhưng ngài đã suy nghĩ lại, vì đó chính là lúc ngài viết luận thuyết về sự kiên nhẫn. Thánh Augustine nhận xét rằng Đức Cyprian đã đền tội nóng nẩy của ngài bằng sự tử đạo.
Đức Giêsu vốn hiền lành (Mt 11,29), nhưng có lần Ngài cũng nổi nóng khi thấy người ta xúc phạm đến nơi cầu nguyện (Ga 2,16), do lòng nhiệt thành đối với nơi thờ phượng (Ga 2,17).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết kềm chế tính nóng nẩy vì chúng con chưa đủ mức thánh thiện.