Sống đức tin _ làm theo ý Chúa lúc này


LÀM THEO Ý CHÚA LÚC NÀY
Thảm kịch về “không làm theo ý Chúa” xem ra vẫn xảy ra, ngay lúc này, tại nơi chốn chúng ta đang sống. Rõ ràng, mà lại không nhìn ra, không nhận thấy. Thực là thảm kịch nguy hiểm.
ĐGM. GB Bùi Tuần
1. Lúc này, câu kết thúc kinh Lạy Cha đang trở thành một điều khẩn cấp đối với tôi. Tôi khẩn khoản cầu xin Chúa “cứu chúng con khỏi sự dữ”.
Tôi thấy sự dữ hiện nay là rất lớn, rất nhiều. Nếu muốn kể ra những gì là sự dữ mình phải chịu và muốn tránh, thì mỗi người xem ra sẽ rất vắn. Bởi vì hầu hết đều nghĩ rằng: Nói hết ra những gì là sự dữ mình phải chịu và muốn tránh, thì không những sẽ chẳng có lợi gì cho mình, mà còn gây thêm sự dữ cho mình. Ngay suy nghĩ như thế mà thôi cũng tự nó tố cáo sự mất tin tưởng hoặc giảm tin tưởng đối với nhau.
Tôi thấy sự mất hay giảm tin tưởng đối với nhau đang là một sự dữ trong xã hội và trong Giáo Hội. Sự dữ đó phản ánh một tình hình không ổn. Để cứu cho khỏi sự dữ đó, thì cần cứu cho khỏi sự dữ nào đang gây bất ổn nhiều nhất hiện nay. Theo tôi, sự dữ đó chính là sự không làm theo thánh ý Chúa.
2.
Ai không làm theo thánh ý Chúa sẽ không được vào Nước Trời, đó là điều bất hạnh, bất ổn hơn hết. Chúa Giêsu quả quyết: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa, lạy Chúa’, là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7,21).
Chúa Giêsu đã rất dứt khoát. Người chỉ thưởng những người thực sự làm theo thánh ý Chúa, chứ không phải những người coi như đạo đức, chuyên làm những việc tưởng là đạo đức, kể cả những việc đạo đức phi thường, nhưng thực sự những việc họ làm là do ý riêng họ, chứ không do thánh ý Chúa. Chúa Giêsu quả quyết: “Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Thầy mà nói tiên tri, nhân danh Thầy mà trừ quỷ, nhân danh Thầy mà làm nhiều phép lạ đó sao? Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ rằng: ‘Ta không hề biết các ngươi. Hãy xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác” (Mt 7,22-23).
3.
Càng suy gẫm những lời Chúa phán trên đây, tôi càng thấy lo sợ cho tôi và cho tất cả những người quen “nhân danh Chúa”, mà làm các việc có vẻ đạo đức.
Phải chăng, khi nói những lời cảnh cáo trên đây, Chúa Giêsu cũng đã nghĩ đến chúng tôi.
Theo những lời cảnh báo nghiêm khắc của Chúa Giêsu, thì đạo đức mà không thực hành đúng ý Chúa, sẽ là thảm kịch.
4.
Thảm kịch, vì cuộc đời gọi là đạo đức của mình không được Chúa chấp nhận, chính bản thân mình tưởng là đạo đức cũng không được Chúa kể là thuộc về Chúa.
Thảm kịch, vì sau cùng, cuộc đời gọi là đạo đức của mình, sẽ bị kết án nặng nề, đó là không được vào Nước Trời.
Thảm kịch, vì cuộc đời tự coi mình là đạo đức, tưởng như đã gây được uy tín, nhưng lại phải nếm mùi cay đắng của Lời Chúa: “Được cả thế gian này, mà phải mất linh hồn, thì có lợi gì?” (Mt 16,26).
Thảm kịch về “không làm theo ý Chúa” xem ra vẫn xảy ra, ngay lúc này, tại nơi chốn chúng ta đang sống. Rõ ràng, mà lại không nhìn ra, không nhận thấy. Thực là thảm kịch nguy hiểm.
5.
Điều gì hiện nay bị coi là không làm theo ý Chúa một cách nặng nhất? Theo thiển ý của tôi, đó là sự người ta mất ý thức về tội, mất thành thực nhận biết mình là kẻ có tội.
Khi mất ý thức về tội, và không thành thực nhận biết mình là kẻ có tội, người ta sẽ tự cho mình là tốt, không cần được Chúa cứu chuộc. Từ đó, con người trở nên kiêu căng, ngạo mạn và vô cảm. Mình không cần được Chúa cứu, và mình cũng không cần phải vất vả cứu ai.
Sống như thế là sống trong tình trạng thiếu khiêm nhường và thiếu yêu thương, đang khi khiêm nhường và yêu thương là hai nhân đức căn bản của nhân bản nói chung và của Phúc Âm nói riêng.
6.
Nhìn chung, tình trạng thiếu khiêm nhường và thiếu yêu thương đang có chiều hướng phát triển một cách phức tạp và tinh vi trong nhiều cá nhân và cộng đoàn thuộc Hội Thánh. Hậu quả sẽ bi thảm khôn lường nếu không sửa lại.
7.
Sửa lại bằng cách nào? Thưa là hãy vâng theo Lời Chúa, mà “tỉnh thức và cầu nguyện” (Mt 26,41).
Nếu tỉnh thức và cầu nguyện, chúng ta sẽ thấy ý Chúa hiện nay muốn chúng ta hãy làm chứng cho Chúa và rao giảng Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay bằng đường hướng, mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã vạch ra. Đường hướng đó là các môn đệ Chúa Giêsu hãy sống nghèo và lo cho người nghèo theo gương Chúa Giêsu..
Sống nghèo và lo cho người nghèo đòi phải khiêm nhường và yêu thương.
Khi xác định được thánh ý Chúa, chúng ta sẽ biết điều gì cần phải chọn.
Cần chọn đúng việc, chọn đúng cách, chọn đúng thời điểm, chọn đúng nơi, chọn đúng người. Thời điểm này rất cần những trái tim nhân ái giống trái tim Chúa Giêsu, một trái tim bén nhạy, biết mềm dẻo, hợp với từng người, từng hoàn cảnh, theo sự hướng dẫn của Thánh Linh.
Trước một tình hình nguy hiểm, bao giờ cũng có nhiều phương án để giải cứu. Chọn đúng phương án, mà Chúa muốn, đó là điều mọi người con Chúa nói chung, và mọi người đứng đầu cộng đoàn nói riêng, cần phải rất quan tâm. Chọn như thế là phải từ bỏ ý riêng, cho dù từ bỏ đó sẽ đắng cay.
8.
Tình hình hiện nay phải nói là nguy hiểm. Hội Thánh địa phương cần phải cải cách một cách khôn ngoan, một sự khôn ngoan, mà Chúa hứa ban cho những kẻ bé mọn, nhận biết mình tội lỗi, yếu đuối, rất cần được Chúa cứu (x. Lc 10,21). Đó là ý Chúa.
9.
Ý Chúa cũng muốn chúng ta nên biết điều này. Người Việt Nam rất quý trọng những gì là linh thiêng. Hiện nay họ đi tìm linh thiêng ở chính những con người. Ai sống khiêm nhường, yêu thương, nghèo khó, lo cho người nghèo, thường được họ coi là người toả ra một sức linh thiêng huyền nhiệm.
Chính những người sống khiêm nhường, yêu thương, nghèo khó, lo cho kẻ nghèo, cũng cảm được một hồng ân linh thiêng nào đó đến với mình. Hồng ân linh thiêng ấy càng sâu đậm, khi những người ấy vui lòng từ bỏ mình, chấp nhận vác thánh giá hằng ngày, để tham gia vào chương trình cứu chuộc của Chúa. Nói cho cùng, hồng ân linh thiêng quan trọng nhất là chính Chúa ở với họ.
Lạy Mẹ Maria, con nhận biết con là kẻ tội lỗi, yếu đuối, hèn hạ. Con cảm ơn Mẹ đã luôn giúp con tìm thánh ý Chúa. Xin Mẹ hãy mãi mãi thương con, mặc dầu con có lầm lỗi dại dột. Con phó thác mình con cho Mẹ. Ôi, Mẹ yêu dấu của con.
Long Xuyên, ngày 01 tháng 9 năm 2013.
+ GB Bùi Tuần