Tìm hiểu Lời Chúa _ Lễ Thánh Thể năm C


LỄ MÌNH MÁU CHÚA KI-TÔ - NĂM C
                                          St 14, 18-20; 1 Cr 11, 23-26; Lc 9, 11b-17
 BÀI ĐỌC I: St 14,18-20
            Khi ông Ab-ra-ham thắng trận trở về, có 18 ông Men-ki-xê-đê, vua thành Sa-lem, mang bánh và rượu ra; ông là tư tế của Thiên Chúa Tối Cao.19 Ông chúc phúc cho ông Áp-ram và nói: "Xin Thiên Chúa Tối Cao, Đấng dựng nên trời đất, chúc phúc cho Áp-ram! 20 Chúc tụng Thiên Chúa Tối Cao, Đấng đã trao vào tay ông những thù địch của ông! " Rồi ông Áp-ram biếu ông Men-ki-xê-đê một phần mười tất cả chiến lợi phẩm.
ĐÁP CA:
Đ. 4b Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê.     
1 Sấm ngôn của Đức Chúa ngỏ cùng Chúa Thượng tôi: "Bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt làm bệ dưới chân con."
2 Từ Xi-on, Đức Chúa sẽ mở rộng quyền vương đế của Ngài: Giữa lòng địch quân, xin Ngài làm bá chủ.
3 Đức Chúa phán bảo rằng: "Ngày đăng quang con nắm quyền thủ lãnh, vẻ huy hoàng rực rỡ tựa thần linh. Ngay trước lúc hừng đông xuất hiện, tự lòng Cha, Cha đã sinh ra Con."
4 Đức Chúa đã một lần thề ước, Người sẽ chẳng rút lời,rằng: "Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê."
BÀI ĐỌC II: 1 Cr 11, 23-26
            23 Thưa anh em, điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp, Chúa Giê-su cầm lấy bánh,24 dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: "Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy."25 Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: "Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy."26 Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết.
TUNG HÔ TIN MỪNG: Ga 6,51
Hall-Hall: Chúa nói: “Tôi là Bánh hằng sống từ trời xuống, ai ăn Bánh này sẽ được sống muôn đời”.Hall.
TIN MỪNG: Lc 9, 11b – 17
            11 Hôm ấy, Đức Giê-su nói với đám đông về Nước Thiên Chúa và chữa lành những ai cần được chữa.
12 Ngày đã bắt đầu tàn. Nhóm Mười Hai đến bên Đức Giê-su thưa Người rằng: "Xin Thầy cho đám đông về, để họ vào các làng mạc nông trại quanh đây, tìm chỗ trọ và kiếm thức ăn, vì nơi chúng ta đang ở đây là nơi hoang vắng."13 Đức Giê-su bảo: "Chính anh em hãy cho họ ăn." Các ông đáp: "Chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá, trừ phi chính chúng con phải đi mua thức ăn cho cả đám dân này."14 Quả thật có tới chừng năm ngàn đàn ông. Đức Giê-su nói với các môn đệ: "Anh em hãy bảo họ ngồi thành từng nhóm khoảng năm mươi người một."15 Các môn đệ làm y như vậy, và bảo mọi người ngồi xuống.16 Bấy giờ Đức Giê-su cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông.17 Mọi người đều ăn, và ai nấy được no nê. Những miếng vụn còn thừa, người ta thu lại được mười hai thúng.

ĐỜI SỐNG HỘI THÁNH
LÀ TẤM BÁNH HẰNG SỐNG
            Thánh Phao-lô đã nhắc lại việc Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể trong đêm Ngài bị nộp; Ngài đã truyền cho các môn đệ: “ Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (1Cr 11, 23–26: Bài đọc II). Đây không phải Chúa Giêsu muốn các môn đệ “đóng kịch” việc cầm lấy bánh rượu để hình dung Chúa Giêsu đã làm, mà tưởng nhớ đến cuộc tử nạn của Ngài, khác nào đạo diễn lừng danh Mel Gibson đã khéo léo dàn dựng cuốn phim “Cuộc Thương Khó Của Chúa Giêsu” làm xúc động bao tâm hồn trong mùa chay 2004! Mà lệnh truyền của Chúa Giêsu trong đêm bị nộp trở thành lời di chúc cho mọi thế hệ, để những ai tin theo Ngài phải làm HIỆN TẠI HOÁ mầu nhiệm Thánh Thể, như trình thuật hoá bánh, đã diễn tả đời sống Hội Thánh, để mỗi lần người công giáo khi dâng (dự) Lễ, là họ làm hiện tại hoá bốn điều sau đây:
ü      Hết lòng với Lời Chúa.
ü      Quên mình vì chăm sóc tha nhân.
ü      Ý thức xây dựng Hội Thánh.
ü      Để trở thành tư tế và của lễ.
I- CHỦ TẾ VÀ CỘNG ĐOÀN DÂN CHÚA HẾT LÒNG VỚI LỜI CHÚA:
                        1/ Chủ tế đối với Lời Chúa.
Chủ tế phải noi gương phục vụ của Chúa Giêsu, Ngài hết lòng lo giảng dạy Lời Chúa cho mọi người, xem ra Ngài quên cả nhu cầu thực tế của đám dân đến với Ngài đã ba ngày bụng đói như muốn rã người (x. Mt 15,32), thậm chí các môn đệ phải “trách khéo” Ngài: “Xin Thầy cho dân chúng giải tán để họ vào các làng mà kiếm của ăn”. Đức Giêsu lại bảo các ông: “Anh em hãy cho họ ăn”, các ông đáp: “Chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá, không thể đủ chia cho cả rừng người” (Lc 9,12-14a). Nay khi giáo dân đến dự Lễ với Linh mục, họ cũng là những kẻ đói ăn nên “xin cho chúng con lương thực hằng ngày” (Mt 6,11), thì chủ tế cũng không thể có đủ của cải vật chất để chia cho dân, nhưng chủ tế phải xác tín rằng: Chúa đòi chủ tế phải cho dân được no thỏa Lời Chúa, như Chúa Giêsu đồng hành với hai môn đệ về Emmau, Ngài không có của vật chất để chia cho họ, ngoại trừ Lời Chúa. Thế mà họ hết sức vui mừng sung sướng, tăng thêm nghị lực, họ vòng ngay trở lại Giêrusalem, một đoạn đường dài vừa đi vừa về khoảng 60 cây số để báo Tin Mừng cho các anh em ở Giêrusalem (x. Lc 24). Bởi thế, thánh Phaolô rất hãnh diện vì ông đã chu toàn sứ mệnh ngôn sứ: “Ngày hôm nay trước mặt anh em, tôi cam đoan rằng tôi hoàn toàn trong sạch về máu mọi người. Vì tôi đã không e ngại mà giấu giếm đi để không loan báo cho anh em tất cả ý định của Thiên Chúa” (Cv 20,26-27), và ông biết khi bị bắt đưa sang Roma xét xử, ông không còn có dịp để giảng Lời cho dân, nên ông đã nói với họ: “Tôi xin phó thác anh em cho Chúa và cho Lời ân sủng của Người, Lời có sức xây dựng và ban phần cơ nghiệp giữa hàng những kẻ được tác thánh hết thảy” (Cv 20,32). Vì thế mà Giáo huấn của Công Đồng Vat II trong Sắc Lệnh Về Chức Vụ Và Đời Sống Các Linh Mục số 4 viết: “Dân Chúa được đoàn tụ trước nhất là nhờ Lời Chúa hằng sống, Lời này phải được đặc biệt tìm thấy nơi miệng lưỡi các linh mục. Chính Lời cứu rỗi khơi động đức tin trong tâm hồn những người chưa tin, và nuôi dưỡng đức tin trong tâm hồn các tín hữu. Dó đó, các linh mục mắc nợ với mọi người về việc thông truyền cho họ chân lý Phúc Âm”.
Trong trình thuật hóa bánh dấu chỉ Đức Giêsu lập Bí tích Thánh Thể, Ngài ra lệnh cho các môn đệ: “Anh em hãy cho dân ăn!” (x. Lc 9,13) Nghĩa là khi Linh mục dâng Lễ, không phải người ta chỉ được ăn Chúa Giêsu Thánh Thể, mà giáo dân còn được “ăn cả chủ tế”. Vậy giáo dân ăn chủ tế cái gì, nếu không phải là được ăn lời giảng. Do đó nếu chủ tế dâng Lễ mà không chia sẻ Lời cho dân, thì như vậy chỉ có Chúa Giêsu cho họ ăn, có phải là Chúa Giêsu “cà thọt” hay không!! Chủ tế khi dâng Lễ không được thua anh bị phong hủi, hay anh điếc và ngọng, dù Đức Giê-su đã cấm họ không được nói về Ngài, thế mà họ càng nói nhiều hơn! (x. Mc 1,40t; 7, 36t) Như vậy, giảng về Đức Kitô không phải là Luật cho phép hay Luật buộc phải giảng, mà lời giảng phải được bung ra từ trái tim yêu nồng nàn, để nói như thánh Tông Đồ: “Tôi có sự thật về Đức Kitô, thì không ai bịt miệng tôi được!” (2Cr 11,10)
            2/ Giáo dân đối với Lời Chúa.
Dân chúng thì đông như kiến đến với Chúa Giêsu, họ bỏ công ăn việc làm, bỏ cả ăn uống, nghỉ ngơi, họ ngồi nghe giảng đến ba ngày, dù bụng ai cũng đói, nhưng chẳng hề có tiếng than trách: giảng gì mà dài thế! (x. Mt 15,32). Như vậy vào thời Đức Giêsu, dân tỏ ra rất quảng đại nghe Lời Ngài. Thế mà ngày nay, hầu hết mọi người lại chủ trương: ngày thường nếu có giảng thì khoảng 5-10 phút, Chúa nhật hay Lễ Trọng thì dài hơn một chút nữa. Hỏi dựa vào nền tàng nào để quy định giờ giảng như thế? Trong khi đó Lời Sách Thánh còn ghi lại tinh thần giảng của thánh Phaolô khi đến Troa, ông đã phục vụ giáo đoàn này suốt một tuần lễ, ngày cuối cùng ông biết ngày mai phải lên đường, không còn dịp nói với dân, nên ông kéo dài lời giảng đến quá nửa đêm, khiến anh Eutykho ngủ gật từ lầu ba nhào đầu xuống đất chết! Thế mà ông Phaolô thản nhiên đến bế xác anh đặt dưới chân và tiếp tục giảng cho đến sáng. Dứt buổi giảng, mọi người vui vẻ ra về cùng nhập chung đoàn người có anh Eytykho! (Cv 20,7-12)
Những hình ảnh trên đây là nét đẹp nhất của cộng đoàn Phụng Vụ Thánh Thể. Cả chủ tế đến giáo dân phải có tâm hồn quảng đại với Lời Chúa như trên, thì Lời Chúa mới thực sự đi vào tâm hồn và canh tân đời sống mỗi người được! Vậy xưa kia dân Do-Thái không tin Đức Giêsu là Chúa như người Kitô hữu hôm nay, mà họ rất quảng đại nghe Ngài giảng dạy đến ba ngày; còn dân Chúa thời nay liệu có dành được 30 phút để nghe Lời trong Thánh lễ không?
II- QUÊN MÌNH VÌ CHĂM SÓC THA NHÂN:
Chắc chắn Chúa Giêsu không muốn mọi người tấm tắc thán phục Ngài toàn năng: ít bánh mà biến ra nhiều vô chừng kể, thật là một phép lạ vĩ đại để giải quyết mọi cái bụng đói của dân. Vì nếu thế Ngài chỉ cần “hắt xì hơi, rơi bánh mì” là có dư bánh để mọi người ăn no, như xưa Chúa mưa man-na xuống cho dân trong sa mạc (x. Xh 16). Nhưng phép lạ Chúa Giêsu muốn biểu lộ ở đây là, những người được thấm Lời Chúa như các Tông Đồ, đã lo giải quyết nhu cầu của người ta trước nhu cầu của mình. Cụ thể không luật nào đòi buộc một người đang đói, có ít bánh để ăn, lại phải nhường cho người khác! Thế mà cả Thầy trò gồm 13 ngừơi đang lúc đói, chỉ còn 5 bánh và 2 cá không đủ chia cho nhau, họ lại sẵn sàng đem chia cho dân! Nếu có ai nghĩ rằng: còn quá ít bánh, chia nhau không đủ, cho quách đi! Thì hãy nhớ rằng: “Một miếng khi đói, bằng một gói khi no”, với bản năng tự vệ, dù họ có nhịn đói mà cho, chưa cao giá bằng họ dẹp cái tôi và hạ mình xuống đến liều mạng như ông Abraham đối với cháu Lót: Lót chỉ là đứa cháu đi theo chú, vậy mà lúc hai chú cháu đi tới cánh đồng trù phú cỏ xanh rờn ở miền Sôđôm, cả hai nhóm đầy tớ của ông Abraham và của Lót tranh nhau đồng cỏ tốt đến ẩu đả. Thấy vậy ông Abraham không lấy quyền chú cũng như cha ra nạt nộ cháu Lót; trái lại ông Abraham ôn tồn nói: “Chúng ta là con cháu các thánh, dòng giống Chúa tuyển chọn, mà lại đánh nhau vì lợi nhuận nơi cánh đồng cỏ sao? Thôi bây giờ miền đất nào cháu thích, cháu chọn trước đi, phần còn lại là của chú!” (x. St 13,8-10)
Thế là Lót chọn miền đất Sôđôm. Nơi đây Lót làm ăn lên như diều! Nhưng về sau miền đất mầu mỡ này lại là con mồi cho các vua chúa đến tranh giành! Chiến tranh xảy ra và tài sản của dân trong vùng, trong đó có Lót cũng bị mất trắng!!
Nghe tin ấy, ông Abraham không ngồi ở nhà rung đùi đắc chí vì cho là Chúa phạt Lót về tội tham lam, không biết kính trên nhường dưới! Trái lại, dù ông Abraham đã già gần 100 tuổi, ông vẫn quyết tâm lên đường, đánh bại các vua chúa ở Sôđôm, hòng lấy lại tài sản cho Lót!
Trên đường trở về trong vinh quang chiến thắng, ông đã được tung hô là người anh hùng số một! Vậy mà khi ông gặp Melkisedek – vừa là Tư Tế Tối Cao của Chúa, vừa là Vua Bình An (Salem). Ông Melkisedek đã đem bánh và rượu cho ông Abraham, đồng thời chúc lành cho ông Abraham. Ông Abraham đã dâng cho ông Melkisedek thập phân về hết mọi sự, một việc làm theo luật dạy chỉ dâng cho hàng tư tế nơi đền thờ (x. Dnl 12, 17-18; 14,12). Như vậy Abraham đã dâng của lễ sau chiến thắng trở về, là ông dâng lễ tạ ơn Chúa đã ban cho ông lòng nhân ái là vũ khí, giúp ông chiến thắng bản thân, và thắng mọi thứ gian ác! (St 14).
Vậy mỗi Kitô hữu khi hiệp dâng Lễ với Hội Thánh, họ phải đến với lòng nhân ái, quên mình để chăm sóc nhu cầu đồng loại. Bởi vì Chúa muốn: “Không ai ra trước nhan Chúa với bàn tay không” (Xh 23,15). Do đó dâng hiến cho Thiên Chúa đồng nghĩa với chia sẻ cho đồng loại. Đó là dấu của tình yêu, vì Chúa đã nói: “Ta muốn lòng nhân ái, chứ không muốn lễ vật ” (Hs 6, 6a).
III- Ý THỨC VIỆC XÂY DỰNG HỘI THÁNH CHÚA KITÔ:
Đức Giêsu ra lệnh cho các Tông Đồ thu lại những mẫu bánh dân ăn còn dư, được 12 thúng (x. Lc 9,17). Số 12 là số các Tông Đồ Chúa đặt làm nền tảng xây dựng Hội Thánh.
Vậy sống mầu nhiệm Thánh Thể không phải chỉ có lòng nhân ái lo cho nhu cầu đồng loại được cứu độ, mà còn có bổn phận xây dựng Hội Thánh và phát triển Tin Mừng. Sự đóng góp này Chúa chưa đòi ai phải nhịn ăn, bớt mặc để có của góp vào việc phát triển đức tin, mà Chúa chỉ nhắc cho mọi người thu gom lại của cải không cần thiết cho nhu cầu sự sống thân xác, hòng có của góp cho việc xây dựng Hội Thánh, phát triển Tin Mừng. Ví dụ ta định mua chiếc xe 40.000 dollars, thì ta nên chọn chiếc 39.000 dollars, để có dư 1.000 dollars đóng góp với Hội Thánh. Tưởng rằng chiếc xe 39.000 dollars dùng cũng tương đương chiếc 40.000 dollars. Hoặc ta đi chợ định tiêu hết 100 dollars, thì ta tiêu 90 dollars, cũng dư 10 dollars, tưởng rằng bữa ăn 90 dollars cũng tương đương bữa cơm 100 dollars. Nếu ngày nào cũng thế, mỗi tuần ta có khoảng 100 dollars đóng góp với Hội Thánh. Những số tiền tiêu bớt đi như thế, tưởng đó chỉ là của thừa cho nhu cầu sự sống của thân xác.
Chính vì vậy mà Hội Thánh đã ra thành luật – Điều răn thứ năm - cho mọi Kitô hữu “phải biết đóng góp theo khả năng cho nhu cầu Hội Thánh” (Sách Giáo Lý Hội Thánh số 2041-2043).
IV- MỖI KITÔ HỮU KHI THAM DỰ MẦU NHIỆM THÁNH THỂ, HỌ VỪA LÀ CỦA LỄ, VỪA LÀ TƯ TẾ:
Đây là nét khác biệt rõ nhất giữa lễ tế của Chúa Kitô với các lề lối tế tự của các tôn giáo khác: các tôn giáo ngoài Kitô giáo, người dâng lễ (tư tế) và lễ vật khác nhau. Các tín đồ đưa lễ vật đến “khoán” cho các tư tế cầu thay nguyện giúp người dâng. Trái lại, ngừơi Ki-tô hữu tham dự mầu nhiệm Thánh Thể, thì tư tế và lễ vật là một, khởi đi từ Bí tích Thánh Tẩy, để nhờ Đức Kitô, với Đức Kitô và trong Đức Kitô, họ trở nên một hy tế với Chúa Kitô dâng lên Chúa Cha, sau một đời phục vụ mọi người theo lệnh Chúa Cha đã truyền, để được Chúa nói:
“Con là Thượng tế đến muôn đời, theo phẩm trật Melkisedek” (x. Tv 110/109,4: Đáp ca). Và con thưa cùng Cha: “Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể; Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu chiên cừu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài ” (Dt 10, 5-7).
Vậy việc tôn thờ Chúa qua Bí tích Thánh Thể là làm hiện tại hoá bốn điều trên đây. Điều ấy chỉ có được khi cả chủ tế và cộng đoàn hiệp nhau dâng Lễ đều phải là những người “say Lời Chúa”, như các Tông Đồ trong ngày lễ Ngũ Tuần (x. Cv 2, 4.13).
Năm 1998, Eu-rô tổ chức đá banh giữa các nước Âu Châu ở Pháp, có nhiều ông chồng mê xem bóng đá, đến nỗi bỏ mặc vợ con, bê trễ việc bổn phận! Thế là các bà vợ đi mua “thẻ vàng tình yêu” dúi vào tay các “đức ông chồng” để cảnh tỉnh nhắc nhở các ông phải nhớ bổn phận đối với gia đình!
Thế thì ai mê xem đá banh, hoặc lo lắng việc đời, để rồi biện minh cho mình không có điều kiện đi dự Thánh Lễ, thì hãy trao cho họ “thẻ đỏ tình yêu!”.
THUỘC LÒNG.
Theo Lc 9,12-17: Bí tích Thánh Thể không chỉ có Chúa Giêsu nuôi ta, mà còn có người Công Giáo cộng tác với Chúa nuôi đồng loại. Bởi vì Chúa đã lấy bánh của môn đệ mà chia cho dân.
Lm Giuse Đinh Quang Thịnh