CHA ƠI! SAO CHA NỠ BỎ CON?
Cái khổ và cái hèn của kẻ nghèo khổ
đau được tôi cảm thấy một cách thấm thía, như một sự loại trừ, xa tránh. Tôi biết
tôi đáng bị như thế. Nhưng tại sao thân phận như thế lại đã xảy ra cho chính
Chúa Giêsu xưa?
ĐGM. GB Bùi Tuần
1. Nhiều năm trước đây,
khi cầu nguyện trước Trái Tim Chúa Giêsu và Trái tim Đức Mẹ, tôi thường nhìn
Hai Trái Tim cực thánh ấy như suối nguồn tình yêu. Tôi tin tình yêu ấy rất ngọt
ngào, dịu dàng. Tôi cầu xin Hai Trái Tim cực thánh ban cho tôi chút quà của
tình yêu ấy. Kết quả là tôi đã nhiều lần được nếm sự ngọt ngào, dịu dàng của
tình yêu ấy.
2. Nhưng rồi, không luôn
mãi như vậy. Bởi vì, càng về già, tôi càng được Hai Trái Tim cực thánh ban cho
tôi thêm một thứ quà khác của tình yêu, đó là những đau khổ, để thanh luyện.
Đúng là tôi vẫn đến với Hai Trái Tim rất thương mến, mà tôi cậy
tin. Tôi cầu xin tha thiết. Nhưng như một trả lời, có lúc tôi lại nhận được một
nguồn đớn đau tê tái.
Nỗi đau như một cái gì cùng cực. Nếu muốn tả nỗi đau ấy, tôi chỉ
xin mượn Phúc Âm.
Trong vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu nói: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết
được” (Mc 14,34).
“Người lâm cơn xao xuyến
bồi hồi, nên càng khẩn thiết cầu xin. Và mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống
đất” (Lc 22,44).
“Người sấp mặt xuống đất,
cầu nguyện rằng: Cha ơi, nếu được, xin Cha cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin
đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39).
“Vào giờ thứ 9, Đức Giêsu
kêu lớn tiếng: Êlôi, Êlôi, Lamaxabactani! Nghĩa là: Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa
của con, sao Cha nỡ bỏ con” (Lc 15,34).
3. Như vậy, Thánh Tâm
Chúa Giêsu, vì yêu thương, đã chấp nhận trải qua những cơn đau khủng khiếp.
Thánh Tâm đầy lửa yêu thương đã trở thành vực thẳm đầy đau khổ. Những đau khổ
đó rất nặng nề. Tôi được cảm thấy phần nào.
Chúa cho tôi hiểu thế này.
Nguyên do khiến tình yêu Chúa Giêsu phải đau khổ là vì:
Người nhìn thấy con cái Chúa không chịu nghe Lời Chúa, mà lại
nghe ma quỷ, thế gian, xác thịt.
Nghe theo chúng làm những sự xấu, để rồi bị chúng trói buộc vào
quyền lực độc ác của chúng dẫn vào con đường hư hỏng, đi vào hoả ngục.
Để cứu loài người, Chúa Giêsu tình nguyện chịu đau khổ, để đền tội
thay. Đau khổ rất nhiều, nhưng biết bao người rồi vẫn cứ tiếp tục phạm tội, cứ
tiếp tục nghe quỷ, thế gian, xác thịt hơn nghe Chúa. Cứ vậy, tội lỗi dẫn vào mọi
thứ hình phạt ở đời này và ở đời sau. Cảnh tượng đó rất là thê thảm, khiến Chúa
Giêsu đau đớn.
4. Để tiếp tục cứu loài
người lầm lạc, Chúa Giêsu không những xin gánh mọi hình phạt của loài người, để
đền tội thay, mà cũng xin nhiều con cái Chúa hãy chia sẻ với Người. Đức Mẹ đã
chia sẻ một cách quảng đại. Nhiều người, cũng đi theo gương Đức Mẹ. Nay, đến lượt
một số người, trong đó có tôi đang được Chúa gọi đi theo trên con đường chia sẻ
khổ đau.
5. Khi được nếm phần nào
nỗi khổ của Trái Tim Chúa, tôi hiểu rõ hơn những tai hại khủng khiếp do tội gây
nên, nhất là tội không chịu nghe Lời Chúa. Hiện nay, tội không nghe Lời Chúa
đang trở thành phổ biến khắp nơi. Nếu cứ thế này, những tai hoạ khủng khiếp sẽ
phải xảy ra. Nguy hiểm đáng sợ nhất là hình phạt ở đời sau.
Tôi nhớ tới những gì Đức Mẹ đã tiên báo ở Fatima.
Tôi nhớ tới cảnh Đức Mẹ hiện ra khóc ở La Salette. Tôi xin Đức Mẹ thương giúp
tôi biết đón nhận những đau khổ, để góp phần nhỏ bé vào việc đền tội riêng mình
và nhiều người khác, hy vọng sẽ tránh cho Hội Thánh và Đất Nước khỏi những tai
hoạ khủng khiếp.
6. Đau khổ thường gây nên
tan nát và cô đơn trong lòng. Nhưng tôi tin trong đau khổ của tình yêu luôn có
Chúa. Chúa ở đó, để đỡ nâng. Nhất là Người đỡ nâng lòng cậy trông của tôi. Cậy
trông vững vàng. Cậy trông dù hoàn cảnh trở thành bi đát nhất. Cậy trông, để
đau khổ tôi chịu có một ý nghĩa thiêng liêng cao quý.
7. Tôi có kinh nghiệm là
khi tôi bị thử thách trong đau khổ, Đức Mẹ luôn ở bên tôi. Mỗi khi tôi than van
với Chúa: “Lạy Cha, sao Cha nỡ bỏ con”, tôi lại thấy Đức Mẹ ôm lấy tôi. Tình Mẹ
biến lời than van của tôi thành một lời cầu nguyện. Tôi như một trẻ nhỏ. Với Mẹ,
tôi tin mọi sự rồi sẽ tốt đẹp quá sự tưởng tượng của tôi. Bởi vì Chúa là Cha của
tôi. Tôi nhớ tới mầu nhiệm thánh giá dẫn tới Phục sinh.
Do vậy, tôi thấy đau khổ hôm nay không là tiếng nói sau cùng. Tiếng
nói sau cùng sẽ là sự sống lại.
Tôi cũng thấy sự thắng thế của tội ác không là tiếng nói sau
cùng. Tiếng nói sau cùng sẽ là tiếng nói của tình yêu thương xót Chúa.
Thấy như vậy và tin như vậy, tôi sẽ có một hướng đi thích hợp
cho tu đức, mục vụ, nhất là trong lãnh vực làm chứng cho Chúa.
8. Khi cầu nguyện, tôi
hay thấy Chúa Giêsu quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ. Người rất khiêm nhường.
Người rất yêu thương. Người rất gần gũi. Tôi cảm thấy Người rửa, Người lau cõi
lòng của tôi. Tôi cảm thấy nhẹ nhàng, đầy tin tưởng cậy trông, mặc dầu tôi rất
tội lỗi.
Cùng với lòng tin tưởng cậy trông, tôi được Đức Mẹ dạy tôi là
hãy rất nghèo, thực sự nghèo, trong mọi phương diện. Có thế, mới thực sự được
thuộc về Chúa Giêsu. Có thế, mới thực sự được Chúa Giêsu dùng trong chương
trình cứu chuộc của Chúa.
Nghèo thì khổ. Nghèo thì hèn. Cái khổ và cái hèn của kẻ nghèo khổ
đau được tôi cảm thấy một cách thấm thía, như một sự loại trừ, xa tránh. Tôi biết
tôi đáng bị như thế. Nhưng tại sao thân phận như thế lại đã xảy ra cho chính
Chúa Giêsu xưa? Tôi hiểu con đường Chúa đi, để cứu chuộc loài người, là con đường
thánh giá. Tôi xin Chúa cầm tay tôi mà dắt dìu tôi đi theo con đường đó.
Lạy Chúa, con đường thánh giá của Hội Thánh tại Quê Hương con sắp
tới những chặng bất ngờ. Con tin những đau đớn bất ngờ sẽ làm chúng con thức tỉnh
biết nghe Lời Chúa hơn. Xin Chúa thương xót chúng con.
Long Xuyên, ngày 9 tháng
6 năm 2013