Danh xưng phải chính xác về các vấn đề
tôn giáo để tránh hiểu lầm hay xuyên tạc mục đích.
Trong
thực tế, nhiều người đã lầm lẫn khi dùng cụm từ “Đạo Thiên Chúa” hay “Thiên
Chúa Giáo” để chỉ Đạo Công Giáo (Catholicism) tức là Đạo thánh mà chính Chúa
Giêsu Kitô đã rao giảng và thiết lập Giáo Hội trên nền tảng Tông Đồ như phương
tiện để loan truyền và mang ơn cứu độ của Chúa đến cho mọi dân mọi nước cho đến
ngày mãn thời gian.
Đó là
Đạo cứu rỗi mời gọi mọi người đón nhận để được sống hạnh phúc đời đời với Thiên
Chúa trong Vương Quốc tình yêu của Ngài.
Xét về
từ ngữ (terminology) thì danh xưng Đạo Thiên Chúa nghe có vẻ hợp lý vì mục đích
tôn thờ Thiên Chúa là Chủ tể vạn vật và vũ trụ. Nhưng nếu đi sâu vào nội dung
thần học, thì danh xưng này không phân biệt rõ đối tượng và mục đích tôn thờ của
các tín hữu có cùng niềm tin vào Thiên Chúa (God) nói chung và Chúa Cứu Thế
Giêsu nói riêng. Các tín hữu này hiện đang phân tán trong các Giáo Hội hay Đạo
có danh xưng khác nhau như sau:
1- Do Thái Giáo (Judaism), hay còn gọi là Đạo Mai-sen (Mosaic
Religion) là Đạo tôn thờ Thiên Chúa Yahweh, là Cha của các Tổ Phụ Abraham,
Isaac và Israel (Jacob). Ngài cũng là Đấng, qua tay ông Mai-sen, đã giải phóng
cho dân Do Thái thoát ách thống khổ bên Ai Cập và mang họ vượt Biển Đỏ trở về
quê hương an toàn. Và cũng qua trung gian ông Mai-sen, Thiên Chúa đã truyền cho
dân Do Thái và cho cả nhân loại ngày nay Mười Điều Răn như giao ước phải thi
hành để được chúc phúc và được sống với Thiên Chúa là tình thương. Tín hữu
DoThái thuộc Đạo này cho đến nay vẫn chỉ tôn thờ một Thiên Chúa Yahweh độc nhất
mà thôi (monotheism). Họ không có ý niệm gì về một Thiên Chúa Ba Ngôi (The Holy
Trinity) vì họ không nhìn nhận Chúa Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa, đã xuống thế
làm Người để cứu chuộc nhân loại. Họ cũng không biết gì về Chúa Thánh Thần, mặc
dù Kinh Thánh Cựu Ước có hé mở chút ánh sáng về Ba Ngôi Thiên Chúa qua trình
thuật Ba người khách lạ đến thăm ông Abraham và được ông niềm nở đón tiếp dù
không biết họ là ai (x. St 18,1-15).
Cũng
vì không nhìn nhận Chúa Cứu Thế Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa và Phúc Âm của Người
nên Kinh Thánh của Do Thái Giáo chỉ có phần Cựu Ước mà thôi.
2- Công Giáo La Mã (Roman Catholicism) chính là Kitô Giáo, tức là Đạo
Cứu Rỗi do Chúa Kitô khai sinh với việc Người xuống trần gian làm Con Người, đi
rao giảng Tin Mừng, chữa lành và cuối cùng chết trên thập giá để hoàn tất công
cuộc cứu chuộc cho loài người khỏi chết vì tội.
Đạo
Công Giáo tôn thờ Thiên Chúa Ba Ngôi cùng một bản thể (substance) và uy quyền
như nhau. Thiên Chúa của Đạo Công Giáo là Thiên Chúa của Chúa Kitô (Christian
God) và cũng là Thiên Chúa của các Tổ Phụ Do Thái. Do đó, Kinh Thánh của Giáo Hội
Công Giáo gồm cả hai phần Cựu Ước (Old Testament) và Tân Ước (New Testament) với
tổng cộng 73 Sách thánh mà Giáo Hội Công Giáo dạy tín hữu phải đọc để nuôi dưỡng
đời sống đức tin nhờ nghe Lời Chúa để biết sống theo đường lối của Người.
3- Chính Thống Giáo là Nhánh Kitô Giáo Đông Phương (Eastern Orthodox
Churches) đã tách ra khỏi Giáo Hội Công Giáo La Mã từ năm 1054 vì một số bất đồng
về tín lý, phụng vụ và quyền bính. Cho đến nay, nhánh này vẫn chưa hiệp nhất trọn
vẹn được với Giáo Hội Công Giáo La Mã dù cả hai bên đã có nhiều thiện chí và cố
gắng để xích lại gần nhau. Công Giáo và Chính Thống đều có chung nguồn gốc Tông
Đồ (Apostolic succession) nên có chung các bí tích hữu hiệu như nhau, mặc dù vẫn
chưa thể hiệp nhất được vì một trở ngại duy nhất là vấn đề quyền bính của Đấng
thay mặt Chúa Kitô để cai trị Giáo Hội. Đó là quyền bính của Đức Thánh Cha,
cũng là Giám Mục Rôma, mà anh em Chính Thống chưa công nhận.
4- Tin Lành (Protestantism) là Nhánh Kitô Gíáo đã ly khai khỏi
Công Giáo và Chính Thống Giáo sau những cuộc cải cách (reformations) do Martin
Luther chủ xướng tại Đức năm 1517, lan qua Pháp với John Calvin, Thụy sĩ với
Ulrich Zwingli .
Nhưng
chính nội bộ nhánh này sau đó cũng đã phân chia thành hàng ngàn các nhánh nhỏ
khác nhau như Baptists, Methodists, Lutherans, Presbyterians, Episcopalians,
Pentecostals, Quakers, Church of Christ v.v.. Họ cũng tôn thờ một Thiên Chúa và
tin Chúa Kitô là Cứu Chúa (Savior) cũng như lấy Kinh Thánh làm nền tảng cho niềm
tin và sứ vụ giảng dạy (Preaching ministry), nhưng khác biệt với Công Giáo và
Chính Thống Giáo về nhiều điểm căn bản liên quan đến thần học, bí tích, phụng vụ,
quyền bính và Kinh Thánh (họ giải thích Kinh Thánh theo cách hiểu riêng của họ).
Thêm vào đó, cũng như Chính Thống Giáo, các nhánh Tin Lành đều không công nhận
vai trò và quyền bính tối cao của Đức Giáo Hoàng La Mã. Một điểm quan trọng nữa
cần nói thêm là các nhánh Tin Lành này đều không có nguồn gốc Tông Đồ
(Apostolic succession) nên họ không có các bí tích hữu hiệu như Công Giáo Giáo
và Chính Thống trừ phép Rửa mà đa số họ có.
5- Anh Giáo (Anglicanism) tức nhóm Kitô Giáo đã tách khỏi Công
Giáo La Mã vì sự bất mãn liên quan đến vấn đề hôn nhân của Vua Henry VIII trong
thế kỷ XVI. Henry VIII đã tuyên bố ly khai khỏi Công Giáo La Mã và tự phong làm
thủ lãnh nhánh ly khai này. Nhóm này có tên chung là Anglican Communion, tức là
Anh Giáo, hoàn toàn khác với Giáo Hội Anh Quốc (The Church of England) là Giáo Hội Công Giáo của
nước Anh hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo La Mã (Roma)
Nhưng
cách nay gần hai năm, một biến chuyển mới trong liên hệ giữa Anh Giáo và Giáo Hội
Công Giáo là có một nhóm khá đông các tín hữu Anh Giáo cũng với giáo sĩ của họ
đã xin gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Để đón mừng và tạo điều kiện thuận lợi cho
nhóm cựu Anh Giáo này, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, ngày 9-11-2009 đã cho công
bố Tông Thư “Anglicanorum coetibus” (Các tín hữu Anh Giáo) theo đó Tòa Thánh
cho phép thiết lập các Giáo Hạt tòng nhân trong ranh giới của một số Giáo Phận
Công Giáo ở Anh Quốc và xứ Wales để cho các cựu tín hữu Anh giáo được cử hành
các nghi thức phụng vụ và bí tích theo nghi thức của truyền thống Anh Giáo đã
được Tòa Thánh phê chuẩn.
Mới
nhất, ngày 15-1-2011 vừa qua, ba cựu giám mục Anh Giáo đã được phong chức linh
mục Công Giáo tại Thánh Đường Westminster, Luân Đôn. Và một trong ba tân linh mục
này, cha Keith Newton đã được cử làm Quản Hạt tòng nhân Đức Mẹ Walsingham, một
Hạt tòng nhân đầu tiên mới được thành lập ngày 15-1 vừa qua để đón nhận các cựu
tín hữu Anh Giáo gia nhập Giáo Hội Công Giáo.
Sở dĩ
có việc truyền chức cho các cựu giám mục Anh Giáo là vì Giáo Hội Công Giáo
không công nhận Anh Giáo có bí tích Truyền Chức hữu hiệu, nên các cựu linh mục
và giám mục Anh Giáo, nếu muốn, đều phải xin thụ phong linh mục Công Giáo trước
và sau này có thể có linh mục được chọn làm giám mục Công Giáo.
Lại nữa,
vì Anh Giáo cho các linh mục và giám mục của họ kết hôn, nên sau khi được thụ
phong linh mục Công giáo, họ vẫn được phép tiếp tục sống với vợ con.
Ngoài
ra, còn phải kể thêm một tôn giáo lớn nữa cũng tôn thờ Thiên Chúa mà họ gọi là
Đấng Allah. Đó là Đạo Hồi (Islam) do Muhammad sáng lập vào năm A.D. 622. Từ
ngữ Islam trong tiếng Ả Rập có nghĩa là “Tuân phục ý muốn của Thiên Chúa =
(Submission to the will of God) nhưng Đạo này khác xa Đạo Do Thái, Công Giáo và
các Nhánh Kitô Giáo nói trên về nhiều mặt. Thí dụ họ chỉ coi Chúa Giêsu là một
người thường, một tiên tri như Abraham, Moses, Noah v.v. và kinh thánh của họ
là kinh Koran.
Như vậy,
không có đạọ nào gọi là Đạo Thiên Chúa (Deism) đúng nghĩa với danh xưng này cả vì trong
thực tế thì tất cả các Nhánh hay Đạo mang các danh xưng riêng biệt trên đây đều
tôn thờ Thiên Chúa (God) nhưng với nội dung thần học khác nhau, kể cả khác biệt
về phương thế thể hiện sự tôn thờ đó (Liturgy). Nói khác đi, các Nhánh Kitô
giáo và Do Thái giáo nói trên, tuy cùng tôn thờ Thiên Chúa, nhưng rất khác nhau
về quan điểm thần học, bí tích, phụng vụ, mục vụ và quyền bình. Do đó, không thể
gọi Đạo Công Giáo là Đạo Thiên Chúa cách chung được vì như vậy sẽ lẫn lộn với
các đạo cùng tôn thờ Thiên Chúa nhưng khác nhau về nhiều điểm như đã nói trên
đây.
TẠI SAO PHẢI GỌI KITÔ GIÁO LA MÃ LÀ ĐẠO CÔNG GIÁO?
Để trả
lời câu hỏi này, chúng ta cần nhớ lại từ đầu Thiên Chúa (God) chỉ tỏ mình ra
cho dân Do Thái và chọn dân này làm dân riêng mà thôi: “Vậy giờ đây, nếu các ngươi thực sự nghe tiếng Ta và giữ giao ước của
Ta, thì giữa hết mọi dân, các ngươi sẽ là sở hữu riêng của Ta.” (Xh 19,5)
Như
thế, trước khi Chúa Giêsu xuống thế làm Con Người, chỉ có dân Do Thái được biết
Thiên Chúa Yahweh là Cha các Tổ Phụ của họ, là Đấng đã giải phóng họ và ban cho
họ Mười Điều Răn làm Giao Ước (Covenant) mà thôi. Ngoài Dân Do Thái ra, các dân
khác đều là dân ngoại (gentiles) vì không biết Thiên Chúa Yahweh của dân Do
Thái.
Nhưng
sau khi Chúa Giêsu giáng sinh ở Bethlehem, Chúa đã tỏ mình ra cho các dân ngoại
qua ánh sao lạ ở Phương Đông, mời gọi ba đạo sĩ dân ngoại đầu tiên đến thờ lạy
Chúa (x. Mt 2:1-12). Sự kiện này đã nói lên nét phổ quát (universality) của ơn
cứu độ. Nghĩa là ơn này được dành cho hết mọi dân tộc, không chỉ riêng cho dân
Do Thái. Vì thế, trước ngày về trời Chúa Giêsu đã truyền cho các Tông Đồ: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành
môn đệ, rửa tội cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.”
(Mt 28,19).
Đây
là lý do vì sao Đạo của Chúa Kitô (Christianity) được gọi là Đạo Công Giáo vì mục
đích phổ quát của ơn cứu độ mà Chúa đã mang đến cho nhân loại qua Hy Tế thập
giá của Người. Vì thế từ ngữ “Công Giáo” ở đây có nghĩa là chung, là phổ quát
(universal), dành cho hết mọi người không phân biệt màu da, tiếng nói và văn
hóa. Như vậy từ ngữ “công giáo” (catholicam = catholique = catholic…) không hề
có nghĩa là công cộng (public) như có người không hiểu biết gì nhưng đã có ác ý
dịch ẩu Đạo Công Giáo sang tiếng Anh là Public Religion. Dịch như vậy cũng
tương tự như người mới học tiếng Anh đã tự ý dịch nước đá (ice) là “water
stone”! Cũng vậy, nếu biết tiếng Anh đủ và có đọc sách vở viết bằng Anh ngữ về
các thuật ngữ (terms) của Kitô Giáo, thì tội tổ tông, người Anh Mỹ gọi là
Original sin, người Pháp gọi là Péché originel, người Tây Ban Nha gọi là
`Pecado original’ chứ không ở đâu có từ ngữ “father’s sin” để chỉ tội tổ tông cả.
Dịch kiểu này thì người Anh Mỹ không thể nào hiểu đúng ý của người dịch được.
Tóm lại,
danh xưng phải chính xác về các vấn đề tôn giáo để tránh hiểu lầm hay xuyên tạc
mục đích. Cụ thể, Đạo Công Gíao (Catholicism) là Đạo mà chính Chúa Giêsu đã
khai sinh và giảng dạy để mang ơn cứu độ của Thiên Chúa đến cho mọi người thành
tâm thiện chí muốn đón nhận để được cứu rỗi và sống đời đời. Giáo Hội Công Giáo
là Giáo Hội duy nhất Chúa Kitô đã thiết lập để tiếp tục rao giảng và chuyển chở
ơn cứu độ đó đến cho những ai muốn tiếp nhận. Giáo Hội này được đặt dưới quyền
lãnh đạo của Đức Giáo Hoàng là Người duy nhất nối tiếp Sứ vụ chăn dắt đoàn
chiên của Chúa Kitô với sự hiệp thông và vâng phục trọn vẹn của các Giám mục
trong toàn Giáo Hội.
Đó là
những nét đại cương để phân biệt Đạo và Giáo Hội Công Giáo với các Đạo cùng tôn
thờ Thiên Chúa nhưng đang hoạt động bên ngoài Giáo Hội Công Giáo.
Lm
Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn