THÁNH THỂ: BÍ TÍCH HIỆP THÔNG
Khi diễn tả hành vi của tình yêu cho
người mình thương mến, chúng ta thường trao cho họ những kỷ vật để làm bằng chứng
về tình yêu mà mình muốn dâng hiến. Với người đón nhận thì tặng vật đó không chỉ
đơn thuần là một kỷ niệm, nhưng nó còn là sự hiện hữu của chính người tặng quà.
Cũng vậy, khi Chúa Giêsu đến trần gian
để cứu độ con người, và khi biết mình sắp trở về với Đấng đã sai mình, Người đã
yêu thương họ đến cùng, Người cũng để lại cho Giáo Hội một bảo chứng để diễn tả
tình yêu tuyệt đối của Người cho nhân loại, đó là Bí tích Thánh Thể.
Vì vậy, Bí tích ThánhThể là “nguồn mạch và chóp đỉnh của tất cả đời sống
Kitô giáo” (x. LG, số 11). Thật vậy, trải qua bao thế hệ, Giáo Hội luôn coi
Bí tích Thánh Thể là gia tài của mình, nơi đó tuôn chảy và phát xuất ra mọi
năng lực của Giáo Hội (x. Porta Fidei, số 9).
Khi thiết lập Bí tích này, Chúa Giêsu
hiện diện trực tiếp để trở nên của ăn, của uống nuôi linh hồn con người. Đồng
thời Người cũng muốn mọi người khi đã rước Mình và Máu Người thì cũng được liên
kết, hiệp thông với nhau trong cùng một tinh thần.
1. Thánh Thể: Bí tích hiệp thông
Thật vậy, mỗi khi chúng ta tham dự Tiệc
Thánh Thể, ấy là những lúc chúng ta sống trong sự hiệp thông sâu xa với Chúa và
với nhau. Khi rước lễ, chúng ta đón nhận chính Chúa Giêsu. Mà Chúa Giêsu là Đầu
của Giáo Hội thì chúng ta cũng được hiệp thông với nhau trong Chúa Giêsu với tư
cách là thân mình của Người. Sự hiệp thông này gợi lại cho chúng ta lời cầu
nguyện của chính Chúa Giêsu: “Như, lạy
Cha, Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để họ cũng ở trong Chúng Ta, như vậy,
thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai Con.” (Ga 17,21).
Trong Kinh Tiền tụng Thánh Thể cũng nhắc
lại cho chúng ta ý nghĩa này: “Chúng con
nài xin Chúa cho chúng con khi thông phần Mình và Máu Đức Kitô, được quy tụ nên
một nhờ Chúa Thánh Thần.” Công thức này cho thấy rõ ràng hiệu quả của Bí
tích Thánh Thể: là sự hiệp nhất của các tín hữu trong sự hiệp thông với Giáo Hội.
Như thế Bí tích Thánh Thể tỏ hiện là nền tảng của Giáo Hội - mầu nhiệm hiệp
thông.
Trong Thông điệp Giáo Hội sống nhờ
Thánh Thể, Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã khai triển rõ ràng và sâu xa,
giúp toàn thể Giáo Hội sống hiệp thông với Chúa. Ngài viết:
“…
Thánh Thể xuất hiện như là đỉnh cao của tất cả các Bí tích, vì nó làm cho nên
hoàn thiện mối hiệp thông của chúng ta với Thiên Chúa Cha, bằng cách đồng hoá với
Người Con yêu dấu duy nhất của Người nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần.”
Để sự hiệp thông được lớn lên, cần có
đời sống ân sủng, nhờ đó chúng ta trở nên “những
người thông phần bản tính Thiên Chúa” (2 Pr 1,4). Cũng vậy, khi pha chút nước
vào rượu, linh mục dâng lời nguyện để nói lên sự thông phần đó: “Nhờ dấu chỉ nước hoà rượu này, xin cho
chúng con được tham dự vào thần tính của Đấng đã đoái thương thông phần nhân
tính của chúng con.”
Khi chúng ta hiệp thông với Chúa
Giêsu, thì cũng có nghĩa là chúng ta hiệp thông với Ba Ngôi Thiên Chúa. Khi
chúng ta được sống trong sự hiệp thông với Thiên Chúa thì cũng là lúc chúng ta
hiệp thông với nhau cách trọn vẹn. Thánh Augustinô đã làm nổi bật sự thông phần
vào bản thể của Thánh Thể khi nói: “Nếu
anh em là thân thể Đức Kitô, là chi thể của Người, anh em sẽ thấy đặt trên bàn
của Chúa mầu nhiệm của anh em. Vâng, anh em sẽ nhận lãnh mầu nhiệm của chính
mình.” Từ những lập luận trên, ngài đã kết luận như sau: “Chúa Kitô… đã thánh hiến trên bàn thờ mầu
nhiệm bình an và hiệp nhất của chúng ta. Bất cứ ai nhận lãnh mầu nhiệm hiệp nhất
mà không duy trì những mối giây hòa bình thì không nhận lãnh mầu nhiệm của Người
để được cứu độ, nhưng nhận lãnh một bằng chứng chống lại chính mình.” (x. EDE 34…).
2. Bí tích Thánh Thể liên kết mọi thành phần Dân Chúa
Thật thế, khi ta đón nhận Bí tích
Thánh Thể cách xứng đáng là ta đi vào mầu nhiệm hiệp thông trong Giáo Hội. Đây
chính là một trong những đặc tính “duy nhất” của Giáo hội Công giáo. Sự hiệp
thông ấy trước tiên là với Đức Giáo hoàng. Thứ đến là các Giám mục, Linh mục và
mọi thành phần Dân Chúa.
Trong những ngày này, toàn thể Giáo Hội
thể hiện sự hiệp thông đó qua việc hưởng ứng lời mời gọi của Đức Giáo hoàng hướng
về Thánh Thể như là sự hiệp thông tuyệt hảo. Đây là nền tảng vĩnh cửu và hữu
hình, bởi vì: mọi cuộc cử hành thành sự Bí tích Thánh Thể đều diễn tả sự hiệp
thông phổ quát này với vị đại diện Chúa Kitô và là người kế vị Thánh Phêrô. Hiệp
thông với ngài là hiệp thông với toàn thể Giáo Hội… Chính vì sự hiệp thông mầu
nhiệm này, mà trong “Năm Đức Tin”, Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI trong
Tông thư “Porta fidei”, đã kêu gọi toàn thể Giáo Hội chầu Thánh Thể vào ngày mồng
2-6 tại Giáo phận Rôma và các giáo phận trên toàn thế giới. Tại Rôma, Đức Thánh
Cha Phanxicô sẽ cử hành vào lúc 17 giờ (giờ Rôma), tức 22 giờ (giờ Việt Nam ). Sự kiện
này cho thấy tính hoàn vũ và tinh thần hiệp thông sâu rộng. Khi cử hành việc
tôn sùng Thánh Thể cách công khai và mang tính hoàn vũ như thế, Giáo Hội muốn
nhắc cho chúng ta nhớ lại những hồng ân cao cả mà Thiên Chúa đã trao ban qua Bí
tích Thánh Thể; đồng thời mời gọi chúng ta tôn thờ sự cao trọng của Bí tích
Thánh Thể và sống đặc tính Bí tích này qua sự hiệp thông.
Tầm nhìn hoàn vũ của thời điểm này đã
trở thành một cử chỉ chia sẻ thiêng liêng nhằm hiệp thông với vị Đại diện Chúa
Kitô để cầu nguyện cho Giáo Hội, để dâng lời cảm tạ vì hông ân đức tin Chúa đã
ban, để trao phó Giáo Hội cho sự hướng dẫn của Đấng “khởi đầu và kiện toàn lòng tin”.
3. Liên đới với người nghèo là sống sự hiệp thông Thánh
Thể
Quả thật, bánh và rượu được chọn làm lễ
vật là bởi vì nội tại nơi những lễ vật này nhắc ta tính cộng đồng. Mỗi tấm bánh
được kết tinh từ trăm ngàn hạt lúa mì; cũng vậy, ly rượu là kết quả của nhiều
trái nho được ép trong máy và hoà tan với nhau. Hai hình ảnh này tiên trưng cho
tính cộng đồng khi cùng nhau hiệp dâng thánh lễ trên bàn thờ.
Chính vì vậy, thật mâu thuẫn tận căn
khi chúng ta cử hành Thánh Thể và thiếu đi tính hiệp thông sâu xa này. Bởi vì “Thánh Thể tạo nên sự hiệp thông và cổ vũ sự
hiệp thông”. Nói như Thánh Phaolô thì “anh
em là thân thể Đức Kitô, và mỗi người là một bộ phận” (1 Cr 12,27). Hiện
nay, trên thế giới, dân số lên đến 6 tỷ 750 triệu người. Nhưng có tới 1/3 người
nghèo, tức là hơn 2 tỷ người đang sống dưới mức nghèo khổ. Riêng Việt Nam,
trong số 87 triệu người, có 15% dân nghèo không kiếm đủ 1 USD/ ngày. Tuy nhiên,
bên cạnh đó, biết bao nhiêu thứ dư thừa và lãng phí được huỷ bỏ ngay trên xác
chết của những người đói khát. Rồi những nguồn lực kinh tế thì tập trung vào một
số người và tập đoàn, trong khi đó biết bao nhiêu người phải vĩnh biệt cuộc sống
chỉ vì thiếu một gói mì chỉ với giá 2.000 VNĐ, hay một ly nước, một viên thuốc.
Lại còn biết bao nhiêu tiền bạc đổ dồn vào những quán nhậu, quán bar mỗi khi
thành phố lên đèn, số tiền chi trả lên đến bạc triệu sau mỗi cuộc vui chơi trác
táng, bên cạnh đó là những Lazarô nghèo đói, ghẻ lở đang bị những con chó đến
liếm những mụn nhọt đã ung thối.
Đứng trước thực trạng xã hội đó, là
người Kitô hữu, chúng ta đều có trách nhiệm ít nhiều trong việc thăng tiến con
người.
Qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy,
nếu mỗi người chỉ nghĩ đến cái bụng của mình mà không biết nghĩ đến cho người
khác, thì làm sao có 5 chiếc bánh và 2 con cá để Chúa làm phép lạ nuôi dân
chúng? Nhờ 5 chiếc bánh và 2 con cá qua sự quảng đại của người hiến tặng, Chúa
đã làm một việc cả thể là nuôi 5.000 người, không kể đàn bà và trẻ em. Không phải
vì Chúa không làm được phép lạ từ không thành có để nuôi dân chúng, nhưng vì
Chúa muốn cho con người sống tinh thần liên đới khi biết đóng góp phần mình
trong công việc chung vì ích lợi của người khác.
Như vậy, mỗi người chúng ta hãy biết
liên đới với người khác, biết đặt sự sống của mình vào trong hoàn cảnh của họ,
để thấy được thế nào là đói khát, đau bệnh và cô đơn… hầu đem lại niềm vui và hạnh
phúc đại đồng cho tất cả mọi người.
Mừng Lễ Mình và Máu Cực Thánh Chúa
Giêsu, xin cho mỗi người chúng ta biết sống mầu nhiệm tự huỷ của hạt lúa, trái
nho để đem lại sự sống cho người khác. Xin cho chúng ta cũng biết liên đới với
anh chị em chung quanh chúng ta mỗi khi họ cần đến chúng ta để yêu thương, chia
sẻ, đồng hành với họ. Được như thế, chúng ta đang làm cho Bí tích Thánh Thể sống
động nơi con người và hành vi của chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con
tôn thờ, chúc tụng Chúa. Xin Chúa ban cho mỗi người chúng con khi rước Mình và
Máu Thánh Chúa cách xứng đáng, thì cũng được hiệp thông thần tính với Chúa và
liên đới với nhau. Amen.
Tu sĩ Jos. Vinc. Ngọc Biển