Sống đức tin _ bài học tha thứ


BÀI HỌC THA THỨ!
Bất cứ hoàn cảnh nào tạo dịp cho ta thực thi sự tha thứ cũng đều là những cơ hội quí báu giúp ta ngày càng nên giống Chúa Giêsu.
Radio Veritas
Một người đàn ông đã kể lại bài học tha thứ như sau: “Sau 45 năm nhớ lại tên của một người mình mới quen biết không phải là điều dĩ nhiên. Quả tình tôi đã quên bẵng tên của một lão bà vốn là khách hàng bỏ báo của tôi, khi tôi còn là một cậu bé 17 tuổi. Năm đó là năm 1954, nhưng đối với tôi thì như chỉ là mới hôm qua mà thôi. Bởi lẽ, lão bà này đã dạy cho tôi một bài học tha thứ mà tôi vẫn mong mỏi một ngày nào đó sẽ được chia sẻ với ai đó.
Một buổi chiều thứ bảy nọ, từ một khu vườn ẩn khuất phía sau nhà, tôi và một người bạn đã nghịch ngợm lấy đá ném lên mái nhà của bà lão. Mục đích của trò chơi quái gở của chúng tôi là quan sát xem những hòn đá chạm mái nhà, rồi lăn xuống sân của nhà bà lão như những chiếc sao chổi. Tôi đã tìm được một hòn đá vừa tầm và ném đi, nhưng thay vì trực chỉ mái nhà, hòn đá lại bay thẳng vào một cánh cửa sổ nhỏ. Kính cửa sổ vỡ vụn, chúng tôi hoảng hồn chạy.
Đêm đó, tôi không tài nào ngủ được, tôi cứ miên man nghĩ đến tấm kính cửa sổ vỡ vụn. Mặc dù bà lão chưa khám phá ra ai là thủ phạm, tôi vẫn cảm thấy mình thật có lỗi. Mỗi ngày khi tôi đến giao báo, bà cụ vẫn đón chào tôi bằng một nụ cười nhân ái độ lượng, nhưng tôi không tài nào đi đứng tự nhiên trước mặt bà.
Thế là tôi quyết định đền bù cho sự thiệt hại mà tôi đã gây ra. Tôi sẽ dành dụm từ số tiền bỏ báo để sửa chữa cho cánh cửa đã bị tôi phá hỏng. Tôi hy vọng trong vòng 3 tuần sẽ có được 7 mỹ kim. Đây là số tiền mà tôi tính vừa đủ để đền bù sự thiệt hại. Tôi cho tiền vào bì thư kèm lời giải thích và những lời xin lỗi chân thành của tôi. Tôi chờ cho đến tối sẫm mới rón rén đến nhà bà lão và bỏ thư vào thùng thư nơi cánh cửa chính. Tôi cảm thấy được nhẹ nhỏm và tôi tin chắc rằng, trong những ngày sắp tới tôi sẽ có thể nhìn thẳng vào mắt của bà.
Ngày hôm sau, tôi đến giao báo cho bà như thường lệ và cười lại với bà với tất cả sự nồng ấm và chân thành của tôi. Bà cám ơn tôi và nói: “Bà có cái này cho con”. Bà trao cho tôi một hộp kẹo, tôi cám ơn bà. Tôi tiếp tục chuyến đi bỏ báo và hưởng nếm những viên kẹo bà lão tặng. Sau khi đã nhai được vài viên kẹo, tôi tiếp tục mò tay vào trong hộp kẹo, chạm phải một bì thư. Mở bì thư ra, tôi thấy có 7 mỹ kim và một hàng chữ: “Bà rất hãnh diện về cháu”.


Tha thứ là điều mà con người phải học không ngừng, bởi vì nó không phải là điều tự nhiên. Tha thứ là điều mà con người phải học và trau luyện mỗi ngày. Tha thứ không phải là chuyện mà con người có thể giải quyết một lần cho tất cả, mà cần phải được lập lại không ngừng. Điều này cần thiết cho đời sống hôn nhân hơn bất cứ trong quan hệ nào.
Trong đời sống vợ chồng, người ta dễ có khuynh hướng trở về chuyện cũ, mỗi khi có dịp, và những gì mà người ta tưởng được chôn vùi trong quá khứ lại trồi lên một cách mãnh liệt. Khi người phối ngẫu đã thú nhận những yếu đuối và lầm lẫn của mình thì người ta thường cất giữ trong ngăn kéo và cất giữ rất cẩn thận để sẵn sàng lôi ra và sử dụng như một vũ khí để tấn công.
Tha thứ không phải là một biến cố diễn ra một lần, nó là một tiến trình. Rất ít khi chúng ta tha thứ một lần và trên vấn đề như đã được giải quyết. Tha thứ đã được trao ban, nhưng lắm khi vết thương vẫn còn sống mãi trong ký ức con người.
Trong cuốn phim tài liệu có tựa đề về việc sát tế những người Do thái dưới thời Đức Quốc Xã, một người Do thái đã từng lãnh đạo cuộc nỗi dậy của người Do thái tại Ba lan đã phát biểu như sau: “Nếu bạn có thể nếm thử trái tim của tôi, bạn sẽ bị ngộ độc”.
Tha thứ quả thật không phải là điều tự nhiên và dễ dàng. Đây là điều thường xảy ra trong đời sống vợ chồng. Trong những cuộc cãi vả và ăn thua đủ với nhau, hầu như đã làm cho trái tim hai người bị ngộ độc. Bi kịch là không những một trái tim bị ngộ độc mà còn ô nhiễm người liếm phải nó và còn thấm nhiễm mọi bộ phận của người mang trái tim ấy.
Trong ý nghĩa ấy, tha thứ là một hành động tự vệ có sức chận đứng sự rỉ máu trong tâm hồn con người. Bất cứ hoàn cảnh nào tạo dịp cho chúng ta thực thi sự tha thứ cũng đều giúp cho chúng ta ngày càng nên giống Chúa Giêsu, Đấng từ trên Thập giá đã tha thứ cho những kẻ đang hành hạ mình.
Tha thứ chính là tình yêu được thực thi với những người chưa yêu thương đủ. Chính vì chưa yêu thương đủ mà con người phải thực thi sự tha thứ. Nói cách khác, chính vì là những con người bất toàn mà con người phải tha thứ cho nhau. Đây là điều khó khăn nhất trong giới răn yêu thương của người tín hữu Kitô, nhưng đồng thời cũng chính là linh hồn của giới răn. Người tín hữu luôn được mời gọi thù ghét tội lỗi, nhưng yêu thương người tội lỗi.
Thù ghét tội lỗi, nhưng yêu thương người tội lỗi, tựu trung đây cũng là cái nhìn đầy cảm thông đối với chính bản thân. Càng thấy mình yếu hèn tội lỗi, càng cảm nhận được sự tha thứ của Chúa, con người càng được thúc đẩy để cảm thông và tha thứ cho người tội lỗi.
Thánh vịnh 103 có những lời như sau: “Đông Tây xa cách biết bao nhiêu, thì tội lỗi tôi cũng được Chúa tha thứ bấy nhiêu”. Thiên Chúa không ngừng tha thứ cho con người, nếu chúng ta trở về với Chúa với một tấm lòng thành tâm sám hối, Chúa luôn luôn có đó để ôm lấy chúng ta và tha thứ cho chúng ta. Chúa giàu lòng nhân từ và yêu thương, chậm giận và hay tha thứ.
Thật khó mà tha thứ người đã xúc phạm đến chúng ta, nhất là khi điều đó lại xảy ra nhiều lần. Chúng ta dễ nghi ngờ lòng thành thật của người đó, mỗi khi người đó trở về xin lỗi. Nhưng Thiên Chúa không bao giờ chấp nhất mỗi khi chúng ta phạm lỗi. Ngài vẫn luôn chờ đợi chúng ta trở về, Ngài hằng mong mỏi chúng ta trở về nhà Ngài cũng là nhà chúng ta.
Có lẽ chúng ta cảm thấy khó tha thứ cho người khác là bởi vì chúng ta chưa cảm nhận được ơn tha thứ của Chúa. Chúng ta chưa tin mình là người được ơn tha thứ, cho nên chúng ta cũng không muốn tha thứ. Nếu tôi có thể nhận chân rằng, tôi được tha thứ và không muốn sống trong xấu hổ, tôi sẽ là người hoàn toàn tự do và tự do của tôi sẽ cho phép tôi tha thứ cho người khác đến 70 lần 7. Nếu tôi không tha thứ, tôi tự trói buộc tôi vào sự cay đắng, và như vậy tôi sẽ không còn tự do. Một người được tha thứ hay đúng hơn cảm nhận mình được tha thứ sẽ luôn tha thứ. Chính vì vậy mà trong kinh Lạy Cha Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện: “Xin Cha tha nợ cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”.
Tha thứ là cuộc chiến trường kỳ trong đời sống Kitô. Tha thứ là lương thực nuôi dưỡng tình yêu vợ chồng.