Lời Chúa Lễ Chúa Ba Ngôi _ sống với Chúa

SỐNG VỚI CHÚA 
Có Chúa Ba Ngôi đang sống trong tôi. Thế là đủ cho tôi rồi!
Lm. Giuse Đỗ Đình Tiệm
Các bức vẽ minh họa Chúa Ba Ngôi, thường phác họa Chúa Cha như một cụ già, vì từ muôn thuở, Chúa Con đã từ Chúa Cha sinh ra (sinh ra chứ không phải được tạo thành), còn ngôi thứ hai là Chúa Con đã nhập thể chính là Chúa Kitô; ngôi thứ ba (từ muôn thuở phát xuất từ Chúa Cha và Chúa Con, là Chúa Thánh Thần) được phác họa dưới hình chim bồ câu. Theo Phúc Âm Luca (3,21-22): đang khi Ngôi Hai chịu phép rửa có hình chim bồ câu xuất hiện (Ngôi Thánh Thần) và có tiếng từ trời phán (tiếng của Chúa Cha): “Con là con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha”
Cũng vì thế các bức họa thời danh về Chúa Ba Ngôi hiện còn lưu tại các bảo tàng viện lớn trên thế giới, như bức họa La Trinité (Chúa Ba Ngôi) của danh họa José Libera (1588-1656) hiện đang lưu trữ tại bảo tàng viện Prado, đã phác họa Chúa Ba Ngôi trong cảnh hạ xác Chúa Giêsu từ thánh giá xuống: Chúa Kitô được đặt trong tấm khăn liệm lớn, có các thiên thần bay lượn chungquanh, Chúa Cha là một cụ già ôm xác Chúa Kitô, và có chim bồ câu ngay trước ngực Chúa Cha.
Trong cuốn sách bổn cũ, ta thấy mấy câu vấn đáp như sau:
Hỏi dấu nào chỉ con nhà có đạo?
Thưa dấu thánh giá.
Hỏi tại sao dấu thánh giá chỉ con nhà có đạo?
Thưa vì khi làm dấu thánh giá ta tuyên xưng hai mầu nhiệm của đạo: Ta vạch dấu thánh giá trên mình là ta tuyên xưng mầu nhiệm cứu chuộc, ta đọc ‘Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần là ta tuyên xưng mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi.
Đó là hai mầu nhiệm quan trọng nhất trong đạo.
Hiển nhiên là phải có Ba Ngôi thì mới có Ngôi Hai giáng trần, nên mầu nhiệm Ba Ngôi là mầu nhiệm cốt lõi, mầu nhiệm trung tâm, mầu nhiệm nền tảng của mọi mầu nhiệm trong đạo chúng ta.
* TẠI SAO TA BIẾT CÓ CHÚA BA NGÔI?
Đó là một mầu nhiệm vượt ngoài sự suy luận của lý trí ta, không do lý trí ta tìm ra mà do chính Chúa Kitô mặc khải cho chúng ta.
Đọc Tin Mừng ta thấy Chúa Kitô nói với ông Nicôđêmô: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban con một để ai tin vào con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3,16). Rồi trong bài Tin Mừng ta vừa nghe: “Thầy còn nhiều điều phải nói với các con, nhưng bây giờ các con không thể lĩnh hội được, khi thần chân lý (Chúa Thánh Thần) đến, Người sẽ dạy chúng con biết tất cả sự thật…”
Trong Tin Mừng, Chúa luôn luôn nhắc tới Chúa Cha và Ngài tự nhận là Con của Chúa Cha, như: “Lạy Cha là Chúa tể trời đất, con xin ngợi khen Cha” (Lc 10,21), “Lạy Cha, con cảm ta Cha, vì Cha đã nhận lời con” (Ga 11,41) v.v.
Còn về Chúa Thánh Thần, mỗi lần Ngài nhắc tới việc Ngài sẽ bỏ cõi đời này thì Ngài lại nói luôn cho các môn đệ biết là khi Ngài bỏ các ông, Ngài sẽ sai Chúa Thánh Thần đến. Đặc biệt trong Phúc Âm Gioan (14,23-26), Ngài mặc khải rất rõ ràng về Ba Ngôi Thiên Chúa: "Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy. Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em. Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.”
* TA PHẢI HIỂU THẾ NÀO ĐỂ KHỎI CÓ MÂU THUẪN VỀ CHÚA BA NGÔI: BA MÀ LẠI LÀ MỘT?
Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm vướt hẳn tầm suy luận của ta, tuy nhiên để khỏi có mâu thuẫn, tín lý thần học đã dạy chúng ta phân biệt bản thể và ngôi vị: mỗi con chúng ta là một ngôi vị (nhân vị), đồng thời có bản thể con người. Nhưng bản thể này và ngôi vị luôn luôn là một, không thể tách rời. Nhưng nơi Thiên Chúa thì có một bản thể Thiên Chúa (bản tính Thiên Chúa) gồm ba ngôi vị riêng biệt: Ngôi Cha, Ngôi Con, và Ngôi Thánh Thần.
Trong kinh tiền tụng của thánh lễ hôm nay, Giáo Hội đã giải thích mầu nhiệm này:
“Khi tuyên xưng Cha là Thiên Chúa chân thật, hằng hữu, chúng con cũng tôn thờ ba ngôi (ngôi vị), tuy riêng biệt nhưng cùng một bản thể duy nhất và một uy quyền ngang nhau.”
Tòm lại, trong con người chúng ta, ngôi vị và bản thể con người là một, còn đối với Chúa Ba Ngôi thì có một bản thể Thiên Chúa (chỉ có một Thiên Chúa), nhưng lại có ba ngôi vị: Ngôi Cha, Ngôi Con, và Ngôi Thánh Thần. Hiểu theo ngôn ngữ triết học và thần học để không có mâu thuẫn ba mà lại là một, chứ thực ra lý trí con người có khác gì một muỗm nước nhỏ, chỉ chứa được một vài giọt nước, còn mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là cả một biển nước mênh mông, vô hạn.
Người ta có thuật chuyện thánh Augustinô, một triết gia và một nhà thần học xuất sắc, một bữa nọ, ngài đi trên bãi biển để suy luận và tìm hiểu Chúa Ba Ngôi. Bỗng ngài gặp một em bé đang dùng chiếc vỏ sò múc nước biển đổ vào một lỗ nhỏ trên bãi cát. Ngài hỏi em nghịch gì thế, em trả lời là em định múc hết nước biển đổ vào lỗ cát này. Ngài cưới và bảo em là không thể nào múc hết nước biển đổ vào một lỗ cát nhỏ. Lý do biển thì mênh mông, còn lỗ nhỏ thì chỉ có thể chưa được một chút nước… Em đang làm một công việc hoàn toàn vô ích. Nhưng em bé trả lời là việc em làm còn dễ hơn việc cố gắng dùng lý trí để suy luận và tận hiểu mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi… Nói xong em bé biến mất.
Chúng ta không rõ tính xác thực của câu truyện, nhưng câu truyện này cho ta một hình ảnh cụ thể: lý trí con người thì có giới hạn và nông cạn, còn mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi thì thẳm sâu và vô hạn.
Tuy lý trí ta không hiểu thấu mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, nhưng chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta: Khi ta tuân giữ giới răn Chúa, thì Chúa Ba Ngôi yêu quí ta, ngự trong tâm hồn ta.
* CHÚA BA NGÔI NGỰ TRONG TA
Dù ta sống lẻ loi cô độc, dù mọi người bỏ ta, dù ta phải gian nan cơ cực, điều an ủi ta là hãy nhớ Chúa Ba Ngôi đang sống với ta, đang ngự trong tâm hồn ta.
Sau khi được trả tự do, mục sư Wurmbrand, người Roumanie, cho xuất bản cuốn “Mes prisons avec Dieu” (bản dịch sang Pháp văn). Mục sư, trong cuốn sách này, đã tả một số chi tiết:
Trong thời gian bị cầm tù, mục sư phải ở dưới một căn hầm tối tăm, lạnh lẽo. Cực hơn nữa là phải ăn uống và làm vệ sinh tại chỗ!
Các bạn tù với ông la lết trong đó, cuối tuần mới được phép quét dọn. Ông đã chịu nhiều cực hình. Có lần lính gác bắt ông ăn phân, ông xin phép được ăn phân của mình nhưng họ không chịu, bắt phải ăn phân người khác.
Suốt mười năm tù ngục như thế, mục sư vẫn kiên trì dũng cảm. Ông luôn luôn ha8ngpha1i phục vụ các bạn tù, động viên tinh thần họ, cư xử với mọi người trong tâm tình bác ái yêu thương.
Bí quyết của ông: “Tôi đang ngồi tù với Chúa.”
Ước gì trong cuộc sống chúng ta, mỗi khi gặp rủi ro, buồn khổ, bị bỏ rơi, bị hất hủi, bị dị nghị, bị hiểu lầm… hãy can đảm nói: “Tôi đang sống với Chúa. Có Chúa Ba Ngôi đang sống trong tôi. Thế là đủ cho tôi rồi.”
Lm. Giuse Đỗ Đình Tiệm
* Đề tựa của Lm. HK