KHÔNG CÓ CHỖ CHO KHÁN GIẢ
“Mỗi lần dâng Thánh lễ là mỗi lần giang tay
đóng đinh con lại trên Thánh giá, và uống cạn chén đắng với Chúa. Đây không có
chỗ cho khán giả.” (ĐHV 357)
Cuốn ‘Chickensoup for souls’ kể chuyện
một cô gái học xong trung học năm thứ hai đã xin việc làm thêm ngoài giờ ở một
quán giải khát.
Một chiều mưa ảm đạm, có một khách
quen bước vào quán với vẻ mệt mỏi. Một sự đồng cảm ập đến làm cho cô hiểu phần
nào tâm trạng của anh.
Trước khi anh đi, kèm theo phần cà
phê đá anh mua, cô đưa cho anh một gói giấy nhỏ bánh rán mà anh ưa thích. Khi
anh nhìn với vẻ thắc mắc, cô chỉ nói: “Tặng
anh đó. Chúc anh một ngày vui vẻ.”
Anh ta mỉm cười cảm ơn cô rồi quay
đi và khuất vào cơn mưa.
Khoảng 7 giờ tối hôm sau, khi cô
đang pha một tách cacao thì người khách đó dừng xe trước cửa sổ. Anh không gọi
một thứ gì mà chỉ đưa cho cô một bông hồng và một mẩu giấy, rồi thân thiện vẫy
tay chào cô và lái xe đi. Cô chạy ra sau quầy và đọc mẩu giấy.
“Christine,
“Xin cảm ơn về lòng tốt và sự ân cần của cô hôm qua. Thật tuyệt vời khi
được biết một con người tốt bụng, thân thiện và biết cảm thông như cô. Xin đừng
thay đổi cách sống đó vì tôi thật sự tin rằng cô sẽ luôn mang đến cho đời niềm
vui. Chúc cô một ngày tuyệt vời!”
Hank.
Và cô kể tiếp: “Thời gian trôi qua, thỉnh thoảng tôi lại gặp những khách hàng khó chịu
và hay than phiền. Nhưng bất cứ lúc nào cảm thấy buồn bực hoặc chán nản, tôi lại
nhớ đến Hank và tôi lại mỉm cười, ngẩng cao đầu và hỏi một cách lịch sự vui vẻ:
“Quí khách cần gì ạ?”
Một bông hoa hồng, một gói bánh rán
có là gì, nhưng làm sáng lên tấm lòng quảng đại, quan tâm đến người khác với
lòng đồng cảm.
Một tấm lòng là câu chuyện muôn thuở
của nhân loại, vì nó đã được bắt đầu từ trời cao khi tình yêu Chúa đến với con
người: “Đức Chúa đã một lần thề ước, Người
sẽ chẳng rút lời, rằng: "Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm trật
Menkixêđê." (Tv 110,4)
Vâng, con người luôn cần đến một Thượng
tế để dâng lễ vật lên Thiên Chúa và mang phúc lành trời cao xuống cho mọi người,
nhờ đó mà đất thấp được nối kết với trời cao. Nhưng ai có thể đảm nhiệm chức vụ
đòi hỏi sự trong sạch và thánh thiện đó?
Trong thời sau hết, nhân loại đã nhận
được món quà từ tình yêu bao la của Thiên Chúa khi chính Con Một Chúa xuống thế
làm người và trở nên vị Thượng tế thập toàn để dâng một hy lễ xứng đáng lên Đấng
Tối Cao. “Đó chính là vị Thượng Tế mà
chúng ta cần đến: một vị Thượng Tế thánh thiện, vẹn toàn, vô tội, tách biệt khỏi
đám tội nhân và được nâng cao vượt các tầng trời.” (Dt 7,26)
Mỗi thánh lễ đều vô cùng quý giá vì
đó là hy lễ được dâng để cứu độ nhân loại bởi Đức Kitô, con người toàn hảo. Và
để không một ai đứng ngoài, mà trái lại, ai cũng phải dâng hy lễ của mình trong
hy lễ vẹn toàn mang lại ơn cứu độ, chính Chúa đã dạy: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.”
Nhưng Thánh lễ không chỉ là sự lập lại
việc Chúa làm trong bữa tiệc ly, mà là chính Chúa thực hiện lại hy lễ hôm xưa
cho con người hôm nay: “Vì mỗi khi anh em
ăn bánh và uống chén này, anh em loan truyền việc Chúa chịu chết, cho tới khi
Chúa lại đến.” (1Cr 11,26)
Loan truyền việc Chúa chịu chết
không phải chỉ bằng lời rao giảng, mà bằng cuộc sống, như ĐHY Nguyễn văn Thuận
chia sẻ: “Mỗi lần dâng Thánh lễ là mỗi lần
giang tay đóng đinh con lại trên Thánh giá, và uống cạn chén đắng với Chúa. Đây
không có chỗ cho khán giả.” (ĐHV 357)
Năm xưa ở bên Pháp, có xứ Ars nhỏ
bé, tồi tàn với cha sở là thánh Gioan M. Vianney học hành dốt nát, mặt mày xấu
xí. Thế mà người ta chen chúc đến tham dự thánh lễ, vì khi cha Vianney dâng lễ,
người ta thấy Thánh lễ mà họ được tham dự thực là một biến cố sống động.
Có lần giáo dân thấy ngài cầm Mình
Thánh Chúa trên tay một hồi lâu, nước mắt chảy ròng ròng, sau đó lại thấy ngài
cười sung sướng… Sau lễ họ mới tò mò hỏi: “Thưa
Cha, sao sáng nay lúc cầm Mình Thánh Chúa, Cha khóc rồi lại cười?”
Ngài đáp: “Lúc đó ma quỷ cám dỗ Cha ngã lòng trông cậy, nghĩ mình sẽ mất Chúa đời
đời nên Cha lo sợ quá mà khóc. Nhưng sực nhớ mình đang cầm Chúa trên tay nên
Cha thưa với Chúa: ‘Lạy Chúa, con không chịu mất Chúa, con cầm Chúa mãi, Chúa
luôn ở với con. Nói thế rồi Cha sung sướng quá đến nỗi phải bật cuời.”
Mỗi Thánh lễ là một biến cố vĩ đại
và diệu kỳ, có sức sống mãnh liệt. Đừng nói là thấy mới tin, mà bất cứ ai tin
thì sẽ thấy.
Ước gì khi dâng lễ, chúng ta “đừng dán mắt vào những điều trông thấy được,
nhưng là vào những những điều mắt không trông thấy, vì hữu hình là phù vân, vô
hình mới trường cửu.” (2Cr 4,18)