TA BIẾT CÁC CHIÊN TA
Trong
một cuộc thi Olympic dành cho trẻ khuyết tật, có chín em xếp hàng cho cuộc chạy
100 yards. Hiệu súng vang lên, tất cả đều chạy. Nhưng có một cậu bé bị vấp té,
ngã đi ngã lại hai ba lần. Cậu oà lên khóc.
Lm.
HK
Nghe thấy tiếng khóc, tám bạn cùng thi kia đều theo nhau đứng lại. Tất cả
quay trở lại bên cậu bé, một em gái bị thiểu năng tâm thần cúi xuống hôn cậu và
nói: “tốt mà, tốt mà”. Nói xong em khoác vai cậu bé. Thấy thế, tất cả cùng
khoác vai nhau chạy đến đích. Mọi người trong sân vận động đứng dậy vỗ tay hoan
hô đến hơn 10 phút.
Còn cả trời đất phải ngạc nhiên khi thấy Chúa yêu thương lo lắng cho hạnh
phúc đời đời của con người đến nỗi như quên mất mình là Thiên Chúa: Chúa là Vua
của các vua và là Chúa của các chúa, nay chỉ vì yêu thương mà hạ mình nhập thể,
mà “khoác vai” con người, mang phận tội nhân, gánh lấy tội của nhân loại hầu
đưa mọi người đến hạnh phúc đời đời!
Cả thánh vịnh 23, với câu mở đầu: “Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu
thốn chi” là một bài ca dài tán tụng tình yêu Chúa, tình yêu đã đem lại bình an
cho ai đặt trọn niềm tin vào Chúa. Mục tử và đoàn chiên là một hình ảnh thật đẹp
vừa nói lên tình thương vô biên của Chúa đối với con người vừa diễn tả được niềm
vui và sự bình an của hết thảy những ai đặt trọn niềm tin vào Chúa.
Tại sao Chúa lại muốn được gọi là mục tử? Vì Ngài rất yêu ta.
Hãy xem một mục tử miền Palestine phải vất vả thế nào cho đàn chiên mới
hiểu được phần nào tình yêu Chúa dành cho chúng ta:
Từ sáng sớm họ phải dẫn chiên đến một cánh đồng cỏ; phải canh chừng suốt
ngày kẻo chúng bị lạc, và nếu có con nào bị lạc thì phải đi tìm cho đến khi nào
đưa được nó về đàn; lại phải lo cho chiên có nước uống thường xuyên bằng cách dẫn
chúng đến một dòng suối hay một cái giếng giữa miền đất hoang vắng. Khi đêm đến,
họ đưa chiên vào những ràn chiên và đếm lại cả đàn để biết chắc là không con
nào bị mất. Họ không được nghỉ việc cả khi đêm đến, mà suốt đêm phải canh gác,
bảo vệ đàn chiên khỏi thú dữ hay kẻ trộm, như lời Đavít thưa với Saun: “Tôi tớ
ngài là người chăn chiên dê cho cha. Khi sư tử hay gấu đến tha đi một con chiên
trong bầy gia súc, thì con ra đuổi theo nó, đánh nó và giật con chiên khỏi mõm
nó” (1Sm 17,34).
Tình yêu của người Mục Tử nhân lành hướng đến cả đoàn chiên, cũng như từng
con chiên nhỏ, với tất cả trái tim mình: “anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng
ra” (Ga 10,3).
Vì thế, không ai mà không tìm được một chỗ trong trái tim của Đấng đã
“hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên”, và cũng không thể có một biên giới nào
cho tình yêu đó: “Ta đã đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi nên ơn cứu độ
cho đến tận cùng trái đất” (Cv 13,47). Mọi người thuộc mọi nòi giống, dòng họ,
dân tộc đều được mời gọi đến với Chúa Giêsu, Đấng đã tẩy sạch họ bằng cuộc tử nạn
và phục sinh để “dẫn họ đến nguồn nước ban sự sống” (x. Kh 7,14.17).
Con người phàm hèn, tội lỗi, nhưng Chúa vẫn yêu thương. Chúa nói: “Ta biết
các chiên Ta”!…
Với người Do thái, “biết” không phải là một kiến thức mà là một tương
quan sống động: Ađam biết Eva rồi bà thụ thai và sinh ra Cain (St 4,1), Giavê
biết Abraham và Ngài đã chọn ông (St 18,19) v.v... con người được cứu khi biết
Thiên Chúa: “sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và
chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giê-su Ki-tô.” (Ga 17,3) chữ biết
luôn đòi hỏi một sự dấn thân: “ Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa”
(1Ga 4,8).
Chúa rất thương yêu ta, và hạnh phúc của ta là gắn bó với Chúa: “Ta biết
các chiên Ta... và các chiên Ta biết Ta”.
Khi được bổ nhiệm coi sóc xứ đạo
Di linh, Cha Sanh (sau này là ĐGM Cassaigne) thấy những người cùi không những bị
gia đình bỏ rơi mà còn bị xua đuổi vào rừng; Cha biết cái khổ do bệnh phong của
họ không thấm vào đâu so với cái khổ chịu khinh miệt, chịu xua đuổi. Ngài đã
vào rừng tìm họ để mang lương thực, thuốc men cho họ. Hình ảnh những người xấu
số làm Cha nhiều đêm không ngủ được.
Tình yêu Đức Kitô thúc đẩy và thêm sức mạnh
khiến cha không còn biết gì đến nỗi sợ hãi bị lây bệnh, mà sẵn lòng trở nên
thân cận, gần gũi với những người cùi, chỉ mong thấy được nụ cười trên khuôn mặt
lở loét của họ.
Cuối đời, cha cũng lây bệnh cùi và qua đời năm 1973, rồi được an táng giữa
những người cùi trong trại cùi Di linh do ngài lập năm 1929. Ai cũng thấy được
nơi ngài sức thu hút của tình yêu Đức Kitô, Đấng đã “đến để chiên Ta được sống
và sống dồi dào”?
Hạnh phúc đời tôi là được làm con chiên của Chúa, được lắng nghe và đi
theo Chúa, “để tình thương Chúa ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời” (Tv 23,6).
Tình thương đó không nằm yên mà thúc đẩy tôi chia sẻ tình yêu mục tử của
Đức Kitô đối với tha nhân, theo mẫu gương Mẹ Têrêxa: “hãy là lời diễn tả sống động
về sự tốt lành của Thiên Chúa: tốt lành qua gương mặt, qua ánh mắt, qua nụ cười,
qua sự đón tiếp thân thương nồng nhiệt.”
Lm. HK