Chầu Thánh Thể cnps 2c _ hãy đặt ngón tay vào đây

HÃY ĐẶT NGÓN TAY VÀO ĐÂY

Đặt Mình Thánh (mời quì)
(Hát một bài tôn thờ Thánh Thể)
Lời dẫn:
Chúa đã đến để rao giảng và trao ban sự sống và hạnh phúc vĩnh cửu cho những ai theo Chúa. Thế nhưng khi nhìn lại chính mình với biết bao yếu hèn, tội lỗi,... vẫn theo Chúa đó nhưng cũng không ít lần chối Chúa, ai cũng thấy rằng phải cố gắng hết mình nhưng cốt yếu vẫn phải là cậy dựa vào lòng Chúa thương xót.
Ngày 23 tháng 5 năm 2000, Thánh Bộ Phượng Tự đã ra quyết định chọn ngày Chúa Nhật II Phục Sinh là ngày Chúa Nhật “Lòng Chúa Thương Xót”, để các tín hữu trên toàn thế giới dùng Chúa Nhật này suy ngắm về lòng thương xót của Chúa đối với mọi người và toàn thể nhân loại.
Lời Chúa: (mời đứng)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan, (Ga 20,19-31)
Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em!” Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông: "Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em." Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ."
Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. Các môn đệ khác nói với ông: "Chúng tôi đã được thấy Chúa!" Ông Tô-ma đáp: "Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin." Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em." Rồi Người bảo ông Tô-ma: "Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin." Ông Tô-ma thưa Người: "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Đức Giê-su bảo: "Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!”
Đó là Lời Chúa.
Suy niệm: (mời ngồi)
Đức Kitô là tình yêu Thiên Chúa được trình bày cho nhân loại: “Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.”
Các tông đồ của Chúa đã thực hiện giáo lý yêu thương đó: “Người ta còn khiêng cả những kẻ đau ốm ra tận đường phố đặt trên giường trên chõng, để khi ông Phê-rô đi qua, ít ra cái bóng của ông cũng phủ lên được một bệnh nhân nào đó. Nhiều người từ các thành chung quanh Giê-ru-sa-lem cũng lũ lượt kéo đến, đem theo những kẻ ốm đau cùng những người bị thần ô uế ám, và tất cả đều được chữa lành.” (Cv 5,15-16)
Qua các tông đồ, Chúa đã thực hiện nhiều phép lạ để tỏ ra tình yêu bao la Chúa muốn dành cho con người. Sự chăm sóc cho sự sống thể lý chỉ nhằm tỏ ra ước muốn mãnh liệt của Chúa là trao ban sự sống thần linh mang lại hạnh phúc vĩnh viễn cho con người. Ước muốn mãnh liệt đó là tất cả ý nghĩa cho sự hiện diện của Chúa giữa trần gian: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.” (Ga 10,10-11)
Phần con người, khi thấy mình bất xứng với sự sống thần linh, ngước mắt lên ai cũng sẽ bắt gặp ánh mắt nhân hậu đầy lòng từ bi của Chúa: “Ít-ra-en hãy nói lên rằng: muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Nhà A-ha-ron hãy nói lên rằng: muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.” (Tv 118,2-3)
Con người rất yếu hèn, nhưng lại có tình yêu và ân sủng Chúa làm chỗ dựa vững chắc, đưa họ đến chiến thắng sau cùng: “Chúa là sức mạnh tôi, là Đấng tôi ca ngợi, chính Người cứu độ tôi.”
Điều tưởng là không thể đối với con người lại là có thể bởi tình yêu Chúa: “Kìa nghe tiếng reo mừng chiến thắng trong doanh trại chính nhân: Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường.” (Tv 118, 14-15.22)
Khi Đức Kitô chịu tử nạn các tông đồ đã trốn chạy gần hết, cái chết của Chúa thực sự làm các ông kinh hoàng. Thế nhưng chính trong cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa mà nghịch lý của tình yêu được trình bày rõ nét và đầy sức thuyết phục: bên ngoài là thua nhưng bên trong lại thắng, điều thoạt trông là mất nhưng thực chất lại là được: “chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.”
Cái chết đau thương của Chúa làm các ông ngỡ ngàng trước tin mừng Chúa sống lại, ngỡ ngàng đến mức ngần ngại đón nhận tin mừng phục sinh. Thế nhưng càng buồn sầu, thất vọng bao nhiêu trước cái chết của Chúa thì các ông lại càng phấn khởi hân hoan bấy nhiêu khi đón nhận tin vui Chúa đã sống lại thật!
Khi Chúa sống lại, các dấu chứng của cuộc tử nạn đã trở nên dấu chứng của tình yêu. Khi nói với tông đồ Tôma, "Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy,” Chúa không chỉ trao cho ông một bằng chứng cho việc Ngài đã sống lại thật, mà còn muốn cho ông cảm nghiệm được tình yêu vô biên của Chúa dành cho nhân loại. Tình yêu Chúa không phải là một thực tại trừu tượng, mà là cái chết mắt ông trông thấy, và những vết thương tay ông đụng chạm được.
Cầu nguyện: (mời quì)
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,
Chúng con thờ lạy Chúa, Thiên Chúa của tình yêu.
Tình yêu giải thích mọi việc Chúa làm. Chúa đã hiện diện giữa loài người không như một Thiên Chúa cao sang, mà như một anh em thân thuộc, với một tình yêu sẵn lòng hy sinh cho chúng con, những người được Chúa yêu: “Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình.” (Ga 10,18)
Trong chiến thắng của tình yêu Chúa, mọi sự đều có thể được phục hồi, không có gì phải bỏ đi. Tình yêu đổi mới và làm cho tất cả những ai đón nhận tình yêu Chúa đều mang một sự sống mới, một giá trị mới: Maria Madalena, người được Chúa trừ bảy quỷ, lại là người đầu tiên được Chúa gặp sau phục sinh, việc đó cả bốn Phúc Âm đều thuật lại. Phêrô là người chối Chúa ba lần, nhưng lại được chọn làm nền tảng cho Giáo Hội Chúa thiết lập.
Phêrô và Maria Madalena đều có những khuyết điểm nặng nề, nhưng đều đã chạm được vào tình yêu Chúa. Tình yêu Chúa làm cho cả hai lớn lên trong đức mến, và mang tâm tình tín thác tất cả cho tình yêu của Chúa.
Một cách mang vẻ riêng tư, Chúa cũng hiện ra cho Tôma trong cuộc gặp gỡ chung các tông đồ, và cũng bảo Tôma chạm vào các vết thương của Chúa, chạm vào tình yêu sâu đậm của Chúa dành cho hết mọi người, rằng Chúa yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và yêu cho đến cùng (x. Ga 13,1).
Tình yêu đó đã chinh phục được Tôma!, và cả thế giới!
Nhìn vào các vết thương của Chúa, Tôma lúc đó không còn thấy những hình khổ đáng sợ, mà chỉ thấy một tình yêu lớn lao dành cho mình. Ánh mắt nhân hậu của Chúa khi bảo Tôma đặt tay vào vết thương là lời Chúa mời gọi ông bước vào tình yêu của Chúa, một tình yêu sẵn lòng chịu tử nạn vì người mình yêu; và ông đã suy phục Chúa: "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”
Ngày nay, dù không được gặp Chúa mặt giáp mặt như Tôma xưa, nhưng nơi bí tích Thánh Thể, chúng con cũng được chạm vào các vết thương của Chúa như Tôma vậy, theo lời Chúa mời gọi: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em;”
Những vết thương của Chúa, lạy Chúa Giêsu, rửa sạch mọi tội lỗi của chúng con dù có lớn đến đâu. Vì tất cả đều được rửa sạch trong tình yêu Chúa.
Kèm theo lời mời gọi chạm vào vết thương đó, Chúa còn mời gọi chúng con bước vào chương trình tình yêu của Chúa bằng cuộc đời hiến tế vì tình yêu của mỗi người: “Anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.” (1Cr 11,24)
Sau một tuần mừng lễ Chúa phục sinh, Chúa Nhật này là lúc chúng con ngồi lại mà nhìn ngắm lòng thương xót bao la của Chúa, mà lắng nghe lời Chúa mời gọi chúng con bước vào tình yêu của Chúa để nên giống Chúa, để sống yêu thương tha nhân.
Nhưng đối với chúng con, lạy Chúa, điều chúng con mong muốn hơn, là được cậy dựa vào tình yêu Chúa, được Chúa yêu thương. Những vết thương của Chúa là chỗ dựa thực sự cho chúng con, những con người yếu hèn và nhiều tội lỗi.
Thánh Phaolô, một người đã từng bách hại Chúa, nhưng khi cảm nghiệm được tình yêu Chúa thì ông lại thấy đó là chỗ dựa vững vàng cho con người nhiều sai lầm và yếu đuối của mình: “Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta? Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta? Ai sẽ buộc tội những người Thiên Chúa đã chọn? Chẳng lẽ Thiên Chúa, Đấng làm cho nên công chính? Ai sẽ kết án họ? Chẳng lẽ Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã chết, hơn nữa, đã sống lại, và đang ngự bên hữu Thiên Chúa mà chuyển cầu cho chúng ta?” (Rm 8,31-34)
Thánh nhân hoàn toàn tín thác cho tình yêu Chúa, Đấng đã sẵn lòng chết cho mình: “Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta.” (Rm 8,37)
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin cho chúng con hết lòng tín thác vào lòng thương xót của Chúa Cha, được tỏ bày nơi các vết thương Chúa đã mang vì chúng con:
“Vì cuộc Khổ Nạn đau thương của Chúa Giêsu Kitô,
xin Cha thương xót chúng con và toàn thế giới.”
Hát: “Con vẫn trông cậy Chúa...”
Lm. HK