Suy niệm hạnh thánh _ 30/12

Thánh ANYSIA
 (c. 304)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Thánh Anysia sống ở Thessalonica vào cuối thế kỷ thứ hai. Thessalonica là một thành phố cổ mà chính Thánh Phaolô là người đầu tiên đem tin mừng Chúa Giêsu đến đây. Anysia là một tín hữu Kitô và sau khi cha mẹ ngài từ trần, ngài đã dùng tài sản để giúp đỡ người nghèo. 
Vào thời ấy, có sự bách hại người Kitô Giáo ở Thessalonica. Nhà cầm quyền nhất định ngăn chặn mọi tín hữu không cho tụ tập cử hành Thánh Lễ. Một ngày kia Anysia tìm cách đến nơi tụ họp. Khi đi qua cửa thành Cassandra, ngài bị người lính canh để ý. Hắn bước ra chặn đường, hỏi ngài đi đâu. Vì sợ hãi, Anysia bước lùi lại và làm dấu trên trán. Lúc ấy, tên lính túm lấy ngài và lay mạnh. Hắn la lớn, "Mày là ai? Đi đâu vậy?" Anysia hít một hơi dài và trả lời, "Tôi là tôi tớ của Đức Giêsu Kitô. Tôi đến nơi hội họp của Chúa." Tên lính mỉa mai: "Vậy hả? Vậy tao sẽ bắt mày để tế thần. Hôm nay chúng tao thờ thần mặt trời." Cùng lúc ấy, hắn xé áo của Anysia. Ngài càng chống cự bao nhiêu, tên lính càng điên cuồng bấy nhiêu. Sau cùng, trong cơn tức giận, hắn rút gươm đâm thâu qua người Anysia. Thánh nữ gục chết trên vũng máu. Khi cuộc bách hại chấm dứt, các tín hữu thành Thessalonica đã xây một nhà thờ ngay trên chỗ ngài tử đạo. Thánh Anysia từ trần khoảng năm 304.
Suy niệm 1: Tín hữu Kitô
Anysia là một tín hữu Kitô.
Được giáo huấn của cha mẹ, ngài là một tín hữu Kitô, và hơn thế là một tín hữu đạo đức. Thừa hưởng tài sản của cha mẹ qua đời, ngài bán tất cả để giúp đỡ người nghèo, và bắt đầu sống khắc khổ, giữ mình trinh khiết và thiết tha cầu nguyện.
Được nung đốt bởi lòng yêu mến Đức Kitô, ngài thường nói: Tuổi trẻ hay vấp phải sai lầm là làm gương xấu hoặc bị đầu độc bởi gương xấu. Tuổi già thật tốt hơn. Nhưng tôi cảm thấy bất hạnh, vì cuộc sống dài ngày có thể làm tôi xa rời trời cao”. Khi giấc ngủ đến, ngài lại nhủ thầm: “Ngủ thật là nguy hiểm trong khi địch thù ma quỷ vẫn hằng tỉnh thức”.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn biết tỉnh thức và cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ (Lc 21,36;22,40).
Suy niệm 2: Dùng tài sản
Anysia đã dùng tài sản để giúp đỡ người nghèo.
Có nhiều cách dùng tài sản. Người phú hộ tích lũy và ăn uống vui chơi (Lc 12,18-19), ngày ngày yến tiệc không màng đến sự khốn khổ của người nghèo (Lc 16,19-22), hoặc chàng thanh niên dùng phần tài sản của mình để sống phóng đãng và phung phí (Lc15,13).
Anysia ngược lại dùng tài sản để giúp đỡ người nghèo như một cách tích lũy kho tàng trên trời (Mt 6,20), với ý thức giúp họ là giúp chính Đức Giêsu (Mt 25,40.45), theo gương các phụ nữ ngày xưa đã làm để giúp đỡ Đức Giêsu và các môn đệ của Người (Lc 8,3).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết dùng tài sản Chúa ban cho đúng ý Chúa.
Suy niệm 3: Bách hại
Vào thời ấy, có sự bách hại người Kitô Giáo ở Thessalonica.
Nhà cầm quyền nhất định ngăn chặn mọi tín hữu không cho tụ tập cử hành Thánh Lễ. Một ngày kia Anysia tìm cách đến nơi tụ họp. Khi đi qua cửa thành Cassandra, ngài bị người lính canh để ý. Hắn bước ra chặn đường, hỏi ngài đi đâu. Vì sợ hãi, Anysia bước lùi lại và làm dấu trên trán. Lúc ấy, tên lính túm lấy ngài và lay mạnh. Hắn la lớn, "Mày là ai? Đi đâu vậy?" Anysia hít một hơi dài và trả lời, "Tôi là tôi tớ của Đức Giêsu Kitô. Tôi đến nơi hội họp của Chúa." Tên lính mỉa mai: "Vậy hả? Vậy tao sẽ bắt mày để tế thần. Hôm nay chúng tao thờ thần mặt trời." Cùng lúc ấy, hắn xé áo của Anysia. Ngài càng chống cự bao nhiêu, tên lính càng điên cuồng bấy nhiêu. Sau cùng, trong cơn tức giận, hắn rút gươm đâm thâu qua người Anysia. Thánh nữ gục chết trên vũng máu.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con thà chết chứ không thà bỏ Chúa, cụ thể qua việc tham dự Thánh Lễ.
Suy niệm 4: Thánh Lễ-giá trị
Nhà cầm quyền nhất định ngăn chặn mọi tín hữu không cho tụ tập cử hành Thánh Lễ.
Một hôm, người ta hỏi cha Piô Pitrenlôxina, vì cha được in năm Dấu thánh của Chúa Giêsu, rằng: “Xin cha giải nghĩa lễ Mi-sa cho chúng con.” Ngài trả lời: “Các con ơi, làm sao cha có thể giải nghĩa lễ Mi-sa cho các con được. Thánh lễ vô cùng như Chúa Giêsu vô cùng vậy…. Hãy hỏi Thiên Thần Thánh lễ là gì, rồi Ngài sẽ nói sự thật cho các con. Cha hiểu lễ Mi-sa là gì và tại sao được dâng hiến, nhưng cha không hiểu lễ Mi-sa có giá trị thế nào. Một Thiên Thần, hàng ngàn Thiên Thần, cả Thiên Đàng biết điều này và đều nghĩ như thế.” Thánh Anphongxô xác nhận: “Chính Chúa cũng không thể thực hiện một việc thánh thiện và cao cả hơn Thánh lễ Mi-sa. Tại sao? Vì Thánh lễ là tổng hợp, vì Thánh lễ là tóm kết việc Nhập thể và Cứu chuộc, mầu nhiệm hàm chứa Giáng sinh, Khổ nạn và Tử nạn của Chúa Giê-su, những mầu nhiệm Thiên Chúa hoàn tất vì chúng ta.” Công đồng Vaticanô II dạy: “Trong bữa tiệc ly, đêm Chúa bị phản bội, Chúa Giê-su thiết lập hy tế Thánh Thể bằng Mình và Máu Người, cốt để tiếp tục hy sinh Thập Giá cho tới khi Chúa lại đến” (PV 47). Thánh Tôma Aquinô trong đoạn văn được ơn soi sáng đã viết: “Cử hành Thánh lễ Mi-sa cũng có giá trị như Chúa Giê-su chết trên Thập Giá.” Vì lý do này, Thánh Phanxicô Asisi nói: “Loài người phải run sợ, thế giới phải chấn động, cả Thiên Quốc phải cảm kính sâu xa khi Con Thiên Chúa xuất hiện trên bàn thờ trong tay linh mục.” (Tác giả: Rw. STEFANO. OFM, Phỏng dịch: ĐỒNG TÂM. CMC).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con tham dự Thánh Lễ cách chủ động và hữu hiệu.
Suy niệm 5: Thánh Lễ-gương sáng
Nhà cầm quyền nhất định ngăn chặn mọi tín hữu không cho tụ tập cử hành Thánh Lễ.
Khi người ta nhận thức giá trị vô cùng của Thánh lễ Mi-sa, người ta sẽ không còn ngạc nhiên khi thấy các Thánh hăm hở trông mong dự Thánh lễ hàng ngày, bao nhiêu lần có thể. Thánh Phanxicô thường khó khăn tham dự mỗi ngày hai lễ. Khi bệnh nặng, Ngài xin anh em linh mục dâng lễ tại phòng riêng để Ngài có thể tham dự. Mỗi sáng, sau khi dâng lễ, Thánh Tôma Aquinô lại giúp thêm một lễ khác nữa để cảm ơn Chúa. Thánh Pátcan Babylon, một em bé chăn chiên, vì phải trông coi đàn chiên nên không thể đến dự lễ tại nhà thờ như lòng mong muốn, mỗi khi nghe chuông đổ báo hiệu Thánh lễ, bé quỳ xuống giữa đàn chiên, trên bãi cỏ, trước cây Thánh Giá gỗ đã làm sẵn, và như thế từ xa bé theo dõi linh mục dâng lễ Mi-sa tại nhà thờ. Ôi vị Thánh đáng yêu chừng nào, Ngài thực là Thiên Thần sốt mến của tình yêu Thánh Thể. Trên giường hấp hối, khi nghe tiếng chuông đổ báo hiệu Thánh lễ, Ngài nói với anh em: “Tôi sung sướng hợp nhất hy sinh bé nhỏ của tôi với hy sinh của Chúa Giê-su.”
Thánh Augúttinô đã ca ngợi mẹ Ngài là Thánh nữ Mônica về điều này: “Lạy Chúa, mẹ con không để ngày nào qua đi mà không đến dự lễ hy sinh trước bàn thờ Chúa.” Thánh nữ Magarít, hoàng hậu nước Scốtlen, là mẹ của tám người con, Ngài thường đi dự lễ mỗi ngày, Ngài đem con đi, và với sự săn sóc của tình mẫu tử, Ngài dạy con biết quý trọng cuốn sách lễ nhỏ mà Ngài đã trang hoàng với ngọc thạch. Hãy sắp xếp công việc khéo léo để không thiếu giờ dự lễ. Đừng nói rằng quá bận nhiều công chuyện. Chúa Giê-su đã nhắc nhở: “Mácta, Mácta, chị bối rối lo lắng về nhiều chuyện quá, chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi.” (Lc 10, 41-42) (Tác giả: Rw. STEFANO. OFM, Phỏng dịch: ĐỒNG TÂM. CMC).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con siêng năng tham dự Thánh Lễ.
Suy niệm 6: Làm dấu thánh giá
Anysia bước lùi lại và làm dấu trên trán.
Khi làm dấu thánh giá, chúng ta nhận biết mình thuộc về Chúa Kitô, bày tỏ niềm tin của chúng ta vào Chúa Kitô đã chết trên thánh giá vì chúng ta, chúng ta nói lên lòng ước muốn đón nhận sự phong phú khôn lường của thánh giá và ước muốn liên kết đời sống chúng ta với đời sống của Chúa Kitô chết trên thánh giá. Vậy, thánh giá quả là dấu chỉ sự cứu độ, sự cứu chuộc và sự phục sinh. Dấu thánh giá còn nhắc chúng ta về bí tích Thánh Tẩy của mình, bởi chúng ta đã được rửa tội “nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần”.
Dấu thánh giá là biểu thức của chính đức tin Kitô giáo, đó là sự hiện hữu của Thiên Chúa tình yêu được mạc khải bởi đời sống của Chúa Kitô. Do đó người ta hiểu tại sao các Kitô hữu thường làm dấu thánh giá cũng như thường bắt đầu một nghi thức phụng vụ bằng dấu thánh giá (Trích từ tập sách "40 CÂU HỎI VỀ THÁNH LỄ" của Lm. Giuse Vũ Thái Hòa).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con làm dấu Thánh Giá cách cung kính và nghiêm trang vì là dịp biểu lộ niềm tin vào Chúa.