Thánh JUAN DIEGO
(1474-1548)
Lược sử
Lúc đầu người ta gọi
ngài là Cuauhtlatohuac
("Con đại bàng cất tiếng"), tên Juan Diego thì mãi mãi đi liền với Đức Mẹ Guadalupe vì chính ngài là người
được Đức Mẹ hiện ra ở đồi
Tepeyac lần đầu tiên vào ngày 9-12-1531.
Sau đó, người ta không
đề cập gì nhiều đến Juan Diego. Có lúc ông sống gần một ngôi đền được dựng ở
Tepeyac, được mọi người kính trọng như một giáo lý viên thánh thiện, vô vị lợi
và đầy lòng nhân ái qua lời nói cũng như gương mẫu.
Trong chuyến tông du
năm 1990 đến Mễ Tây Cơ, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã xác nhận một nghi
thức có từ lâu đời nhằm vinh danh Juan Diego.
Suy niệm 1:
Cuauhtlatohuac
Lúc đầu người ta gọi Juan Diego là Cuauhtlatohuac ("Con đại bàng cất
tiếng").
Juan Diego sinh năm 1474, với tên là Cuautlatoatzin, nghĩa là “đại bàng
phát ngôn”, không phải là người nô lệ, có đất xây nhà, là nông dân và làm chăn
mền để bán. Sau khi Thày Toribio de Benavente giảng dạy cho những người Da Đỏ,
Cuautlatoatzin đã trở lại Kitô giáo cùng với vợ của mình vào giữa năm
1524-1525. Bấy giờ Cuautlatoatzin mới lấy tên là Juan Diego và vợ là Maria
Lucia; sau khi vợ chết năm 1529, ngài đã đến ở với ông chú của mình là Juan
Bernardino ở Tolpetlac, 14 cây số cách đền thờ Tlatilolco ở Tenochtitlan.
Tập tài liệu "Nican Mopohua" diễn tả ngài như là một
"macehualli" nghĩa là "người thổ dân nghèo", một người
không thuộc về bất cứ một tầng lớp xã hội nào, chẳng phải là Thực dân, Tư tế,
Chiến sĩ hay Thương gia..., nhưng cũng không phải là một nô lệ; là một thành
phần thấp nhất, loại cùng đinh trong thời đế quốc Aztec. Khi nói chuyện với Ðức
Bà, ngài tự xưng mình là "một kẻ chẳng là gì" (a nobody), và để trả
lời với Ðức Bà rằng ngài chẳng có địa vị gì đáng tín nhiệm để chuyển đạt mệnh
lệnh của Ðức Bà tới Ðức Giám Mục: Con tha thiết xin Bà, xin Bà hãy trao phó
nhiệm vụ này cho một người khác quan trọng hơn. Có thế, Ðức Giám Mục mới tin.
Bởi vì con chỉ là người chót bét, một sợi dây mỏng manh, một chiếc thang bằng
gỗ, một cái đuôi, một mảnh giấy. Con thuộc về một nhóm dân cùng đinh, nghèo
khổ, vậy mà Bà lại sai con đến một nơi quá cao xa đối với con, đến một chỗ mà
con không bao giờ dám đặt chân tới. Xin Bà tha thứ cho con, nếu con làm phật ý
Bà, nếu con làm Bà nỗi giận. Hỡi Bà là Bà Chủ của con!
Ngài đã gặp Ðức Mẹ hiện ra vào lần thứ nhất tại một địa điểm mà ngày nay
gọi là "Capilla del Cerrito", tại nơi này, Ðức Mẹ nói với ngài bằng
tiếng thổ dân của ngài. Ðức Mẹ gọi ngài là "Juanito, Juan Dieguito",
"Người con khiêm nhượng nhất của Ta", "người con bé mọn nhất của
Ta", "người con bé nhỏ yêu dấu của Ta".
ÐTC Gioan Phaolô II ca tụng đức tin đơn sơ và việc chăm chỉ học giáo lý của
Juan Diego, và đặt ngài là mẫu gương của sự khiêm nhượng cho tất cả mọi người.
Trong bài giảng phong thánh, ĐTC nói: Tôi hết sức vui mừng được hành hương tới
Đền Thờ Đức Mẹ Guadalupe, một trung tâm Thánh Mẫu của Mễ Tây Cơ và Mỹ Châu, để
công bố thánh đức của Juan Diego Cuauhtlatoatzin, một người Da Đỏ đơn sơ khiêm
tốn đã được chiêm ngưỡng dung nhan dịu dàng và uy nghi của Đức Bà Tepeyac rất
thân yêu của nhân dân Mễ Tây Cơ... Như Hàng Giáo Phẩm Mễ Tây Cơ đã cho thấy:
“Biến cố Guadalupe đã mở màn cho cuộc truyền bá phúc âm hóa với một nguồn sinh
lực ngoài lòng mong ước. Sứ điệp qua Mẹ của Người, đã tiếp nhận những yếu tố
chính nơi văn hóa bản xứ, thanh tẩy chúng và ban cho chúng ý nghĩa cứu độ tối
hậu” (14/5/2002, đoạn 8). Như thế, Guadalupe và JD mang một ý nghĩa sâu xa về
Giáo Hội và truyền giáo, và là một khuôn mẫu cho việc truyền bá phúc âm hóa
hoàn toàn hội nhập văn hóa... Hỡi Vị JD yêu dấu, “con đại bàng phát ngôn”! Xin
hãy tỏ cho chúng tôi con đường dẫn tới “Vị Trinh Nữ Đen”, Tepeyac, để Người
nhận lấy chúng tôi trong thâm tâm của Người, vì Người là Mẹ ưu ái, xót thương,
Đấng dẫn chúng tôi đến cùng Vị Thiên Chúa chân thật. Amen.
Ngài qua đời vào ngày 30 tháng 5 năm 1548, hưởng thọ 74 tuổi.
Vào tháng 4.1990, tại Vatican, ngài được Đức Gioan Phaolô II nâng lên Bậc
Ðáng Kính. Và một tháng sau, vào Chúa Nhật 6 tháng 5 năm 1990, trong chuyến
viếng thăm Đền Thánh Đức Mẹ Guadalupe lần thứ hai, Đức Gioan Phaolô II đã Chủ
tế thánh lễ Phong Chân Phước cho ngài. Hôm ấy, Ðức Thánh Cha âu yếm gọi tân
chân phước là "người tâm phúc của Ðức Bà dịu hiền Tepeyac". 12 năm
sau, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II lại sang thủ đô Mêhicô lần thứ năm và đã chủ
sự lễ tôn phong hiển thánh cho chân phước thổ dân Juan Diego vào ngày 31 tháng
7 năm 2002.
Thiên Chúa mong đợi Juan Diego đóng một vai trò khiêm tốn nhưng bao la
trong việc đem Tin Mừng cho người dân Mễ Tây Cơ. Cố vượt qua sự lo sợ cũng như
sự hồ nghi của Đức Giám Mục Juan de Zumarraga, Juan Diego đã cộng tác với ơn
sủng của Thiên Chúa khi ngài cho dân chúng thấy rằng Tin Mừng của Chúa Giêsu
thì không riêng cho một ai. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng nhân cơ hội này
để thúc giục người Mễ Tây Cơ hãy nhận lấy trách nhiệm rao truyền cũng như làm
chứng cho Tin Mừng.
Suy niệm 2: Đức Mẹ
Guadalupe-Câu chuyện
Tên Juan Diego thì mãi mãi đi liền với Đức Mẹ Guadalupe.
Trong lần hiện ra thứ năm, cũng là lần sau cùng, Ðức Mẹ tỏ lộ danh tánh:
Ðức Bà Guadalupe. "Guadalupe" trong tiếng thổ dân có nghĩa
"Người Nữ Chiến Thắng con rắn". Ðức Mẹ Guadalupe được tuyên xưng bổn
mạng nước Mêhicô vào năm 1737, bổn mạng toàn Mỹ Châu vào năm 1910 và bổn mạng
nước Phi-Luật-Tân vào năm 1935.
Ảnh hưởng của Đức Thánh Trinh Nữ trong những ngày đầu của nền văn minh Kitô
tại Lục Địa Mỹ Châu này vô cùng to lớn. Năm 1531, Đức Mẹ đã hiện ra 4 lần với
một thổ dân Aztec nghèo tên là Juan Diego. Mẹ yêu cầu Juan đến gặp vị Giám Mục
sở tại xin ngài xây một nguyện đường mới (tại nơi Mẹ chỉ định). Juan đến xin
gặp Giám Mục 2 lần, nhưng cả 2 lần đều bị gạt bỏ. Lần thứ ba Đức Mẹ bảo Juan
đến gặp Giám Mục. Mẹ nói: “Ngày mai con hãy đến đây, và con sẽ có thể đem cho
Giám Mục dấu chỉ mà ngài yêu cầu. Giờ thì con về đi, ngày mai Mẹ sẽ gặp con tại
đây.”
Vì chú của Juan đau nặng gần chết nên Juan không muốn làm theo lời yêu cầu
của Đức Mẹ. Sáng 12 tháng 12, để khỏi bị chậm trễ, Juan đi theo một con đường
mòn khác với hy vọng là có thể đến gặp vị linh mục sớm để ngài giúp cho chú
mình. Tuy nhiên, Đức Mẹ đón đường Juan tại lối mòn mới này và bảo Juan là chú
của anh đã khỏe lại rồi. Sau đó Đức Mẹ bảo Juan leo lên đỉnh đồi Tepeyac gom
một số hoa hồng vào áo “tilma” của anh. (Tilma là một thứ áo choàng thô dệt
bằng sợi cây xương rồng maguey -lưỡi kiếm - mà thổ dân Mỹ châu nghèo thường
mặc). Juan bèn leo lên đỉnh đồi vốn cằn cỗi xưa nay và thấy một vườn rực rỡ đầy
những hoa hồng đẹp tuyệt vời. Anh liền hái hoa và đựng vào vạt áo choàng tilma
rồi đem đến trình vị Giám Mục. Trước mặt vị Giám Mục, Juan mở áo choàng ra, hoa
hồng rơi xuống đất để lộ chân dung mầu nhiệm của Đức Mẹ, (kích thước) lớn bằng
người thật (Tiến Sĩ Robert Stackpole, Louis Lê Xuân Mai trích dịch).
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con mỗi khi bị cám dỗ, hãy luôn cầu cứu với Đức Mẹ
là Đấng đã chiến thắng con rắn xưa.
Suy niệm 3: Đức Mẹ
Guadalupe-Bức Hình Hoán Cải Cả Một Quốc Gia
Tên Juan Diego thì mãi mãi đi liền với Đức Mẹ Guadalupe.
Cẩm nang thành lập Hội Tông Đồ Thánh Thể Của Lòng Thương Xót Chúa nêu rõ ý
nghĩa tượng trưng của bức hình như sau:
“Hình Đức Bà Guadalupe cho thấy Mẹ mặc áo mặt trời chân đạp trên mặt trăng
hình lưỡi liềm, tượng trưng cho địa vị cao cả của Mẹ - vĩ đại hơn các ngẫu
tượng mặt trời hoặc mặt trăng mà thổ dân Aztec thờ cúng hồi đó. Mẹ mặc áo
choàng màu ngọc lam xanh - tượng trưng cho hoàng tộc - khoác ngoài áo dài màu
hồng tượng trưng choTình Yêu Thần Thiêng. Đầu Mẹ hơi cúi xuống trong tư thế
khiêm cung, tượng trưng cho người nữ tỳ của Chúa! Đai đen thắt ngang lưng và
bông hoa bốn cánh in trên áo dài của Mẹ tượng trưng cho người nữ đang Mang
Thai. Ngón tay út tách rời với các ngón khác trên bàn tay của Mẹ chỉ rõ cho thổ
dân Aztec biết rằng họ phải tin thờ một Thiên Chúa Ba Ngôi Duy Nhất.”
Bức hình này của Mẹ đã tạo ảnh hưởng to lớn và sâu sắc đối với dân Aztec
đến nỗi chỉ trong vòng 5 năm sau đó khoảng 8 triệu dân Aztec và các thổ dân
khác đã trở lại đạo Công Giáo! Từ đó rất thánh Đức Mẹ đã ngăn chặn được tục lệ
dã man mổ ngực người sống để tế thần linh của họ! Chuyện này xảy ra sáu năm
trước khi Columbus tìm ra được Thế Giới Mới này, dân Aztec đã xây một đền thờ
mới tại Mexico. Họ tổ chức 4 ngày lễ sát tế mổ banh ngực của 72.344 người (72
ngàn 344) để lấy trái tim ra tế ngẫu thần của họ trong khi những người này còn
đang sống!
Sự kiện dân Aztec trở lại đạo Công Giáo đã chấm dứt hoàn toàn tục lệ sát tế
khủng khiếp này. Ngày nay hàng năm 15 triệu người, trong đó có Đức Giáo Hoàng
Gioan Phaolô II năm 1970, đến hành hương tại thánh địa Guadalupe này để chiêm
ngưỡng dung nhan mầu nhiệm Đức Bà, Thánh Mẫu của toàn thể châu Mỹ, và cầu xin
cho tục sát tế thời đại mới và tâm lý phá thai quái đản của nền “văn hóa” sự
chết của con người hiện đại hoàn toàn chấm dứt. Cũng như chân dung Mẹ Maria
hiện ra trong tư thế của người nữ mang thai Hài Nhi Giêsu trong lòng thì Mẹ
cũng là Đấng đầy lòng thương xót và Bảo Vệ sự sống cho tất cả các thai nhi vô
tội, cho tất cả những người mẹ sanh con trong những hoàn cảnh khó khăn, cũng
như chính Mẹ đã “sanh Con đầu lòng bọc Con trong tã lót và đặt nằm trong máng
cỏ, bởi vì thánh gia đã không tìm được chỗ trọ trong lữ quán” (Lc 2,7) (Tiến Sĩ
Robert Stackpole, Louis Lê Xuân Mai trích dịch).
Hình ảnh Ðức Mẹ Maria in trên áo choàng vẫn còn trông thấy rõ ràng mãi cho
đến ngày nay, sau gần 480 năm. Chiếc áo choàng hiện được tôn kính nơi đền thánh
trên đồi Tepeyac. Ðền thánh mang tên Ðức Bà Guadalupe. Vương Cung Thánh Ðường
Ðức Mẹ Guadalupe là Trung Tâm Thánh Mẫu lớn nhất thế giới. Mỗi năm có khoảng 20
triệu tín hữu đến hành hương.
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con siêng năng chạy đến cùng Mẹ để dễ cải thiện cuộc
sống.
Suy niệm 4: Đức Mẹ
Guadalupe-Các Khoa Học Gia
Tên Juan Diego thì mãi mãi đi liền với Đức Mẹ Guadalupe.
Bức Hình Đã Gây Sửng Sốt Không Ít Cho Các Khoa Học Gia.
Tất nhiên những kẻ hoài nghi vẫn rêu rao rằng chuyện Guadalupe chỉ là hoang
tưởng và dị đoan mê tín. Tuy nhiên họ cứ thử nói như vậy với Giáo Sư Phillip
Callahan của Đại Học Florida và Giáo Sư Jody Smith của Pensacola, FL. xem sao.
Năm 1979, hai vị này đã chụp cả thảy 60 tấm ảnh của bức hình mầu nhiệm này,
trong đó nhiều tấm chụp bằng tia cực-tím để xem có một phác họa nào ẩn tàng
phía dưới bức hìnhnày chăng. Người ta còn dùng kỹ thuật vi-tính để chụp nhiều
tấm ảnh khác để tăng cường nghiên cứu xem bức hình này phát xuất từ đâu, như
ông Francis Johnson đã tường thuật trong tác phẩm nhan đề là Sự Kỳ Diệu Của
Guadalupe (The Wonder of Guadalupe) do nhà xuất bản TAN Books, ấn hành năm
1981:
“Khoa học không thể cắt nghĩa được bức hình Guadalupe hiện lên năm 1531 xuất
xứ từ đâu. Không ai cắt nghĩa nổi làm sao mà sau năm thế kỷ, màu sắc của bức
hình vẫn giữ được vẻ trong sáng y nguyên như lúc ban đầu. Rõ ràng là không có
một nét phác họa nào ẩn tàng bên dưới bức hình, hoàn toàn không có dấu vết một
chất keo hoặc chất sơn dầu đánh bóng nào trong bức hình này. Không có chất keo
bảo trì thì tấm ‘áo choàng tilma’ đã mục nát từ lâu, và không có sơn dầu bảo vệ
thì bức hình cũng tiêu tan luôn vì đã tiếp xúc nhiều với khói đèn nến và những
chất ô nhiễm khác…
Dưới kỹ thuật khuyếch đại cao, bức hình cho thấy không hề có dấu hiệu phai
mờ hoặc nứt rạn của màu sắc - một hiện tượng hoàn toàn không thể hiểu nổi sau
450 năm. (Tính đến năm 1981) Thấu kính cực mạnh cũng cho thấy sự kiện kinh ngạc
là việc cái tilma được dệt một cách thô sơ cũng được cố ý sử dụng một cách hết
sức tài tình chính xác để tạo chiều sâu cho nét mặt của bức hình… Các tấm
ảnhchụp cận cảnh (rất gần) bằng tia hồng ngoại cho thấy không có vết cọ lên
xuống, và những lỗ hổng nhìn thây rõ rệt chứng minh cho sự kiện không có chất
keo nào trên mảnh áo choàng này…
“Áo dài màu hồng và áo choàng màu xanh của Đức Bà đáng cho ta nghiên cứu kỹ
hơn, bởi vì tất cả sắc tố mà chúng ta biết để tạo ra những màu này dưới những
điều kiện tự nhiên thì đã phải phai mờ từ lâu rồi, và sức nóng như thiêu đốt
của mùa hè Mexico chỉ có thể tăng tốc tiến trình gây hư hại cho bức hình mà
thôi. Vậy mà màu sắc vẫn tươi sáng như lúc ban đầu. Người ta khám phá ra rằng
màu hồng của áo dài nhìn qua ánh sáng hồng ngoại tuyến thì trong suốt chứ không
mờ đục, và sự kiện này càng tăng thêm một vẻ huyền bí khác. Đa số các sắc tố
màu hồng đều mờ đục trước ánh sáng hồng ngoại tuyến, nhưng tuyệt nhiên không có
vết tích nào như vậy trong bức hình cả…
Giáo sư Callahan kết luận rằng: “Nghiên cứu bức hình là một kinh nghiệm đầy
xúc động của đời tôi… Một khoa học gia mà nói như vậy quả là kỳ cục, nhưng đối
với cá nhân tôi thì bức hình nguyên thủy này là một mầu nhiệm.” (Tiến Sĩ Robert
Stackpole, Louis Lê Xuân Mai trích dịch).
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết sử dụng con mắt đức tin để dễ đón nhận các
mầu nhiệm của Chúa.
Suy niệm 5: Đức Mẹ
hiện ra
Juan Diego là người được Đức Mẹ hiện ra ở đồi Tepeyac.
Ông là một thổ dân nghèo hèn, 57 tuổi, góa vợ, tên thật là Cuatitlatoatzin
và sau khi rửa tội có tên là Juan Diego. Vào buổi sáng thứ Bảy, 9 tháng Mười
Hai 1531, ông đến nhà nguyện gần đó để tham dự lễ kính Đức Mẹ. Khi đang đi trên
ngọn đồi gọi là Tepeyac thì ông nghe có tiếng nhạc du dương như tiếng chim hót.
Sau đó một đám mây sáng chói xuất hiện, đứng trên đám mây là một trinh nữ người
thổ dân mặc y phục như công chúa của bộ lạc Aztec. Trinh nữ nói chuyện với ông
bằng tiếng bản xứ và sai ông đến với Đức Giám Mục của Mexico, là một tu sĩ dòng
Phanxicô tên Juan de Zumarraga, và yêu cầu đức giám mục xây cất một nguyện
đường nơi Trinh Nữ hiện ra.
Dĩ nhiên vị giám mục không tin, và bảo Juan Diego xin Trinh Nữ cho một dấu
chỉ. Trong thời gian này, người chú của ông bị bệnh nặng. Điều đó khiến ông cố
tránh né không muốn gặp Trinh Nữ. Tuy nhiên, đức trinh nữ tìm ông, đảm bảo với
ông là người chú sẽ khỏi bệnh, và bảo ông hái các bông hồng quanh đó để làm
bằng chứng với vị giám mục. Lúc ấy là mùa đông thì không thể có bông hoa nào
mọc được, nhưng lạ lùng thay, gần chỗ Trinh Nữ hiện ra lại đầy dẫy những hoa
hồng tuyệt đẹp. Và ông đã dùng chiếc áo tơi của mình để bọc lấy các bông hồng
đem cho vị giám mục.
Trước sự hiện diện của đức giám mục, ông Juan Diego mở áo tơi ra và bông
hồng đổ xuống tràn ngập khiến vị giám mục phải quỳ gối trước dấu chỉ lạ lùng
ấy. Lạ lùng hơn nữa, trên chiếc áo tơi lại có in hình Đức Trinh Nữ như ngài đã
hiện ra với ông ở đồi Tepeyac. Đó là ngày 12 tháng Mười Hai 1531.
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con sùng kính hình ảnh Chúa đã in sâu vào tâm hồn
chúng con St 1,27).
Suy niệm 6: Đức Mẹ
hiện ra-Sứ điệp
Juan Diego là người được Đức Mẹ hiện ra ở đồi Tepeyac.
Những lần Đức Trinh Nữ Guadalupe hiện ra với anh Juan Diego nhắc chúng ta
nhớ rằng: Thiên Chúa chọn những kẻ hiền lành và khiêm tốn để thi hành công
trình cứu độ của Người. Juan Diego tự nhận mình bất xứng trước sứ vụ đã được
Đức Trinh Nữ ủy thác cho anh, nhưng anh đã chấp nhận sứ vụ đó và khi đối đầu
với những khó khăn, anh đã học cho biết tín thác vào tình mẫu tử của Đức Maria.
Do vậy, anh đã thực hiện phần việc của bản thân nhằm mở mang Nước Chúa. Tương
tự như anh, chúng ta cũng được kêu gọi nhận lấy trách nhiệm của chúng ta để
Phúc âm hóa xã hội chúng ta và để xây dựng một nền văn minh tình thương bất kể
những nỗi khó khăn mà chúng ta gặp phải. Chúng ta được kêu gọi tin tưởng vào
Chúa Giêsu, Đấng đã sai phái chúng ta đi, và tin nơi Đức Maria, Mẹ đồng hành
với chúng ta. Khi Juan Diego lo lắng về bệnh tật của ông chú là Juan Bernađinô,
thì Đức trinh Nữ Guadalupe đã bảo đảm với anh bằng những lời lẽ yêu thương và
khích lệ, những lời mà Đức Trinh Nữ cũng đang nói với chúng ta: Hãy lắng nghe,
hỡi người con trẻ trung và yêu quý nhất của Ta, hãy ghi khắc trong tâm hồn con,
điều làm con xao xuyến, điều làm con buồn phiền sẽ chẳng là gì cả. Khi tâm hồn
con xao xuyến, hãy cứ an tâm. Đừng lo sợ về bệnh tật của chú con hoặc về bất cứ
một thứ bệnh tật nào khác, không có gì cay đắng hoặc làm hại được con. Chẳng
phải Ta đang ở đây, Ta không phải là Mẹ của con sao? Con không ở dưới bóng cánh
che chở của Ta sao? Ta không phải là nguồn vui của con sao? Con không náu nương
trong vạt áo, trong vòng tay của Ta sao? Chẳng phải con không còn cần thêm chi
nữa hay sao? (Antonio Valeriano, Nican Mopohua vv. 118-119).
Cũng trong ngày đó, ngày 12.12.1531, Đức Trinh Nữ đã bảo Juan Diego mang
những bông hoa hồng đến cho Đức Giám mục, ngài yêu cầu phải có một dấu chỉ về
phía Đức Trinh Nữ. Juan Diego đã ngắt những cánh hoa hồng trên đồi, đây là món
quà lạ lùng vào thời điểm đó trong năm, và anh đặt những cánh hoa ấy trong
chiếc áo choàng hoặc còn gọi là chiếc áo ngoài của anh. Khi anh đưa ra cho Đức
Giám mục xem những cánh hoa hồng, thì mọi người đều ngạc nhiên phát hiện ra
hình ảnh Đức Trinh Nữ in trên tấm áo choàng. Hình ảnh đúng là một bản chép tay
với những màu sắc và họa tiết mang theo một sứ điệp tôn giáo với các yếu tố
thuộc nền văn hóa thổ dân; qua bản chép tay đó, những người bản địa đã có thể
hiểu được và chấp nhận đức tin Kitô giáo với những kết quả đáng kinh ngạc. Rõ
ràng Đức Trinh Nữ Tepeyac tỏ cho thấy tầm quan trọng của việc hội nhập Tin Mừng
vào nền văn hóa, ngõ hầu Phúc âm hóa các nền văn hóa. Trong thế giới hôm nay,
chúng ta cũng được kêu gọi sử dụng những yếu tố văn hóa thích hợp được am hiểu
một cách tường tận, nhằm loan báo sứ điệp của Chúa Giêsu, sao cho nhiều người
và các dân tộc có thể được đổi mới tự bên trong.
Đức Trinh Nữ đã mang đến sự hòa giải, chứ không phải là sự chia rẽ giữa
những thổ dân với người Tây-ban-nha. Đức Trinh Nữ đã giúp họ hiểu rằng không
một ai được phép lấy đức tin Kitô giáo làm của riêng mình, nhưng đó là một quà
tặng yêu thương dành cho hết thảy mọi người. Sự hiện diện của Mẹ mang tính chất
quyết định cho công cuộc Phúc âm hóa “Tân Thế giới”(châu Mỹ), giữ một vai trò
quan trọng trong bản sắc quốc gia và lịch sử đất nước Mêxicô, vì đó là hoàn
cảnh trong suốt cuộc đấu tranh giành độc lập. Ngày 31.07.2002, Chân phước Giáo
hoàng Gioan Phaolô II đã cử hành lễ phong thánh cho anh Juan Diego tại Đại
Thánh đường Guadalupe. Đức Giáo hoàng đã dạy chúng ta rằng: trước nền văn hóa
sự chết hiện nay, chúng ta tìm gặp niềm hy vọng nơi Đức Trinh Nữ Guadalupe, Mẹ
là người cổ võ và là trạng sư vĩ đại cho sự sống con người. Mẹ đang cưu mang
Con Chúa khi đã hiện ra cho Juan Diego được thấy. Những thổ dân Ấn hiểu rằng:
Đó chính là Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm họ. Vì thế, hôm nay Giáo hội kêu cầu
Mẹ can thiệp để bảo vệ sự sống trước nạn phá thai giết người và tất cả những
mối đe dọa khác đối với phẩm giá con người và những con người bị đẩy ra bên lề
cuộc sống xã hội. Sứ điệp của Đức Trinh Nữ Guadalupe là một dấu chỉ hy vọng cho
nhân loại trước kỷ nguyên đổi thay này và là một lời kêu gọi tham gia một cách
tích cực và trung tín vào công cuộc Phúc âm hóa các nền văn hóa mới. Chúng ta
nhớ rằng chúng ta không đơn độc, vì Mẹ luôn mang lại Ánh sáng thế gian là Đức
Giêsu Kitô (Ga 8,20) cho chúng ta.
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con ghi khắc và sống hết mình sứ điệp trong cuộc
viếng thăm tại trần gian của Mẹ.