Sống đức tin _ bệnh lười biếng, tránh né


Bệnh lười biếng tránh né
Giới thiệu
Muốn thành công trước hết phải chữa trị tận gốc mười (10) chứng bịnh làm băng hoại xã hội ngày nay.
Cuộc sống cộng đồng và Giáo hội, không những ở Việt Nam mà ngay cả ở hải ngoại, hiện đang có những bất ổn. Không hoặc chưa phát huy được nét tích cực của mình. Do đâu?
Có rất nhiều căn nguyên. Những căn nguyên này là những chứng bịnh vừa nguy hiểm vừa truyền nhiễm đang hoành hành trong xã hội, và có cơ nguy làm cho cuộc sống xã hội băng rã. Tôi qui chúng lại thành mười bệnh lớn: Thập đại bịnh.
5. Bệnh lười biếng tránh né
Triệu chứng của bệnh này là sợ tốn sức tốn của, sợ liên lụy, a dua: ai mạnh thì hùa theo. Khi nói thì rất hăng, nhưng vào việc thì viện đủ lý do để che đậy cái hèn nhát và lười biếng của mình. Giữa đại hội thì phát biểu thật hùng hồn, lúc phân việc thì lẩn đâu mất.
Trong đội tù của tôi trước đây có một ông cũng từ miền Nam ra. Mỗi lần họp anh ta phát biểu ào ạt. Đụng chuyện gì cũng dơ tay phát biểu. Nói huyên thuyên mà thường lạc đề. Đến lúc chia việc thì im re. Riết anh em trong tổ ngán. Nên mỗi lần anh ta dơ tay phát biểu là anh em đồng loạt hô: Im mà nghe, đài Mát-cơ-va phát!
Chuyện kể hai nhà thông thái nọ muốn tìm hiểu xem thành phố Rôma có mấy người làm việc. Họ bắt đầu bằng một chuỗi phân tách loại trừ. Trước tiên trừ đi con số trẻ em chưa đến tuổi làm việc, đến số người bệnh tật, số người ở tù, rồi số dân biểu nghị sĩ quanh năm suốt tháng chỉ cãi nhau và dơ tay bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ, số người làm nghề phê bình đá bóng... Cứ thế mà trừ, kỳ cùng chỉ còn lại hai người làm việc, đó là hai nhà thông thái. Nhưng rồi một ông lên tiếng ngay: tôi từ nãy giờ tính toán quá mệt rồi, nên chi tôi bầu anh làm việc tiếp để tôi nghỉ!
Để xây dựng cộng đoàn có trăm công ngàn việc. Việc gì cũng đáng làm. Chẳng cần phải ngồi ghế lãnh đạo mới là làm việc. Việc nào cũng có thể nên thánh, miễn là làm cho tới nơi tới chốn.
Khi ở Dublin một tháng để học hỏi về Đạo binh Đức Mẹ tôi may mắn được gặp người sáng lập, ông Frank Duff. Tôi háo hức, tưởng sẽ diện kiến một nhân vật quốc tế tiếng tăm; người mà các Hồng y, Giám mục khắp nơi đều phải ngồi nghe. Nhưng không ngờ, ông chỉ là một cụ già đưa thư. Hàng ngày khiêm tốn đạp chiếc xe cọc cạch ra bưu điện mang thư về cơ quan, bỏ vào hộp thư của gần một ngàn chi nhánh Đạo binh ở Dublin. 
Người ta nói công việc của ông bây giờ chỉ có thế; có tuổi rồi không còn giữ vai trò quan trọng nào nữa; nhưng khi ai cần ý kiến thì ông sẵn sàng đóng góp và hướng dẫn giải quyết.
Đấy, công việc đưa thư hèn mọn có làm giảm tư cách con người đâu!
(Ghi lại bài nói chuyện của Đức Tổng Giám mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận với giới trẻ Việt Nam tại Strasbourg, Pháp, chiều ngày 12.9.1998)
ĐHY. PX. Nguyễn Văn Thuận