Chầu Thánh Thể cnmv 4c _ em thật có phúc vì đã tin

EM THẬT CÓ PHÚC VÌ ĐÃ TIN
Lời Chúa: (mời đứng)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca,
Hồi ấy, bà Ma-ri-a vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa. Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét. Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: "Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em."
Đó là Lời Chúa
Suy niệm: (mời ngồi)
“Ngộ nhận” là một bi kịch được viết bởi nhà văn Pháp nổi tiếng Albert Camus, vở kịch kể chuyện hai mẹ con cô Martha có một lữ quán nơi miền quê xa vắng. Một hôm có một hành khách sang trọng ghé trọ ở quán. Hai mẹ con đã cho ông uống một liều thuốc ngủ để lấy hết của cải của ông, rồi ném ông xuống sông.
Một thời gian ngắn sau đó, Jan là cậu con trai của bà chủ quán về nhà. Mẹ con đã xa cách nhau trên hai mươi năm nên mẹ chẳng nhận ra con. Phần Jan, vì một lý do riêng mà cậu phải dấu không cho mẹ biết mình là ai.
Rồi cũng như ông khách trước, Jan cũng nhận một liều thuốc ngủ rồi bị quăng xác xuống sông.
Mẹ giết con chỉ vì không nhận ra con. Câu chuyện bi thảm này được viết ra như một lời ca thán cho cái thế giới vô tình, vô nghĩa chúng ta đang sống, nơi mà cái lợi thế tục trở nên lý do cho biết bao nhiêu việc làm bất nhân bất nghĩa diễn ra hằng ngày, nhiều thật nhiều đến mức trở thành chuyện bình thường!
Mọi bi kịch trong cuộc sống nhân loại bắt đầu từ bi kịch thuở tạo thiên lập địa, khi nguyên tổ nhân loại từ chối Thiên Chúa theo lời cám dỗ của ma quỉ. Loại trừ nhau là hậu quả của sự loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống mình. Sau khi ăn trái cấm, Ađam đã đổ lỗi cho Eva, Eva đổ lỗi cho con rắn, và cả hai đánh mất cuộc sống hạnh phúc mà Chúa đã trù định cho họ ngay từ khi dựng nên con người theo hình ảnh Ngài.
Loại trừ Thiên Chúa, con người tưởng rằng đó là cách thế để tìm lại chính mình, để sống thật với chính mình, và thực sự hưởng độc lập, tự do. Nhưng người ta quên rằng con người tự bản chất là một sinh vật xã hội, chỉ thực sự là mình khi sống với và sống cho, vì “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ.” (St 1,27) Thế nên khi loại trừ Thiên Chúa, người ta loại trừ nhau, anh em trở nên kẻ thù của nhau; ngược lại, một trong những đặc điểm của niềm tin Kitô là phải đến với nhau, phải yêu thương nhau, yêu cả kẻ thù: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.” (Ga 13,34-35)
Đức Mẹ là mẫu gương tuyệt vời cho đời sống đức tin: Thánh ý Chúa là lẽ sống của Mẹ. Mẹ đã để đời mình tùy thuộc vào Chúa trong hai tiếng “xin vâng”. Chính khi để đời mình tùy thuộc vào Chúa mà Mẹ, dù chỉ là một cô thôn nữ phận hèn bé mọn, đã trở nên thụ tạo hoàn hảo nhất, trở nên mảnh đất tuyệt vời để ơn cứu độ được gieo trồng: “Hỡi Bê-lem Ép-ra-tha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giu-đa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Ít-ra-en.” (Mk 5,1)
Mẹ trở nên nơi đền thánh cho Chúa cư ngụ, và đức ái là hoa trái đầu tiên cho sự hiện diện của Ngôi Lời nhập thể: Mẹ đã “vội vã lên đường, đến miền núi,” thăm viếng và mang niềm vui đến cho bà Ê-li-sa-bét.
Cầu nguyện: (mời quì)
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,
Vì muốn khẳng định mình nên chúng con đã loại trừ Chúa, không muốn sống theo ý Chúa, và sau đó là bàng hoàng nhận ra mình chỉ là cát bụi.
Khi từ bỏ Chúa chúng con mới biết rằng mình đã đánh mất chính mình. Thế nhưng đó cũng là lúc chúng con cảm nghiệm tình yêu vô biên Chúa dành cho chúng con: “Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo, muôn trăng sao Chúa đã an bài, thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm?” (Tv 8,4-5)
Chúa đang hiện diện ở đây để chỉ nói cho chúng con biết rằng Chúa rất yêu thương chúng con, tình yêu dành cho những người con phản nghịch với Chúa. Thế nên dù có ở dưới đáy sâu của vực thẳm tội lỗi, chúng con vẫn sung sướng vững lòng thốt lên lời cầu xin của đức cậy: “Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, xin cho chúng con được phục hồi, xin tỏ thiên nhan hiền từ Chúa ra, hầu cho chúng con được ơn cứu sống.” (Tv 79,4)
Đức tin của Mẹ Maria là mẫu gương tuyệt vời cho chúng con. Niềm vui và sự vinh phúc của Mẹ là những gì Chúa dự định cho những ai tin vào Chúa: được chính Chúa là sự sống và hạnh phúc đời đời của mình. Lời chúc của bà Ê-li-sa-bét dành cho Mẹ cũng là những gì Chúa hứa cho chúng con, những người tin theo Chúa: “Em thật có phúc, vì đã tin."
Chúa đang ở đây với chúng con, cho chúng con và vì chúng con. Một khi đã không ngần ngại ở đây với chúng con thì chẳng có gì tốt lành cho chúng con mà Chúa lại không làm, thế nhưng... chúng con vẫn còn ở xa với điều vinh phúc Chúa đã hứa, vì chưa dám tin.
Ngày mừng đại lễ Giáng Sinh đã gần kề, xin Chúa mở mắt tâm hồn chúng con và kích động chúng con bằng tình yêu Chúa, để chúng con noi gương Đức Mẹ mà bỏ mình nhiều hơn để đến với anh em, để sống niềm tin trong đời phục vụ, trong sự tha thứ, trong tình yêu quan tâm chăm sóc thương yêu ngay cả những người làm phiền lòng chúng con.
Đó chính là niềm vui của Chúa khi ở đây với chúng con -những người luôn làm phiền lòng Chúa-, niềm vui của một tình yêu tinh tuyền, trọn vẹn, yêu hết mọi người, và sẵn lòng quên mình vì người mình yêu.
Chính khi sống như vậy, chúng con sẽ cảm nghiệm được sự hân hoan của niềm tin Kitô, niềm vui của Đức Mẹ khi mang Chúa đến với người khác, niềm vui của phúc thật được Thánh Thần Chúa tuyên nhận qua miệng bà Ê-li-sa-bét: “Em thật có phúc vì đã tin.”
Hát: Kinh Hòa Bình.