Suy niệm hạnh thánh _ 28/11

Thánh JAMES Ở MARCHE
 (1394-1476)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Thánh James sinh ở Marche thuộc tỉnh Ancona miền trung nước Ý, dọc theo bờ biển Adriatic. Sau khi lấy tiến sĩ giáo luật và dân luật tại Ðại Học Perugia, ngài gia nhập dòng Phanxicô và bắt đầu một cuộc sống thật khắc khổ.
Thánh James học thần học với Thánh John ở Capistrano. Ðược thụ phong linh mục năm 1420, Thánh James bắt đầu cuộc đời rao giảng. Ngài giúp lan tràn việc sùng kính Thánh Danh Chúa Giêsu.
Ðể chống với tệ nạn xã hội về số phân lời quá cao, Thánh James thiết lập một tổ chức gọi là "montes pietatis" (núi bác ái)
Ngài từ trần ở Naples ngày 28-11-1476 và được phong thánh năm 1726.
Suy niệm 1: Khắc khổ
Thánh James gia nhập dòng Phanxicô và bắt đầu một cuộc sống thật khắc khổ.
Ngài ăn chay chín tháng trong một năm, và mỗi đêm chỉ ngủ có ba tiếng. Ngài hãm mình đến độ Thánh Bernardine ở Siena phải bảo ngài giảm bớt lại.
Trong buổi tiếp kiến chung vào hôm thứ Tư 27/05/2009, Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI đã khẳng định rằng chỉ «sự khắc khổ» và sự từ bỏ sở hữu vật chất mới có thể cho phép thực hiện trọn vẹn «vấn đề lớn của sự khó nghèo». Trong bài giáo lý về thánh Théodore le Studite, một đan sĩ canh tân sống vào thế kỷ thứ 8, Đức Thánh Cha đã nói: «Chúng ta không phải lệ thuộc sự sở hữu vật chất». Ngài nói tiếp: «Sự khó nghèo cá nhân» là «một yếu tố chủ yếu của đời sống đan tu» nhưng cũng chỉ ra «một con đường cho hết thảy chúng ta». «Chúng ta phải học biết sự từ bỏ, sự đơn giản, sự khắc khổ, sự tiết độ» vì «chỉ bằng cách này mà một xã hội liên đới mới có thể thịnh vượng và vấn đề lớn về sự khó nghèo mới có thể được vượt qua».
Đức Thánh Cha cũng xin các tín hữu «kháng cự lại cám dỗ biến ý riêng của mình thành quy luật sống đầu tiên của họ». Ngài nói: «Khuynh hướng của con người sau tội nguyên tổ là biến ý muốn của mình thành nguyên tắc sống đầu tiên… đặt mọi sự còn lại phục tùng ý muốn này» nhưng bằng cách này xã hội «không thể vận hành». Ngài kêu gọi «vâng phục các quy luật của đời sống chung». Ngài kêu gọi «phổ biến học thuyết xã hội của Giáo Hội và , nhất là, cho thấy sự gần gũi của ngài với tất cả những ai nghèo khó về vật chất và tinh thần».
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết sống khắc khổ, đặc biệt trong việc luôn từ bỏ ý riêng.
Suy niệm 2: Học
Thánh James học thần học với Thánh John ở Capistrano.
Lúc còn nhỏ, ngài khởi sự con đường học vấn ở Offida dưới sự hướng dẫn của người cậu linh mục, và sau đó được gởi đi học ở trường Ascoli Piceno ở một thành phố gần đó. Về sau ngài học ở Đại Học Perugia và lấy bằng Tiến Sĩ dân luật. Sau một thời gian vắn ở Florence với nghề gia sư cho một gia đình quý tộc và quan tòa xử các vụ liên quan đến việc phù phép, ngài được nhận vào Dòng Phanxicô ở nhà thờ Portiuncula ở Assisi vào ngày 26.07.1416. Thời gian này, ngài nhận tên dòng là James. Sau chương trình tập sinh ở Carceri, gần Assisi, ngài học thần học ở Fiesode gần Florence dưới sự hướng dẫn của Thánh Bernardine thành Siena.
Các tác phẩm của ngài không được tập kết mà được lưu giữ rãi rác ở Municipio. Ngài đã viết cuốn “Cuộc Đối thoại chống Nhóm Fraticellos” được in ấn ở Baluze-Mansi. Nhiều bài giảng cũng như luận án về “Các phép lạ của Danh Thánh Chúa Giêsu” không được xuất bản. Cuốn “Các quy luật xưng tội” được xuất bản vài lần bằng tiếng Latinh và tiếng Ý vào thế kỷ thứ 15. Một số bản viết tay và luận án về “Máu Chúa Kitô đổ ra” vẫn còn được lưu trữ.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con can đảm và khiêm tốn viết ra các suy tư của minh như một việc bác ái nhằm chia sẻ với tha nhân, và đồng thời đó cũng là một cách học đáng trân trọng.
Suy niệm 3: Rao giảng
Thánh James bắt đầu cuộc đời rao giảng.
Vào ngày 13.06.1420, ngài được thụ phong linh mục và bắt đầu rao giảng ở Tuscany thuộc Marche và ở Umbria. Trong nửa thế kỷ, ngài đã đi khắp nước Ý cũng như đến 13 quốc gia thuộc Trung và Ðông Âu Châu. Bài giảng của ngài thúc giục giáo dân cải thiện đời sống, chống lại các bè rối. Sự hăng say của ngài được hổ trợ bằng nhiều phép lạ đã giúp nhiều người trở lại đạo (người ta ước lượng khoảng 250.000 người), và nhiều thanh niên gia nhập dòng Phanxicô vì sự ảnh hưởng của ngài. Cùng với Thánh John ở Capistrano, Thánh Albert ở Sarteano và Thánh Bernardine ở Siena, Thánh James được coi là một trong "bốn cột trụ" của phong trào Nghiêm Thủ (Observant) của dòng Phanxicô. Các ngài nổi tiếng vì sự rao giảng.
Thánh James muốn lời Chúa ăn sâu trong tâm hồn của người nghe. Ngài nêu lên giá trị của lời Chúa: "Lời Chúa thật thánh thiện và đáng yêu quý dường nào! Chỉ có lời Chúa mới soi tỏ mọi tâm hồn tín hữu, làm thỏa mãn người đói khát, an ủi kẻ đau khổ; lời Chúa giúp linh hồn tạo được công nghiệp và giúp mọi nhân đức phát triển; lời Chúa gìn giữ linh hồn khỏi nanh vuốt ma quỷ, giúp người độc ác nên thánh thiện, và mọi người trên mặt đất trở thành công dân nước trời" Lời giảng của ngài là để chuẩn bị mảnh đất tâm hồn, bằng cách lấy đi những sỏi đá và làm mềm lòng những cuộc đời đã khô cằn vì tội lỗi. Chúa muốn lời của Người bén rễ trong đời sống chúng ta, nhưng để được như thế, không những chúng ta cần người rao giảng đầy sùng tín, nhưng chính chúng ta cũng phải tích cực lắng nghe.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con xác tín về giá trị của Lời Chúa để hằng yêu mến, học hỏi và thực hành.
Suy niệm 4: Thánh Danh Chúa Giêsu-lòng sùng kính
Thánh James giúp lan tràn việc sùng kính Thánh Danh Chúa Giêsu.
Thánh Phaolô xác định: “Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng Đức Giêsu Kitô là Chúa” (x. Pl 2:9-11). Lòng sùng kính Thánh Danh Chúa Giêsu phổ biến trong các đan viện Xitô (Cistercians) từ thế kỷ XII, nhất là qua giáo huấn của thánh Bernardine Siena, tu sĩ Dòng Phanxicô hồi thế kỷ XV.
Thánh Bernardine dùng lòng sùng kính Thánh Danh Chúa Giêsu là cách vượt qua những cuộc chiến gian lao và thường đổ máu, chống lại sự kình địch gia đình hoặc mối thù truyền kiếp (vendettas) ở Ý. Lòng sùng kính này phát triển, một phần do các tu sĩ Dòng Phanxicô và Đa Minh, thậm chí phát triển rộng rãi hơn sau khi các tu sĩ Dòng Tên bắt đầu truyền bá từ thế kỷ XVI.
Năm 1530, ĐGH Clementô V phê chuẩn Lễ kính Thánh Danh Chúa Giêsu cho các tu sĩ Dòng Phanxicô. Năm 1721, ĐGH Innocent XIII mở rộng lễ này cho Giáo hội toàn cầu.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con dùng lòng sùng kính Thánh Danh Chúa Giêsu để chiến thắng trong các cuộc chiến quỷ ma.
Suy niệm 5: Thánh Danh Chúa Giêsu-biểu tượng JHS
Thánh James giúp lan tràn việc sùng kính Thánh Danh Chúa Giêsu.
Chữ IHS được viết tắt từ chữ Jesous, tên bằng tiếng Hy Lạp dành cho Chúa Giêsu: Jesus (Giêsu), Homo (Người), Salvator (Đấng Cứu Thế).
Thánh Bernardine nổi tiếng về lòng sùng kính Thánh Danh Chúa Giêsu, di sản của ngài là biểu tượng IHS, viết tắt 3 từ theo tên Chúa Giêsu bằng tiếng Hy Lạp, bằng chữ Gothic trên một mặt nhật sáng chói (a blazing sun). Từ này thay thế các biểu tượng dị đoan (superstitious symbols) của thời đó, kể cả huy hiệu (insignia) của các bè phái (chẳng hạn Guelphs và Ghibellines).
Lòng sùng kính này lan truyền, và biểu tượng này bắt đầu xuất hiện trong các nhà thờ, các gia đình và các tòa nhà chung. Sự chống đối nổi lên từ những người cho đó là sự đổi mới nguy hiểm (dangerous innovation). Người ta kiện cáo ngài 3 lần, nhưng ngài đã chứng minh bằng sự thánh thiện, sự chính thống và sự thông minh.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con chớ kêu tên Chúa một cách vô cớ kẻo lỗi phạm điều răn thứ hai.
Suy niệm 6: Tệ nạn xã hội
Ðể chống với tệ nạn xã hội về số phân lời quá cao, Thánh James thiết lập một tổ chức gọi là "montes pietatis".
Đó là một tổ chức bất vụ lợi để cầm đồ với lãi suất thật thấp. Dĩ nhiên, các tay cầm đồ ác đức không hài lòng với tổ chức này, nên đã hai lần họ thuê người đến giết ngài, nhưng cứ mỗi lần đối diện với ngài là các hung thủ đều quên hết dự tính ở trong đầu.
Bổn phận giữ đức công bình thật đáng lưu tâm đặc biệt cho thời đại chúng ta được đánh dấu bằng “tệ nạn của các xã hội giàu có ngày nay trong đó người giàu luôn được giàu có hơn, vì sự giàu có phát sinh thêm sự giàu có, còn người nghèo lại luôn trở nên nghèo hơn, vì sự nghèo khó có chiều hướng tạo nên những cái nghèo khác. Tệ nạn này không chỉ tồn tại bên trong các quốc gia khác nhau: nó còn có tầm vóc vượt ra xa ngoài phạm vi biên giới… Thật ra, chính tình liên đới phải được triển nở trong thế giới, để chiến thắng được tính vị kỷ của con người và của các quốc gia (Đức Gioan-Phaolô II, 04.11.2000).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con nhớ rằng càng sống bác ái chúng con càng dễ sống công bình.